Nâng cao chất lượng để thu hút khách du lịch đến Lâm Đồng

09:07, 09/07/2015

Du lịch Lâm Đồng, đặc biệt là Đà Lạt có vị trí nổi bật trong bản đồ các điểm đến của du lịch Việt Nam. Trong những năm qua, ngành du lịch tiếp tục phát triển, lượng khách du lịch qua các năm đều tăng. Tuy nhiên, chất lượng và tính cạnh tranh của du lịch Đà Lạt so với một số địa phương khác đi sau đang là bài toán đặt ra cho ngành du lịch cũng như những người yêu quý Đà Lạt...

Du lịch Lâm Đồng, đặc biệt là Đà Lạt có vị trí nổi bật trong bản đồ các điểm đến của du lịch Việt Nam. Trong những năm qua, ngành du lịch tiếp tục phát triển, lượng khách du lịch qua các năm đều tăng. Tuy nhiên, chất lượng và tính cạnh tranh của du lịch Đà Lạt so với một số địa phương khác đi sau đang là bài toán đặt ra cho ngành du lịch cũng như những người yêu quý Đà Lạt. Lời giải của bài toán này là cách tiếp cận đa chiều để tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của du lịch Lâm Đồng. 
 
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và có tính xã hội hóa cao, do đó tính cạnh tranh của du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Dưới góc độ kinh tế du lịch, hiệu quả của ngành du lịch không chỉ dựa vào số lượng khách đến hay tỷ lệ khách quay trở lại mà chủ yếu được đánh giá qua các chỉ số như: đối tượng, thời gian lưu trú bình quân, chi tiêu bình quân của khách và đóng góp của du lịch vào cơ cấu GDP, nghĩa là chú trọng về yếu tố chất lượng.
 
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tính cạnh tranh của ngành du lịch được xác định bởi các chỉ số cơ bản: đóng góp của du lịch vào GDP, thu nhập từ khách du lịch, thời gian lưu trú qua đêm, giá trị xuất khẩu dịch vụ du lịch, năng suất lao động, sức mua và giá cả dịch vụ du lịch, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, tài nguyên văn hóa, mức độ thỏa mãn của du khách và chương trình hành động của chính quyền và ngành Du lịch. Ngoài ra còn có một số chỉ số khác như: nguồn nhân lực, mức độ kết nối hàng không và các phương tiện khác, phân bổ ngân sách nhà nước dành cho ngành du lịch, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch... 
 
Sức thu hút khách du lịch lại liên quan đến mức độ đáp ứng các nhu cầu về khám phá những vùng đất mới lạ, tìm hiểu những nền văn hóa độc đáo, trải nghiệm những lối sống khác nhau… của đối tượng. Đối với các nước phát triển, du lịch là một nhu cầu thiết yếu, họ dành nhiều thời gian, tiền bạc cho du lịch vừa để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa để khám phá những điều mới lạ, tăng thêm vốn sống và mở rộng tầm hiểu biết cho mình. Trên cơ sở các nhu cầu đặt ra, khách du lịch sẽ chọn điểm đến phù hợp nhất.
 
Tham chiếu những yếu tố nêu trên, Du lịch Lâm Đồng, nhất là Đà Lạt có những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học với khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiều danh lam thắng cảnh đã trở thành thương hiệu nổi tiếng; tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú, mà cốt lõi là văn hóa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, cùng với đó là di sản kiến trúc đa dạng và độc đáo. Hơn nữa, du lịch Đà Lạt đã trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả quốc tế; dịch vụ du lịch khá phát triển, cơ bản đáp ứng được nhiều loại đối tượng; khách du lịch không ngừng tăng lên, nếu cả giai đoạn 2005-2010 đạt 11.963.000 lượt khách thì chỉ riêng năm 2014 đã đạt khoảng 4,8 triệu lượt khách; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch gần đây được đầu tư phát triển... Tuy nhiên, một số chỉ số quan trọng khác lại chưa thực sự nổi bật như: số lượng khách du lịch đến Lâm Đồng hàng năm tăng bình quân từ 8-10%/năm nhưng chủ yếu là khách bình dân đi theo đoàn, thời gian lưu trú ngắn (bình quân 2,4 ngày - đêm), khả năng chi trả các dịch vụ thấp (khoảng 1,8 triệu đồng/khách), giá trị thặng dư chưa cao; trong khi đó đối tượng có khả năng chi trả cao, khách quốc tế còn chiếm tỷ lệ thấp; đóng góp của du lịch vào cơ cấu GDP còn hạn chế, chưa khẳng định được vai trò động lực, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển; giá trị xuất khẩu dịch vụ du lịch không đáng kể, năng suất lao động ở mức độ trung bình; sức mua và giá cả dịch vụ du lịch, mức độ thỏa mãn của du khách…vẫn còn khiêm tốn... Nguyên nhân có nhiều nhưng đáng quan tâm nhất là dịch vụ du lịch chất lượng cao phát triển còn chậm; hàng hóa, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp, chưa hấp dẫn du khách; hoạt động du lịch chưa đáp ứng được cả mục tiêu du lịch, tham quan và mục tiêu công việc (trong khi các nơi khác đã chú ý đầu tư phát triển đồng đều cho các mục tiêu này); công tác quy hoạch du lịch chưa đồng bộ, thiếu điểm nhấn; các dự án đầu tư vào du lịch còn dàn trải, thiếu những dự án lớn, tiến độ thực hiện chậm; việc bảo tồn, khai thác danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch hiệu quả chưa cao, tình trạng xuống cấp còn xẩy ra; công tác quản lý các hoạt động liên quan đến du lịch chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả; môi trường du lịch có lúc, có nơi chưa thực sự lành mạnh; hệ thống hạ tầng du lịch, nhất là giao thông còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch chất lượng cao… Đó là những yếu tố liên quan đến chất lượng và tính cạnh tranh của du lịch Lâm Đồng.
 
Phương hướng khắc phục hiện nay là phải nâng cao chất lượng du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của du khách có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng. Chiến lược phát triển du lịch phải nằm trong tổng thể của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như chiến lược phát triển du lịch của vùng và cả nước, tham gia vào các mối liên kết, chuỗi giá trị. Điều này đòi hỏi phải giải quyết hàng loạt vấn đề bất cập, mâu thuẫn phát sinh để tạo ra động lực phát triển mới có tính đột phá. Trước mắt, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số việc như: Đề cao trách nhiệm của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp trong việc phát triển du lịch; tăng cường quản lý giá cả, công khai niêm yết giá, đảm bảo chất lượng dịch vụ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; bảo đảm trật tự an ninh, an toàn, ứng xử văn minh, lịch sự với khách, phát động phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ, giúp đỡ, tạo hình ảnh đẹp đối với khách du lịch; đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra các hoạt động du lịch…
 
Sự phát triển của du lịch phụ thuộc rất nhiều vào nhiều yếu tố, ngoài quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan, sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức, đòi hỏi sự tích cực, năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, sự đồng cảm và tự giác tham gia của cộng đồng dân cư, du khách và sự đồng hành của các cơ quan thông tin truyền thông… để du lịch Lâm Đồng khẳng định thương hiệu vốn được khách du lịch trong và ngoài nước yêu mến nhưng đã bị suy giảm trong những năm gần đây. 
 
KHÁNH LINH