Lang Biang phải là điểm du lịch sinh thái đặc sắc

09:07, 09/07/2015

Với Lâm Đồng, Lang Biang là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQ) có quyền kỳ vọng như cách đặt vấn đề của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S hôm đầu tháng 7, rằng: sẽ tăng trưởng đột biến về du lịch, nhất là du lịch quốc tế

Du lịch sinh thái (DLST) luôn gắn với các vườn quốc gia trên thế giới. Theo Liên hiệp thế giới bảo tồn thiên nhiên (IUCN), chức năng của Vườn quốc gia là bảo vệ hệ sinh thái và giải trí ngoài trời. Với Lâm Đồng, Lang Biang là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQ) có quyền kỳ vọng như cách đặt vấn đề của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S hôm đầu tháng 7, rằng: sẽ tăng trưởng đột biến về du lịch, nhất là du lịch quốc tế, như Tràng An của Ninh Bình, Sơn Đoòng của Quảng Bình… 
 
Tiềm năng thế mạnh  
 
Thông điệp Phó Chủ tịch Phạm S gửi các ngành, địa phương liên quan, nhất là ngành văn hóa - du lịch là giá trị của KDTSQ Lang Biang hơn hẳn 8 KDTSQ khác ở Việt Nam. Đó là, nó nằm ngay thành phố du lịch nổi tiếng Đà Lạt; có độ cao nhất và mang các giá trị tổng hợp như đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa… Lâm phần Lang Biang là một mẫu chuẩn sinh thái quốc gia, đặc trưng cho vùng cao nguyên, trở thành một trong số ít các khu rừng nguyên sinh còn lại ở Việt Nam. Chỉ dẫn chứng 2 tuyến DLST đang được Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (gọi tắt là VQG) tổ chức cho thấy đầy những kỳ thú và hấp dẫn. Tuyến thác Thiên Thai, có đến 42 loài chim, trong đó có những loài đặc hữu như Mi Langbiang, Sẻ thông họng vàng…; tuyến Hòn Giao - Giang Ly, du khách sẽ được nhận dạng 5 ngành thực vật với 43 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm như lan, thông hai lá dẹt, pơ mu, trà mi...  
 
Ngoài vùng lõi nằm địa phận huyện Lạc Dương có trục đường lớn nối du lịch biển Nha Trang với du lịch rừng Đà Lạt, KDTSQ Lang Biang rộng tới 275.439ha bởi có vùng đệm và vùng chuyển tiếp thuộc Đà Lạt, các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Đức Trọng, Đơn Dương. Đây là điều kiện để ngành du lịch và VQG phối hợp tổ chức các tour, tuyến, điểm du lịch trong KDTSQ và kết nối với các điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh. Bức tranh DLST của Lâm Đồng, rộng hơn là cả vùng Đông Nam bộ, Trung Nam bộ trở nên hấp dẫn, trong đó một trong những điểm nhấn đặc sắc là Lang Biang. Lang Biang là một quần thể sinh thái đa dạng và phong phú; một không gian sinh tồn với 2 báu vật của thế giới: di sản về vật chất, đó là KDTSQ và di sản về tinh thần, đó là không gian văn hóa cồng chiêng. 
 
Sự tương tác văn hóa giữa chủ và khách làm nên chất lượng sản phẩm du lịch.
Sự tương tác văn hóa giữa chủ và khách làm nên chất lượng sản phẩm du lịch.

Cộng đồng quyết định 
 
Giám đốc VQG Nguyễn Văn Hương hào hứng cho tôi biết: Hướng đi của VQG là bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn. Theo đó, quan tâm đến đời sống của cư dân sống trong và quanh VQG. Đây là một trong những tiêu chí đã thuyết phục được Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển (ICC MAB) của UNESCO. Trong nhiều chương trình, dự án của nước ngoài giúp đỡ VQG, tôi rất tâm đắc đến Dự án “Tăng cường năng lực quản lý dựa vào cộng đồng cho VQG Bidoup - Núi Bà” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, tổ chức JICA và Ban quản lý VQG thực hiện. Có Dự án JICA song hành là sự hơn hẳn về mặt quản lý so với 8 KDTSQ ở Việt Nam, đó là khẳng định của Phó Giám đốc VQG Đỗ Văn Ngọc. Mục tiêu của Dự án này là nâng cao năng lực để có thể quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và tạo nguồn thu cho cộng đồng nhằm giảm áp lực lên nguồn tài nguyên rừng. Dự án có 3 hợp phần chính: quản lý hợp tác; cải thiện sinh kế thân thiện với môi trường và DLST dựa vào cộng đồng. Dự án trang bị kiến thức và cách thức khai thác thế mạnh của cộng đồng để người dân bản địa tham gia làm du lịch. Đó là các lớp tập huấn múa cồng chiêng, dệt may thổ cẩm, kỹ năng giao tiếp với khách, diễn giải tại điểm tham quan, các tuyến du lịch như thác Thiên Thai, Langbiang, Bidoup, study tour, xem chim, thăm làng Đưng Iar Jiêng, tour dệt thổ cẩm - sản xuất trồng cà phê tại Đa Nhim, tour tham quan, cắm trại thác Thàm Thàm sau núi Lang Biang. Chất lượng sản phẩm du lịch do cộng đồng cư dân bản địa và du khách cùng tạo nên, thông qua quan hệ tương tác văn hóa giữa khách và chủ. Trong đó, cộng đồng cư dân quản lý điều hành và hình thức hoạt động du lịch đặt trên nền tảng môi trường thiên nhiên. 
 
