Không ít du khách đã ví von, nếu bạn đi du lịch Thái Lan mà không tới thành phố Chiang Mai (tỉnh Chiang Mai, ở phía Bắc Thái Lan), một trung tâm lớn thứ hai (sau Bangkok), thì xem như bạn chưa đến Thái Lan hoặc chỉ mới một nửa...
Không ít du khách đã ví von, nếu bạn đi du lịch Thái Lan mà không tới thành phố Chiang Mai (tỉnh Chiang Mai, ở phía Bắc Thái Lan), một trung tâm lớn thứ hai (sau Bangkok), thì xem như bạn chưa đến Thái Lan hoặc chỉ mới một nửa. Và, nếu đã tới Chiang Mai rồi mà không đến Royal Park Rajapruek (Công viên Hoàng gia, còn gọi là Vườn hoa hoặc Vườn Thượng uyển Rajapruek) thì cũng xem như chưa đến Chiang Mai vậy.
|
Mô hình Cung điện nhà vua là“Khuôn viên vàng” (nơi phục chế, tái hiện các vua chúa Thái Lan) |
Chúng tôi vừa có dịp cùng với Đoàn Nhà báo Lâm Đồng, do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức, đến thăm và trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm báo với Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai. Trong thời gian công tác ở đây, chúng tôi được Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai ân cần tiếp đón và tổ chức tham quan nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở đây. Ông Amnat Jongyosyine, Chủ tịch Hội Nhà báo Chiang Mai, chân tình: “Các anh đã đến đây rồi mà không đến Royal Park Rajapruek thì không thể…”.
Thế là Đoàn Nhà báo Lâm Đồng cùng các nhà báo Chiang Mai đến thăm Royal Park Rajapruek. Chúng tôi không khỏi bất ngờ và ấn tượng khi đến xứ sở du lịch Thái Lan để được tận mắt chiêm ngưỡng vẽ đẹp không gian Công viên Hoàng gia (còn gọi là Vườn hoa) Rajapruek rộng mênh mông, tràn ngập với những thảm hoa, cây cảnh lộng lẫy muôn sắc, đủ loài.
“Rất tiếc là không đúng lúc! Giá như đến vào dịp từ tháng 12 đến tháng 2 (năm sau), tại công viên này, chúng tôi tổ chức nhiều sự kiện (trong đó, có Lễ hội Hoa) thì đông đúc và vui nhộn lắm các anh ạ!” - bà Warumdee Phaksin, Giám đốc Royal Park Rajapruek, bắt tay với ông Nguyễn Thanh Nhân, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng, Chủ tịch Hội Nhà báo Lâm Đồng, chia sẻ và mời cả Đoàn Nhà báo vào Văn phòng trò chuyện, trước khi tham quan Vườn hoa Rajapruek.
Theo lời bà Warumdee Phaksin: “Tuy là công viên hay còn gọi là Vườn hoa, mà thực sự Rajapruek đúng “tầm” là một Vườn Thượng uyển của Thái Lan. Bởi vì, đây là một Trung tâm Nghiên cứu cây cảnh và hoa các loại; là một trong những Trung tâm Du lịch quốc tế của Thái Lan; là nơi phục vụ triển lãm cây cảnh thế giới (đã tổ chức được 2 lần) và cũng là nơi tổ chức những sự kiện, những ngày kỷ niệm lớn của Hoàng gia Thái Lan… Hàng năm, Royal Park Rajapruek thu hút lượng khách rất đông. Chẳng hạn, như năm 2015, Công viên Royal Park Rajapruek đã đón khoảng 80 vạn du khách và năm 2016 này phấn đấu đón từ 85 - 90 vạn người. Riêng trong dịp Lễ hội Hoa năm 2015, công viên đã đón khoảng 20 vạn du khách…”.
Muốn tham quan, thưởng lãm hết khu Royal Park Rajapruek, chúng tôi không thể đủ sức đi bộ, vì công viên rộng tới 400 hecta. Giám đốc Royal Park Rajapruek Warumdee Phaksin đã ưu ái giành cho các nhà báo Lâm Đồng và Chiang Mai một chiếc xe điện để vừa đi xe vừa đi bộ. Ngoài khu vực bảo tàng, trưng bày truyền thống về sự nghiệp của các vua chúa Thái Lan, Royal Park Rajapruek được thiết kế, chia thành các tiểu khu: Tiểu khu xây dựng các công trình phục vụ nhà vua; tiểu khu xây dựng các hạng mục công trình phục vụ du khách; tiểu khu trồng các loài hoa, cây cảnh nổi tiếng ở 5 châu lục; tiểu khu xây dựng các tiểu cảnh (mô hình) thể hiện đặc trưng, biểu tượng của các quốc gia trên thế giới.
