Phát triển những mảng màu bản sắc

08:10, 14/10/2015

Liên tiếp trong 3 nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy đều ban hành các Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, dịch vụ, trong đó, mới nhất là Nghị quyết 04-NQ/TU "Về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011-2015". Qua đó, thực hiện mong muốn thúc đẩy du lịch - dịch vụ phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh và trở thành ngành kinh tế động lực thúc đẩy các ngành - lĩnh vực khác phát triển.

Liên tiếp trong 3 nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy đều ban hành các Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, dịch vụ, trong đó, mới nhất là Nghị quyết 04-NQ/TU “Về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011-2015”. Qua đó, thực hiện mong muốn thúc đẩy du lịch - dịch vụ phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh và trở thành ngành kinh tế động lực thúc đẩy các ngành - lĩnh vực khác phát triển.
 
Đường hầm điêu khắc tại Khu du lịch Dalat Star hấp dẫn du khách trong thời gian qua
Đường hầm điêu khắc tại Khu du lịch Dalat Star hấp dẫn du khách trong thời gian qua

Đa dạng hóa sản phẩm
 
Gần hết chặng đường thực hiện Nghị quyết 04, đến nay, việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch là chỉ tiêu nổi bật mà du lịch Lâm Đồng đã quyết tâm thực hiện và thực hiện đạt kết quả.
 
Nhìn lại những giai đoạn trước đây, Lâm Đồng tập trung phát triển các sản phẩm truyền thống là du lịch nghỉ dưỡng và hội nghị - hội thảo. Kể từ khi thực hiện NQ 04 vào năm 2011, sau gần 5 năm nhìn lại, bức tranh du lịch Lâm Đồng đã phát triển phong phú và nâng tầm với 2 mảng màu nổi bật là du lịch thể thao và du lịch nông nghiệp. Phải nói rằng, 2 thế mạnh này đã sinh động hóa và tạo chiều sâu, sức hút cho du lịch Lâm Đồng. 
 
Theo NQ 04, lượng khách tăng trưởng bình quân được đưa ra mỗi năm tăng 10-11%, đến năm 2015 đạt từ 4,5 đến 5 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế chiếm 10%). Nâng thời gian lưu trú bình quân của khách lên khoảng 2,7 ngày. Doanh thu xã hội từ du lịch đạt khoảng 10.000 tỷ đồng vào năm 2015, dịch vụ chiếm 35,2% đến 35,8% tổng GDP toàn tỉnh. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch sinh thái, nâng cấp các khu điểm du lịch, phát triển các làng hoa, khôi phục phát triển làng nghề, gắn phát triển nông nghiệp cao với du lịch. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện tôn tạo cảnh quan, mở rộng dịch vụ…
Băng đèo, vượt thác, đi bộ trong những khu rừng, bay dù trên đỉnh LangBian…, những “món” thể thao mà nhiều khách du lịch yêu thích và chờ đợi khi đến với cao nguyên đã được du lịch Lâm Đồng sắp đặt những “thực đơn” để du khách lựa chọn. Với sự phát triển mạnh mẽ của các công ty du lịch mạo hiểm, sản phẩm du lịch mạo hiểm, gần 5 năm qua, hình ảnh về loại hình sản phẩm này ở phố núi đã “phủ sóng” rộng khắp trên các kênh giới thiệu du lịch và được đánh giá là sản phẩm có thế độc tôn của cao nguyên. Cùng với những món “độc” phục vụ khách ưa mạo hiểm và khách nước ngoài đó, loại hình thể thao cao cấp là golf đã được tổ chức thường xuyên, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khách “hạng sang”. Tháng 8 năm 2015, golf tiếp tục được phổ biến bởi sự ra đời của sân mini golf tại khu vực Trại Hầm, phường 10, Đà Lạt. Bà Ngọc Vân, một Việt kiều, chủ đầu tư dự án này cho biết bà đã quyết tâm đầu tư sản phẩm dựa trên những phân tích về điều kiện tự nhiên của cao nguyên và đây là sản phẩm mới ở Việt Nam, bước đầu thu hút khá đông khách du lịch.
 
Phát triển du lịch canh nông được xem là một mũi tên được bắn trúng đích bởi những lợi thế tuyệt vời của Lâm Đồng: những vườn hoa rực rỡ tiếp nối, vườn dâu lúc lỉu quả, những dải rau xanh mướt… Bà Nguyễn Bích Thủy, đại diện Công ty TNHH Sinh học sạch (Biofresh), doanh nghiệp thực hiện du lịch canh nông khá hiệu quả thời gian qua cho hay, với quan điểm tập trung đầu tư du lịch thực sự chất lượng và giới thiệu được đến du khách những vẻ đẹp có chiều sâu của Đà Lạt, doanh nghiệp đã nỗ lực để xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, chọn lọc từ yếu tố giống cây, cách thức canh tác, hình thức quảng bá và tiếp đón du khách… 
 
“Bệ phóng” từ hạ tầng du lịch
 
Với nhiều giải pháp thu hút khách và đạt tốc độ tăng trưởng khách bình quân 10,8% mỗi năm, hệ thống cơ sở vật chất đã được đầu tư tương xứng với nỗ lực thu hút khách ấy, nhằm phục vụ tốt nhu cầu ngày càng cao của du khách. Hiện hệ thống lưu trú có 920 cơ sở với 14.685 phòng, trong đó có 305 khách sạn từ 1 đến 5 sao với 8.110 phòng (bao gồm 25 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao với 2.170 phòng). Những cái tên mới như Edensee, Terracotta, Swiss Bel Sacom… được đầu tư xây dựng và xuất hiện đã nâng tầm cho hệ thống nghỉ dưỡng ở đô thị du lịch Đà Lạt.
 
