Theo Tây đi "phượt"

09:02, 18/02/2016

Du khách khi đến với Đà Lạt thường có nhiều cách để du ngoạn, khám phá thành phố mộng mơ này: Tham quan các điểm du lịch nổi tiếng, ngắm cảnh, leo núi, xem thác, tìm hiểu kiến trúc, du lịch tâm linh… với nhiều khách Tây, họ đến Đà Lạt và tìm về những miền quê ngoại thành để khám phá đời sống của người nông dân và tìm cảm giác mạnh bằng tour du lịch mạo hiểm.

Du khách khi đến với Đà Lạt thường có nhiều cách để du ngoạn, khám phá thành phố mộng mơ này: Tham quan các điểm du lịch nổi tiếng, ngắm cảnh, leo núi, xem thác, tìm hiểu kiến trúc, du lịch tâm linh… với nhiều khách Tây, họ đến Đà Lạt và tìm về những miền quê ngoại thành để khám phá đời sống của người nông dân và tìm cảm giác mạnh bằng tour du lịch mạo hiểm. Đây là những tuyến du lịch đầy lý thú, ưa chuộng đối với khách Tây nhưng còn xa lạ với khách Việt. Theo chân đoàn khách đến từ nhiều nước trên thế giới đi “phượt” để trải nghiệm chính vùng đất mà tôi đã gắn bó mười mấy năm, thế nhưng tất cả đều như mới lạ, hấp dẫn đối với tôi cũng như những người bạn đồng hành đến từ ngoại quốc. 
 
Tham quan Làng hoa Vạn Thành
Tham quan Làng hoa Vạn Thành

Hành trình về với nhà nông
 
Một buổi chiều cuối tuần, Duẩn, bạn tôi là Giám đốc điều hành của Công ty Du lịch Viet Challenge (Thử thách Việt) alo bảo có muốn đổi gió không? Tôi hỏi, đổi gió ở đâu? Duẩn nói là đi “phượt” cùng khách Tây về với nông dân ngoại thành. Tôi bảo đi đâu chứ về với nông dân thì mình ở đây với nghề báo và được giao phụ trách mảng nông dân nên xa lạ gì với những nhà nông địa phương nữa mà đi! Thế nhưng, anh bạn thân quả quyết rằng, cứ đi đi rồi sẽ biết, không như bạn nghĩ đâu, Tây mê lắm. Tôi “ok” và hẹn gặp nhau lúc 8h30 sáng ở văn phòng công ty tại đường Trương Công Định, Đà Lạt. 
 
Sáng hôm sau, như đã hẹn tôi có mặt tại điểm tập kết, các vị khách nước ngoài đã được nhân viên của công ty đón và nghe phổ biến hành trình cũng như một số kỹ năng khi điều khiển xe đạp trên những cung đường đèo dốc quanh co.
 
Trên những chiếc xe đạp, những “phượt thủ” từ từ đạp xe ra khỏi thành phố, bỏ lại sau lưng sự huyên náo, tấp nập của đô thị để về với nông dân ngoại thành. Vừa ra khỏi thành phố, mọi người đã thích thú và cho xe chạy chầm chậm để chiêm ngưỡng những vườn trong nhà kính của nông dân Làng hoa Vạn Thành. Nhiều người trong đoàn đã xoay camera hành trình gắn trên mũ bảo hiểm để quét qua những vườn hoa đang khoe sắc. Khi đi qua làng hoa, cả đoàn du khách dừng xe ghé thăm vườn hoa đồng tiền của gia đình bà Nguyễn Thị Kiều Oanh. Mọi người vừa chiêm ngưỡng, vừa chụp hình và vừa nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Làng hoa Vạn Thành. Sau một hồi xổ một tràng bằng tiếng Anh với khách Tây, anh Huy quay sang tôi và nói: “Em đang giới thiệu cho khách với nội dung đại ý là, đây là một làng nghề truyền thống trồng hoa lớn của Đà Lạt, có hơn 200ha trồng hoa. Trước đây, người dân nơi đây chủ yếu trồng các loài hoa quen thuộc như hoa hồng, hoa cúc, hoa lay ơn… theo phương pháp thủ công. Còn hiện nay, các nông dân của Làng hoa Vạn Thành đã trồng thêm nhiều giống hoa ngoại nhập khác như lyly, đồng tiền, cát tường… và trồng trong nhà kính theo hướng công nghệ cao hiện đại. Các sản phẩm của làng hoa này không chỉ cung cấp cho thị trường của Việt Nam mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới”. Nhiều du khách đã tranh thủ quan sát các nông dân đang chăm sóc hoa và chụp hình lưu niệm với họ, đồng thời mua những bó hoa xinh tươi buộc vào xe đạp mang theo trên chuyến hành trình. 
 
