(LĐ online) - Đó là quần thể Di tích quốc gia gồm thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Di tích có cách đây tròn 130 năm, gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Vua Hàm Nghi (năm 1885).
(LĐ online) - Đó là quần thể Di tích quốc gia gồm thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Di tích có cách đây tròn 130 năm, gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Vua Hàm Nghi (năm 1885).
Cách thành phố Hà Tĩnh về hướng tây bắc gần 50 km là quần thể Di tích quốc gia. Tiếp chúng tôi là cụ Phan Đình Hiền, gần 80 tuổi, người làm nhiệm vụ tế lễ (gọi là cố đạo). Cố đạo được chọn hàng năm, từ tiến cử của các bô lão trong làng và xin keo. Là người hiểu biết phong tục thờ thần, tin kính bề trên, đọc bài cúng hay; gia phong, vợ đang thượng tại. Kết nối sử sách cùng giới thiệu của cố đạo Phan Đình Hiền, chúng tôi trở về với huyền sử lung linh, dâng đầy cảm khái. Xin trân quý gửi đến bạn đọc Báo LamDong Online.
Năm Ất Dậu (1885), kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng các triều thần xuất bôn, khởi hịch Cần Vương, đạo ngự đến Tân Sở, Quảng Trị, sau đó di chuyển ra Hương Khê, Hà Tĩnh. Tại Hương Khê, vua Hàm Nghi và quần thần xây dựng thành Sơn Phòng và ban bố hịch Cần Vương lần hai, kêu gọi nhân dân đánh giặc cứu nước. Trong đó có chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng ở huyện Đức Thọ và Cao Thắng ở huyện Hương Sơn trở thành những thủ lĩnh nổi tiếng của phong trào Cần Vương.
Thành Sơn Phòng xây dựng vào tháng 6/1885, bằng đất, hình chữ nhật, có diện tích 4.200m2 (210 x 200m), cao 2,1 m, chân thành rộng 9 m, mặt thành rộng 7 m. Hào thành bao bọc rộng 5,5 m, sâu 1,7 m. Thành xây theo hướng tây nam, 4 cổng đối diện nhau, kích thước 8 m. Hiện, các công trình nội thành không còn dấu vết.
|
Thành Sơn Phòng nhìn từ hướng tây nam |
Năm 2010-2011, trung tâm thành Sơn Phòng xây dựng đền thờ Vua Hàm Nghi. Đền được kiến trúc theo lối nhà xưa bằng nhiều gỗ lim, chạm trổ kỳ công. Bên trong là bàn thờ và di ảnh Vua Hàm Nghi thời trẻ với khuôn mặt khôi ngô, đầu chít khăn, thần sắc oai phong, lẫm liệt, đầy tự tin và quyết đoán. Trước cửa đền thờ có 2 con voi đúc bằng đá quý rất đẹp.
|
Cố đạo Phan Đình Hiền và tác giả thắp hương Vua Hàm Nghi |
Đền Trầm Lâm (Rừng Chìm) có tên dân gian là miếu Trăm Năm, là nơi thờ Đức Thánh Mẫu, người có công cứu giúp dân lành địa phương trong chiến tranh chống giặc Minh, giặc Chiêm Thành cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Đền nổi tiếng với câu chuyện Đức Thánh Mẫu báo mộng giúp Vua Hàm Nghi. Đó là đêm 20/9/1885, Vua ngủ lại đền Trầm Lâm thì Đức Thánh Mẫu hiện về báo mộng: “Bọn bạch quỷ (giặc Pháp) đang bao vây, cần định liệu ngay”. Tỉnh giấc, Vua vời các bô lão trong làng Phú Gia vào hỏi chuyện biết được người báo mộng cho mình là nữ thần đền Trầm Lâm. Quả nhiên, sau khi quân Hàm Nghi rút khỏi Sơn Phòng thì giặc Pháp kéo tới truy lùng. Sau đó, Vua thiết triều, giao cho Tôn Thất Thuyết cùng các đại thần vào đền làm lễ tạ và sắc phong nữ thần là “Thượng thượng đẳng tối linh thần”. Cùng đó là những phẩm vật quý như tấm vi bố (áo bào có gắn 35 con lục lạc bằng đồng); 8 bộ áo mũ triều thần bằng nỉ; 20 cờ lộng và tàn quạt; 2 kiếm lệnh lưỡi sắt có cán gỗ chạm hình rồng phượng, ngoài bao đề hai chữ "phụng tự". Đặc biệt, Vua ban 3 con voi, gồm 2 con bằng vàng ròng, nặng 2,7 lượng và 1,7 lượng, vòi buông, tư thế nhàn nhã; 1 con voi bằng đồng có tư thế lâm chiến và 1 con nghê bằng đồng...Tất cả đều uy nghi bởi nét chạm trổ sinh động. Các vật phẩm Vua ban được người dân nghèo Phú Gia kỳ công và trung thành bảo vệ gìn giữ nguyên vẹn suốt 130 năm nay với nhiều câu chuyện li kỳ. Năm nay, các bảo vật này được cố đạo Phan Đình Hiền lưu giữ. (ảnh IMG_1324).
|
Voi vàng, nghê đồng và kiếm lệnh đang được cố đạo Phan Đình Hiền lưu giữ |
Hiện trong đền Trầm Lâm còn lưu giữ đôi liễn khắc do Thái tử Thiếu bảo Nguyễn Chính, nguyên là Tổng đốc Nghệ An cúng: “Linh phù đại địa trung hưng thánh/ Danh trấn nam thiên thượng đẳng thần” và bức hoành do 1 vị Trực cơ khâm sai đại thần cung tiến đề 3 chữ lớn “Muội Thiên Hiện” (người con gái trời giáng xuống trần). Ngoài ra còn có 2 vị thần được thờ vọng là “Mã Hồng Công chúa” và “Thập nhị Thiên Tiên Nương”… (ảnh IMG_4828).
Phía chính diện đền là một hồ nước nhỏ hình bán nguyệt đường kính khoảng 40m. Thành hồ cao khoảng 1,5m, được tạo nên bởi một lớp đá ong viền tự nhiên rất đẹp. Truyền ngôn nhiều đời nay rằng, nước trong hồ có 4 màu sắc theo 4 mùa: mùa xuân nước xanh, mùa hạ nước hồng, mùa thu nước trắng và mùa đông nước đen và đặc biệt chưa ai có thể đo được độ sâu của giếng. Sách “Lễ Chí” của nhà Minh ghi chép: “Đền Trăm Năm (Trầm Lâm) là một trong 6 ngọn nước có tiếng ở An Nam. Năm Hồng Vũ thứ 3 (1370), vua Thái Tổ nhà Minh đã sai sứ sang tế ở đền này”. (ảnh IMG_4824).
|
Giếng ngọc trước đền Trầm Lâm |
Đền Công Đồng nằm phía tây thành Sơn Phòng, là nơi thờ Đại tướng quân chi thần, Dương tướng quân chi thần…Trong đền hiện còn lưu giữ 37 đạo sắc của các vua triều Nguyễn cùng rất nhiều đồ tế lễ cổ sơn son thiếp vàng. Trong đó có một đạo sắc của Vua Hàm Nghi phong cho Hầu Công Kiến Quốc nguyên Huân Dương Chính tướng quân đề Hàm Nghi nguyên niên (Hàm Nghi năm thứ nhất, tháng 9 ngày 25) không có đại triện...
MINH ĐẠO