Đường lên trăng - kiến trúc bước ra từ cổ tích

08:06, 09/06/2016

KTS Lữ Trúc Phương nổi tiếng từ thập niên 90 của thế kỷ 20 với 2 công trình "Nhà trăm mái" và "Đường lên trăng". Với ý tưởng dựa vào các câu chuyện truyền thuyết về lịch sử và cổ tích Việt Nam, khắc họa cả những vật liệu truyền thống về kiến trúc là tre, trúc, gỗ, đá, gốm… con gái ông đang tiếp tục triển khai ý tưởng của ba mình để hoàn thiện công trình hình chữ "đ" kỳ bí mang tên "Đường lên trăng"…

KTS Lữ Trúc Phương nổi tiếng từ thập niên 90 của thế kỷ 20 với 2 công trình “Nhà trăm mái” và “Đường lên trăng”. Với ý tưởng dựa vào các câu chuyện truyền thuyết về lịch sử và cổ tích Việt Nam, khắc họa cả những vật liệu truyền thống về kiến trúc là tre, trúc, gỗ, đá, gốm… con gái ông đang tiếp tục triển khai ý tưởng của ba mình để hoàn thiện công trình hình chữ “đ” kỳ bí mang tên “Đường lên trăng”…
 
Nơi đây sẽ có một nàng Trăng
Nơi đây sẽ có một nàng Trăng
Người cha và câu chuyện kiến trúc kỳ thú…
 
Nhìn từ ngoài, “Đường lên trăng” là một quán cà phê với cây cối um tùm, che kín mặt tiền trên đường Phan Bội Châu… Nhưng sau lớp cửa kính, cùng với sự hướng dẫn của chủ nhân, một câu chuyện vô cùng thú vị được kể, xen kẽ trong câu chuyện đó là những câu chuyện cổ tích mang đậm nét nhân văn được chủ nhân biến hóa thành những hình khối trong mê cung kiến trúc từ thuở hồng hoang với thế giới muôn loài còn trong trứng nước… Câu chuyện bắt đầu khi người khách đặt chân vào quán - đó là đã bước qua miệng một con cá khổng lồ. Bước xuống là đi vào bụng cá với thế giới thủy cung dần mở ra…; và bước lên, là đi qua hàng ngàn năm xây dựng và giữ nước của ông cha để đến được một khung trời tươi sáng và thơ mộng, nơi có nàng trăng đang nhàn nhã thả hồn vào bầu trời rộng lớn và rực sáng…
 
Ý tưởng tạo nên “Đường lên trăng” không phải một lần, hai lần đến đây có thể cảm nhận được. Chủ nhân đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, từ cách đây 27 năm (1989)… KTS Lữ Trúc Phương cho biết: “Nàng trăng sẽ là điểm trung tâm của chữ “đ”, nhưng phải sau 2 năm nữa mới hoàn thiện. Trong một tương lai gần sẽ có một nàng trăng dài 16 mét, tượng trưng cho người con gái ở tuổi trăng tròn, đang nhìn lên vầng trăng khuyết ở trên cao, có dòng nước đang chảy xuống người nàng, chảy xuôi theo mái tóc của nàng xuống dưới nữa…”. Dù chưa hoàn thiện, nhưng với hiệu ứng đèn chiếu sáng, “Đường lên trăng” vô cùng lãng mạn. Và khi vừa ra khỏi câu chuyện kỳ thú đó, vị khách đã đứng trên một ngọn đồi cao, có thể bao quát một khoảng không gian thành phố Đà Lạt lấp lánh ánh điện, hòa quyện với tiếng nước chảy như suối róc rách, “Đường lên trăng” thực sự hấp dẫn như nàng trăng tuổi 16.
 
KTS Lữ Trúc Phương sinh ra và lớn lên ở Campuchia, ảnh hưởng bởi kiến trúc Angkor Wat, nên đã tạo ra kiểu kết cấu vững chắc trong công trình của mình. Ông cũng có thời gian tu nghiệp kiến trúc ở Pháp, nên rất cẩn thận trong quá trình xây dựng. Đó là việc ông dùng những tảng đá để làm trần nhà… Những người thợ phải chăm chút từng ly từng tý một… Do đó, dù đã qua 27 năm, những người thợ ngày ấy - bây giờ được mời làm tiếp, chính họ cũng không ngờ, công trình chưa hề xuống cấp, ẩm mốc, nứt… trong khi nhiều công trình xây dựng dân dụng hiện nay, sau một năm đã phải gia cố lại rồi… Cùng với rất nhiều kết cấu độc đáo khác trong kiến trúc “Đường lên Trăng”, như người thổ dân với đôi bàn tay - thân mình và đôi chân tạo ra một bờ vách, nhưng lại cho người khách cảm thấy như là một sự ôm ấp ấm áp… Hay, những khuôn mặt biểu lộ 7 nét cảm xúc khác nhau của con người trong cuộc sống là vui, buồn, giận, hờn, đau, thương, ghen ghét…
 