Chia tay với nông dân Làng hoa truyền thống Vạn Thành, đoàn chúng tôi bắt đầu đổ đèo Tà Nung theo tuyến đường 725 xuyên qua những cánh rừng già và đồi thông thơ mộng. Khi đến giữa đèo - nơi một bên là đồi thông, một bên là thung lũng rừng bao phủ một lớp sương trắng nhẹ với những bông hoa rừng đang hé nụ thì anh hướng dẫn viên hô to “stop”, “photo” (dừng lại, chụp ảnh). Những thành viên trong đoàn đã sung sướng tạo dáng đủ kiểu để lưu lại cho mình những hình ảnh đẹp nhất với phong cảnh thiên nhiên thơ mộng nơi đây. Trên đường đi, sau khi dừng lại vài điểm nữa có phong cảnh đẹp để chụp hình, đoàn chúng tôi đã đến xã Tà Nung, một xã ngoại thành của Đà Lạt và ghé vào thôn 2 để tìm hiểu đời sống sinh hoạt của bà con đồng bào dân tộc Cờ Ho đang sinh sống nơi đây. 
 
Thấy đoàn khách vào thôn, từ trong nhà, nhiều người ló đầu qua những ô cửa chào “hello”, chứng tỏ ở cái thôn nghèo này, hàng ngày vẫn có nhiều đoàn khách Tây tới thăm. Những vị khách Tây quen cuộc sống công nghiệp hiện đại rất thích thú khi thấy cảnh sống đơn sơ, giản dị, đoàn kết, hòa với thiên nhiên của người dân nơi đây. Họ cảm thấy lạ lẫm với những căn bếp đun củi, nồi niêu khói bám lâu ngày đen kịt, hay những công cụ lao động thô sơ của người dân. Có nhiều ngôi nhà, chủ nhân không ở nhà nhưng đoàn du khách vẫn vào tham quan thoải mái bởi nhà không có cửa và không đóng bao giờ. Khi đi tới gần cuối làng, tôi hỏi hướng dẫn viên Huy là vào đây tham quan có mất chi phí gì không, anh bảo rằng miễn phí hết, nếu khách nào thích thì cho trẻ em trong làng ít tiền mua quà, còn không thì thôi, thấy khách đến thăm là họ vui rồi. Những người dân trong làng rất niềm nở, thân thiện. Thế nhưng tôi nghĩ nếu như người dân nơi đây có thêm những dịch vụ để phục vụ khách du lịch như phục vụ ăn uống với những món ăn đặc trưng của địa phương, bán đồ lưu niệm, các sản phẩm đặc trưng do chính tay họ sản xuất thủ công hay biểu diễn các tiết mục văn hóa văn nghệ mang bản sắc của dân tộc mình… thì không những thu hút du khách nhiều hơn mà còn tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân trong làng. Rời xa bà con đồng bào dân tộc Cờ Ho, ở thôn 2, Tà Nung chúng tôi tiếp tục hành trình đến với nông dân xã Mê Linh, huyện Lâm Hà. 
 
