Nếu có một "cú hích" du lịch cho Đơn Dương…

09:03, 03/03/2016

Dù hoa quỳ, hoa cải, hoa cỏ… năm nào cũng có, nhưng gần đây, smartphone và những bức ảnh đẹp đã lôi cuốn du khách đến huyện nông thôn mới Đơn Dương rất đông, tạo nên một hiệu ứng du lịch rất rõ. Nhưng ngoài những mùa hoa, Đơn Dương còn có rất nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp và những công trình kiến trúc lạ. 

Dù hoa quỳ, hoa cải, hoa cỏ… năm nào cũng có, nhưng gần đây, smartphone và những bức ảnh đẹp đã lôi cuốn du khách đến huyện nông thôn mới Đơn Dương rất đông, tạo nên một hiệu ứng du lịch rất rõ. Nhưng ngoài những mùa hoa, Đơn Dương còn có rất nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp và những công trình kiến trúc lạ. Tuy nhiên, vẫn chưa có cách gì “đánh thức” tiềm năng du lịch ở vùng đất giàu bản sắc của nhiều dân tộc anh em này… 
 
Một góc Đơn Dương bên hồ Thủy điện Đa Nhim
Một góc Đơn Dương bên hồ Thủy điện Đa Nhim

Hiệu ứng du lịch hoa
 
Cũng như Đà Lạt, thời điểm đẹp nhất ở Đơn Dương là từ tháng 11, trời hết mưa, thời tiết dễ chịu, nhiều loài hoa nở, rau củ quả đa dạng. Khắp các ngả đường dẫn đến vùng có diện tích canh tác nông nghiệp lớn, hoa quỳ đều nở rực rỡ. Vốn chỉ là cây mọc hoang được giữ lại làm hàng rào, qua năm tháng, được cắt gọn để không lấn chiếm đất sản xuất, thế mà, cứ vào mùa hoa nở, người dân Đơn Dương lại rất quen với hình ảnh từng tốp du khách lang thang trên những con đường lớn - nhỏ, săn ảnh, tạo dáng với hoa quỳ… Đặc biệt, cuối năm 2015, xuất hiện cánh đồng hoa hướng dương được trồng trong trang trại Dalat Milk, thay thế cỏ xanh để chế biến thức ăn cho bò sữa, đã tạo nên “cơn sốt” hoa hướng dương, có ngày lên tới vài ngàn lượt khách… Rồi hoa cải, hoa cỏ hồng nối nhau nở hoa, lại tiếp tục thu hút du khách đến ngắm hoa, chụp ảnh…
 
Thực ra, từ xưa đến giờ, hoa quỳ, cỏ hồng, với hoa củ, quả… đối với người dân Đơn Dương rất bình thường, nhưng do cuộc sống, chuyện hoa có đẹp hay không dường như chẳng tác động nhiều lắm đến những người xung quanh. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông chưa phổ biến, nên Đơn Dương cũng chỉ được biết như là vùng đất canh tác rau lớn nhất Lâm Đồng… Từ khi có những bức hình đẹp lan truyền lên mạng, được nhiều người thích thú tìm đến đã tạo nên hiệu ứng. Đời sống kinh tế ngày càng tốt hơn, người ta có điều kiện quan tâm nhiều hơn đến giá trị tinh thần, đến cộng đồng và xã hội… Vì vậy, với lợi thế từ những mùa hoa, Đơn Dương được chú ý và lựa chọn là điểm đến nhiều hơn… Đây, không chỉ là vùng đất nông thôn mới, vùng chuyên canh rau, hoa… 
 
Nhà thờ Ka Đơn có kiến trúc độc đáo và đậm chất nhân văn
Nhà thờ Ka Đơn có kiến trúc độc đáo và đậm chất nhân văn

Và còn rất nhiều huyền bí khác
 
Nhiều người thích đến Đơn Dương dã ngoại bởi khí hậu ấm nóng hơn Đà Lạt, quang cảnh lại rộng rãi, thoáng đẹp. Tính ra, Đơn Dương cũng có nhiều thắng cảnh, như thác Thiên Thai, hồ Đa Nhim, hồ Ma Đanh, hồ Próh, đồi thông Châu Sơn, đèo Ngoạn Mục… Đơn Dương lại nằm sát Đà Lạt và là điểm nối Đà Lạt với vùng du lịch biển Phan Rang - Tháp Chàm… Dù không có những mùa hoa, vẫn có thể khai thác thành các điểm đến vệ tinh trong các tuyến du lịch của Đà Lạt, hoặc là điểm dừng chân, điểm kết nối giữa du lịch Đà Lạt và Phan Rang. 
 
Đơn Dương lại là cái nôi văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên như Kơ Ho, Churu… Mỗi dân tộc thiểu số ở đây đều có ít nhất một loại sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, hình thành nên các nghề truyền thống phục vụ cho cuộc sống, như nghề sản xuất rượu cần, nghề làm gốm, nghề làm nhẫn bạc, nghề đan lát, nghề làm bánh tráng… Và văn hóa cồng chiêng là nét đặc sắc nhất vẫn được lưu giữ trong các buôn làng, được bồi đắp hằng năm qua ngày hội văn hóa các dân tộc của huyện. 
 
