Doanh nghiệp lữ hành bao giờ vươn xa

08:07, 02/07/2015

Hoạt động trên địa bàn Đà Lạt - một trong những trung tâm du lịch của cả nước, thế nhưng đa số công ty lữ hành "sinh ra" tại đây chủ yếu ngồi chờ khách tới tham quan để nối tour thay vì chủ động thu hút đưa du khách đến du lịch bằng những sản phẩm do mình thiết kế...

Hoạt động trên địa bàn Đà Lạt - một trong những trung tâm du lịch của cả nước, thế nhưng đa số công ty lữ hành “sinh ra” tại đây chủ yếu ngồi chờ khách tới tham quan để nối tour thay vì chủ động thu hút đưa du khách đến du lịch bằng những sản phẩm do mình thiết kế. Thậm chí không một công ty nào có đủ năng lực trực tiếp làm tour du lịch nước ngoài. Đã thế, còn xảy ra tình trạng kinh doanh cạnh tranh thiếu lành mạnh, kéo theo chất lượng dịch vụ kém. 
 
Trong cuộc gặp mặt đại diện các công ty du lịch hoạt động lữ hành do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên chủ trì, một vấn đề nổi lên đáng lo ngại, đó là tình trạng phá giá tour và thiếu năng lực tổ chức tour đi ngoài nước của các đơn vị kinh doanh lữ hành đóng chân trên địa bàn Đà Lạt - Lâm Đồng.
 
Đi thuyền cao su dọc suối. (Ảnh do một công ty lữ hành cung cấp).
Đi thuyền cao su dọc suối. (Ảnh do một công ty lữ hành cung cấp).
Làm ăn nhỏ lẻ
 
Con số hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành tại Lâm Đồng, trong đó có 7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, thoạt nhìn vào, với số lượng này có thể cảm nhận một điều rằng, hoạt động của công ty du lịch lữ hành ở đây tương đối sôi động. Rất nhiều công ty du lịch treo biển du lịch dã ngoại, du lịch mạo hiểm… nằm trên đường Trương Công Định - Đà Lạt khiến con phố này có tên gọi “phố du lịch dã ngoại”. Song thực tế, đa số hoạt động lữ hành của các doanh nghiệp ở Lâm Đồng - phần lớn đóng chân trên địa bàn Đà Lạt với 32 đơn vị - chỉ kinh doanh bằng cách nối thêm một phần tour khi các hãng ngoài tỉnh đưa du khách đến tham quan, hay các nhóm khách lẻ đến du lịch Đà Lạt. Đó là một điều thật đáng tiếc. Trước đây, khi thị trường du lịch chưa sôi động như bây giờ, một vài công ty kinh doanh lữ hành của Lâm Đồng đã từng xây dựng được thương hiệu đối với khách nội địa, kể cả việc chào bán tour, trực tiếp đưa khách đi du lịch nước ngoài. Hiện tại, các hãng ngoài tỉnh đưa khách đến sang lại trọn gói tour tại địa phương với giá hợp lý còn hợp tác, còn nếu chỉ vào vai hướng dẫn viên thì không mặn mà. Còn việc không tổ chức được tour đi nước ngoài, theo một số doanh nghiệp cho hay, vì một phần thị trường khách đi du lịch quốc tế ở Lâm Đồng rất nhỏ, phần số lượng khách không có thường xuyên nên không duy trì uy tín thương hiệu, do đó khách chọn đặt tour với các công ty lữ hành đầu mối ở Tp.HCM. Mặt khác, ngoài một số công ty hoạt động lâu năm, đa số doanh nghiệp lữ hành mới được thành lập, nếu đăng ký hoạt động quốc tế phải ký quỹ với số tiền 500 triệu đồng trong khi tiềm lực còn hạn chế về vốn, khả năng vay khó khăn nên bỏ ngỏ dịch vụ đưa khách đi tour nước ngoài. “Vai trò của lữ hành rất quan trọng, bởi có thể chi phối thị trường du lịch. Nhưng các công ty nhận khách Lâm Đồng đi nước ngoài phải thuê các hãng ở Tp.HCM đưa khách ra các nước. Thực tế đó cho thấy, các công ty chưa chú tâm xây dựng phát triển doanh nghiệp để vươn lên cạnh tranh” - ông Vũ Văn Tư, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Lâm Đồng nhận xét. 
 
