(LĐ online) - Chính phủ và lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo ngành du lịch 9 địa phương được coi là vùng trọng điểm về du lịch cả nước vừa họp bàn về chiến lược phát triển ngành công nghiệp không khói.
(LĐ online) - Chính phủ và lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo ngành du lịch 9 địa phương được coi là vùng trọng điểm về du lịch cả nước vừa họp bàn về chiến lược phát triển ngành công nghiệp không khói. Tại hội nghị này, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch trình bản dự thảo Đề án phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020; trở thành quốc gia phát triển du lịch vào năm 2030. Theo đó, đến năm 2020 mỗi năm Việt Nam đón 14 - 15 triệu du khách quốc tế, phấn đấu đạt doanh thu trên dưới 30 tỉ USD, đóng góp khoảng 10% cho GDP vào năm 2020. Đề án là vậy, nhưng ý kiến bàn thảo còn khác nhau. Nhiều chuyên gia cho rằng, cái cần quan tâm hiện nay là phải đổi mới tư duy làm du lịch, thay đổi cách làm - đổi mới quyết liệt, đồng bộ thì mục tiêu đề án mới trở thành hiện thực.
|
Trung tâm thành phố Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu |
Một nhật báo có uy tín đăng bài viết của một cựu quan chức ngành du lịch, nêu rõ: “Thế giới đương đại, chất lượng cuộc sống con người không ngừng nâng cao, hiện đại hơn, đương nhiên đòi hỏi các loại hình dịch vụ phục vụ con người văn hóa hơn, thân thiện, an toàn, nhân văn và chất lượng...”. Bài báo viện dẫn nhiều thực tiễn để hoan nghênh chiến lược không ngừng tăng trưởng chất lượng dịch vụ du lịch, đồng thời phê phán mặt trái, mặt tiêu cực về chất lượng du lịch, phê phán cả cách làm du lịch, phong cách phục vụ du khách, cách làm quảng bá du lịch triệu đô - từ nguồn ngân sách - chưa thật sự chuyên nghiệp của ngành du lịch. Điều đó đã đem đến thực trạng: 90% khách quốc tế đến Việt Nam là lần đầu và chỉ có 6% là quay lại. Còn du khách nội địa thì tỉ lệ này lần lượt là 39% lần đầu, 24% lần hai, 13% đến lần ba - theo số liệu Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương.
Có thể thấy, những năm gần đây, cơ sở vật chất - kỹ thuật hoạt động du lịch được đầu tư bài bản; nhiều tập đoàn khách sạn có thương hiệu của thế giới và một số tập đoàn kinh tế trong nước đã bỏ những khoản tín dụng lớn xây dựng các cụm khách sạn - khu resorst 5 sao - khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa, hệ thống cáp treo ở các thành phố lớn và tại nhiều vị trí du lịch đắc địa, nhất là ở những địa danh có bãi biển vàng, núi cao, sơn thủy hữu tình, khí hậu mát mẻ - đẹp nổi tiếng như ở Sa Pa, vịnh Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn , Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc, Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Cơ sở vật chất hoạt động du lịch được tăng cường, nhưng thiếu quy hoạch phát triển du lịch căn cơ, bài bản, lâu dài; chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch thiếu tính chuyên nghiệp, rời rạc, manh mún, tách rời yếu tố cung - cầu - thị trường; thiếu sự liên kết ngành, liên kết vùng và liên kết địa phương, sản phẩm du lịch vì thế mà đơn điệu, thiếu đa dạng.
