Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch - dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015, Huyện ủy Cát Tiên đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/HU và Kết luận số 117-KL/HU về một số chủ trương, định hướng lớn phát triển kinh tế - xã hội huyện Cát Tiên đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, Cát Tiên sẽ chuyển sang hướng phát triển du lịch - dịch vụ.
Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch - dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015, Huyện ủy Cát Tiên đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/HU và Kết luận số 117-KL/HU về một số chủ trương, định hướng lớn phát triển kinh tế - xã hội huyện Cát Tiên đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, Cát Tiên sẽ chuyển sang hướng phát triển du lịch - dịch vụ.
|
Khu Di chỉ khảo cổ Cát Tiên khi được đánh thức sẽ là nguồn lực để Cát Tiên phát triển du lịch nghiên cứu. Ảnh: PHAN NHÂN |
Tiềm năng và thế mạnh
Nói về tiềm năng du lịch, Cát Tiên là địa phương có lợi thế lớn về du lịch sinh thái, lẫn du lịch nghiên cứu, khảo cổ... Ngoài Khu Di chỉ khảo cổ Cát Tiên (đã được công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt), Khu ủy Khu VI và hang Thoát Y (đã được công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp tỉnh) có thể khai thác du lịch theo hướng nghiên cứu khảo cổ, lịch sử kết hợp với giáo dục truyền thống cách mạng và nghiên cứu văn hóa tâm linh, huyện Cát Tiên còn có Vườn Quốc gia Cát Tiên (đã được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới). Vườn Quốc gia Cát Tiên trải rộng trên địa bàn 3 tỉnh (Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai), tổng diện tích 739km2, với hệ thực vật phong phú, đa dạng, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm, rất phù hợp cho loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, gắn với bảo tồn và nghiên cứu động, thực vật. Bên cạnh đó, sông Đồng Nai, hồ Đắc Lô, thác Đạ Rông... khá thích hợp với các hoạt động du lịch sinh thái và du lịch cảm giác mạnh. Cùng đó, thế mạnh về du lịch ở Cát Tiên còn là các đặc trưng văn hóa, các lễ hội dân gian của các dân tộc thiểu số Mạ, S’Tiêng, Tày, Nùng...
Theo đồng chí Ngô Xuân Hiển, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên: Tại Đại hội VI (nhiệm kỳ 2010 - 2015), Đảng bộ huyện Cát Tiên đã xác định là tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội để đến năm 2020, kinh tế Cát Tiên sẽ chuyển sang hướng dịch vụ - du lịch. Theo đó, các công tác liên quan, gồm: Quy hoạch hạ tầng kinh tế - hạ tầng xã hội, chuẩn bị nhân lực và vật lực... cũng được đẩy mạnh. “Trong tương lai gần, khi Tỉnh lộ 721 trở thành Quốc lộ 55B nối Cát Tiên với huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) hoàn thành, thì thế “ngõ cụt” của Cát Tiên sẽ được giải quyết. Đó là cơ hội để Cát Tiên phát triển kinh tế - xã hội, mà du lịch là một hướng đi đúng theo xu thế phát triển của địa phương và của cả tỉnh Lâm Đồng” - đồng chí Ngô Xuân Hiển khẳng định.
Giải pháp mang tính tiền đề
Sau Đại hội VI, Huyện ủy Cát Tiên đã xây dựng và ban hành Kết luận số 117-KL/HU và Nghị quyết 07-NQ/HU về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội huyện Cát Tiên giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, Cát Tiên tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế về “mũi nhọn” phát triển dịch vụ - du lịch. Từ xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị đến chuẩn bị các điểm du lịch, giới thiệu quảng bá hình ảnh Cát Tiên... cũng phải tính đến hướng này. Ví dụ, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa để ngoài việc tham gia thị trường, sẽ còn tạo ra những thương hiệu, như: Lúa - Gạo Cát Tiên, Diệp hạ châu Cát Tiên, Cá lăng Cát Tiên... Bên cạnh đó, việc khảo sát để phục dựng các lễ hội truyền thống của những sắc dân ở Cát Tiên cũng như tiến hành phục dựng các làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm tạo sức thu hút du khách đến Cát Tiên tham quan, tìm hiểu. Và, kể cả khâu chuẩn bị nhân lực để phục vụ trong ngành du lịch cũng đã được lãnh đạo huyện Cát Tiên tính đến.
Cũng cần nói thêm, trong những năm qua, cơ sở hạ tầng của Cát Tiên, đặc biệt là hệ thống giao thông, đã được đầu tư nâng cấp và hiện nay, các điểm du lịch trên địa bàn huyện đã được nối liền. Hiện tại, Cát Tiên đã xây dựng xong Làng du lịch kiểu mẫu Buôn Go và đang triển khai xây dựng Quảng trường Phạm Văn Đồng (hoàn thiện ở giai đoạn 1), Khu ủy Khu VI (đang trong giai đoạn xây dựng các hạng mục, đã giải ngân được 43 tỷ đồng trong tổng số hơn 82 tỷ đồng), Khu Di chỉ khảo cổ Cát Tiên (đã được đầu tư 620 triệu đồng trong tổng mức đầu tư là 38 tỷ đồng). Các tuyến đường Trần Lê - Bù Khiêu, Gia Viễn - Tiên Hoàng, Tiên Hoàng - Đồng Nai Thượng, Phước Cát I - Phước Cát II... cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng. Huyện Cát Tiên đang tiếp tục kêu gọi đầu tư tuyến đường ven sông Đồng Nai, tuyến đường Đồng Nai Thượng - Lộc Bắc cùng một số hạng mục phục vụ du lịch khác.
Còn nhiều việc phải làm
Thế mạnh về du lịch của Cát Tiên là vậy. Nhưng thực tế cho thấy, ngành kinh tế dịch vụ - du lịch của Cát Tiên chỉ mới dừng lại ở tiềm năng, vì tất cả chỉ là mới bắt đầu. Theo UBND huyện Cát Tiên, cái khó nhất của địa phương là cơ sở hạ tầng đang trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, Cát Tiên chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể cũng như quy hoạch chi tiết các điểm, tour, các loại hình dịch vụ - du lịch trên địa bàn. Cùng với đó, các hạng mục công trình Khu Di chỉ khảo cổ Cát Tiên, Khu ủy Khu VI, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện và con đường vành đai ven sông Đồng Nai, đường Đồng Nai Thượng đi Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm)... triển khai còn chậm. Việc phục dựng các lễ hội, xây dựng các sản phẩm du lịch... chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch vừa thiếu, vừa yếu cũng là một trong những hạn chế đối với việc phát triển du lịch ở huyện Cát Tiên.
Do vậy, thời gian tới, Cát Tiên tiếp tục đề ra những giải pháp để thực hiện theo đúng định hướng.
TRỊNH CHU