Bình Thuận trong hành trình "Một kỳ nghỉ - 3 điểm đến"

08:11, 19/11/2015

Ngày 24/10/1995, hiện tượng Nhật thực toàn phần có thể thấy rõ ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã thu hút hàng trăm nghìn du khách quốc tế và nội địa cũng như các nhà khoa học đến chiêm ngưỡng, khám phá vùng đất còn nhiều nét hoang sơ này...

Ngày 24/10/1995, hiện tượng Nhật thực toàn phần có thể thấy rõ ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã thu hút hàng trăm nghìn du khách quốc tế và nội địa cũng như các nhà khoa học đến chiêm ngưỡng, khám phá vùng đất còn nhiều nét hoang sơ này. Kể từ ngày đó, cái tên Bình Thuận - mảnh đất cuối dải miền Trung, giáp ranh với Đông Nam bộ - trở nên nổi tiếng trên bản đồ du lịch của Việt Nam và thế giới. Và ngày 24/10 hàng năm trở thành ngày Du lịch Bình Thuận. 
 
Lâu đài rượu vang - điểm đến mới ở Bình Thuận
Lâu đài rượu vang - điểm đến mới ở Bình Thuận
Dấu son mới trên bản đồ du lịch Việt 
 
Ông Ngô Minh Chính - Giám đốc Sở VH-TT&DL Bình Thuận: Đứng ở góc độ chính quyền, chúng tôi mong muốn được nghe những góp ý về những điểm du lịch Bình Thuận chưa làm được và cần phải làm để du lịch phát triển bền vững. Chúng tôi khẳng định, muốn có du khách nhiều thì điều đầu tiên phải đầu tư hạ tầng giao thông để có điều kiện thu hút du khách. Vì vậy, Chính phủ đồng ý cho Bình Thuận năm 2016, đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và phấn đấu năm 2018 đưa vào sử dụng để giải quyết giao thông đường bộ; năm 2017, Bình Thuận sẽ khai thác cảng nước sâu để đón du khách bằng đường biển; hiện nay, Bình Thuận đã khởi công sân bay Phan Thiết và thúc đẩy tiến độ đầu tư nhanh chóng để đưa vào khai thác năm 2018. 
 
Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Cty dã ngoại Lửa Việt: Ngày 24/10/1995, tôi đưa 108 du khách ra Bình Thuận xem nhật thực. Lúc đó, Bình Thuận chỉ có 2 khách sạn để chứa khách. Từ đó đến nay, Bình Thuận có sự phát triển đáng kể ở mức 2 con số… Nhưng, Bình Thuận cần quy hoạch bản đồ du lịch, cân đối số hạng khách sạn, khách sạn 3 sao rất ít - resort lại rất nhiều; cân bằng các loại hình du lịch, nên phát triển cả du lịch sinh thái và rừng - thay vì chỉ chú trọng du lịch biển đảo; đồng thời, phải thận trọng với thị trường khách Nga và khách Trung Quốc, vì đây là hai thị trường khách không bền vững và sự xuất hiện của đối tượng khách này đang làm giảm lượng khách khác đến từ châu Âu… 
 
Ông Nguyễn Minh Quyền - Giám đốc Trung tâm FPT của Cty Du lịch Bến Thành phụ trách khối lữ hành của các chi nhánh: Lâm Đồng và Bình Thuận là 2 điểm đến của khách nội địa, trong khi Tp.HCM là điểm đến của khách quốc tế. Bình quân mỗi năm Bến Thành đưa khoảng 18-20 ngàn du khách đến Đà Lạt. Bến Thành mong muốn liên kết với các cơ sở lưu trú, các dịch vụ đầu vào ở Đà Lạt để tránh được việc tính giá theo mùa vụ - không ổn định và thiếu sự chủ động. Chúng tôi mong mỗi năm Đà Lạt có cách bài trí mới mẻ hơn, sinh động hơn, phong phú hơn, quy mô hơn… để du khách đến xứ hoa thấy ý nghĩa hơn...
 
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch: Tour du lịch liên kết khai thác được thế mạnh của 3 địa phương, đã đạt được nội dung liên kết trước tiên là sản phẩm du lịch. Liên kết phải thiết thực để các bên liên kết đều nhận được lợi ích và phải phát huy được thế mạnh của nhau, lấy thế mạnh của bạn để bổ sung cho thế mạnh của mình. Liên kết phải ngày càng gia tăng, phải rộng hơn, nhiều hơn (liên kết +), thu hút được nhiều người tham gia vào cuộc chơi - vào sân chơi du lịch để phát triển du lịch bền vững.                 TIỂU VÂN (ghi)

