Tà Nung du ký phượt

08:06, 02/06/2016

Tà Nung là một xã thuộc thành phố du lịch Đà Lạt, bạn hỏi: một xã vùng ven có gì mà… du ký? Câu hỏi này nếu bạn hỏi trước đây tôi đành phải treo lơ lửng nhưng sáng hôm nay tôi đã có câu trả lời.

Tà Nung là một xã thuộc thành phố du lịch Đà Lạt, bạn hỏi: một xã vùng ven có gì mà… du ký? Câu hỏi này nếu bạn hỏi trước đây tôi đành phải treo lơ lửng nhưng sáng hôm nay tôi đã có câu trả lời.
 
Vườn Tam giác mạch ở Tà Nung - Ảnh: THỤY TRANG
Vườn Tam giác mạch ở Tà Nung - Ảnh: THỤY TRANG
Lâu rồi, tôi chưa về lại Tà Nung, trước kia khi còn chú em vô Tà Nung mở một tiệm điện nước, tôi có lần ghé thăm chú. Cung đường từ làng hoa Vạn Thành đến trung tâm xã Tà Nung hồi ấy cứ quanh co khúc khuỷu, đường tráng nhựa từ hồi “năm”… không còn nhận ra mặt đường, lỗ chỗ ổ gà, ổ voi, vỏn vẹn có mười mấy cây số mà chạy xe mỏi cả lưng! Giờ chú ấy không còn nữa nên cái cớ để đến Tà Nung cũng không còn.
 
Sáng nay, ông anh nổi hứng rủ đi phượt Tà Nung thăm chùa Vạn Đức để ngắm hoa Tam giác mạch, thấy “có lý” bởi loài hoa ấy lừng danh ở Tây Bắc vào mùa thu nay di thực đến Đà Lạt nên gợi sự tò mò trong tôi. Vậy là đi. Tỉnh lộ 725 từ làng hoa Vạn Thành không chỉ ngang qua xã Tà Nung mà còn vươn xa đến Đinh Văn, Tân Văn (huyện Lâm Hà) và điểm cuối lại là Đạ Tẻh. Nhưng thôi, tôi chỉ chú ý đến đèo Tà Nung. Cũng là đèo, một bên là rừng - rừng thông những mảng xanh rì trong nắng, một bên là vực; cũng quanh co khúc khuỷu như vốn thế nhưng đường 725 đẹp lạ lùng! Đường không rộng lắm, mặt đường được phủ một lớp bê tông nhựa nóng, ta luy và mương rãnh được xây dựng đàng hoàng. Tôi dám cá rằng không con đường nào của Đà Lạt đẹp như vậy. Dạo này Đà Lạt… nóng nhưng vi vu trên đèo, rừng thông hai bên đường phả xuống một làn gió mát rượi thấm đẫm mùi nhựa thông! Đã chưa hả bạn?
 
Trước khi đổ đèo, chúng tôi ghé vào một nhà vườn trồng hoa Oải hương (Lavender), y như thông tin lan trên mạng vườn không còn tiếp khách du lịch bởi khách chụp ảnh hay giẫm nát hoa! Nhưng chúng tôi là người Đà Lạt nên chủ nhà niềm nở mở cổng cho vào. Ông chủ vườn người Bắc Ninh đến Đà Lạt lập nghiệp hơn chục năm cho biết giờ chỉ bán hoa và cây giống chứ 2 bố con không thể ngăn nổi khách du lịch chụp ảnh hoa. Khách mê hoa đến nỗi bỏ ngoài tai mọi lời cảnh báo của chủ vườn. Thú thật vườn Oải hương mùa này không bắt mắt lắm bởi cây mới chớm ra hoa, màu tím huyền bí còn ẩn tàng trong những nụ mới tượng hình nhưng mùi thì đã đượm. Mùi hương ấy không giống bất cứ loài hoa gì tôi từng ngửi, rất thơm và rất… lạ, phảng phất tính cách phương Tây: mạnh mẽ và bạo liệt! Ngoài Oải hương, vườn còn trồng Xạ hương và Hương thảo để bán, toàn là những cây dùng làm hương liệu dành cho công nghệ chế biến nước hoa và ẩm thực. Tôi mua 2 “nàng”: 1 Oải hương và 1 Hương thảo cho mảnh sân con trước nhà gọi là điểm xuyết cho những loại cây, hoa bản địa.
 
