Đến chốn bồng lai ngắm cảnh tiên…

09:08, 18/08/2016

Chùa Linh Quy Pháp Ấn ở thôn 4, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm đã có từ 10 năm rồi, nhưng gần đây mới trở thành điểm đến độc đáo và hấp dẫn, bởi những bức ảnh đẹp mê hồn được chụp trong những thời khắc hoàn hảo của đất trời, khiến Linh Quy Pháp Ấn như ở chốn bồng lai tiên cảnh… thu hút khách thập phương.

Chùa Linh Quy Pháp Ấn ở thôn 4, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm đã có từ 10 năm rồi, nhưng gần đây mới trở thành điểm đến độc đáo và hấp dẫn, bởi những bức ảnh đẹp mê hồn được chụp trong những thời khắc hoàn hảo của đất trời, khiến Linh Quy Pháp Ấn như ở chốn bồng lai tiên cảnh… thu hút khách thập phương.
 
Sự phụ luyện quyền trước “Cửa Không”
Sự phụ luyện quyền trước “Cửa Không”
Pháp Ấn tự tọa lạc trên một ngọn núi cao, được bao phủ bởi những vườn chè, cà phê, cây ăn trái... cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng nửa giờ xe máy theo đường tỉnh lộ 55. Đường đi lên Pháp Ấn tự chỉ dài khoảng 1 km, nhưng nhỏ, hẹp, dốc, ngoằn ngoèo và rất trơn trượt - nhất là khi trời mưa. Khách viếng chùa, ngắm cảnh thường chọn cách gởi xe ở dưới chân núi rồi leo bộ, hoặc thuê người chở bằng xe máy lên… 
 
Đi khó vậy, nhưng tới nơi, ai nấy đều ngỡ ngàng trước không gian rộng lớn và thanh bình của núi rừng. Đặc biệt là những làn mây trắng dày ôm ấp dãy núi xa trước mặt. Các thầy cho biết, đang mùa mưa nên trời âm u, mây nhạt nhòa; chứ vào mùa nắng, cả thung lũng chìm trong biển mây. Đẹp nhất là lúc bình minh và hoàng hôn, những tia nắng hừng sáng một vùng mây trời trước khi lặn, hoặc lẩn khuất trong màn sương sớm, tạo nên phong cảnh vô cùng huyền bí, ngây ngất lòng người…
 
Chùa đang trong quá trình xây dựng, chủ yếu làm bằng gỗ và tre, nằm ẩn khuất trong vườn cây, mang đậm chất thiền và hài hòa với khung cảnh của núi rừng, gồm Chánh Điện, Giảng Đường, Quán Chiếu Đường, Thư Viện, Thất Khai Sơn… Dù chưa hiện rõ, nhưng tư tưởng kiến trúc của mỗi công trình trên chùa đều ẩn chứa tâm thiền, chuyển tải triết lý của Phật pháp và mang dáng dấp Việt Nam trong những gian thờ bằng gỗ không sơn son thiếp vàng, không trạm trổ - nhưng lại được tôn lên bởi những công trình kiến trúc độc đáo khác, như sân, vườn, hồ nước, lối đi, cây trồng…
 
Nơi ngắm cảnh đẹp nhất cũng là công trình gần được hoàn thiện nhất của Linh Sơn Pháp Ấn là “Quán Chiếu Đường” - với gian thờ nhìn xuống một sân rộng có 3 “cổng trời” và một vườn thiền sỏi trắng mang dáng dấp của vườn thiền Nhật Bản … “Cổng trời” là cách du khách gọi, chứ trong đạo Phật gọi là “Cửa Không”, “vô môn quan”, hay “cửa giải thoát”. “Cửa Không” có ý nghĩa đơn giản là khi tới cánh cửa đó, con người không còn nghĩ đến chuyện hơn thua - phải quấy, không bĩ - thử - nhân - ngã thì mới vào được “Cửa Không”. Khi vào được “Cửa Không”, tâm sẽ nhẹ nhàng và thanh thoát. Mỗi cửa lại có một tên riêng và ý nghĩa khác là “vô môn”, “vô tướng môn”, “vô nguyện môn” hay “vô tác môn”… 
 
Quán là xét, chiếu là soi. Quán Chiếu Đường có ý nghĩa là nơi con người soi xét lại tâm tính, lời nói, hành động của mình. Rộng hơn là thấy được chân tướng của sự vật, hiện tượng, thế giới nhân sinh của vũ trụ… Từ đó mà soi sáng mình. “Cửa không” ở Quán Chiếu Đường đặc biệt ở chỗ có tấm kính chắn, thấy như không có mà không qua được. Từ Quán Chiếu Đường có thể nhìn ra không gian rừng núi rộng lớn mà mây mù và sương sớm tạo nên những bức tranh giao hòa tuyệt mỹ của đất trời.
 
Bên hồ “Soi Bóng”
Bên hồ “Soi Bóng”
Linh Quy Pháp Ấn có 12 môn tu tập gọi là “Pháp Ấn thập nhị môn”, cũng thừa hưởng từ truyền thống sâu xa của Đức Phật, nhưng được sáng chế phù hợp với thời đại và thực tiễn của con người và cảnh vật. Như pháp tu “ngắm bình minh” - nhìn biển mây để thấy được sự mộng ảo của cuộc đời, hợp tan là lẽ vô thường, nhưng từ đó thấy được ánh sáng của tuệ giác (trí tuệ), là khi mặt trời nhô lên khỏi biển mây. Đó là khi tâm tu vượt ra khỏi nỗi buồn lo, sợ hãi trong cuộc đời. Như ánh mắt của Đức Phật xuyên thấu vào tâm can - nhưng lan tỏa nét từ bi và tình thương bao la.
 
Có một pháp tu độc đáo khác ở Linh Sơn Pháp Ấn là “trúc đạo”. Chùa không trưng hoa như các chùa khác mà trưng trúc. Vì thế đâu đâu trên chùa cũng đều có cây trúc trong tầm mắt: trên bệ thờ, trong vườn cây, bên hồ nước, dọc lối đi, bậc tam cấp... Trúc và tre được trồng rất nhiều ở chùa, tạo nên âm thanh lao xao theo chiều gió.
 
Nơi rộng nhất trong chùa hiện nay là “Thư viện”, cũng vừa là nơi chứa kho sách vừa là nơi khách thập phương nghỉ ngơi… được bao bọc bởi những bụi tre xanh mát và yên bình… Từ khi “bị” phát hiện, Linh Quy Pháp Ấn trở thành điểm đến của nhiều phật tử, du khách, có tour du lịch lên đến cả trăm người. Nếu “tùy duyên” du khách sẽ được gặp thầy trụ trì, nghe giảng thuyết pháp trước bình minh, học quyền, dự lễ… Nếu thời tiết thuận lợi có thể ngắm hoàng hôn, đón bình minh, chờ trăng lên giữa biển mây hùng vĩ…
 
TIỂU VÂN