Còn có một Đơn Dương rất khác biệt về kiến trúc văn hóa, tâm linh. Nổi bật nhất là Tổ Đình Sắc Tứ Giác Nguyên - ngôi chùa cổ ở xã Lạc Nghiệp, được xây dựng từ năm 1923, được ban sắc tứ từ thời Bảo Đại (năm 1939), được sửa chữa và xây dựng thêm như ngày nay từ năm 1999. Hướng mặt về hồ Thủy điện Đa Nhim, Tổ Đình Sắc Tứ Giác Nguyên còn có cảnh quan kiến trúc đẹp, có nhiều tượng Phật bằng gỗ chạm khắc tinh xảo… Nhà thờ Ka Đơn cũng có kiến trúc rất đặc sắc với chất liệu chỉ là thép, kính, gỗ và đá; không cao và nhọn như những kiểu nhà thờ thông thường khác, mà có hình dáng tương tự như mái nhà rông của đồng bào Tây Nguyên. Kiến trúc nhà thờ Ka Đơn được đánh giá mang đậm nét nhân văn bởi không có tường ngăn, rào chắn, không bậc cấp, có sức chứa đến mấy ngàn người. Đặc biệt, trong khuôn viên nhà thờ còn có bảo tàng dân tộc Churu, do linh mục quản xứ Nguyễn Đức Ngọc cùng giáo dân thu thập, chỉnh lý và biên soạn thuyết minh…
 
Cánh đồng hoa hướng dương. Ảnh: Thụy Trang
Cánh đồng hoa hướng dương. Ảnh: Thụy Trang

Thách thức và cơ hội
 
“Đi ba ngày không hết” - đó là nhận xét của chị Mai Vân (phường 6 - Đà Lạt), sinh ra và lớn lên ở Đơn Dương. Thỉnh thoảng chị vẫn cùng con cháu và bạn bè “về quê” cắm trại, bắt cá, nướng thịt, lan man trên đồng ruộng, lang thang đến các buôn làng… Năm 2011, chính quyền huyện Đơn Dương đã ban hành kế hoạch phát triển dịch vụ - du lịch giai đoạn 2011-2015, với các loại hình du lịch sinh thái gắn với sản phẩm tiểu thủ công nghiệp - làng nghề, du lịch sinh thái kết hợp các sản phẩm nông nghiệp, du lịch sinh thái kết hợp với mô hình trang trại… Đồng thời, hình thành nhiều tour tuyến đến các danh lam thắng cảnh gắn với tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm lao động và thưởng thức ẩm thực cùng đồng bào các dân tộc thiểu số. 
 
“Nhưng, vấn đề không phải dễ!” - ông Đinh Ngọc Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, chia sẻ - “Đơn dương mong muốn thu hút đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Sản xuất ở Đơn Dương rất tốt rồi, kể cả trong trồng trọt và chăn nuôi, nhưng lại chưa thu hút được ở khâu chế biến, nên hàng hóa vẫn ở dạng thô, sơ chế. Tiềm năng du lịch của Đơn Dương rất đa dạng, nhưng chưa được khai thác. Từ hiệu ứng của những mùa hoa, cùng với định hướng phát triển và hiệu quả truyền thông, hy vọng sẽ dần hội tụ được những điều kiện thuận lợi về kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch giúp Đơn Dương thực hiện được ước mơ của mình”.
 
Định hướng phát triển Đà Lạt - Lâm Đồng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Đơn Dương chính thức là một phần của Đà Lạt trong quy hoạch phát triển. Năm 2015, Đơn Dương là huyện đầu tiên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ở tỉnh Lâm Đồng, nên cơ sở hạ tầng của Đơn Dương đã được đầu tư khá đồng bộ… Đây là điều kiện thuận lợi để Đơn Dương có cơ hội giới thiệu mình ở hiện tại và trong tương lai về thiên nhiên, về thế mạnh, về con người và mở ra các hoạt động thu hút du lịch, thu hút đầu tư cùng chính quyền và nhân dân chung tay, góp sức phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân. 
 
Hiệu ứng từ những mùa hoa là tín hiệu quảng bá, phát triển du lịch Đơn Dương rất tốt. Nếu tận dụng được lợi thế này, Đơn Dương có thể vừa tiếp tục khai thác tiềm năng về kinh tế, vừa thu hút du lịch. và những mùa hoa sẽ tác động trực tiếp để mở ra các điểm, các tuyến du lịch ở Đơn Dương, để du khách được hòa vào cuộc sống lao động của người nông dân hiền lành và đắm mình trong thiên nhiên để cảm nhận hết cái “chất” mộc mạc, dân dã mà thân thuộc và quyến rũ của vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và nhân văn chạy dọc đôi bờ sông Đạ Nhim trong vắt và tươi xanh này!
 
LÊ HOA