Chần chừ mãi, cuối cùng thì tôi cũng chính thức đặt chân vào Xứ Đông - nơi từng được xem là một trấn phên dậu của Kinh thành Thăng Long xưa
Đảo cò An Dương (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) |
Nhưng bây giờ, mùa vải hình như cũng đã bắt đầu ngót. Là tôi nghĩ thế khi không thấy chúng xuất hiện ở các quầy hàng trái cây trên hè phố. Nhãn lại chưa vào mùa, dù quả xanh trĩu trịt trên cành thấp nơi những con đường mà tôi qua. Thành phố mà tôi chưa đi hết cũng la đà màu xanh. Những khu nhà to và rộng ở phía ngoại vi mang đến dấu ấn của một nền công nghiệp đang trẻ ra và hiện đại hơn. Có lẽ đây cũng là mục tiêu mà Hải Dương đang phấn đấu để đạt được trong vài năm tới. Đặt trong mối tương quan, tôi biết ở chiều kích này và với lợi thế nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng cũng như nằm trong chuỗi các thành phố vệ tinh của Hà Nội, Hải Dương đang khác dần từng ngày với những chỉ số ấn tượng với tốc độ tăng trưởng (GRDP) giai đoạn 2011-2015 cao hơn mức bình quân của cả nước (bình quân tăng 7,7%/năm). Huy động vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 72% trong năm 2015; giá trị tổng sản phẩm đạt 76.734 tỷ đồng và GRDP bình quân đầu người đạt 2.000 USD - mức mà nhiều địa phương trong cả nước đang nỗ lực để đạt được.
Thăm nơi lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn tại Cẩm Giàng, Hải Dương |
Dù được phát hiện chưa lâu và mới chỉ tiệm cận cách làm du lịch ở vùng đất sinh thái, nhưng cứ nhìn đàn cò vạc neo mình trên cây hay thong thả trên khoảnh đất trống nhoi lên giữa mặt hồ, bình thản ngắm người, tôi biết người dân nơi này đã thật sự yêu quý và gìn giữ những gì mình có. Thì cứ nhìn ánh mắt và nụ cười mủm mỉm của người chèo đò khi ai đó mau mắn dẫn chuyện về “huyền tích” của đảo Cò rồi sau đó, từ tốn nói với khách từ phương xa đến về diện tích và trữ lượng nước, số lượng đàn cò vạc, những khoảnh khắc nao động của đảo trong mỗi sớm bình minh hay trong những chiều tà, về những buổi bơi thuyền không qua vùng đảo như một cách trò chuyện với cò vạc để lấp đầy khoảng trống chơi vơi mùa vắng khách; cả về cái sốt ruột của người dân về một dự án nào đó chưa thấy triển khai mà dấu hiệu sụt lở quanh đảo đã thấy rõ hơn từng ngày, tôi biết thời gian đã đủ để tạo nên sự gắn bó. Tôi cũng thích cách các cô bé cậu bé phấn khích reo lên và nhoài người bấm máy khi những cánh cò cuối cùng về tổ. Lúc ấy, sao tôi cứ nghĩ về đàn cò trắng khác sẽ chở sự trong trẻo này vào ký ức bằng những hình ảnh nhuốm màu cổ tích của ngày hôm nay.
Du khách hào hứng khi đến thăm Đảo Cò |
Với thị trấn Cẩm Giàng, cuối cùng tôi đã chạm đến điều mình thấp thỏm. Phố lỵ ở đây trông vẫn nhỏ nhắn và nhu mì. Đường Thạch Lam trông có vẻ bề thế nhưng ngắn, đâu chừng 250 m. Cuối con đường ấy là ga Cẩm Giàng. Men theo con đường bé hẹp và lổn nhổn đá đường tàu, là nhà của Thạch Lam, giờ đã trở thành nhà lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn. Ở đây, có lẽ chỉ còn rêu xanh là như đến từ ký ức cũ và khoảnh ao nâu vàng màu nước là gần như hãy còn nguyên như ở tháng ngày đã qua. Trong không gian lâu lắm mới được xáo động bởi tiếng người, tôi thú thật đã không thể nào hình dung được bước chân của những văn nhân cũ với những khăn xếp, áo the hay chỉn chu quần tây, sơ mi và giày với những hàn huyên cơm rượu, hay chỉ đơn giản như khi nào đó chè xanh, nước vối với những băn khoăn thế sự, với những ấp ủ và sinh nở những tác phẩm bàng bạc phong vị nhân tình trong những Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Trống mái, Gia đình, Băn khoăn (Khái Hưng); Hai buổi chiều vàng, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đôi bạn (Nhất Linh); Con đường sáng, Tiếng đàn, Mười điều tâm niệm (Hoàng Đạo) hay Gió đầu mùa, Nắng trong vườn. Nhà mẹ Lê, Bên kia sông (Thạch Lam)... Không còn hoàng lan để tìm bóng người xưa, trong khuôn viên nhà lưu niệm, chỉ có những đóa lan mảnh tròn mà ai vừa gọi là lan nhảy dù cọ vào vai lữ khách như một tấm ân tình. Người ta bảo, tàu cũng chẳng mấy khi dừng ở ga Cẩm Giàng nữa. Hôm ấy, tôi đã đứng mãi để nhìn đường tàu hun hút. Sau này, trong một tìm kiếm, tôi đã thấy màu sương thấp thoải mờ xa mà quá chừng ám ảnh trong tấm ảnh chụp ga Cẩm Giang của Quang Thông trên báo Hải Dương điện tử...