Định vị thương hiệu Đà Lạt - Lâm Đồng trên bản đồ du lịch

09:06, 16/06/2016

Mục tiêu của quy hoạch phát triển TP Đà Lạt về du lịch theo Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 đó là xây dựng Đà Lạt trở thành "Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa, di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế" - đây cũng như là kim chỉ nam để Lâm Đồng thực hiện các ưu đãi trong thu hút đầu tư phát triển du lịch...

Mục tiêu của quy hoạch phát triển TP Đà Lạt về du lịch theo Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 đó là xây dựng Đà Lạt trở thành “Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa, di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế” - đây cũng như là kim chỉ nam để Lâm Đồng thực hiện các ưu đãi trong thu hút đầu tư phát triển du lịch. Nhưng, du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đang ở đâu trên bản đồ du lịch thế giới cũng cần được xác định để có những nỗ lực thực hiện trong quá trình xây dựng một thương hiệu du lịch bền vững…
 
Từ nhiều năm trước, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng, luôn ưu tiên phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế động lực. Nhờ đó, du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đã có những thành tích đáng kể, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và đang thu hút sự chú ý của thế giới.
 
Cần xây dựng thương hiệu du lịch Đà Lạt đẳng cấp khu vực và thế giới. Ảnh: THỤY TRANG
Cần xây dựng thương hiệu du lịch Đà Lạt đẳng cấp khu vực và thế giới. Ảnh: THỤY TRANG
Không bình dân hóa các dịch vụ du lịch
 
Cách đây hơn 15 năm, khi dự án chuyên đề quy mô đầu tiên của Lâm Đồng được triển khai tại KDL hồ Tuyền Lâm có 20 nhà đầu tư đăng ký với tổng vốn khoảng 4.446 tỷ đồng. Lúc đó, du lịch Đà Lạt hầu như còn rất hoang sơ, nên thơ và giản dị; du khách đến Đà Lạt chỉ để ngắm cảnh thôi mà cũng là mơ ước của bao nhiêu người, bởi đường sá đi lại khó khăn, đường bay vừa hiếm tuyến, vừa khan chuyến, lại vừa đắt đỏ… Đến nay, KDL hồ Tuyền Lâm có 38 dự án đăng ký với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 9 ngàn tỷ đồng và đã có 8 dự án được đưa vào khai thác (tỷ lệ 22%). 
 
Ngoài dự án sản xuất - kinh doanh hoa lan của Công ty TNHH Hoa Lan Thanh Quang và dự án tham quan Đường hầm điêu khắc của Công ty Cổ phần Sao Đà Lạt, các dự án khác đang hoạt động trong KDL Hồ Tuyền Lâm đều là những dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, như của Công ty TNHH Maico Đà Lạt (Khu nghỉ dưỡng Edensse), dự án của Công ty cổ phần Sacom Tuyền Lâm (Sân golf 18 lỗ, KS 5 sao và khu nghỉ dưỡng), dự án của Công ty TNHH Làng Bình An (Khu nghỉ dưỡng Làng Bình An), dự án của Công ty Bốn Mùa Tuyền Lâm (Khu nghỉ dưỡng Terracotta), dự án của Công ty TNHH Xây dựng Giao thông Tiến Lợi (Khu nghỉ dưỡng K’Lan)… 
 
Toàn tỉnh hiện có khoảng 100 khu - điểm tham quan du lịch, nổi bật như KDL Rừng Mađagui, KDL Thác Đamb’ri, KDL Thung lũng Tình Yêu, dự án Trung tâm huấn luyện dã ngoại Núi Voi, KDL Làng Cù Lần, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, khu di tích Dinh I… tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng sinh thái, tham quan - nghỉ dưỡng, hội nghị hội thảo, trăng mật… Năm 2011, trên địa bàn toàn tỉnh có 237 dự án đầu tư vào du lịch với tổng vốn đăng ký khoảng 71.361 tỷ đồng, tập trung vào loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, khẳng định thế mạnh của du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng là gắn kết với tự nhiên. Thế nhưng đến cuối năm 2015, chỉ có trên 30 dự án đưa vào hoạt động kinh doanh với tổng số vốn trên 3.000 tỷ đồng. Sau 5 năm, với tỷ lệ dự án đi vào hoạt động so với tổng dự án đăng ký đầu tư du lịch này cho thấy, du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng chưa tạo được bước đột phá về sản phẩm, dịch vụ.
 
Xây dựng môi trường du lịch bền vững
 
Nhiều KDL đang hướng đến các tiêu chuẩn của khu vực và thế giới về chất lượng dịch vụ và bảo vệ môi trường, như: Khu nghỉ dưỡng Anna Mandara Đà Lạt đạt giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN 2012, Tòa nhà năng lượng nhiệt đới ASEAN năm 2010, Kiến trúc xanh Việt Nam 2012, giải Nhì Tòa nhà nhiệt đới; Khu nghỉ dưỡng Hoàng Anh Đất Xanh đạt chứng nhận khách sạn xanh ASEAN giai đoạn 2016-2018… Với mục tiêu phát triển du lịch đảm bảo bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội với bảo vệ môi trường, tỉnh đã chủ động tiến hành quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch để kêu gọi thu hút đầu tư các làng hoa truyền thống Thái Phiên, Vạn Thành, Hà Đông; điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu du lịch hồ Tuyền Lâm; bổ sung quy hoạch sân golf Mađagui 18 lỗ; hoàn thiện mô hình du lịch mạo hiểm tại KDL thác Đatanla với các sản phẩm du lịch tiềm năng là đu dây vượt thác, hành trình trên cao; quy hoạch phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà; hình thành mô hình mẫu để phát triển du lịch nông nghiệp tại khu phố Hồ Xuân Hương và mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao Trại Mát,…
 
