Trải nghiệm thú vị trên cung đường Y Tý

09:10, 06/10/2016

Vào mùa lúa chín (tháng 9-10 hằng năm), Y Tý - một xã vùng cao, nằm sát đường biên giới Việt - Trung thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày; bởi nơi đây mây trắng dày đặc trên đỉnh núi cao, rừng già trút lá, thửa ruộng bậc thang đang vào vụ gặt nối núi này sang núi khác, những sạp ngô phơi vàng chói trong nắng và những điểm tuốt lúa, xay ngô nhộn nhịp ngay bên đường…

Vào mùa lúa chín (tháng 9-10 hằng năm), Y Tý - một xã vùng cao, nằm sát đường biên giới Việt - Trung thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày; bởi nơi đây mây trắng dày đặc trên đỉnh núi cao, rừng già trút lá, thửa ruộng bậc thang đang vào vụ gặt nối núi này sang núi khác, những sạp ngô phơi vàng chói trong nắng và những điểm tuốt lúa, xay ngô nhộn nhịp ngay bên đường…
 
Mùa vàng
Mùa vàng
Biển vàng vẫy gọi…
 
Con đường dẫn đến Y Tý dài cả trăm cây số chẳng những không dễ đi chút nào mà còn rất nguy hiểm vì ngoằn ngoèo, dốc hẹp và nhiều cua ngập khuỷu tay. Nhưng, nhờ địa hình núi cao, mà mùa lúa chín của người Hà Nhì, Dao Đỏ, Mông... như những biển vàng dập dềnh nối tiếp nhau, những thửa ruộng bậc thang dẫn lên đỉnh núi, đỉnh núi lại phủ đầy mây trắng như thể không hề có khoảng cách từ đất lên trời... 
 
Cứ thế, mặc dù Y Tý là điểm đến, nhưng sự lôi cuốn và hấp dẫn của phong cảnh mùa thu khiến du khách không thể không dừng bước, ôm những bó lúa thơm nồng vừa được gặt, vào giữa cánh đồng để thấy “mênh mông đồng lúa hát…”, hay ngồi lên bó rơm mà thả chân đong đưa ngay trên bờ ruộng… Dân ở đây mỗi năm trồng 1 vụ lúa, 1 vụ ngô, thu hoạch cùng thời điểm, nên lúc này, xứ sở của những món đặc sản là sương, mây và những thửa ruộng bậc thang đẹp và những cảnh sắc lạ lẫm thu hút, níu kéo dân du lịch… 
 
Vì vậy, con đường từ Sapa đến Y Tý theo đường tỉnh lộ 155 hoặc 158 chỉ khoảng 70 cây số, phải đi mất 7-8 tiếng đồng hồ. Chỉ khi mặt trời xuống núi, ánh sáng không còn tươi rói trên khắp núi rừng, ruộng nương nữa thì du khách mới chú tâm đến mục tiêu chính - điểm đến. Điểm đến của chúng tôi là ngôi nhà gỗ hai tầng ngay đầu bản (thôn Ngải Trồ) - nhà của một cặp vợ chồng trẻ có hai con - A Hờ. A Hờ đang dựng một ngôi nhà mới cách đấy không xa và nới rộng thêm ngôi nhà đang ở của mình để đón khách du lịch.
 
Homestay ở bản Mông
 
Gia đình A Hờ và bếp núc ở tầng 1, còn toàn bộ tầng hai dành để cho khách. Nhà cửa khá thoáng đãng và sạch sẽ. Sân trước rộng, kê một dãy bàn ghế, là không gian chung cũng làm chỗ ăn uống luôn. A Hờ kể, vì gia đình nghèo khó, A Hờ không được ăn học tử tế. A Hờ lấy vợ nghèo, không có của hồi môn. Vợ A Hờ không biết nói tiếng Kinh nên chỉ loanh quanh nấu nướng… Mọi việc A Hờ đều lo toan hết. A Hờ bảo, cố gắng làm ăn để lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn - không giống như mình “cái gì cũng không biết”!
 
Đấy là kiểu nói của A Hờ. Thực ra, A Hờ rất năng động, lém lỉnh, chịu khó và khá thức thời… A Hờ đón khách từ cách đây 4 năm. Nhưng có lần, một đoàn khách sau khi trở về xuôi đã đưa thông tin, hình ảnh của nhà A Hờ lên mạng. “Thế là có chút tiếng tăm từ đó”! Khách gọi điện, đặt chỗ, đặt ăn… Thế là đón khách. Nhưng, “thấy cái gì không đúng thì góp ý cho mình nhé” - A Hờ trong câu chuyện thỉnh thoảng lại nói thêm câu đó… Đến bữa ăn, rượu được mang ra từng bát nhôm lớn, khách dùng ly múc uống. “Hết lại lấy tiếp - nhà mình không bao giờ thiếu rượu đâu”!
 