Một cuộc hội thảo mới đây về chất lượng du lịch tại Hà Nội, với nhiều tham luận tâm huyết đã thẳng thắn chỉ ra mặt yếu kém, mặt chưa làm được về chất lượng du lịch. Ở tầm vĩ mô nặng lập ra cục này, quỹ kia nhưng hiệu quả hoạt động thấp, không tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường. Đó là chất lượng đội ngũ làm dịch vụ du lịch, tuy đã được đào tạo cơ bản, ngày càng đông đảo, nhưng nhân lực chất lượng cao vẫn còn thiếu và yếu. Một số cơ sở du lịch được mở ra, nhưng thiếu nguồn nhân lực chất lượng, giỏi ngoại ngữ. Dịch vụ vui chơi giải trí đạt chuẩn chưa nhiều, thiếu liên hoàn, không đồng bộ. Sự liên kết vùng miền, kết nối giữa các địa phương để tạo sự phong phú, đa dạng về sản phẩm du lịch manh mún, thiếu sự phối hợp để hỗ trợ cho nhau. Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng vừa có cuộc gặp thảo luận về sự hợp tác cùng phát triển giữa 2 địa phương. Hai bên cho rằng, sự liên kết đã có làm, nhưng chưa xứng tầm so với tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên. Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng: “Hợp tác phải thực chất, không phải chỉ đến chơi, bắt tay, thăm hỏi”. Ông đề nghị: “Sắp tới, cần xúc tiến phát triển mạnh mẽ, liên kết chặt chẽ các tam giác du lịch TP. Hồ Chí Minh - Đà Lạt - Phan Thiết; TP. Hồ Chí Minh - Đà Lạt - Nha Trang; khai thác thêm các tuyến du lịch TP. Hồ Chí Minh - Lâm Đồng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”.
Gần đây, tại các thành phố Nha Trang, Đà Nẵng... có tình trạng các tour du lịch đến từ Trung Quốc tự tung tự tác, làm mất trật tự, gây ấn tượng không đẹp về văn hóa kinh doanh du lịch. Một cựu giám đốc ngành du lịch Khánh Hòa lập công ty du lịch gia đình, dung túng các hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động “chui” phi pháp, buộc cơ quan có trách nhiệm phải ra quyết định trục xuất 64 hướng dẫn viên Trung Quốc về nước. Tại Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2016, ngành du lịch đón hơn 211.000 du khách Trung Quốc, tăng 83% so với 6 tháng đầu năm 2015. Du khách Trung Quốc tăng, nhưng đó là những tour du lịch “0 đồng”; Đà Nẵng thất thu, kể cả thất thu tiền thuế, bởi các công ty lữ hành Trung Quốc khép kín - bao trọn gói từ A đến Z. Các du khách Trung Quốc ăn nghỉ ở khách sạn, nhà hàng nào, mua sắm ở đâu, giá cả dịch vụ bao nhiêu; di chuyển bằng phương tiện nào, đều do công ty du lịch lữ hành tại Trung Quốc bao thầu trọn gói. Các công ty lữ hành Việt Nam bị gạt qua bên. Câu chuyện bi hài du lịch như vậy, nhưng cơ quan quản lý nhà nước về du lịch lại chậm trễ việc xem xét, chậm có giải pháp hữu hiệu, kịp thời để xử lý, khắc phục.
Nạn chèo kéo, bán hàng rong, chặt... chém du khách khi mua bán còn khá phổ biến. Vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu du lịch chưa bảo đảm.
Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Thái Lan phát biểu trên nhật báo Bangkok Post, ngày 27.9.2015, nhân ngày du lịch thế giới: “Chất lượng du lịch trái ngược với sự đơn điệu, nhàm chán, sự xô bồ, ồn ã nơi phố hội. Chất lượng du lịch là chất lượng môi trường sống, lòng mến khách, trên môi người Thái luôn nở nụ cười thân thiện. Chất lượng du lịch là quảng bá hiệu quả theo cơ chế thị trường cho một nền văn hóa, cho chất lượng cuộc sống nước sở tại...”. Với quan điểm này, ngành du lịch Thái Lan đã phát động mọi người dân, mọi thành viên làm du lịch “Hãy luôn kiến tạo những nụ cười thân thiện”. Và từ những nụ cười thân thiện mà đất nước Thái Lan đã trở thành một cường quốc du lịch đáng nể ở Đông Nam Á.
Chất lượng du lịch chính là chất lượng văn hóa, chất lượng cuộc sống. Ngành du lịch phối hợp với các ngành khác, mọi công dân, các cấp chính quyền quyết liệt vào cuộc, bằng các giải pháp đồng bộ xây dựng nên các thương hiệu chất lượng du lịch tiêu biểu, hiệu quả. Chỉ bằng cách đó - cách không ngừng tăng cường chất lượng du lịch thì kinh doanh dịch vụ du lịch mới sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, cũng như của từng địa phương có lợi thế về du lịch.
PHẠM QUỐC TOÀN