Kinh doanh kiểu “rủ nhau cùng chết”
 
Các sản phẩm mà các công ty lữ hành ở Đà Lạt chào mời khách, đó là du lịch mạo hiểm vượt thác, chinh phục đỉnh Langbiang hùng vĩ, dã ngoại, thăm nhà vườn, tìm hiểu văn hóa bản địa gốc Tây Nguyên hay làng nghề truyền thống… Đối tượng mà loại hình du lịch này nhắm đến chủ yếu là các nhóm khách trong và ngoài nước do các hãng lữ hành ngoài tỉnh đưa đến, khách lẻ có nhu cầu khám phá, thử thách sự mạo hiểm. Vì vậy mà hầu hết các công ty hoạt động lữ hành ở Đà Lạt - Lâm Đồng chỉ tổ chức kinh doanh khi có khách đến hay nối tuyến với công ty đưa khách tới Đà Lạt. Chỉ có 3 - 4 đơn vị là có khách đăng ký trực tiếp, còn lại làm ăn nhỏ lẻ nên làm sao tạo được những tour mang nét đặc trưng và có điểm nhấn hấp dẫn đối với du khách. Trong khi đó, khách đến Đà Lạt chọn tour dã ngoại, mạo hiểm là khách tây ba lô, sinh viên học sinh nước ngoài và thường chọn dịch vụ giá rẻ do một nhà cung cấp dịch vụ. Mặt khác, các khách sạn, nhà nghỉ sau khi đón khách đến lưu trú, giới thiệu và bán tour cho các công ty lữ hành, họ chỉ biết mình thu được bao nhiêu, còn không cần quan tâm đến chất lượng dịch vụ du lịch mạo hiểm do các đơn vị cung cấp ra sao. Vì vậy, để có lượng khách đặt tour, giữa các doanh nghiệp lữ hành đã có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Bà Trần Thị Hồng Nhạn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng cho hay, trước đây công ty là đơn vị hàng đầu về kinh doanh lữ hành, song nay có sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp ra sau bằng cách giảm giá tour quá thấp so với giá thiết kế. Cụ thể như tour mạo hiểm vượt thác Datanla có giá trọn gói 65 USD nay các công ty khác sẵn sàng chào giá 25 USD, thậm chí thấp hơn vẫn nhận. Đồng quan điểm này, một cán bộ Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ Đà Lạt cho biết thêm, thực trạng đó là do các công ty lữ hành yếu kém trong xây dựng thương hiệu, đang kinh doanh theo kiểu phá giá. Và khi giá thấp như vậy mà cũng làm được, rõ ràng chất lượng sẽ không đạt yêu cầu. Giám đốc một công ty dã ngoại đóng trên đường Trương Công Định cho biết, công ty hoạt động được hai năm nay và rất muốn ngồi lại cùng các đơn vị khác để đi đến thống nhất mức giá sàn về giá tour dã ngoại trước “vị trọng tài” là đơn vị quản lý. Phải nâng chất lượng tour và giá cao lên chứ không phải ngày càng giảm giá như hiện nay. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên cho rằng: Kiểu kinh doanh với giá nào cũng làm thì các doanh nghiệp lữ hành như “rủ nhau cùng chết”, nên cần ngồi lại xây dựng mức giá chung và thống nhất thực hiện thông qua hiệp hội du lịch lữ hành. Điều đáng buồn, cả tỉnh không có một đơn vị làm lữ hành quốc tế nào, hoạt động bao năm mà không lớn mạnh được. Các công ty lữ hành cần phải sắp xếp, tổ chức lại quy mô hoạt động, củng cố tổ chức hiệp hội để tạo ra sản phẩm tốt.
 
XUÂN TRUNG