Cần xây dựng hành lang pháp lý tốt cho hoạt động du lịch

09:07, 01/07/2016

Hiện tại hành lang pháp lý trong quản lý hoạt động du lịch còn thiếu linh hoạt, chồng chéo chưa phù hợp với đặc thù từng vùng, miền...

Vừa qua, Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc thực hiện Luật Du lịch và dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã được tổ chức tại Lâm Đồng. Đây là Hội nghị đầu tiên tập trung nhìn nhận những điểm chưa phù hợp, cần phải chỉnh sửa để Luật Du lịch mới đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và tạo sự đồng thuận cao. Dù sẽ còn 2 buổi tham vấn nữa ở khu vực miền Bắc và miền Nam trước khi đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp QH khóa 14 lần thứ 2, nhưng nhiều vấn đề của ngành du lịch được các chuyên gia, những người trực tiếp quản lý, tham gia hoạt động du lịch thẳng thắn đưa ra - cho thấy, cần nghiêm túc xây dựng hành lang pháp lý linh hoạt, không chồng chéo, phù hợp với đặc thù từng vùng miền, địa phương và thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động, hội nhập… 
 
Đội công tác liên ngành tại hiện trường tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm tại KDL Lang Biang
Đội công tác liên ngành tại hiện trường tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm tại KDL Lang Biang
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 4,7 triệu lượt, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành du lịch có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Dù vậy, xét trên tiêu chí dân số và đóng góp vào GDP, hoạt động du lịch của Việt Nam vẫn chưa hiệu quả, chưa trở thành ngành kinh tế động lực như mục tiêu đề ra...; là quốc gia có nhiều thuận lợi về du lịch, nhưng du lịch Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Nguyên nhân từ cách vận hành, quản lý hoạt động du lịch được chỉ ra qua các chương trình đối thoại công tư, các hội nghị và những nghiên cứu về du lịch… từ các thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp đến việc phân cấp chồng chéo trong quản lý…
 
Bà Huỳnh Thị Phương Hoa - Phó GĐ Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi: Có mô hình quản lý Nhà nước thống nhất về du lịch và cơ quan xúc tiến du lịch từ trung ương đến địa phương để xây dựng đội ngũ quản lý và xúc tiến du lịch chuyên nghiệp. Phân cấp, xếp hạng khu/ điểm du lịch tùy vào mức độ phát triển và điều kiện của từng địa phương về quy mô và diện tích. Quy định về ngoại ngữ hiếm có khung mở phù hợp với điều kiện ở từng địa phương. Cơ sở lưu trú từ 3 sao trở xuống cũng giao về cho địa phương… Gắn trách nhiệm bảo vệ môi trường với du khách…
 
Ông Đặng Văn Ái - Phó GĐ Sở GT-VT tỉnh Bình Định: Kinh doanh lữ hành chính là một hình thức của kinh doanh vận tải. Vì vậy, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải đáp ứng được yêu cầu của kinh doanh vận tải trước, rồi mới xét đến các yêu cầu về hoạt động du lịch. Luật cần có những quy định tạo sự bình đẳng đối với kinh doanh vận tải khách du lịch, kinh doanh lữ hành du lịch…
 
Ông Nguyễn Văn Tuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Nhiều nguyên nhân khiến hoạt động du lịch gặp khó khăn: Từ hệ thống văn bản QPPL chậm ban hành, chồng chéo; nhận thức, kiến thức về quản lý du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; đầu tư cho phát triển du lịch hạn chế; quy hoạch du lịch chưa thực hiện tốt… tạo ra nhiều rào cản với doanh nghiệp du lịch… đến chính sách thu hút khách du lịch quốc tế còn ít; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa chuyên nghiệp…; rồi việc quản lý, bảo vệ, khai thác, giữ gìn tài nguyên du lịch chưa được chú trọng; quản lý hoạt động lữ hành còn nhiều bất cập; quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đạt hiệu quả cao…

Hiện nay, phân cấp thẩm quyền công nhận khu du lịch (KDL)/điểm du lịch (ĐDL) đang có sự chồng lấn, như: phê duyệt quy hoạch KDL quốc gia/ ĐDL quốc gia do Bộ VHTT&DL thực hiện, nhưng công nhận KDL quốc gia/ ĐDL quốc gia lại thuộc thẩm quyền của Tổng cục Du lịch; hoặc giữa Bộ VHTTDL và UBND tỉnh có sự chồng lấn trong phê duyệt xếp hạng khách sạn từ 3 sao trở xuống. Thời hạn công nhận khu/điểm du lịch cần tăng lên, thay vì chỉ có 3 năm, vì doanh nghiệp mất nhiều thời gian làm thủ tục xin phép đầu tư bổ sung các hạng mục trong khu/điểm du lịch. 