Tính đến thời điểm này, có 224 dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch, với tổng vốn đăng ký khoảng 70.862 tỷ đồng, trong đó có 86 dự án được chủ trương đầu tư đang tiến hành lập báo cáo tổng đầu tư với tổng vốn đăng ký 18.948 tỷ đồng và 140 dự án đã được thỏa thuận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn được phê duyệt là 51.914 tỷ đồng. Không dừng lại ở những con số, các khu điểm du lịch ra đời và định hình “chất” riêng đã ghi nhận sự phát triển của du lịch Lâm Đồng giai đoạn 2011-2015: Làng Cù Lần, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, Khu du lịch Đà Lạt Star, Làng du lịch rừng Madagui (mở rộng), biệt thự nghỉ dưỡng và sân golf Sacom Tuyền Lâm…
 
Đồng hành và thúc đẩy sức vươn của du lịch, có thể kể đến các khu thương mại với hệ thống siêu thị Big C và Dalat Center. Có thể nói, du khách đến Đà Lạt giờ không còn phải mông lung về chất lượng và giá cả hàng hóa nữa mà đã có những địa chỉ mua sắm uy tín, hiện đại để “đem cả Đà Lạt về làm quà”. 
 
Hạ tầng giao thông được xem là huyết mạch của nền kinh tế. Và Đà Lạt - Lâm Đồng đã gần hơn với du khách khi các đường bay được mở: Đà Lạt - Đà Nẵng, Đà Lạt - Vinh, Đà Lạt - Cần Thơ và mới nhất là tuyến Đà Lạt - Huế; Cảng hàng không Liên Khương đang sẵn sàng tiếp thu các chuyến bay quốc tế để rút ngắn thời gian di chuyển của du khách. Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 nối Lâm Đồng - Đồng Nai đã đưa vào khai thác tháng 4/2015 (sớm hơn 7 tháng so với kế hoạch). Trước đó, tháng 3/2015, địa phương đã tổ chức thông xe QL.28 đoạn tránh ngập thủy điện Đồng Nai 3 và 4. Các đoạn, tuyến quốc lộ như QL.55, QL.27, QL.28B đã hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư và được Bộ Giao thông - Vận tải bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020. Riêng Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là công trình trọng điểm quốc gia, đã được Chính phủ thống nhất nguyên tắc phân đoạn, phân kỳ đầu tư và chủ trương thu xếp, huy động vốn để thực hiện dự án. 
 
Thiên đường du lịch Đà Lạt. Ảnh: Nguyên Thi
Thiên đường du lịch Đà Lạt. Ảnh: Nguyên Thi

Phát triển nguồn nhân lực, định hình cho tương lai
 
Cùng với cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chính là chìa khóa để tạo sức mạnh cho ngành “công nghiệp không khói”. Theo con số thống kê, trên địa bàn tỉnh có hơn 60% tổng số lao động trực tiếp phục vụ du lịch ở độ tuổi từ 18 đến 35, được đánh giá là phù hợp với đặc điểm của ngành. Với một địa phương du lịch, hệ thống các cơ sở đào tạo ngành du lịch từ bậc công nhân cho đến đại học gồm 6 địa chỉ đã tạo nền tảng cho nguồn nhân lực. Hiện một số cơ sở được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy đáp ứng tiêu chuẩn hiện đại. Đồng thời, với những khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức du lịch, nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ… được tổ chức thường xuyên, hiện 80% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu công việc. Đồng thời, 75% lao động phục vụ trực tiếp du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, giảm dần tình trạng lao động hoạt động du lịch tại một địa phương du lịch nhưng kiến thức và kỹ năng không được trang bị bài bản. 
 
Trong thời gian qua, các cấp, ngành của địa phương đã tích cực hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Lâm Đồng đến năm 2020, Quy hoạch các khu điểm du lịch trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương và huyện Đơn Dương đến năm 2020. Hai đề án gồm Phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao trên địa bàn Lâm Đồng giai đoạn 2011-2015 và Đề án quản lý cơ sở lưu trú trên địa bàn đã được cơ quan quản lý du lịch xây dựng, vận hành.
 
Nhìn lại chặng đường phát triển du lịch, những thành tựu đạt được là kết quả của sự nỗ lực tương tác tổng quan từ hệ thống chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư, sự quan tâm chỉ đạo kịp thời từ địa phương, sự nỗ lực của cơ quan quản lý du lịch và đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động du lịch. Dù vậy, vẫn còn những trăn trở khi tỉ lệ khách quốc tế trong tổng lượng khách đạt thấp so với mục tiêu đề ra, chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu chưa đáp ứng về trình độ ngoại ngữ (nhất là các ngoại ngữ như Nga, Hàn Quốc, Nhật), công tác xúc tiến quảng bá ra thị trường nước ngoài còn hạn chế. Các chương trình trọng tâm về phát triển du lịch đã thực hiện tương đối đạt so với các mục tiêu đã được xác định, dù vậy, các công trình trọng điểm vẫn còn thực hiện chậm so với tiến độ đề ra. Hiện Khu du lịch hồ Tuyền Lâm mới có 8/38 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Khu du lịch Đan Kia - Đà Lạt từ tháng 8/2014 được Ngân hàng Bắc Á lập dự án tiền khả thi…
 
Từ thực tế đó, theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh: “Trong chặng cuối của thời gian thực hiện Nghị quyết 04 này, rất cần sự phối hợp đồng bộ và thống nhất giữa các cấp, các ngành với những giải pháp quyết liệt hơn nữa để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra”. Và NQ 04 sẽ là bệ phóng tương thích để du lịch Lâm Đồng nâng tầm phát triển trong giai đoạn mới.
 
Hải Yến