Khu du lịch quốc gia (KDLQG) Đan Kia - Suối Vàng đang hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Chủ dự án - Công ty CP Golden Stream kỳ vọng đây sẽ là một KDL không giống nơi nào ở Việt Nam, đưa KDL trở thành một viên ngọc thực sự được mài giũa từ bàn tay con người và vẫn giữ gìn cảnh quan tự nhiên, bảo vệ nguồn nước - môi trường.
Khu du lịch quốc gia (KDLQG) Đan Kia - Suối Vàng đang hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Chủ dự án - Công ty CP Golden Stream kỳ vọng đây sẽ là một KDL không giống nơi nào ở Việt Nam, đưa KDL trở thành một viên ngọc thực sự được mài giũa từ bàn tay con người và vẫn giữ gìn cảnh quan tự nhiên, bảo vệ nguồn nước - môi trường. Nhưng, qua 5 lần làm việc, cùng với sự hào hứng của nhà đầu tư là rất nhiều băn khoăn, trăn trở từ phía các ngành về dự án…
|
Quy hoạch phân khu chức năng Khu du lịch quốc gia Đan Kia - Suối Vàng theo dự án |
Nhận diện viên ngọc xanh hay thành phố thông minh
Trước đây, Lâm Đồng đã chủ trương xây dựng thành phố Đà Lạt 2 trong khu vực Đan Kia - Suối Vàng. Năm 2003, Thủ tướng có quyết định cho phép xây dựng một Đà Lạt 2 ở đây và đã có nhà đầu tư từ Nhật Bản và Singapore định vào cuộc với dự án tỷ đô, nhưng không thực hiện được… Từ tháng 5/2014 đến nay, Ngân hàng TMCP Bắc Á và Tập đoàn TH True Milk đã 5 lần làm việc với tỉnh Lâm Đồng với quyết tâm thực hiện dự án này. 5/6/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng và Công ty CP Golden Stream (thuộc Tập đoàn TH True Milk) đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển KDL Đan Kia - Suối Vàng trở thành KDLQG.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường: Dự án nằm trong vùng đặc biệt khó khăn và vốn đầu tư lớn, nên dự án có thời hạn 70 năm theo Luật Đất đai là phù hợp. Theo cơ chế đặc thù xây dựng Đà Lạt, Thủ tướng cho phép đất rừng được miễn tiền thuê. Nhưng, đây là dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, nên theo Luật Đất đai, việc bồi thường đối với đất dân và đất doanh nghiệp phải theo giá thỏa thuận, Nhà nước không ra quyết định thu hồi đất mà chỉ xác định giá cơ sở để làm mốc thỏa thuận và cũng không được trừ vào tiền thuê đất. Về môi trường, đối với dự án này, đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ TNMT, nhưng ngành cũng đề nghị chủ đầu tư lưu ý những tác động môi trường chắc chắn xảy ra trong suốt quá trình đầu tư và vận hành dự án. Đó là những tác động vào môi trường khi san ủi, rửa trôi, bồi lấp lòng hồ, ảnh hưởng đến nguồn nước…; khi xây dựng sẽ có các tác động môi trường từ gạch, đá, cát, xi măng, sắt, thép…; khi vận hành dự án là lúc tác động lớn nhất, rác thải và nước thải; đặc biệt, nước thải sinh hoạt và nước thải sân golf tưởng chừng đơn giản, nhưng rất khó xử lý…
Bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở VH-TT&DL: Đối chiếu với các quy định và quy hoạch phát triển du lịch, số lượng dân cư… đối với dự án là phù hợp. Chủ đầu tư cần đánh giá về giá trị của dự án này, vì trong dự án có một số doanh nghiệp đang hoạt động và một số danh hiệu đã được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới có diện tích trên 290 ngàn ha - có vùng lõi gần 35 ngàn ha, KDL Lang Biang, KDL Thung lũng Vàng và VQG Bidoup - Núi Bà. Dự án nằm một phần trong vùng lõi của KDTSQ Lang Biang, gần trọn Khu di tích thắng cảnh quốc gia núi Lang Biang (102/160 ha vùng 1). Nhà đầu tư cần nắm các quy định liên quan đến Luật Du lịch, Luật Di sản Văn hóa với các vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học của KDTSQ, quy hoạch phát triển vùng du lịch của Việt Nam và vùng Tây Nguyên… để có thông tin diễn giải, thuyết phục khi trình các Bộ, ngành Trung ương…; cần làm rõ mục đích sử dụng đất, chính sách thương lượng - lộ trình trong giải phóng mặt bằng tại khu vực đang có dự án khai thác tại KDL Thung lũng Vàng, KDL Lang Biang, Thác Ankroet…
KTS Nguyễn Văn Lập - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng: Tôi được tiếp cận dự án từ nhà đầu tư Nhật, Singapore và nay là TH True Milk. Nhà đầu tư TH True Milk rất nhiệt thành, dự án có nhiều ý tưởng tốt, hơi táo bạo, nhiều cái mới... Nhưng, chúng tôi còn băn khoăn là dự án chất tải lên Suối Vàng quá lớn, đến 11 khu chức năng. Với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay - Đà Lạt nóng tới 31 độ, ta không lường hết được những vấn đề xảy ra với Suối Vàng, trong khi chúng ta đang dùng Suối Vàng là nguồn nước sinh hoạt duy nhất cho toàn thành phố và phân phối nước cho thủy điện Angkroet, nếu có sự cố gì thì xử lý sẽ rất khó khăn. Việc xây dựng trường đại học, hay bệnh viện có phù hợp với KDLQG và cũng cần xem xét, nghiên cứu lại với quy hoạch trường đại học, bệnh viện đã có của tỉnh…
TIỂU VÂN (ghi)
|
Ý tưởng của nhà đầu tư - Công ty CP Golden Stream là, một thành phố mới sẽ được xây dựng theo mô hình hiện đại, thành phố thông minh có thời gian hoạt động 70 năm, tổng đầu tư đến khi hoàn thiện gần 35.558 tỷ đồng (1,580 tỷ USD); với diện tích gần 46.800 ha (hơn 1/8 diện tích Đà Lạt) và dân số quy đổi khoảng 37 ngàn người (1/5 dân số Đà Lạt) với 18 ngàn phòng nghỉ (nhiều hơn Đà Lạt hiện nay), gồm 11 khu chức năng từ khu vui chơi giải trí, bệnh viện, trường đại học… đến khu văn hóa tâm linh và viện dưỡng lão… sẽ được quy hoạch xây dựng xung quanh hồ Đan Kia - thuộc vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang, trong đó, có trên 1.000 ha là khu vực danh thắng núi Lang Biang…
Đây sẽ là 1/42 KDLQG của cả nước. Tuy nhiên, thuật ngữ “thành phố thông minh” mà nhà đầu tư muốn sử dụng, theo KTS Nguyễn Văn Lập: Trong quy hoạch đô thị mới nghiên cứu, trong nghị quyết của tỉnh mới đưa ra thuật ngữ Đà Lạt là thành phố văn minh, hiện đại chứ Việt Nam cũng chưa dùng thuật ngữ và chưa có tiêu chí cho “thành phố thông minh” và thế giới cũng chưa dùng nhiều. Chỉ một lần nói về quy hoạch xây dựng Đà Lạt thành thành phố trực thuộc Trung ương, ông Nguyễn Thiện Nhân (lúc đang làm Phó Thủ tướng) gợi ý là xây dựng cả Đà Lạt thành phố thông minh.
Bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Golden Stream luôn khẳng định trong quá trình đầu tư sẽ can thiệp rất nhẹ nhàng vào tự nhiên, cùng với ý tưởng kiến trúc và khoa học công nghệ sẽ đưa nơi này (Đan Kia - Suối Vàng) trở thành một viên ngọc thực sự được mài giũa từ bàn tay của con người, giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo vệ nguồn nước, chuyển đổi phương thức sản xuất cho nông nghiệp địa phương (từ sản xuất cây công nghiệp sang cây dược liệu), tạo công ăn việc làm cho khoảng 6 ngàn lao động, thu hút khách du lịch từ 1,6 đến 3,7 triệu lượt…
Cẩn trọng cho tương lai của dòng Suối Vàng
Hồ Đan Kia - Suối Vàng ban đầu có diện tích khoảng 400 ha, là hồ nước ngọt lớn nhất tại Đà Lạt (gấp 16 lần diện tích hồ Xuân Hương), độ sâu trung bình khoảng 6 m, dung tích 21 triệu m
3, phục vụ cho Nhà máy thủy điện Ankroet. Từ năm 1984, Nhà máy nước Đan Kia 1 (Đan Mạch giúp) đi vào vận hành, cung cấp cho TP Đà Lạt 18.000 m
3/ngày, sau đó được nâng lên 27.000 m
3/ngày. Đến năm 2011, Nhà máy nước Đan Kia 2 công suất 30.000 m
3/ngày do Công ty Gelexim (TP Hồ Chí Minh) đầu tư cũng đi vào hoạt động. Hiện nay, hồ Đan Kia - Suối Vàng là nguồn cung cấp nước sinh hoạt duy nhất cho người dân và du khách tại TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương với lượng nước tiêu thụ từ 45.000-55.000 m
3 nước.
Khu vực Đan Kia - Suối Vàng là điểm du lịch nên thơ, lãng mạn với những hình ảnh thân thương, êm đềm là hồ nước mênh mông có núi đồi trùng điệp bao quanh; những trảng cỏ mượt mà trải rộng dưới tán rừng thông tạo nên những đồi hoa cỏ hồng, cỏ tuyết say đắm lòng người; những đàn ngựa ung dung gặm cỏ bên đám bạn trẻ nô đùa chạy nhảy, cắm trại, thả diều… Trong khu vực, ngoài Nhà máy thủy điện Ankroet cổ nhất tọa lạc trên địa phận Lâm Đồng là hai khu du lịch nổi tiếng Lang Biang và Thung lũng Vàng đón tiếp hàng ngàn du khách mỗi ngày. Hòa vào thiên nhiên tươi đẹp ấy có gần 1.000 ha đất nông nghiệp là những vườn cà phê được canh tác cả trăm năm tạo nên thương hiệu cà phê Lang Biang; những vườn rau, hoa mới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao… của bà con dân tộc Lạch bản địa (Cill, K’Ho) định cư trong những buôn làng truyền thống dưới chân núi Lang Biang huyền bí.
Hồ Đan Kia - Suối Vàng từ bao lâu nay là niềm tự hào của người dân Đà Lạt, là nguồn nước sinh hoạt cho toàn bộ cư dân thành phố, là nơi khởi nguồn của dòng sông Đồng Nai; có vai trò quan trọng toàn diện, vừa là cảnh quan tự nhiên, vừa là nguồn sống; đồng thời, cũng là hồi ức - kỷ niệm, điểm đến vui chơi và sáng tạo của biết bao thế hệ người Đà Lạt và du khách... Kỳ vọng của nhà đầu tư rất đáng trân trọng và ủng hộ. Nhưng chỉ một sai sót nhỏ trong quy hoạch kiến trúc, chức năng; chỉ một sơ suất nhỏ trong tư duy, ý thức; chỉ một du di nhỏ trong thiết kế, mật độ xây dựng… cũng có thể khiến Đan Kia - Suối Vàng không thể trở thành viên ngọc tinh khiết như nhà đầu tư cam kết, mà sẽ đe dọa cuộc sống của hàng trăm ngàn người dân và một vùng sinh thái vốn đang rất tuyệt vời...
***
Trong suốt quá trình làm việc, không có ý kiến phản ứng trái chiều nào về KDLQG Đan Kia - Suối Vàng. Các ý kiến phản biện đều sát thực và trách nhiệm. Thiện chí và quyết tâm của nhà đầu tư được tỉnh ủng hộ và thống nhất… Dù vậy, nỗ lực, nhiệt thành, tình cảm hay trách nhiệm đối với KDLQG Đan Kia - Suối Vàng đều rất cần sự đồng hành ở mức độ cao nhất, cẩn trọng và tỉ mỉ nhất của tất cả các bên liên quan, từ chủ đầu tư, chính quyền, tư vấn, nhà thầu, giám sát, thi công… trong quá trình quy hoạch, thiết kế, triển khai và vận hành KDLQG Đan Kia - Suối Vàng.
NHẬT QUÂN