Giám đốc Trung tâm DLST và Giáo dục môi trường của VQG Nguyễn Lương Minh cho biết: Lượng khách đến tham quan VQG năm 2013 so năm 2012 tăng gần 95%; năm 2014 so năm 2013 tăng gần 31% với 6.800 lượt và 6 tháng đầu năm 2015 đã đạt 4.200 lượt khách, tăng 114% so với cùng kỳ. Trong số đó, 30% khách quốc tế và 50% là học sinh, sinh viên.  
 
Lang Biang vừa là quần thể sinh thái đa dạng vừa là không gian văn hóa đặc sắc
Lang Biang vừa là quần thể sinh thái đa dạng vừa là không gian văn hóa đặc sắc

Một triệu du khách đến Vườn?
 
Ông Nguyễn Lương Minh cũng cho biết, kế hoạch phát triển DLST của VQG đang tiếp tục tích cực hướng đến phát triển đa dạng hoạt động; nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến; nối dài tour tham quan khám phá; khảo sát và phát triển tour du lịch tiềm năng mới; phát triển sản phẩm lưu niệm từ cộng đồng... Cụ thể hơn, đó là khảo sát, tập huấn và mở tuyến du lịch study tour; tuyến đi xe đạp Đa Đum II vào Trung tâm Du khách; tuyến DLST thác Gừng đến cây Pơmu 1.300 năm tuổi; tuyến đa dạng sinh học Hòn Giao và Giang Ly. Cùng đó là kết nối, đón các đoàn Fam trip khảo sát tham quan tại VQG; quảng bá và marketing bằng nhiều hình thức đa dạng... Đối tượng nhắm đến trước hết là các đơn vị kinh doanh lữ hành, nhà hàng, khách sạn và trường học.  
 
Hiện, VQG đang tập trung hoàn thành công trình Vườn thực vật tiêu chuẩn quốc tế phục vụ Festival Hoa Đà Lạt 2015. Vườn tích hợp các mục tiêu bảo tồn ngoại vi, nghiên cứu khoa học, diễn giải môi trường và du lịch theo Biên bản ký kết giữa VQG với Quỹ các Vườn thực vật hoàng gia Úc và Viện Bảo tồn thực vật quốc gia Brest nước Pháp. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới VQG Tôn Thất Minh cho biết: Giai đoạn 1 xây dựng 5ha, trồng khoảng 1.000 loài, bao gồm các loài đặc hữu, các loài quý hiếm của địa phương và nhập từ các nước. Chỉ tiêu của VQG trong năm 2015 là đón trên 7.800 lượt khách, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng.
 
Trong điều kiện còn hạn chế tài chính, để DLST phát triển cần lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là hợp tác quốc tế. Mặt khác, tạo điều kiện để kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) vào các dịch vụ phù hợp. Tháng 12/2012, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết  định 2675 phê duyệt kết quả quy hoạch phát triển DLST tại VQG giai đoạn 2013-2020 là định hướng thuận lợi để các ngành, địa phương dốc lòng vào cuộc. Phát triển DLST phải đảm bảo hiệu quả kinh tế bền vững theo hướng sử dụng (không tiêu thụ) các dịch vụ hệ sinh thái, chia sẻ lợi ích cộng đồng. Hiệu quả của DLST phải góp phần tích cực cho các hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa... 
 
Tuần trước, Giám đốc VQG Nguyễn Văn Hương đã thông qua kế hoạch tuyên truyền quảng bá và công bố danh hiệu KDTSQ Lang Biang từ nay đến Festival Hoa 2015. Phó Chủ tịch Phạm S chỉ đạo ngành du lịch và truyền thông tỉnh phối hợp với VQG bắt đầu triển khai từ trong tháng 7. Trả lời phỏng vấn Báo Lâm Đồng, tiến sĩ Phạm S cho rằng: “KDTSQTG Lang Biang được UNESCO công nhận là tiền đề để Lâm Đồng phát triển bền vững thông qua việc khai thác các giá trị tổng hợp của dịch vụ hệ sinh thái mà trọng tâm là phát triển du lịch và dịch vụ, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch, đào tạo, nghiên cứu khoa học của cả nước, là trung tâm nghiên cứu quốc tế về rừng nhiệt đới...”. 
 
Được biết, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đồng ý về chủ trương cho VQG liên kết với công ty cổ phần du lịch lập dự án xây dựng Bidoup - Núi Bà Safari với nguồn vốn xã hội hóa 200 tỷ đồng. Nhiều điều kiện khách quan đã có, nhưng phát triển DLST tại các VQG ở Việt Nam nói chung, Bidoup - Núi Bà nói riêng còn nhiều thách thức. Để mục tiêu đến năm 2020 đạt gần 1 triệu du khách đến tham quan VQG, ngành du lịch tỉnh và Ban quản lý, các tổ chức chuyên môn của KDTSQ Lang Biang nhanh chóng hành động tích cực và đồng bộ.
 
MINH ĐẠO