Quy định phân cấp thẩm định và công nhận xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch cũng phải thay đổi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mà không gây áp lực cho cơ quan quản lý, vì nhân lực quản lý của ngành du lịch hiện rất ít. Đó là, từ 4-5 sao thuộc Tổng cục Du lịch, 1-3 sao thuộc Sở VH-TT&DL, loại khác ủy quyền phân cấp đến UBND cấp huyện. Ông Hoàng Ngọc Huy - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VH-TT&DL Lâm Đồng) đưa ra ví dụ: Với mỗi nhu cầu cấp giấy phép kinh doanh lưu trú cần ít nhất 3 thành viên của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Nếu huyện xa nhất của tỉnh Lâm Đồng là Cát Tiên cần thẩm định để cấp phép kinh doanh cho 1 nhà nghỉ, thì cần 3 thành viên thẩm định của ngành du lịch phải đi quãng đường 150 cây số từ Đà Lạt đến Cát Tiên. Trong khi vài năm trở lại đây, số lượng cơ sở lưu trú tăng lên rất nhiều, nếu giữ phân cấp xếp hạng như cũ thì nhân lực không đủ để thẩm định và cấp phép đúng hạn theo tiêu chuẩn ISO.
 
Loại hình lưu trú cũng phát triển đa dạng, nếu cứ quy định sử dụng tiếng Việt thì rất dài và không rõ nghĩa với việc viết bảng hiệu, trong khi một từ tiếng Anh đã diễn tả đầy đủ. Ví dụ, loại hình “nhà nghỉ cho khách du lịch thuê” viết tiếng Anh là “homestay”; hay loại hình “dorm” hoặc “hostel” là “nhà nghỉ có phòng tập thể” chưa được quy định trong Luật… Một số nội dung quy định khác trong Luật Du lịch về bằng cấp, chứng chỉ không phù hợp với thực tế. Chẳng hạn ở Lâm Đồng, diện tích cơ sở lưu trú ở trung tâm thành phố thường nhỏ, bị giới hạn chiều cao xây dựng, các dịch vụ cũng tập trung trong phạm vi cơ sở lưu trú luôn, nên số lượng phòng thường ít, nếu cứ xét theo quy mô buồng phòng quy định sẽ rất khó cho các cơ sở ở Đà Lạt. 
 
Quy định hướng dẫn viên quốc tế phải có bằng cao đẳng là phù hợp với tình hình chung; nhưng đối với Đà Lạt - Lâm Đồng, đội ngũ hướng dẫn viên bằng xe môtô (easyrider) có khả năng ngoại ngữ rất tốt, du khách rất thích… nhưng đa số ở độ tuổi trung niên và phải đi làm hằng ngày, nên cần có những quy định đặc cách để hoạt động du lịch hiệu quả mà không gây khó khăn về mặt hành chính cho người hoạt động. Hoặc với loại hình du lịch đặc thù, như du lịch mạo hiểm, du lịch nông nghiệp ở Đà Lạt, hướng dẫn viên trưởng thành từ hoạt động nghề nghiệp thực tế, chưa có chương trình và cơ sở đào tạo… Hoặc chỉ có 8 tiết ngoại ngữ trong chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ lái xe du lịch…
 
Khi Luật Du lịch mới được thông qua và có hiệu lực, Bộ VHTT&DL và Tổng cục Du lịch cũng cần ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn và nghị định thi hành Luật để có sự nhất quán khi Luật có hiệu lực, tránh lặp lại như Luật 2006, sau 20 tháng Luật có hiệu lực mới có nghị định hướng dẫn thi hành và mất thêm 17 tháng nữa để có thêm 2 thông tư bổ sung… Chúng ta đều biết, Luật Du lịch cùng với hệ thống văn bản pháp luật đã tạo những cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Để hoạt động du lịch được thuận lợi trong tình hình mới, với môi trường kinh doanh du lịch được cải thiện; nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về du lịch được nâng lên; bộ máy quản lý nhà nước và nhân lực du lịch được chuyên nghiệp; công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch và phát triển du lịch được tăng cường; công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành về du lịch và xúc tiến du lịch hiệu quả... cần sửa đổi những bất cập trong Luật Du lịch một cách nghiêm túc, trách nhiệm, chặt chẽ, nhưng linh hoạt và phù hợp với hoạt động du lịch thực tiễn của Việt Nam.
 
LÊ HOA