Mê Linh là xã nằm trải dài trên tuyến ĐT 725 cách Đà Lạt khoảng 25km. Gần đây, nhiều đoàn khách nước ngoài đã “phượt” qua tuyến này nên nhiều điểm dừng chân phục vụ du khách của người dân cũng đã mọc lên. Đoàn chúng tôi dừng chân ghé lại một trang trại trồng cà phê của người dân nơi đây để tìm hiểu về quy trình trồng, thu hoạch, chế biến hạt cà phê nguyên chất và đặc biệt là thưởng thức hương vị của cà phê chồn độc đáo mà nông dân địa phương sản xuất được. Tiếp theo, chúng tôi dừng chân tham quan lò nấu rượu gạo thủ công của gia đình anh Lưu Minh Tuấn ở thôn 2 Mê Linh. Đến đây mọi người được tìm hiểu quy trình nấu rượu gạo truyền thống của người Việt từ khâu nấu cơm, trộn ủ men, pha nước và chưng cất thành rượu. Vừa tham quan, nghe hướng dẫn viên giới thiệu vừa thưởng thức những ly rượu nồng ấm vừa chảy ra đầu vòi, anh Belle - một du khách đến từ Canada nhận xét: “Good!” (hay quá)!. Tham quan xong lò rượu, chúng tôi đã tới trại nuôi dế để xem những chú dế đang búng càng nhảy nhót trong thùng nuôi và thưởng thức những đĩa dế giòn tan. Sau đó, đoàn tiếp tục hành trình tham quan đến với khu chuồng nuôi động vật hoang dã, côn trùng và thú lạ như cá sấu, lợn rừng, gà rừng, chồn hương, nhím, kỳ đà, dúi, bò cạp, chồn nhung, chuột bạch… và tham quan cơ sở nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa của người dân địa phương. 
 
Sau khi kết thúc hành trình, mọi người tập trung cho xe đạp lên ô tô để quay về Đà Lạt. Trên đường về khi ngồi cùng trên xe ô tô với nhau, tôi nhờ anh hướng dẫn viên phiên dịch và hỏi mọi người trong đoàn cảm nhận như thế nào về chuyến đi. Mọi người đều nói rằng, đây là tour du lịch kết hợp giữa du lịch thể thao và du lịch tham quan, khám phá rất lý thú. Chị Carila đến từ Mỹ nói rằng, đất nước các bạn không chỉ có khung cảnh thiên nhiên đẹp, món ăn phong phú, nhiều sản vật mà người dân thật chứa chan tình cảm, hiếu khách. 
 
Đi tìm cảm giác mạnh
 
Sau chuyến hành trình về với nông dân ngoại thành đầy lý thú, tôi theo chân đoàn khách Tây đi tìm cảm giác mạnh bằng một tour du lịch mạo hiểm. 
 
Sáng hôm sau, xe ô tô 24 chỗ của Công ty Du lịch Viet Challenge đã chở chúng tôi xuống khu vực rừng già hồ Tuyền Lâm để chinh phục những thác nước hung dữ và vách đá cheo leo thuộc dòng Datanla dưới thung lũng đèo Prenn, Đà Lạt. Sau khi xuống xe, mọi người được trang bị áo phao, mũ bảo hiểm, đeo đai để bắt đầu băng rừng xuống thác. 
 
 Chinh phục Thác Trời
Chinh phục Thác Trời

Sau hơn 30 phút băng rừng, chúng tôi đã xuống tới điểm thử thách đầu tiên. Đó là Vách tử thần cao 18m. Lúc đầu mọi người còn hào hứng nhưng khi nhìn vách đã dựng đứng cao ngất, thì nhiều người có vẻ rụt rè. Anh hướng dẫn viên đã khéo léo động viên rằng, “Các bạn đừng lo lắng, chỉ cần một trái tim mạnh mẽ và cái đầu lạnh để thử thách chính mình với các trò mạo hiểm này. Chúng tôi sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các bạn”. Hướng dẫn viên trao đổi với anh Hannes Kapke (đến từ Cộng hòa Liên bang Đức), “Anh tới đây, tôi sẽ giúp anh xuống thác đầu tiên”. Sau khi thực hiện bảo hiểm chắc chắn, các hướng dẫn viên bắt đầu hướng dẫn cho Hannes đu giây xuống vách đá cheo leo. “Vạn sự khởi đầu nan”, trong khi Hannes đang dang rộng hai chân ngửa người lấy thăng bằng và sử dụng đôi tay nhịp nhàng để thả dây xuống thác thì mọi người hồi hộp quan sát, chờ đợi. Đến khi người đầu tiên đã chinh phục thành công Vách Tử Thần tất cả vỗ tay reo hò cổ vũ.
 
