Trong những năm gần đây, trên lĩnh vực du lịch và dịch vụ, đã có sự chuyển biến đáng kể trong việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ - du lịch; công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết, hợp tác du lịch có chuyển biến tích cực; nhiều sản phẩm và loại hình du lịch, khu, điểm du lịch mới được đưa vào khai thác kinh doanh góp phần thu hút và tăng số lượt khách du lịch qua các năm - năm 2015 này, dự kiến có khoảng 5 triệu lượt khách đến du lịch tại Lâm Đồng.
Lâm Đồng là địa phương có nhiều ưu thế để phát triển du lịch. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong giai đoạn 2016 - 2020, Lâm Đồng xác định: “Tiếp tục khai thác, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan, môi trường nhằm phát triển du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, ngành du lịch chiếm tỷ trọng trên 10% cơ cấu GRDP toàn tỉnh; xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch của cả nước, khu vực và thế giới. Tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch tổng hợp, khu du lịch chuyên đề, các điểm du lịch tiềm năng. Khuyến khích tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào các dự án du lịch lớn như: Khu du lịch hồ Tuyền Lâm, Đại Ninh, Đankia - Đà Lạt...”.
|
Làng Bình An Đà Lạt đã đi vào hoạt động tại Khu du lịch hồ Tuyền Lâm. Ảnh: PHAN NHÂN |
Cũng theo UBND tỉnh, trong những năm gần đây, trên lĩnh vực du lịch và dịch vụ, đã có sự chuyển biến đáng kể trong việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ - du lịch; công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết, hợp tác du lịch có chuyển biến tích cực; nhiều sản phẩm và loại hình du lịch, khu, điểm du lịch mới được đưa vào khai thác kinh doanh góp phần thu hút và tăng số lượt khách du lịch qua các năm - năm 2015 này, dự kiến có khoảng 5 triệu lượt khách đến du lịch tại Lâm Đồng.
Xin nêu một vài số liệu mới nhất: 9 tháng đầu năm 2015, khách du lịch đến Lâm Đồng đạt 3.642.300 lượt - tăng 8,2% so với cùng kỳ. Trong đó, khách nội địa đạt 3.515.120 lượt - tăng 8,5%, khách quốc tế 127.180 lượt - giảm 5,7%; ngày lưu trú bình quân của du khách đạt 2,45 ngày/người, công suất sử dụng phòng buồng đạt 50%; doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch trong 9 tháng qua đạt 6.327 tỷ đồng. Nếu tính liên tục trong 5 năm vừa qua thì lượng du khách đến Lâm Đồng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,2%/năm. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 33 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan miễn phí khác. Cùng đó, Lâm Đồng hiện có 920 cơ sở lưu trú du lịch với 14.685 phòng; trong đó có 305 khách sạn đạt từ 1 - 5 sao với 8.110 phòng (cơ sở đạt từ 3 sao trở lên là 25 khách sạn với 2.170 phòng). Các khách sạn du lịch này tập trung ở địa bàn TP Đà Lạt: 757 cơ sở lưu trú du lịch với 12.848 phòng; trong đó có 251 khách sạn đạt từ 1 - 5 sao (số đạt từ 3 - 5 sao chiếm 24 khách sạn với 2.060 phòng). Hiện toàn tỉnh có 42 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch (gồm 10 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và 32 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa và vận chuyển du khách).
Những năm gần đây, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu điểm du lịch trên địa bàn Lâm Đồng cũng đã có nhiều cố gắng trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Lâm Đồng với du khách, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu hút du khách. Trong công tác quảng bá, đáng kể là việc tham gia vào các chương trình Ngày hội Du lịch TP HCM, Hội chợ Du lịch quốc tế ITE-HCM, Tuần lễ Du lịch xanh Đồng bằng Sông Cửu Long (Cần Thơ)... Cùng đó, các đơn vị du lịch trong tỉnh cũng đã tạo điều kiện đón tiếp và hướng dẫn các đoàn famtrip, presstrip đến từ Bắc Kinh, Indonesia... và các tỉnh thành trong cả nước đến khảo sát du lịch tại địa phương. Đồng thời, nhiều hoạt động, sự kiện nhằm thu hút du khách cũng đã được các đơn vị du lịch trong tỉnh tổ chức thường xuyên để thu hút du khách như giải đua xe đạp địa hình (khu du lịch thác Đam Bri), lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương (khu du lịch thác Prenn), lễ hội cồng chiêng (khu du lịch Langbiang), lễ hội hóa trang Hallowen, lễ hội Tình Yêu (khu du lịch Thung lũng Tình Yêu), lễ hội rằm tháng giêng (khu du lịch thác Pongour)...
Mặc dầu được xếp vào tốp đầu của du lịch Việt Nam nhưng nhìn vào các chỉ số “xếp hạng” du lịch như tốc độ tăng trưởng khách, thời gian lưu trú của khách, mức chi tiêu của khách, đóng góp của du lịch vào GDP... thì xem ra du lịch Lâm Đồng phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Bởi vậy, để “Tiếp tục khai thác, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan, môi trường nhằm phát triển du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, ngành du lịch chiếm tỷ trọng trên 10% cơ cấu GRDP toàn tỉnh...”, vấn đề luôn đặt ra cho ngành du lịch Lâm Đồng là nâng cao chất lượng du lịch để thu hút du khách và thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đây được xem là định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng. Trong giai đoạn 5 năm tới (2016 - 2020), Lâm Đồng đưa ra định hướng: “Tiếp tục khai thác, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan, môi trường để phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao. Xây dựng thành phố Đà Lạt thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tâm huyết, thực sự có năng lực đầu tư vào khu du lịch nghỉ dưỡng Đan Kia - Đà Lạt, khu du lịch Đại Ninh và khu du lịch vui chơi - giải trí Prenn...”. Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, Lâm Đồng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm về khách du lịch ở mức 8% - 10% (giai đoạn 2011 - 2015 đạt 9,2%, riêng năm 2015 ước đạt 8,2%); đến năm 2020, tỷ trọng của ngành du lịch chiếm 10% trong GRDP, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng đạt 7,25 triệu lượt người (trong đó có từ 600.000 - 700.000 lượt khách quốc tế); tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ trong ngành du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đạt 85% vào năm 2020.
Một vài nội dung khác để tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Lâm Đồng cũng được tỉnh nêu lên như tăng cường công tác xúc tiến quảng bá để mở đường bay quốc tế đến cảng hàng không Liên Khương từ các nước Singapore, Thái Lan, Campuchia...; duy trì các đường bay nội địa hiện có và mở thêm một số đường bay mới từ Liên Khương đi Huế, Hải Phòng... và ngược lại; và, công tác quảng bá sẽ gắn với việc hợp tác để hình thành các tuyến du lịch kết nối du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng với các trung tâm du lịch lớn trong nước và quốc tế.
KHẮC DŨNG