Ngày 20/7, tại Đà Lạt, Trung tâm nhân ái Đại Hưng Phát (đơn vị trực thuộc Công ty TNHH SX-TM-XNK Đại Hưng Phát, có trụ sở tại TP Tuy Hòa - tỉnh Phú Yên) là cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, chuyên nuôi dưỡng, đào tạo nghề cho người khuyết tật và các hoạt động nhân đạo - tổ chức Lễ khởi công xây dựng Dự án "Siêu thị Du lịch làng nghề" tại số 7 đường Phan Chu Trinh, Phường 9, TP Đà Lạt.
Ngày 20/7, tại Đà Lạt, Trung tâm nhân ái Đại Hưng Phát (đơn vị trực thuộc Công ty TNHH SX-TM-XNK Đại Hưng Phát, có trụ sở tại TP Tuy Hòa - tỉnh Phú Yên) là cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, chuyên nuôi dưỡng, đào tạo nghề cho người khuyết tật và các hoạt động nhân đạo - tổ chức Lễ khởi công xây dựng Dự án “Siêu thị Du lịch làng nghề” tại số 7 đường Phan Chu Trinh, Phường 9, TP Đà Lạt.
|
Các đại biểu tham dự Lễ khởi công xây dựng Dự án “Siêu thị du lịch Làng nghề” |
Dự án “Siêu thị du lịch làng nghề” có mục đích khai thác thế mạnh chung của các làng nghề truyền thống Việt Nam, kết hợp đầu tư phát triển kinh tế làng nghề và hoạt động từ thiện theo hình thức đầu tư kinh doanh. Dự án được xây dựng trên diện tích 1.467 m2, với tổng vốn đầu tư dự kiến 56.000.000.000đ (năm mươi sáu tỷ đồng), có thời gian hoạt động 50 năm, bao gồm các hạng mục: hệ thống bãi đỗ xe phục vụ du lịch, sản xuất và dịch vụ; hệ thống hạ tầng dịch vụ, vui chơi giải trí, môi trường xanh - sạch - đẹp; khu thương mại, giới thiệu và bán sản phẩm nghề truyền thống; khu bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử và nghề truyền thống. Dự án sẽ tạo việc làm cho 100 - 150 lao động, đóng góp một phần vào ngân sách địa phương và cung cấp cho xã hội một lượng nhất định sản phẩm hàng hóa.
Sản phẩm chính của “Siêu thị làng nghề” là hàng mây tre đan, sản phẩm từ cói và lục bình, gốm sứ, điêu khắc gỗ, sơn mài, thêu ren, điêu khắc đá, dệt thủ công, vải - lụa, giày da, giấy thủ công, tranh nghệ thuật, kim khí, đúc đồng, hoa kiểng, làm rượu... Đánh giá hiệu quả về kinh tế, xã hội của dự án, bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Giám đốc Trung tâm nhân ái Đại Hưng Phát, cho biết: “Siêu thị Du lịch làng nghề” sẽ là nơi hội tụ những sản phẩm tinh hoa của làng nghề truyền thống và của nghệ nhân trên các vùng, miền đất nước, nhằm phục vụ hiệu quả khách du lịch trong và ngoài nước, hội nhập quốc tế thành công.
Đến dự và phát biểu tại Lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, cho biết: Tỉnh Lâm Đồng có 27 làng nghề, trong đó có 18 làng nghề truyền thống và 9 làng nghề khác, tạo công ăn việc làm cho 8.000 lao động thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới và quảng bá cho tỉnh Lâm Đồng. Dự án “Siêu thị du lịch làng nghề” là một dự án mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố Đà Lạt, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tỉnh Lâm Đồng tin tưởng, Trung tâm nhân ái Đại Hưng Phát với các hoạt động an sinh xã hội từ tỉnh Phú Yên, đến Long An, Bình Thuận và Lâm Đồng sẽ xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả Dự án “Siêu thị du lịch làng nghề”; đồng thời, hy vọng nhà đầu tư sẽ làm việc tốt và tuân thủ các quy định pháp luật của địa phương.
Tại lễ khởi công, Trung tâm nhân ái Đại Hưng phát trao 10 căn nhà tình thương và 100 suất quà cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của 3 tỉnh Lâm Đồng, Phú Yên và Bình Thuận.
TIỂU VÂN