Theo hướng dẫn viên tham quan, Royal Park Rajapruek được tổ chức, quản lý theo hình thức một “công ty cổ phần”. Tuy nhiên, với quy mô rộng lớn và để giữ cho không gian Rajapruek luôn tươi đẹp, tại Royal Park còn được phân vùng và giao cho các ngành, các doanh nghiệp (có tiếng tăm) không chỉ ở Chiang Mai mà ở các tỉnh trong cả nước (như ngành Điện lực, các Ngân hàng, hãng xe Toyota Thái Lan…) trồng hoa, cây cảnh gắn với biểu trưng của ngành mình, theo quy hoạch và chủ trương phát triển của Hoàng gia. Từ đó, mỗi ngành và mỗi doanh nghiệp có trách nhiệm tự bỏ tiền đầu tư trồng, bảo quản, chăm sóc để vừa góp sức tô thắm vẽ đẹp cho Royal Park Rajapruek vừa cạnh tranh, quảng bá thương hiệu.
Còn ở tiểu khu xây dựng các mô hình là biểu trưng của các quốc gia trên thế giới được thiết kế, xây dựng bằng hoa, cây cảnh và kiến trúc xây dựng đặc trưng. Ở những tiểu khu này, không chỉ có đầy đủ mô hình đặc trưng của tất cả các nước trong khối ASEAN (kể cả 3 nước Đông Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) mà có rất nhiều nước trên thế giới, như Hà Lan, Canada, Nepal, Bỉ, Sudan, Iran, Ấn Độ, Srilanca, Bungari… Trong số các mô hình biểu trưng các quốc gia, mô hình của Hoàng gia Thái Lan là khuôn viên cung điện, một “khuôn viên vàng” đẹp, sang trọng và lộng lẫy nhất. “Đây chính là cách làm hay, sáng tạo và là một trong những kỹ năng khai thác du lịch, một cách để thu hút và mời gọi du khách tới thăm Royal Park Rajapruek mỗi khi đặt chân đến đất Thái Lan” - nhiều nhà báo trong Đoàn có cùng ý tưởng nhận xét như thế, khi đến tham quan Royal Park Rajapruek.
Trong lúc thăm Vườn hoa Rajapruek, tôi cứ ngỡ mình đang thả hồn ở Vườn hoa Đà Lạt. Và bất chợt, tôi bâng quơ nghĩ về Vườn hoa Đà Lạt. Cho dù có sự so sánh hơi “khập khiễng”, nhưng trong tôi có đôi chút hẫng hụt, không buồn mà cũng chẳng mấy vui, vì chưa đến Chiang Mai thì cứ tưởng Vườn hoa “nhà mình” là đẹp nhất. Thế nhưng, là Vườn hoa Đà Lạt còn quá khiêm tốn. Quy mô chỉ vỏn vẹn khoảng 15 hecta và cách tổ chức rất đơn điệu. Trong tâm tôi vẫn nhớ như đã khắc in, khi Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thanh Nhân giới thiệu khái quát với bà Warumdee Phaksin (Giám đốc Royal Park Rajapruek) về hình ảnh tỉnh Lâm Đồng, nơi có Vườn hoa và thành phố hoa Đà Lạt. Còn bà Warumdee Phaksin thì tấm tắc ngợi khen và ước gì ở Chiang Mai có được khí hậu ôn hòa như ở Đà Lạt mình. Bà Warumdee Phaksin nói rằng: “Ở Chiang Mai khí hậu nóng lắm. Mỗi năm, ở đây chỉ có khoảng 15 ngày mát mẽ thôi, nên trồng hoa ở đây rất khó, các anh ạ! Nó đòi hỏi phải được chăm sóc thật kỹ lưỡng và phải trồng theo mùa. Nếu không, thì nó không ra hoa như mong muốn đâu!”. Ghi nhận điều đó, trong lúc tham quan, chúng tôi đã chiêm ngưỡng các loại hoa phong lan, hồ điệp… trồng tại Royal Park Rajapruek khoe sắc rất đẹp, nhưng phải trồng trong nhà lạnh (nhà kính) ở nhiệt độ khoảng 17
oC.
Rời Royal Park Rajapruek, trong lúc tạm biệt và hẹn ngày gặp lại, bà Warumdee Phaksin chân tình chia sẻ với Chủ tịch Hội Nhà Báo Lâm Đồng Nguyễn Thanh Nhân và các thành viên trong Đoàn Nhà báo Lâm Đồng rằng: “Tôi rất mong muốn có dịp nào đó sẽ đến tỉnh Lâm Đồng, đến thành phố Đà Lạt để được tham quan và được dự Lễ hội Hoa Đà Lạt nhằm giao lưu, trao đổi, kết nối và học hỏi kinh nghiệm trồng hoa cũng như cách tổ chức Lễ hội Hoa”.
Ghi chép: BÙI TRƯỞNG