Hơn 10 năm trước, có câu chuyện đáng kinh ngạc về việc người Cà Mau có ý tưởng xây dựng một Đà Lạt thu nhỏ bằng nguồn tiền khổng lồ từ những vụ tôm trúng đậm… Còn người dân xứ núi lại cứ ngẩn ngơ nhìn cảnh những cánh đồng cói bất tận, những ruộng lúa chín nhuộm vàng đến tận chân trời...
Hơn 10 năm trước, có câu chuyện đáng kinh ngạc về việc người Cà Mau có ý tưởng xây dựng một Đà Lạt thu nhỏ bằng nguồn tiền khổng lồ từ những vụ tôm trúng đậm… Còn người dân xứ núi lại cứ ngẩn ngơ nhìn cảnh những cánh đồng cói bất tận, những ruộng lúa chín nhuộm vàng đến tận chân trời, hay những con rạch chằng chịt, những đầm sen ngạt ngào hương sắc… trên tivi hoặc tranh ảnh…
|
Đường bay Đà Lạt - Cần Thơ - Đà Lạt đang ngày càng thu hút khách |
Xem người sông nước làm du lịch
Chiếc cano nhỏ lao vun vút từ bến Năm Căn vào tận cùng Mũi Cà Mau trên vùng nước đậm màu phù sa, đi qua những làng chài, rừng đước, rồi lại làng chài, rừng đước nối tiếp nhau. Có những con thuyền nhỏ, những cây cầu khỉ bất chợt lọt vào ống kính, cộng với những vạt nắng loang loáng trên mặt nước… khiến những khuôn hình trở nên sống động đến không ngờ. Thỉnh thoảng, có chú cò kiếm ăn trên mặt nước giật mình sải cánh bay lên càng khiến cho những vị khách lạ từ vùng đất cao nguyên thêm phấn khích. Đất Mũi chợt mưa, chợt nắng nên vùng biển tận cùng Tổ quốc như được bao phủ bởi một màn sương mờ nhẹ. Bữa ăn trưa với các sản vật đồng quê ở điểm du lịch sinh thái Mũi Cà Mau là cá nướng, nghêu hấp…, nhấm nháp với rượu nho rừng, mà dân xứ này gọi là giác… cùng với món tráng miệng bằng đu đủ và chuối cau “của nhà trồng” được hưởng ứng nhiệt tình. Chị Sợ - chủ nhà và con trai chính là người phục vụ bữa ăn, cho biết: Gia đình có khoảng 7 vuông nước nuôi trồng thủy sản tự nhiên gồm cá, vọp, sò, cua… Chị mới làm du lịch sinh thái từ hè 2014. Được 3 tháng, chồng chị khăn gói đi du lịch để học kinh nghiệm. Khách đến nhà chị chưa đều, lúc nhiều nhất đón khoảng 100 khách…
* Ông Lê Minh Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cần Thơ: Cần Thơ có đặc trưng du lịch sông nước. Làm sao để khách đến nhiều, ở lại nhiều ngày là nỗ lực của ngành du lịch và chính quyền Cần Thơ. Cần Thơ đã đầu tư hạ tầng du lịch tương đối đồng bộ hơn so với các địa phương khác trong vùng, là nơi tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế với các chuỗi sự kiện, các lễ hội dân gian và ẩm thực truyền thống… Như, lễ hội trong dịp 30/4 vừa qua, đã thu hút 18 tỉnh thành với 160 ngàn lượt khách. Cần Thơ cũng là đầu mối giao thông của vùng ĐBSCL.
* Ông Vưu Chấn Hùng - Chủ tịch, TGĐ Cty Du lịch Cần Thơ: Ngoài Cty Vietravel, Cty Du lịch Cần thơ cũng được UBND tỉnh Cần Thơ chỉ đạo tìm lượng khách đi Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên. Để hỗ trợ cho các cty lữ hành Đà Lạt tổ chức đưa khách đến Cần Thơ, thì tất cả những gì chúng tôi đã có, như khách sạn, hướng dẫn viên… chúng tôi sẽ hỗ trợ. Đồng thời, chúng tôi sẽ vận động hiệp hội, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ đường bay để nâng tần suất lên mỗi tuần 3 chuyến như mong muốn của lãnh đạo 2 tỉnh.
* Ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Thường trực HHDL ĐBSCL: ĐBSCL đã có liên kết du lịch Cần Thơ - Kiên Giang - Lâm Đồng, đường bay làm cho liên kết đặc sắc hơn. Người miền tây chỉ thích đến 2 nơi là Vũng Tàu để tắm biển và có lên núi thì đi Đà Lạt. Mục tiêu của chúng tôi là kết nối để Cần Thơ trở thành vùng trọng điểm, trong đó, trọng điểm kết nối giao thông là điều quan trọng nhất. Tài nguyên du lịch của 2 vùng rất khác biệt, là lợi thế để phát triển sản phẩm đặc thù. Hiệp hội ĐBSCL sẽ cố gắng xây dựng sản phẩm thật tốt để thu hút du lịch và sử dụng đường bay là đường giao thông chiến lược của 2 địa phương.
TIỂU VÂN ghi
|
Loại hình du lịch như anh chị đang làm chưa nhiều ở vùng Đất Mũi này, nhưng anh chị biết sắp tới sẽ rất phát triển, vì vậy, anh đi học hỏi kinh nghiệm và tham khảo những cách làm hay hơn, để phục vụ du khách tốt hơn… Sau bữa ăn, Kiên - con trai chị Sợ dẫn khách lên bè đi chơi vuông, thăm bẫy cua và bắt ốc. Các vuông được bao bọc bởi cây đước và dây giác leo chằng chịt, phủ bóng xuống mặt nước. Mỗi cái bẫy nhấc lên mà có một chú cua nằm đó là cả đoàn khách ào lên thích thú. Cậu chủ nhà liên tục tạo cảm giác mới bằng cách hướng dẫn khách bắt ốc đang bám vào những chùm rễ đước, hoặc giới thiệu những loại cây mọc lẫn đước trong vuông… Có một đoàn khách khác đang đi thu hoạch “chiến lợi phẩm” để làm bữa trưa. Kiên cho biết, nhiều đoàn khách thích như thế, họ đi thăm vuông trước, nhặt cua, bắt ốc mang về rồi mới nấu ăn…
Khi đến Bạc Liêu, chúng tôi được chính những chàng công tử Bạc Liêu thời hiện đại giới thiệu rành rọt về 6 điểm nhấn của du lịch Bạc Liêu, thuyết minh chi tiết từng công trình, thời điểm nào trong ngày sẽ nhìn được công trình đẹp nhất, chẳng hạn như nhà hát 3 nón lá thì phải nhìn ban ngày, còn biểu tượng đờn ca tài tử Nam bộ là chiếc đàn kìm thì phải ngắm vào ban đêm, công trình điện gió thì nên thăm vào lúc trời trong xanh… Ở Hà Tiên, chúng tôi lại bất ngờ với một kiểu thu hút khách rất đặc trưng. Sân khấu “Hát với nhau” nằm giữa chợ… do Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch Kiên Giang tổ chức. Ngoài lực lượng chính là nhạc công và 1-2 ca sĩ kiêm MC, thì du khách, người dân và cả những người bán hàng đều có thể làm ca sĩ. Cùng với việc đưa thực đơn cho khách chọn món, chủ quán hỏi: “Anh/chị có muốn “ca” không, em mời MC đến?”. Rồi nhân lúc khách đã yên vị, cô bé bán hàng xin phép chị chủ: “Cho em ca một bản!”. Mấy vị khách đang nâng lên đặt xuống, cụng ly côm cốp, một người đứng vụt dậy: “Đến lượt tao ca rồi!”… Bản nhạc nào có thể khiêu vũ được thì mọi người cứ việc dắt nhau ra “sàn”… Bất kể là nhạc tân nhạc, cổ nhạc… đều có thể trình diễn một cách rất tự nhiên… Chương trình này đã diễn ra 2 năm nay, kể từ khi khu chợ mới của thị xã Hà Tiên hoạt động và được duy trì đều đặn hằng đêm từ 8 giờ đến 11 giờ. Cứ như thế… ai cũng có thể được hát, được nghe hát, được xem hát, được khiêu vũ trong lúc đi dạo quanh chợ, mua sắm hoặc ăn uống. Điều độc đáo là vào ban ngày, sân khấu biểu diễn chính là nơi làm việc của Tổ bảo vệ trật tự, còn chỗ ngồi của khán giả là bãi để xe… Cũng là thưởng thức âm nhạc như nhiều vùng miền khác, ở Cần Thơ, du khách có thể mời các nhóm đờn ca tài tử đến biểu diễn phục vụ hoặc giao lưu. Không ai có thể làm ngơ khi giọng ca ngọt ngào, trong trẻo cất lên…
