Để Luật Du lịch đi vào cuộc sống...

09:05, 26/05/2016

Dự thảo "Luật Du lịch sửa đổi" đang được đưa ra lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm, nhằm thay thế Luật Du lịch có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006, với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường...

Dự thảo “Luật Du lịch sửa đổi” đang được đưa ra lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm, nhằm thay thế Luật Du lịch có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006, với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường; gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam…
 
Thiên nhiên Đà Lạt khiến du khách vô cùng thích thú
Thiên nhiên Đà Lạt khiến du khách vô cùng thích thú
10 năm thực hiện Luật Du lịch ở Việt Nam
 
Thực tế cho thấy, Luật Du lịch tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh doanh du lịch, trong đó đa dạng hóa các loại hình kinh doanh (lữ hành, lưu trú du lịch, vận chuyển khách du lịch - hàng hóa, dịch vụ trong khu du lịch, điểm du lịch) bảo đảm cung ứng thường xuyên các dịch vụ cho khách du lịch. Cả nước có hơn 1.500 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, hàng chục nghìn doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa - doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch và gần 19 ngàn cơ sở lưu trú du lịch, với trên 355 ngàn buồng - phòng... Nhiều khu du lịch trọng điểm đã được hình thành trên cả nước nhằm phát huy lợi thế về tiềm năng, tài nguyên du lịch, hình thành hệ thống sản phẩm và các trọng điểm phát triển du lịch. 
 
Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí mang đẳng cấp quốc tế đã góp phần tích cực đổi mới diện mạo tại các địa bàn du lịch trọng điểm, trung tâm đô thị tại nhiều tỉnh - thành trên cả nước... Góp phần đưa du lịch Việt Nam đẩy mạnh hội nhập với các nước trong khối ASEAN và trên thế giới, bảo đảm chất lượng phục vụ cho khách du lịch tốt hơn so với 2 mức tương đương trong khu vực. Hàng năm, Bộ VHTT&DL tổ chức trao giải thưởng Du lịch Việt Nam nhằm vinh danh các doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực kinh doanh du lịch và tôn vinh các hãng lữ hành quốc tế gửi khách đến Việt Nam với số lượng lớn.
 
Sau 10 năm thực hiện, Luật Du lịch đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo quyền của người dân được hưởng thụ các giá trị văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn và góp phần phát triển kinh tế. Riêng năm 2015, tổng thu từ khách du lịch đạt 337 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 6% GDP quốc gia. Nhiều tỉnh - thành đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào ngân sách của địa phương...
 
Hoạt động du lịch ở Lâm Đồng từ khi có Luật Du lịch
 
Hiện nay, Lâm Đồng có trên 100 khu, điểm tham quan du lịch, trong đó, có 2 khu du lịch quốc gia được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020 tầm nhìn 2030 (Hồ Tuyền Lâm, Đankia Suối Vàng) và 13 khu, điểm là danh lam thắng cảnh được xếp hạng... Nhiều tuyến du lịch đường bộ nội tỉnh và liên tỉnh nối Lâm Đồng với các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ... 7 tuyến đường hàng không có thể đưa du khách đến khắp các vùng miền trong cả nước, từ đó dễ dàng thông tuyến đi quốc tế...
 
Lượng khách du lịch đến Lâm Đồng tăng trưởng đều hằng năm với tốc độ bình quân 10%/năm. Trong giai đoạn từ 2011-2015, Lâm Đồng đã đón 20 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế. Riêng năm 2015, khách du lịch đến Lâm Đồng đạt 5,1 triệu lượt (trong đó, 3,3 triệu lượt qua lưu trú, 220 ngàn lượt khách quốc tế), tăng 6,25% so với năm 2014, ngày lưu trú bình quân đạt 2,5 ngày, doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch đạt 9,18 tỷ đồng, công suất phòng bình quân 55%...
 
Cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực du lịch ngày càng được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 925 cơ sở lưu trú du lịch, với trên 15 ngàn phòng, có sức chứa khoảng 40 ngàn khách, trong đó, có hơn 300 khách sạn có sao (27 khách sạn từ 3-5 sao). 42 đơn vị kinh doanh lữ hành, vận chuyển du lịch, với 12 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Lâm Đồng có khoảng 10 ngàn lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, với 75% đã qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ. Trên địa bàn hiện có 6 trường đào tạo ngành du lịch từ bậc công nhân lành nghề đến đại học...
 
Qua các năm, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện nghiên cứu và tổ chức xúc tiến, quảng bá, tiếp cận các thị trường du lịch mục tiêu quốc tế, như Nga, Nhật Bản, Trung Quốc...; đón nhiều đoàn lữ hành, báo chí quốc tế đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Úc, Thái Lan; khai thác một số đường bay thử nghiệm quốc tế từ Thái Lan, Trung Quốc, Singapore...
 
Ngay sau thời điểm công bố Luật Du lịch năm 2006, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có Nghị quyết chuyên đề về du lịch theo từng giai đoạn (NQ06-NQ/TU ngày 21/9/2006 về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đột phá, tăng tốc phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ giai đoạn 2006-2010; NQ04-NQ/TU ngày 10/5/2011 về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011-2015). Ngành Du lịch Lâm Đồng cũng có kế hoạch hành động được UBND tỉnh phê duyệt. Du lịch Lâm Đồng từng bước khẳng định là ngành kinh tế động lực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà...; khai thác được các loại hình du lịch đặc trưng, như: du lịch sinh thái, văn hóa bản địa, thể thao mạo hiểm, nông nghiệp, hội nghị - hội thảo...
 
Ngành Du lịch cũng phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh như: Thanh tra, Quản lý thị trường, Tài nguyên - Môi trường, Y tế, Thuế, Công an, Công thương... tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch về thực hiện đăng ký kinh doanh, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn du khách, nghĩa vụ ngân sách, niêm yết giá và đăng ký khách... Phối hợp với TTXTĐTTM-DL và Hiệp hội Du lịch thành lập và duy trì hoạt động của 5 chi hội (Khách sạn - Nhà hàng, Danh lam thắng cảnh, Du lịch phía Nam, Lữ hành vận chuyển, CLB đầu bếp chuyên nghiệp), tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá và các sự kiện chung của ngành...
 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Du lịch vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do thực tế nảy sinh, do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế, như các quy định liên quan đến chính sách về ưu đãi, đầu tư, điều kiện kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, quyền và nghĩa vụ của khách du lịch,... cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn… 
 
Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) có 9 chương, 83 điều, sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2017, có những quy định về khu, điểm, đô thị du lịch và xếp hạng khu, điểm du lịch; quy định về kinh doanh lữ hành, kinh doanh vận tải khách du lịch, cơ sở du lịch, hợp tác và hội nhập quốc tế về du lịch… Ban soạn thảo Luật Du lịch (sửa đổi) thời gian qua đã khảo sát, tham vấn tại nhiều địa phương, trong đó có Lâm Đồng. 
 
Ngành Du lịch và UBND tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt đã có những ý kiến, đề xuất đóng góp, bổ sung, sửa đổi 30 điểm trong Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết cho phù hợp với thực tiễn phát triển của du lịch Việt Nam, du lịch Lâm Đồng và hội nhập quốc tế... Đồng thời, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội với bảo vệ môi trường, tỉnh Lâm Đồng đang tích cực triển khai các Quy hoạch, Chiến lược, nghị quyết của Việt Nam, khu vực và địa phương...; tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế, như Festival Hoa, Lễ hội Trà, Năm Du lịch quốc gia...
 
LÊ HOA