Đồng bào Chăm không có tết nguyên đán cổ truyền. Vì vậy, bà con xem lễ Ka Tê là ngày tết. Mùa lễ hội năm nay, tôi về làng Hậu Sanh nằm quây quần bên cổ tháp Pôrômê trước vài ngày để được xem bà con trong các Palei Chăm (làng Chăm) chuẩn bị ra sao trong những ngày lễ trọng đại nhất của năm. Mặc dù chỉ là đầu tháng bảy Chăm lịch.
Đồng bào Chăm không có tết nguyên đán cổ truyền. Vì vậy, bà con xem lễ Ka Tê là ngày tết. Mùa lễ hội năm nay, tôi về làng Hậu Sanh nằm quây quần bên cổ tháp Pôrômê trước vài ngày để được xem bà con trong các Palei Chăm (làng Chăm) chuẩn bị ra sao trong những ngày lễ trọng đại nhất của năm. Mặc dù chỉ là đầu tháng bảy Chăm lịch.
Chứng tích của Palei Thuer
Anh Bá Văn Nở, một trí thức Chăm là kỹ sư canh nông của chế độ cũ, vui vẻ dẫn chúng tôi đi hết làng Hậu Sanh (xã Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận). Khi về hướng Nam 4km gặp một ngôi miếu nằm dưới gốc cây đa cỡ 6 người ôm, anh cho biết: Trước kia, nơi đây là làng Chăm mang tên Khải Định. Năm 1920, vua Khải Định vi hành vào xứ Panduranga (Phan Rang, Phan Thiết) vận động bà con từ Cà Ná đến Đầm Nại về sống gần tháp để hương khói tiền nhân. Chúng tôi đứng nhìn làng Chăm cổ, bây giờ là vùng sơn điền, chỉ còn chứng tích cây đa cổ thụ và huyền thoại cặp rắn lớn bằng bình thủy. Kỹ sư Nở còn cho biết thêm: “Ngôi làng này do một chức sắc tên là Pô Sák trực tiếp kêu gọi bà con về đây, nên hàng năm vẫn có người mang lễ vật đến cúng để nhớ về một thời cha ông mình đã sống”.
Buổi chiều trước ngày Ka Tê, bốn năm anh em trải chiếu ngồi trước sân uống trà nói chuyện lễ hội. Chiều ở Palei Chăm Hậu Sanh thật mát mẻ, gió từ biển Đông thổi vào làm lung lay những cành me đầu hè. Nhà anh Nở trồng hai cây me cạnh hiên nhà, mới có 17 giờ hơn mà đã có 8 con gà dáo dác bay lên cây vật vờ tìm chỗ ngủ đã cho thấy ở đây còn giữ được hình ảnh một vùng quê yên bình.
Làng Hậu Sanh ngày xưa gọi Palei Thuer được thành lập vào năm thứ hai Vua Thiệu Trị chấp chính (1841-1847). Thuật ngữ “Thuer” có nghĩa là vườn. Vì tại nơi đây trước kia là vùng cây trái, còn Hậu Sanh là tên gọi sau này. Theo ông Hán Ngọc Vĩnh Zích trưởng thôn cho biết: “Từ năm 2000 đến nay, đời sống bà con chuyển biến rõ rệt, nhiều hộ gia đình có máy cày, máy gặt lúa, và một số hộ chăn nuôi dê, cừu, bò, heo theo hình thức trang trại. Tại Hậu Sanh hiện nay hệ thống nước máy cung cấp cho cả thôn và tháp điện thoại cao vút đã nói lên tiêu chí của thôn văn hóa”.
|
Các thiếu nữ Chăm trước tháp Pôrômê |
Dòng người ở Cổ tháp Pôrômê
Buổi tối ở làng Chăm vào trước ngày lễ hội khá ồn ào, dọc theo những con đường thôn xóm đông vui nhộn nhịp. Ngoài sân làng, đèn cao áp sáng trưng phục vụ cho đêm văn nghệ, các cháu thanh niên nam nữ múa quạt uyển chuyển theo tiếng kèn Saranai và tiếng trống Paranưng rộn ràng. Đối với Palei Chăm mùa lễ Ka Tê được gọi là ngày tết. Đây là ngày tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống no đủ. Vào những ngày này, các gia đình cửa nhà luôn mở rộng để nhận lộc đầu năm, tiếp đón bạn bè.