Triển vọng từ đường bay Đà Lạt - Cần Thơ
Nhưng, dù có những đặc sắc rất riêng của miền sông nước, doanh thu từ dịch vụ du lịch của toàn vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) rất thấp. Trong những lý do được nhận định có giao thông cách trở, đi lại khó khăn. Chẳng hạn, từ Tây Nguyên đến thẳng các tỉnh ĐBSCL chỉ có đường bộ với thời gian ít nhất cũng trên 10 giờ đồng hồ. Theo như lời Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch (HHDL) ĐBSCL - ông Lê Thanh Phong: “Mặc dù phía Cần Thơ đã tìm cách xúc tiến đường bay lên Tây Nguyên 5 năm nay, nhưng chỉ đến khi chính quyền tỉnh Lâm Đồng vào cuộc từ đầu tháng 4/2015, thì chưa đầy 1 tháng, ngày 23/4, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác phát triển đường bay Cần Thơ - Đà Lạt giữa UBND TP Cần Thơ, UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Du lịch Vietravel và Công ty Dịch vụ bay hàng không Vasco; và cũng chưa đầy 2 tuần sau, chuyến bay đầu tiên đã thành sự thật”. Ngày 7/5 đường bay Đà Lạt - Cần Thơ - Đà Lạt chính thức được khai trương, mở ra một triển vọng mới giữa hai vùng miền, chỉ mất khoảng 1 giờ bay. Đây là đường bay lịch sử và có thời gian kết nối nhanh nhất từ trước tới giờ. Trong 3 tháng thử nghiệm, từ ngày 7/5/2015 đến ngày 6/8/2015, Công ty Du lịch Vietravel tổ chức bay thuê chuyến với tần suất 2 chuyến khứ hồi mỗi tuần vào các ngày thứ năm và chủ nhật bằng máy bay ATR72, 67 chỗ, có sự hỗ trợ kinh phí của Công ty Dịch vụ bay hàng không Vasco, UBND thành phố Cần Thơ, UBND tỉnh Lâm Đồng, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, với mức giá mỗi vé 999 ngàn đồng. Sau đó, nếu thị trường ổn định thì hãng hàng không Vasco sẽ mở các chuyến bay thường lệ và tăng thêm tần suất bay.
Trong buổi lễ khai trương, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel đã xúc động chia sẻ: “Đây là sự lãng mạn tuyệt vời của những người làm du lịch. Chúng tôi vinh dự được thực hiện sứ mệnh của người mở đường. Hy vọng đường bay này sẽ khai thác thành công nhờ sự chung tay góp sức của các hãng lữ hành”... Điều này không chỉ mở ra cơ hội giao thương trong vận chuyển hành khách, hàng hóa mà còn là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thị trường du lịch giữa hai địa phương, góp phần giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế giữa 2 vùng miền… Đường bay Đà Lạt - Cần Thơ không những kết nối 2 tỉnh mà còn kết nối hành khách từ 2 cửa ngõ hàng không. 9 tỉnh hữu ngạn sông Cửu Long sẽ sử dụng đường bay Cần Thơ để đến Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên; người dân Tây Nguyên có thể sử dụng đường bay từ Đà Lạt để đến ĐBSCL, Phú Quốc hoặc Côn Đảo... Đường đi không ngắn hơn, nhưng thời gian chỉ bằng đọc xong một tờ báo. Bán kính từ Cần Thơ đến các nơi xa nhất trong vùng thêm 4 giờ đồng hồ ngồi ôtô nữa… Thế là người Tây Nguyên thỏa mãn ước mơ thưởng thức những phong cảnh tuyệt vời của miệt sông nước! Và người dân sông nước dễ dàng tự mình trải nghiệm và khám phá Đà Lạt một cách thoải mái và trọn vẹn.
LÊ HOA