…Tâm tình sâu sắc của cô con gái
 
KTS Lữ Trúc Phương nay đang ở tuổi 79 - ông tự hào cho biết có bí quyết nên vẫn chưa phải chống gậy, khiến nhiều người ngưỡng mộ. Ông hồ hởi dẫn chúng tôi đi và kể trọn vẹn câu chuyện “Đường lên trăng” từ thủy cung âm xuống mấy tầng, đến nàng trăng tít tận trên cao… Và điều khiến chúng tôi ngưỡng mộ nhất chính là năng lượng sáng tạo của ông dường như vẫn còn dồi dào lắm… Lữ Trúc Thu - con gái ông, cách đây tròn 2 năm đã quyết định tiếp quản công trình “Đường lên trăng” của cha mình bằng việc mở lại quán cà phê “Đường lên trăng - Nhà trăm mái” và cũng là để thực hiện tiếp ý tưởng kiến trúc của ông. Cô lý giải đơn giản rằng: “Đà Lạt là thành phố du lịch thì cần phải có du khách. Muốn có du khách thì phải có những sản phẩm để thu hút khách”…
 
Cảm nhận của Trúc Thu có được từ khi còn là một cô bé mới hơn 10 tuổi! Cô đã chứng kiến việc ba hằng ngày góp nhặt từ những công trình bị dỡ bỏ các loại vật liệu có thể sử dụng cho công trình xây dựng của mình, nên, “Có thể thấy rõ nhất là sàn nhà và cầu thang - không có chỗ nào sử dụng gạch giống nhau cả”. Còn một vị khách đánh giá công trình “Đường lên trăng” là: “Nhìn vào thấy bừa bộn một cách rất hợp lý!”... Cô đã chứng kiến, đã thích, đã yêu tất cả công việc ba cô làm. Cái cách ông xây theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ” với những hình ảnh mà đến giờ nhắc lại, giọng cô vẫn còn rất xúc động. Đó là việc ba cô hằng ngày dùng giỏ xách thu gom những mảnh gạch vụn một cách nhẫn nại để phục vụ cho đam mê, nghệ thuật mà ông theo đuổi, để tạo nên một lối kiến trúc Lữ Trúc Phương hoàn toàn khác biệt… 
 
Và vì chứng kiến toàn bộ quá trình xây dựng của ba mấy chục năm qua, nên cô quyết định tiếp quản để công sức của ba cô không bị phí hoài và ý tưởng của ba cô không bị phá bỏ… Điều quan trọng và khó nhất của công trình “Đường lên trăng” là hệ thống thông gió, mức độ an toàn… nên phải giới hạn lượng khách. Cô tâm sự, như cuộc đời ba cô, từ thủy cung đi lên đến cung trăng là quá trình không dễ dàng gì, nhưng là quá trình vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Xen lẫn trong câu chuyện đó, là một phần của những câu chuyện khác, như câu chuyện “Tổ ấm âu lạc” từ ý tưởng của ngôi nhà 100 mái, với 50 cầu thang là 50 người con lên rừng, 50 bước chân là 50 người con xuống biển; hay câu chuyện về Thạch Sanh, những bức tranh làng mạc, đồng quê… Có một người khách để lại dòng lưu bút: “Tôi đã đi qua tuổi thơ, nhưng khi đến đây, như trở về với tuổi thơ từ những câu chuyện kiến trúc”… 
 
“Đường lên trăng” vì thế, đang là nơi du khách nước ngoài lựa chọn là địa điểm giao kết bạn bè… Mỗi tối, hàng trăm vị khách từ trời Tây đến đây, làm quen, tổ chức sinh nhật, đàn hát, trò chuyện rôm rả… Khi chúng tôi thắc mắc sao không chuyển đổi quán cà phê thành một điểm đến du lịch? Trúc Thu cho biết, mỗi người đều có một cảm nhận về nghệ thuật và có thể không giống nhau. Khi quyết định tiếp tục triển khai ý tưởng của ba, cô vẫn đi theo một cảm nhận của riêng mình cho đến khi công trình hoàn thiện, lúc đó mới xin phép mời du khách vào để kể đầy đủ câu chuyện kiến trúc “Đường lên trăng - Nhà trăm mái” - Kiến trúc Lữ Trúc Phương!
 
TIỂU VÂN