Chùa Vạn Đức nằm trên một triền đồi, mặt tiền là con đường 725, ngôi chùa mới xây còn chưa hoàn thiện giống như nhiều chùa đang xây dựng dở dang khác.Thông thường các chùa đều có vườn, vườn chùa trồng hoa và cây cảnh để chúng sinh tìm một chút bình an nơi cửa thiền. Chùa Vạn Đức cũng có vườn, tháng 5 mấy mảnh vườn trước chùa trồng hoa Cải và hoa Tam giác mạch. Chính hoa Tam giác mạch tạo nên điểm khác biệt của chùa Vạn Đức so với các cảnh chùa khác.Người ta thường kể rằng, hoa Tam giác mạch phủ kín những nương, đồi vùng Tây Bắc với màu hoa hồng trắng đến tím thẫm vào độ cuối thu và hoa nở rộ vào tháng 11 dương lịch hàng năm.
 
Thời điểm này người trong thiên hạ kéo lên Tây Bắc để thưởng thức loài hoa dân dã, thoang thoảng hương thơm đượm trong những đóa hoa nhỏ nhắn hình tam giác bao phủ một cái nhân bên trong. Cái nhân ấy người ta dùng trộn với ngô đồ lên rồi cất thành rượu miền Tây Bắc. Hương rượu dường như mang cả hương hoa vào hồn cốt của mình để cho người uống nhớ đến da diết. Mà nhớ đến da diết lại là một phần ý của hai chữ tương tư. Tôi “tương tư” hương rượu Tây Bắc từ ngày được lên Sa Pa cách đây chừng vài năm, nay cảm xúc ấy dường như sống lại khi đứng trước vườn trồng hoa Tam giác mạch! Chùa trồng hoa Tam giác mạch không nhiều, chỉ vỏn vẹn vài trăm mét vuông trên 4 thửa vườn trước cổng chùa. Hoa Tam giác mạch đang phơn phớt hồng thu hút ong bướm đến hút mật và thu hút cả con người đến thưởng thức quà tặng của… nhà chùa. Quả đúng như thế thật. Thầy trụ trì Vạn Trí một hôm lên Tây Bắc vào mùa hoa Tam giác mạch nở rộ, thầy “phải lòng” thứ hoa đặc trưng của miền đất này của Tổ quốc và có ý nguyện muốn di thực chúng về xứ ngàn hoa để tô điểm thêm cho Đà Lạt hương sắc, nơi ấy có chùa Vạn Đức mà thầy bỏ rất nhiều công sức để xây dựng trong mấy chục năm qua.
 
Nếu vạn sự tùy duyên thì hoa Tam giác mạch rất có duyên với Đà Lạt, hoa Tam giác mạch ở vùng đất mới có thể trồng và cho hoa quanh năm! Cứ vãi hạt xuống đất hoa sẽ mọc lên, chừng tháng rưỡi những nụ hoa trắng hồng e ấp nở và khiến chúng ta rung động trước vẻ đẹp của một thảm hoa! Hoa Tam giác mạch sẽ đẹp đến nao lòng khi được trồng thành những vạt lớn giống như hoa Hướng dương trồng ở nông trại Dalatmilk ở Tu Tra, Đơn Dương tết năm con Khỉ vừa rồi. Thảm hoa ở chùa Vạn Đức chưa được như vậy nhưng ở đó cho tôi mơ về một ngày Tam giác mạch được trồng thành đám lớn ở đám đất bên đường Nguyễn Văn Cừ hay trên Công viên Bà Huyện Thanh Quan. Lúc đó, du lịch Đà Lạt thêm một lý do nữa để níu chân du khách. Tôi chưa nghĩ ra hoa Tam giác mạch còn có thể trồng ở đâu nữa để Đà Lạt có một đồi hoa? Lúc đó, người trong thiên hạ không cần lên Tây Bắc vào độ cuối thu để thưởng thức loài hoa dân dã đó mà chỉ cần ghé qua Đà Lạt là có thể ngắm Tây Bắc trong cả bốn mùa.
 
Trở lại với Tà Nung du ký phượt, rời chùa Vạn Đức chúng tôi ghé quán cà phê Mê Linh uống cà phê và ngắm cảnh. Quả nhiên ở đây khung cảnh thơ mộng với rừng thông, vườn cà phê, hồ nước… Bà chủ quán người bản địa bán cả trà, cà phê cao cấp, thổ cẩm, khăn khoác, áo váy…, tơ tằm và quà lưu niệm.
Ra về kết thúc một ngày Tà Nung du ký phượt, hương vị ly cà phê chồn thứ thiệt như còn vương vất quanh đầu lưỡi. Tà Nung tháng 5 đáng để cho mọi người làm phượt thủ, tại sao bạn không thử đến đó một lần?
 
VÕ ANH CƯƠNG