Những bãi biển đẹp kéo dài, thời tiết ấm áp quanh năm, cảnh quan thơ mộng cùng nhiều di tích văn hóa - lịch sử, Bình Thuận là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước. Mấy năm nay, GDP Bình Thuận luôn tăng trưởng 2 con số, năm 2014 GDP Bình Thuận tăng 27%, tăng trưởng du lịch nội địa là 15,34%, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 15,67%... Du lịch Bình Thuận dù sinh sau đẻ muộn, nhưng tiềm năng rất lớn. Người ta đã thống kê 18 điểm độc đáo của du lịch Bình Thuận mà không ở đâu có, với đồi cát bay tạo nên sự thay đổi hình dạng tự nhiên nhiều nhất, là nơi khai sinh ra resort, được ví như “thủ đô resort” và là nơi có số lượng resort nhiều nhất Việt Nam… Bình Thuận có Hải Đăng Kê Gà - ngọn Hải Đăng xưa và cao nhất Việt Nam, có từ năm 1899; Chùa Phật Quang được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 18 - là thời điểm những người Việt đầu tiên đến vùng đất Phan Thiết - Bình Thuận, có bộ kinh Pháp Hoa khắc trên gỗ thị đỏ từ thời Lê Trung Hưng - được xem là ngôi chùa cổ nhất ở Phan Thiết… Các sự kiện quốc tế, lễ hội nổi tiếng như: thuyền buồm, lướt ván, khinh khí cầu… đã đưa thương hiệu Bình Thuận trở thành điểm đến được ưa chuộng. 

Qua 20 năm phát triển, từ những làng chài yên bình bên biển xanh, Mũi Né - Bình Thuận đã trở thành điểm đến hấp dẫn, được du khách khắp nơi gọi là “Thiên đường nghỉ dưỡng”, với bức tranh hữu tình tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng, những bãi cát dài tạo nên những con sóng miên man xô bờ… Mũi Né còn đậm đà hương vị của rất nhiều món ăn từ nguồn hải sản phong phú, đa dạng và nổi tiếng bổ dưỡng. Nhiều công trình, di tích lịch sử, cùng với nền văn hóa đa dạng và đầy bản sắc của nhiều dân tộc: Kinh - Chăm - Hoa… gắn với các lễ hội truyền thống như: Nghinh Ông, Cầu Ngư, Kate… Mũi Né còn thu hút được rất nhiều du khách với các loại hình thể thao biển độc đáo, như bay dưới cái nắng chói chang cùng dù lượn, quyết liệt với những cuộc đua thuyền buồm, hào hứng với các môn lướt ván, thỏa sức chinh phục độ cao với khinh khí cầu… Ngoài ra, du khách còn có thể thử sức với sân golf trên cát, khám phá lâu đài rượu vang… Đi đôi với những loại hình dịch vụ giải trí, nơi đây còn làm bạn hài lòng với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe: spa, tắm bùn khoáng nóng, massage dược liệu, dưỡng sinh, thiền…
 
Tam giác du lịch Tp.Hồ Chí Minh - Lâm Đồng và Bình Thuận
 
Tp.Hồ Chí Minh - Lâm Đồng và Bình Thuận từ lâu được xem là 3 đỉnh của một tam giác du lịch. Thấy được tiềm năng và cơ hội liên kết cùng phát triển, năm 2007, 3 địa phương đã ký liên kết tam giác phát triển du lịch Tp. Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận để tạo ra sản phẩm đặc trưng: Chợ Bến Thành - Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né. Tp.HCM hiện nay đang là trung tâm du lịch lớn của cả nước, thu hút mỗi năm hàng triệu du khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm. Trong liên kết tam giác phát triển du lịch, Tp.HCM đóng vai trò đầu tàu đưa khách đến với Lâm Đồng và Bình Thuận với mức độ tăng trưởng đều đặn. Thời gian qua, việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp lữ hành tại Đà Lạt - Lâm Đồng cũng đã góp phần phát triển các tour du lịch từ Lâm Đồng đến Tp.HCM, Bình Thuận và các địa phương lân cận… Du khách từ Tp.HCM và các tỉnh miền Đông đến Lâm Đồng chiếm 50% tổng lượng khách, còn Bình Thuận đón được 80% lượng khách từ các địa phương này.
 
Tháp Po Sah Inư có vai trò quan trọng trong kiến trúc tháp Chăm ở Bình Thuận
Tháp Po Sah Inư có vai trò quan trọng trong kiến trúc tháp Chăm ở Bình Thuận
Trong bối cảnh hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành du lịch có những thách thức không nhỏ. Việc liên kết giữa các vùng, các địa phương, các doanh nghiệp là yếu tố tất yếu để khai thác hợp lý nguồn tài nguyên du lịch, phát huy lợi thế và nâng cao năng lực cạnh tranh của từng địa phương. Qua chương trình liên kết phát triển du lịch, các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng và thực hiện các tour tuyến du lịch kết nối 3 địa phương với các sản phẩm đa dạng mang nét đặc trưng riêng của từng địa phương gắn với lễ hội truyền thống và văn hóa của mỗi địa phương. Thể hiện tính đúng đắn và thành công của chương trình liên kết, qua đó, thúc đẩy các chương trình liên kết du lịch mới của từng địa phương với các tỉnh thành khác trong khu vực và các vùng miền khác nhau trên cả nước. 
 
Sự ra đời của Kế hoạch hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2013 - 2020 định hướng cho các địa phương nói chung và tam giác du lịch nói riêng phát triển du lịch xanh và bền vững, có vị trí tương đương với các quốc gia và khu vực Đông Nam Á, đưa du lịch thực sự là chìa khóa của kinh tế, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của cả nước.
 
NHẬT QUÂN