Nếu làm một phép thử trên Google, sẽ có trên 448 ngàn kết quả cho từ khóa “Đà Lạt - Lâm Đồng” và 658 ngàn kết quả cho từ “Đà Lạt”. Dù không nhiều bằng các điểm đến du lịch khác trong cả nước, nhưng số lượt tìm kiếm thông tin về Đà Lạt - Lâm Đồng đang tăng lên mỗi ngày. Trong giai đoạn 2011-2015, TP Đà Lạt đã triển khai các chương trình nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu, tạo sản phẩm dịch vụ du lịch có chất lượng tốt, xây dựng lòng tin với du khách khi đến Đà Lạt - Lâm Đồng. Đến cuối năm 2015, có 118 cơ sở “Nhãn hiệu Xanh” (bao gồm: 83 cơ sở kinh doanh lưu trú, 29 cơ sở kinh doanh ăn uống, 6 khu điểm du lịch), 18 cơ sở “Điểm mua sắm chất lượng cao”, và 25 điểm đến du lịch nông nghiệp…
 
Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải liên tỉnh và nội tỉnh được đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện nhiều luồng tuyến. Cảng hàng không Liên Khương đang có 3 hãng hàng không trực tiếp khai thác là Vietnam Airline, Jetstar Pacific, Vietjet Air với tần suất lên đến 21 chuyến bay mỗi ngày đến 7 tỉnh thành Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Cần Thơ và Hải Phòng. Đặc biệt, trong năm 2015, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện đón 5 chuyến bay quốc tế trực tiếp đến sân bay Liên Khương từ các quốc gia Thái Lan, Trung Quốc, Singapore - đây là điều kiện tốt để phát triển, mở rộng tuyến bay quốc tế thời gian tới.
 
Cồng chiêng Tây Nguyên - di sản thế giới rất hấp dẫn du khách
Cồng chiêng Tây Nguyên - di sản thế giới rất hấp dẫn du khách
Gìn giữ và phát huy các giá trị vật chất và nhân văn
 
Không phải tự nhiên, đầu năm 2016, 2 hãng truyền thông lớn của thế giới đã đưa Đà Lạt vào bảng xếp hạng giới thiệu những điểm đến du lịch. Đó là Chuyên trang Du lịch của tờ New York Times (Mỹ) công bố điểm đến mỗi tuần hấp dẫn trên thế giới du khách nên thực hiện trong năm 2016 và xếp Đà Lạt ở tuần thứ 30 với những rừng thông, có nhiều hoạt động ngoài trời thú vị từ chơi golf đến leo núi bằng xe đạp… Hãng truyền hình CNN (Cable News Network - Mỹ) cũng đưa Đà Lạt vào vị trí thứ 3 trong danh sách các điểm đến nổi tiếng nhưng ít được du khách quốc tế biết đến tại châu Á với tên gọi là “Thành phố của mùa xuân vĩnh cửu”, là nơi khiến người ta quên rằng mình đang ở vùng Đông Nam Á nắng nóng. 
 
Ông Lương Văn Ngự (Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường), trong cuộc họp tổng kết 5 năm hoạt động của du lịch Lâm Đồng (giai đoạn 2011-2015) đã cho rằng: Cần nhìn thẳng vào bức tranh toàn cảnh về du lịch Lâm Đồng - ngoài lợi thế tự nhiên, còn có các giá trị nhân văn. Di sản ở Lâm Đồng rất nhiều, không chỉ riêng ở Đà Lạt, mà rải khắp tỉnh từ di chỉ Cát Tiên đến Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang - cần có những nghiên cứu để bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích. Cần chú ý tới giá trị sáng tạo của các nghệ sĩ, doanh nghiệp tạo nên đặc điểm văn hóa tinh thần cho Đà Lạt. Đồng thời, cần giải quyết các vấn đề về môi trường du lịch ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Đà Lạt, hoặc những hoạt động du lịch gây phản cảm, làm lu mờ phong cách “Người Đà Lạt nhân văn - hiền hòa - mến khách”. 
 
Sắp tới đây, khi cơ chế đặc thù cho Đà Lạt được triển khai, tất cả các quy hoạch, công trình, mô hình khi xây dựng đều có tiêu chí gắn với các giá trị nhân văn… Không chỉ đẹp, thơ mộng và trong lành… Đà Lạt - Lâm Đồng trong tương lai phải là điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng cao. Mục tiêu của du lịch chất lượng cao không đơn giản chỉ là đáp ứng một cách hợp lý nhu cầu của du khách về các sản phẩm, dịch vụ; mà phải đặt ra tiêu chí để vươn tới những dịch vụ, sản phẩm cao cấp, thực sự phải trở thành thương hiệu du lịch quốc gia, khu vực và cả thế giới. Đi cùng đó, không chỉ chăm lo phát triển cơ sở vật chất hạ tầng du lịch, mà còn phải nâng tầm quy mô và chất lượng các ngành nghề bổ trợ du lịch, nhân lực phục vụ ngành du lịch, các hoạt động du lịch… trong môi trường du lịch an ninh, an toàn, hiện đại và bền vững…
 
NHẬT QUÂN