Tranh thủ trước ngày mở cửa đền, tôi đến gặp ông Hán Ngọc Vĩnh Zích, trưởng thôn Hậu Sanh kiêm trưởng ban tế lễ địa phương. Khi được hỏi về cổ tháp mang tên Vua Pôrômê, ông Zích cho biết: “Tục truyền rằng, Ngài Jakathot con trai của bà Mư Oa, do bà ăn lá cây liêm mà mang thai. Sau này được 2 con rồng dưới bóng cây liêm tiếp sức nên Jakathot rất tài giỏi và đức độ được vua Mưhtaha gả công chúa Bia Thanh Chanh và phong làm phò mã của vương triều. Cuối năm 1626, vua Mưhtaha băng hà, vì con trai còn quá nhỏ nên phò mã Jakathot được triều thần chọn làm người kế vị. Lúc lên làm vua lấy tên là Pôrômê, ngài mất năm 1651 trị vì 24 năm. Trong những năm chấp chính, Ngài đã hướng dẫn dân chúng khai hoang ruộng đất, dẫn thủy nhập điền như đập Ma Rên, Cà Tiêu còn đến hôm nay. Về văn hóa, Ngài đã xây dựng khối đoàn kết với các nước láng giềng. Để tưởng nhớ công ơn, người Chăm đã xây tháp và tạc tượng Ngài vào thế kỷ thứ 17 tại ngọn đồi phía Tây Nam thôn Hậu Sanh để thờ cúng hàng năm.
Lúc 7 giờ sáng ngày 1 tháng 7 Chăm lịch nhằm ngày 23 tháng 10 dương lịch, bà con từ các Palei Chăm đã đội lễ vật tập trung về đền tháp trong trang phục truyền thống. Tại tháp lúc này có khoảng 200 người, trong đó, ban tế lễ là các chức sắc đạo Bàlamôn gồm: Thầy Cả sư làm chủ lễ, thầy kéo đàn Kanhi, hay còn gọi là thầy Cò Ke, Bà Bóng và ông Từ. Lễ vật cúng gồm: 1 con dê, 3 con gà, 5 mâm cơm cúng có thịt dê, 1 mâm cơm với muối mè, 3 bánh gạo và hoa quả.
Vào lúc 7giờ 30 khi các cấp chính quyền đến tặng quà, phần lễ mới bắt đầu. Ông Hán Ngọc Vĩnh Zích đọc diễn văn kể về công đức của vua Pôrômê và thành tựu kinh tế, văn hóa của các palei Chăm xung quanh trong năm. Sau đó, Cả Sư điều khiển phần mở cửa tháp, vị Cả Sư đọc thơ bằng tiếng Chăm với chất giọng đều đều: “Chúng con lấy nước từ sông lớn/ Chúng con đội về tháp tắm thần/ Thần là thần của trời đất/ Chúng con lấy những tấm khăn đẹp nhất/ Lau mồ hôi trên mình, tay chân của thần,...”. Rồi ông cầm lọ nước thần tạt lên tượng Siva trên vòm cửa chính. Tiếp đến là lễ tắm tượng và mặc y phục, Bà bóng bày lễ vật, thầy Kanhi kéo 30 bài hát, để mời 30 vị thần. Sau khi kết thúc vũ điệu của quý bà có tuổi, lúc ấy, bên ngoài mới bắt đầu phần hội. Những điệu trống Ginăng, kèn Saranai cùng loạt vang lên. Trong âm thanh dìu dặt của trống kèn đã đưa những người dự lễ lên đỉnh cao của sự thăng hoa, hòa vào điệu múa của các thiếu nữ Chăm. Lễ hội Ka Tê chính là giây phút thiêng liêng của người trần thế đánh thức các tháp Chăm cổ kính yên ngủ dưới lớp bụi thời gian bừng dậy, góp phần làm phong phú cho nền văn hóa đa sắc màu của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Đến 10 giờ sáng, có khoảng 2.000 người tham dự. Xung quanh cổ tháp có khoảng 200 gia đình mang lễ vật bày ra gồm: gà luộc, xôi, rượu, hoa, quả. Tôi hỏi vài người được họ cho biết: “Trong năm, mình cúng vái thần linh điều gì thì bây giờ mang lễ vật đi tạ. Tạ xong mình mang lộc về hay ăn luôn. Có ai xin thì mình biếu, nếu không ai xin thì mang về!”. Lễ hội Ka Tê tại cổ tháp kéo dài đến 1 giờ chiều, sau đó tại các gia đình mới tổ chức cúng gia tộc và ăn uống, đi thăm và chúc tụng nhau.
Trong lễ hội Ka Tê, số lượng người Việt đến hành hương cúng bái gấp nhiều lần so với người Chăm bản địa. Đó là điều hạnh phúc trong cộng đồng người Việt chúng ta.
TRẦN ĐẠI