Cả bản Ngải Trồ chỉ có 5-6 nhà nghỉ - kể cả đồn biên phòng Y Tý và vài quán ăn. Một số nhà nghỉ có thêm dịch vụ tắm nước lá của đồng bào… nhưng dường như không có nhà nào tươm tất như nhà A Hờ. cô Si - cũng là một chủ homestay khác ở thôn Ngải Trồ cho biết: “Cả bản này có mỗi thằng A Hờ biết làm ăn thôi. Đàn ông người Mông chỉ biết uống rượu, say xỉn lại còn bắt vợ đi đón về…”… Nhà cô Si có 2 phòng tắm nước lá của đồng bào ngay cạnh bếp, chằng chịt những ống nước và dây dợ, củi, thùng… 3 cái nồi nước to tướng sôi ùng ục trên bếp lò. Mùi nước lá thơm lừng trong cái không gian không thể gọn gàng hơn được.
 
Câu chuyện về cuộc sống mưu sinh của cô Si cũng là một trải nghiệm khá thú vị. Cô Si ở một mình nuôi 2 cô con gái có bố là người Kinh ăn học và nay đã trưởng thành. “Người Mông (H’Mông) theo chế độ phụ hệ, nhưng đàn ông Mông có biết làm ăn gì đâu. Mình lấy nó về phải nuôi nó thì lấy làm gì! Còn lấy đàn ông người Kinh, mình không thạo tiếng lại không có chuyên môn, theo nó về thành phố làm sao mà sống được”… Ngày xưa, cô cũng đi làm nhà nước, nấu nướng cho cơ quan. Rồi khách đến ở nhờ, dần dần hình thành nên dịch vụ cho thuê nhà, nhận đặt ăn, tắm nước lá… Món nước lá cho công dụng khá tốt, giúp giảm mệt mỏi sau một chuyến đi gập ghềnh, đầu óc nhẹ nhàng, dễ chịu và ngủ ngon… Cô Si bảo, trong nước lá có tới 30 loại, nhưng tên gọi là gì thì cô không nói “Biết để làm gì? Ở dưới xuôi đâu có?” Nhưng hỏi mua, cô bảo: “bận lắm, không trộn lá được…!”
 
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Những bản làng của ngàn năm xưa cũ…
 
Chúng tôi hẹn với A Hờ 4h30 sáng ăn cơm rang để 5 giờ đi vào bản. Đúng hẹn, cơm rang trứng trộn rau và mì sẵn sàng, nhưng khách còn say sưa giấc nồng và cò cưa mãi đến 6 giờ mới lần lượt xuống. A Hờ chẳng giục giã mà phán một câu: “Hôm nay sương nhiều lắm, chẳng chụp ảnh được đâu! Chút nữa lại mưa, các bác cũng không leo núi nổi…”. Con đường đến bản của người Hà Nhì ở thôn Lao Chải chỉ cách khoảng vài cây số, đường đi quanh co, dốc hẹp. Cũng là những ruộng lúa bên đường, nhưng ỉu xìu trong màn sương bảng lảng…
 
Những ngôi nhà bằng đất hiện ra. Đây được gọi là kiến trúc nhà trình tường đặc trưng của người Hà Nhì. Nhà hình chữ nhật, tường được nhồi bằng đất trộn rơm rất dày, mái nhọn hình kim tự tháp bằng tranh hoặc tôn, quanh năm khói tỏa. Những ngôi nhà được dựng sát nhau, ngay bên đường. Phía sau là những ruộng lúa đang chín vàng. Xung quanh nhà là cây cối, vườn rau nhỏ, dây bầu - bí -mướp... Đặc biệt, hầu như nhà nào cũng có một cây đào ở góc sân. Bên trong, có một hành lang dài, rồi mới đến không gian chính. Nhà nhà đều có 2 cái bếp đỏ lửa cả ngày, một bếp giữa nhà để nấu ăn cho gia đình và một bếp lò (bằng đất) sát tường nấu thức ăn cho gia súc. 
 
Trong nhà treo đầy ngô… Nhìn bên ngoài, ngôi nhà khá cao - lớn, nhưng không gian bên trong rất hẹp. Bếp gia đình là trung tâm, được đặt trên nền cao, rộng, thoáng là nơi sinh hoạt của gia đình, hình như cũng là nơi ngủ (?). Chