Tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Bách và vợ là nghệ sĩ đàn piano Đoàn Lê Thanh Tú của Trường Âm nhạc B.A.C.H cùng nhiều nghệ sĩ khác, sẽ có chương trình biểu diễn giao lưu với khán giả tại Đà Lạt trong khuôn khổ các hoạt động tại Festival Hoa Đà Lạt - 2015 mang tên "Phím Đàn Hoa"...
Tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Bách và vợ là nghệ sĩ đàn piano Đoàn Lê Thanh Tú của Trường Âm nhạc B.A.C.H cùng nhiều nghệ sĩ khác, sẽ có chương trình biểu diễn giao lưu với khán giả tại Đà Lạt trong khuôn khổ các hoạt động tại Festival Hoa Đà Lạt - 2015 mang tên “Phím Đàn Hoa”. Điều thú vị và rất đáng trân trọng là họ đến Đà Lạt biểu diễn không vì mục tiêu lợi nhuận, mà vì tình yêu với Đà Lạt và mong muốn mang âm nhạc đến gần hơn với công chúng.
|
Nghệ sĩ Piano Đoàn Lê Thanh Tú với các em học sinh ở Trường Âm nhạc B.A.C.H |
Piano kể những câu chuyện âm nhạc
Nghệ sĩ Piano Đoàn Lê Thanh Tú - Hiệu trưởng Trường Âm nhạc B.A.C.H (B.A.C.H Music School), sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, là nữ sinh Trường THPT Thăng Long những năm 1996-1999. Năm 2005, Thanh Tú tốt nghiệp Đại học Ngoại thương; năm 2008, tốt nghiệp Trường Âm nhạc TpHCM. Nghe có vẻ như cô có quãng thời gian phải lựa chọn nghề nghiệp. Nhưng, theo Đoàn Lê Thanh Tú: Cô sống trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Từ nhỏ, Thanh Tú và các anh chị em đều được học nhạc. Từ lúc sinh ra cô đã dần quen với cây đàn Piano trong nhà và bắt đầu học từ năm 4 tuổi. Khi lớn lên, gia đình vẫn khuyến khích cô theo âm nhạc, đồng thời muốn cô học một chuyên ngành khác để có cơ hội thứ hai về nghề nghiệp. Vốn đã xác định theo âm nhạc, nhưng cũng không muốn đứt đoạn chuyên ngành ở Đại học Ngoại thương, nên Thanh Tú đã học song song 2 trường cùng lúc ở TpHCM. Vì vậy, quá trình học của cô rất vất vả, bài tập rất nhiều. Có những đêm thức trắng vừa dịch bài học ở ngoại thương lại phải luyện đàn cho bài học của trường âm nhạc…
Nhạc sĩ Nguyễn Bách - Chủ tịch HĐQT Trường Âm nhạc B.A.C.H, vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Âm nhạc học trong tháng 9/2015. với đề tài “Nhạc hợp xướng tại Tp Hồ Chí Minh trước và sau 1975” tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ông là Tiến sĩ về nhạc hợp xướng đầu tiên ở Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Bách là người khởi xướng chương trình The Piano Sings - “Tiếng dương cầm hát” thường niên từ năm 2009, với mong muốn đem âm nhạc bác học đến với công chúng. Tiến sĩ Âm nhạc Nguyễn Bách cho biết: The Piano Sings là những câu chuyện kể từ cây đàn Piano. Mỗi năm, chúng tôi có một câu chuyện khác nhau, để mỗi năm nhạc Piano gần gũi với công chúng hơn. Chúng tôi tổ chức The Piano Sings chỉ để khẳng định rằng: Âm nhạc bác học thực ra cũng xuất phát từ quần chúng. Đàn Piano chỉ có phím trắng và đen, nhưng có thể tạo ra hàng ngàn màu sắc trong tâm trí chúng ta”.
The Piano Sings lần thứ V năm 2014 đã được tổ chức ở Đà Lạt vào đêm 30/8. Các nghệ sĩ đã biểu diễn nhiều ca khúc về cao nguyên Đà Lạt, được trình bày theo phong cách nhạc thính phòng như Đà Lạt tình em, Tình ca Tigon, Mưa phùn cao nguyên… và có sử dụng các nhạc cụ đặc biệt là đàn accordéon, harmonica… Đây cũng là chương trình The Piano Sings đầu tiên hướng đến khán giả phổ thông ở ngoài Tp Hồ Chí Minh…
Không thể nói ai đó có trình độ âm nhạc thấp…
Hai nghệ sĩ Nguyễn Bách và Đoàn Lê Thanh Tú vừa quản lý, giảng dạy ở Trường Âm nhạc và biểu diễn Piano, lại vừa cổ súy cho âm nhạc dân dã, đường phố, khiến người ta cảm thấy dường như là có mâu thuẫn? Nghệ sĩ Nguyễn Bách khẳng định: “Không có mâu thuẫn gì cả, mà nó còn bổ sung cho nhau. Nếu xét về mặt âm nhạc, thì tất cả những thể loại âm nhạc gọi là bác học, kinh điển đều có nguồn gốc từ dân gian. Lâu nay, nếu có sự phân biệt là do người làm nhạc tách mình ra khỏi công chúng. Cho nên, chúng tôi, thông qua các chương trình biểu diễn của mình sẽ đem âm nhạc bác học trở nên gần gũi với tất cả mọi người. Bên cạnh đó, công việc giảng dạy của chúng tôi là để nâng tầm thưởng thức âm nhạc của người dân Việt Nam lên. Không thể nói ai đó có trình độ âm nhạc thấp được, mà chỉ do họ chưa có cơ hội tiếp cận với âm nhạc. Chúng tôi vừa giảng dạy vừa biểu diễn, vừa kết hợp thực hiện các dự án âm nhạc để âm nhạc bác học và âm nhạc dân gian bổ sung cho nhau, dễ đi vào lòng người hơn”.
Nhưng, người ta nói Piano mang ra đường phố có vẻ không hợp? “Vừa rồi chúng tôi sang Pháp biểu diễn. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy ở ga tàu điện ngầm có một cây đàn piano loại tốt có đặt cả một chiếc ghế bị xích (người ta sợ mất ghế chứ không sợ mất đàn). Thanh Tú đã ngồi đó đàn. Và, giữa thủ đô Paris, ngay tại trạm metro, những làn điệu dân ca Việt - Trống Cơm, Lý Ngựa Ô, Bèo Dạt Mây Trôi vang lên. Mọi người đã xúm lại nghe. Trên cây đàn có ghi dòng chữ “Bạn hãy quay phim lại và gởi cho chúng tôi. Phần thưởng của bạn là cây đàn Piano”. Tức là họ khuyến khích mọi người chơi đàn piano ở nơi công cộng, với khán giả là đông đảo khách lên xuống ga tàu điện ngầm. Đây cũng là hình thức kéo mọi người đến với âm nhạc, đây cũng là cách giáo dục âm nhạc rất bình dân và cách nâng tầm thưởng thức âm nhạc rất giản dị… Chúng tôi đến Ý cũng thấy có cây đàn piano ngay bên đường tàu. Dường như, âm nhạc đối với mình có vẻ cách biệt, nhưng ở phương Tây âm nhạc rất gần gũi… Hai buổi biểu diễn của chúng tôi ở Đà Lạt sắp tới cùng mang mục đích đó. Với hai hội trường khoảng 1.000 chỗ ngồi ở Nhà thờ Con Gà và Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi muốn mang âm nhạc bác học, âm nhạc kinh điển đến với công chúng, trong đó có cả cây đàn piano”.
|
Hai vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Bách và Đoàn Lê Thanh Tú trong không gian KDL Làng Cù Lần |
… và tấm lòng nghệ sĩ với công chúng, với Đà Lạt
Cùng với xu hướng mang âm nhạc cổ điển, âm nhạc bác học gần gũi hơn với công chúng, thì cách các nghệ sĩ biên soạn các tác phẩm lấy chất liệu từ dân gian để biểu diễn ở rất nhiều nơi trong nước và thế giới như thế nào? “Tùy đối tượng thưởng thức âm nhạc là ai, mà chúng tôi lựa chọn tác phẩm. Ví dụ, năm ngoái Thanh Tú được mời đi biểu diễn ở Tòa lãnh sự Mỹ ở Paris, chúng tôi làm chương trình trong vòng 1 tiếng toàn nhạc Việt Nam. Chúng tôi chọn các tác phẩm có chất liệu dân gian, nhưng phong cách châu Âu. Ví dụ, như Biếu tấu Rondo… Nếu làm chương trình cho các đối tượng khác ở Việt Nam, thì có rất nhiều tác phẩm, như trong Lý Ngựa Ô có bản đơn giản cho các cháu thiếu nhi, hay Bèo Dạt Mây Trôi có 5 bản phối biến tấu trên cây đàn Piano… Nhưng, chúng tôi luôn thao thức về cách giáo dục âm nhạc ở nhà trường hiện nay. Chúng tôi thực hiện giảng dạy âm nhạc theo một hệ thống chương trình do chính mình biên soạn, chứ không theo mẫu có sẵn của quốc tế và đã được công nhận ở Mỹ, Canada. Việc đưa tác phẩm Việt Nam vào chương trình giảng dạy của trường được lập luận rất đơn giản là: Cho dù tôi có đánh đàn Piaono giỏi cỡ nào đi nữa, tôi cũng không thể hiểu Chopin bằng người Ba Lan”.
Các chương trình do anh chị tổ chức ở TpHCM đều bán vé, anh chị cũng có rất nhiều lời mời đến Vũng Tàu, Ninh Thuận, Đăk Lăk… tại sao lại chọn Đà Lạt để biểu diễn và biểu diễn hoàn toàn miễn phí cùng với hàng chục nghệ sĩ khác? “Các chương trình chúng tôi làm ở Sài Gòn thường “cháy vé” từ rất sớm. Và các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình của chúng tôi ít nhiều cũng được hưởng một khoản thù lao. Chỉ riêng chương trình ở Đà Lạt, kể cả chương trình The Piano Sings năm ngoái, chúng tôi giao kèo ngay từ đầu với các nghệ sĩ là “Không có gì hết nhé! Ban tổ chức lo vận chuyển, ăn ở, địa điểm biểu diễn… Còn các bạn đi như đi du lịch, đi chơi mà có biểu diễn thôi”. Thay vì đi du lịch chỉ là để chụp hình với nhau, thì các nghệ sĩ cùng đi chơi và cùng biểu diễn. Giống như một câu nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Trong mỗi người nghệ sĩ đều có chất “thánh” của họ”. Chất “thánh” này là khí chất sống vì cộng đồng, vì mọi người. Chúng tôi đã khai thác tính chất này ở các nghệ sĩ. Họ rất thích và cùng làm”.
Lần sắp tới đây, khán giả ở Đà Lạt sẽ được xem các nghệ sĩ biểu diễn trên cây đàn piano phủ đầy hoa. Phím đàn hoa chỉ đơn giản là cây đàn phủ đầy hoa? “Hoa ở đây còn là tài hoa. Sẽ không chỉ có các nghệ sĩ đến từ Tp HCM biểu diễn mà còn có các nghệ sĩ ở Đà Lạt. Đây cũng là cuộc chơi mang tính nghệ thuật hoàn toàn, với tình yêu âm nhạc và tình yêu với Đà Lạt - nơi sinh thành và gắn bó của Đoàn Lê Thanh Tú - mong muốn cống hiến cho công chúng Đà Lạt và du khách đến Đà Lạt trong dịp Festival Hoa sắp tới”… Hai nghệ sĩ còn mong muốn điều gì ở Phím đàn hoa? “Các nghệ sĩ của chúng tôi đến Đà Lạt du lịch và biểu diễn. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là khởi đầu cho một loại hình du lịch mới - du lịch biểu diễn. Chúng tôi cũng đã có lời mời tổ chức các tour du lịch từ Mỹ và châu Âu về Việt Nam biểu diễn và giao lưu với nghệ sĩ địa phương. Đà Lạt là nơi rất thích hợp cho các tour du lịch như thế”…
Vâng! Đà Lạt sẽ càng thêm đẹp và lãng mạn hơn với tiếng đàn Piano thánh thót những âm thanh của các làn điệu dân ca Việt Nam, dưới mái hiên những ngôi biệt thự cổ, trong ánh nến lung linh, với hoa và những con người yêu Đà Lạt!...
LÊ HOA