Sau Vách Tử Thần, chúng tôi men theo dòng thác đi xuống phía hạ nguồn len qua những mảng rừng rậm, âm u và có những đoạn phải lội qua khúc suối nước sâu ngang cổ và đá lởm chởm để tới vách khô thứ hai cao 15m. Do đã thử cảm giác ở thử thách đầu tiên rồi nên lần này mọi người có vẻ mạnh dạn hơn. Thế nhưng khác với Vách Tử Thần, vách này du khách phải vừa bung người, vừa thả dây để nhảy qua vách đá dựng đứng. Đứng phía dưới nhìn lên, những động tác của mọi người rất đẹp chẳng khác gì cảnh lực lượng đặc nhiệm giải cứu con tin trên các tòa nhà cao tầng trong phim Hollywood. Hoàn thành hai thử thách cam go đầu tiên, chúng tôi tiếp tục đến với trò trượt nước thú vị. Đến với trò chơi này, người chơi chỉ cần nằm ngửa hai tay để lên bụng và thả người trên mặt đá để nước đẩy trôi tự do. Thật không sai khi ví đây là máng trượt thiên nhiên độc nhất vô nhị khó tìm thấy nơi nào khác. Tiếp theo chúng tôi dừng lại ăn điểm tâm để bổ sung năng lượng cho những cuộc chinh phục thử thách mới phía trước đó là, Thác Trời, vách Nhảy, vách Máy Giặt. 
 
Thác Trời cao 25m, thác đổ mạnh từ trên đỉnh xuống. Không như hai thác khô vừa trải qua, lần này là những bờ đá mấp mô, trơn trượt và nước tung trắng xóa. Đặc biệt, phía dưới là hàm ếch lõm vào nên khi cách mặt nước khoảng 5m là phải thả dây để rơi tự do. Do thác cao, nước lại tuôn ầm ào nên người chơi vừa bám mình vào vách đá, thả dây di chuyển xuống từ từ vừa nhìn động tác ra hiệu chỉ dẫn bằng tay của các hướng dẫn viên. Sau khi chinh phục thác Trời, ai cũng nghĩ đây là thử thách cam go nhất trong chuyến hành trình. Thế nhưng khi đến với vách nhảy thì đây mới thực sự là nơi đối đầu với sự sợ hãi. 
 
Vách Nhảy là thác nước cao hơn 11m với vách đá nhô ra lởm chởm, thử thách bản lĩnh của người khám phá. Ở thác nhảy này, mọi người phải lấy đà dậm nhảy và rơi tự do xuống vực sâu hơn 11m. Nhiều người sau khi ngó đầu nhìn xuống vách đá đã thốt lên, “I don’t dare” (tôi không dám đâu). Hướng dẫn viên tên Huy là người làm mẫu, nhảy đầu tiên để mọi người nhảy theo. Và thử thách cuối cùng trong chuyến hành trình là vách Máy Giặt. Quả đúng như tên gọi của nó, khi đu dây men theo vách đá xuống phía dưới và thả dây xuống nước thì chúng tôi đã bị dòng nước cuộn tròn xoay mấy vòng rồi mới đẩy ra ngoài để ngoi lên. Một cảm giác thật thú vị!
 
Kết thúc hành trình, tuy chưa hết mệt mỏi vì dốc sức cho những thử thách đã qua, nhưng mọi người đều có cảm giác lâng lâng, thỏa mãn, tự hào vì mình đã vượt qua được chính mình, chiến thắng sự sợ hãi và chinh phục được những thử thách đáng nhớ trong đời và đồng tình với nhận xét “Đà Lạt là kinh đô du lịch mạo hiểm của Việt Nam”. Và thật không sai khi Tờ New York Times đã bình chọn Đà Lạt là một trong 52 điểm đến lý tưởng cho du khách năm 2016.
 
DUY DANH