Cách Buôn Ma Thuột khoảng 50km về phía Tây Bắc là Bản Đôn - một địa danh nổi tiếng của Đăk Lăk với đàn voi nhà làm du lịch.
Cách Buôn Ma Thuột khoảng 50km về phía Tây Bắc là Bản Đôn - một địa danh nổi tiếng của Đăk Lăk với đàn voi nhà làm du lịch.
Bản Đôn đón chúng tôi với những hàng me xanh ngắt, thấp thoáng những chùm trái chín cuối mùa trong cái nắng oi ả. Thời điểm này đã là đầu mùa mưa Tây Nguyên nhưng mưa đâu đó ngoài Buôn Ma Thuột, còn nơi đây vẫn khô hạn, sông Sêrêpôk cạnh bản nhiều đoạn trơ đá. Hai bên con đường nhựa từ Buôn Ma Thuột vào đây qua thị trấn Buôn Đôn nhìn ra cửa xe có thể thấy những vạt đất thẫm đỏ khô khốc, hoa màu khô héo đang chờ mưa đến. Rừng hai bên đường đang lùi xa dần, chỉ còn lại những vạt đất lưa thưa cây dại. Nhà cửa, các khu dân cư thi nhau mọc lên, đại ngàn giờ đã đông đúc lắm.
|
Đàn voi làm du lịch ở Bản Đôn |
Đó là một buôn làng như mọi buôn làng trên đất Tây Nguyên này, với những ngôi nhà sàn gỗ dài có, ngắn có, ngăn nắp hai bên đường, nhiều nhà chạm trổ hoa văn ở cửa, ở đầu hồi rất độc đáo; có nhà có những cột to cả vòng tay ôm mà chỉ nơi đây với voi - những cỗ máy kéo di động mới đưa được từ rừng già về để dựng nên. Đặc biệt có một ngôi nhà cổ mà người bạn làm báo địa phương đi cùng nhất định phải đưa tôi đến xem. Đó là ngôi nhà của Khun Yu Nốp, một huyền thoại săn voi nổi tiếng của Bản Đôn, người trong cuộc đời mình từng bắt và thuần dưỡng khoảng 170 con voi rừng trong đó có một con voi trắng (bạch tượng) mang tặng vua Thái Lan và được vị vua này ban danh hiệu Khun Yu Nốp nghĩa là “vua voi”. Ngôi nhà trăm tuổi công phu này nghe nói trước kia có 3 gian, nay chỉ còn 2, khá rộng rãi, làm bằng gỗ danh mộc của rừng già Buôn Đôn, ngay cả mái lợp nhà cũng đẽo từ những tấm gỗ quí. Cùng với ngôi mộ của vua voi gần đó, ngôi nhà này là một địa điểm du lịch nổi tiếng với rất nhiều du khách đến thăm hằng ngày.
Nhìn những ngôi nhà sàn thanh bình trong nắng sớm ở Bản Đôn, ít ai nghĩ rằng nơi đây đã từng có một quá khứ huy hoàng. Nằm cạnh con sông Sêrêpôk hùng vĩ chảy ngược sang đất Campuchia, rất nhiều người Lào khi ngược dòng sông buôn bán đã chọn vùng đất ven sông tươi đẹp này để định cư lâu dài và đặt tên là Bản Đôn, theo tiếng Lào nghĩa là “làng đảo”. Sông Sêrêpôk tại khúc cua này đã tạo nên một cụm đảo lớn ven bờ. Nơi đây một thời từng là thủ phủ của Đăk Lăk, người Pháp sau này mới chuyển trung tâm hành chính về Buôn Ma Thuột rộng rãi hơn. Đến Bản Đôn hôm nay có thể thăm các đảo này trong Khu du lịch Cầu Treo, các đảo nối với nhau bằng những chiếc cầu treo lắc lư buộc trên thân một cây gừa lâu năm. Bản Đôn hiện nay vẫn còn rất nhiều người Lào sinh sống, thành một tộc của đại gia đình Việt Nam, xen lẫn với người Êđê, M’nông bản địa; rất nhiều người thông thạo tiếng Lào lẫn tiếng Thái.
Là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Đăk Lăk, Bản Đôn có rất nhiều thứ để thăm thú, chẳng hạn đi thăm khu du lịch thác Bảy Nhánh, thăm hồ Đăk Min, dạo Vườn quốc gia Yok Đôn, mua thang thuốc ngâm rượu “chính hiệu A Ma Công” - tên của một thợ săn và thuần dưỡng voi rừng trứ danh nơi đây vốn là cháu 3 đời của vua voi Khun Yu Nốp với lá cây Trơng mọc đâu đó trong rừng Bản Đôn, nghe nói uống vào “công lực luôn dồi dào”, bất chấp thời gian lẫn tuổi tác. Nhưng đâu chỉ có thế, Buôn Đôn nổi tiếng cả Đăk Lăk về voi. Đây chính là quê hương của những người săn bắt và thuần dưỡng voi rừng danh vang một thời của Việt Nam; chỉ duy nhất nơi đây mới có voi rừng thành vật nuôi hiền lành trong nhà, không phải một hai con voi mà có cả đàn voi nhà. Đến để xem voi giúp con người làm công việc nhà hằng ngày; xem hội đua voi độc đáo trong năm.
Người đưa chúng tôi trên lưng voi đi lòng vòng trong bản hôm đó là Y Sơn với con voi chừng 30 tuổi. Đó là một con voi cái, lông đen, Y Sơn được thừa hưởng từ cha của ông, Y Sơn bảo nhà anh có 2 con, con già hơn là voi đực, đây là những con voi rừng được bắt về thuần dưỡng từ nhỏ. Một con voi như vậy theo Y Sơn có tuổi thọ chừng 70 - 80 năm, là tài sản quí của gia đình, tùy theo độ tuổi lớn nhỏ mà mỗi con voi có giá khác nhau, thông thường cũng trên trăm triệu đồng “Nhà không bán nên không biết giá nhưng voi giờ còn ít nên quí lắm” - Y Sơn nói. To lớn hùng dũng nhưng con voi của Y Sơn rất nghe lời, khi vượt sông Sêrêpôk, con voi đã “biểu diễn” cho chúng tôi xem màn hút nước sông phun lên trời như mưa khá thú vị.
VIẾT TRỌNG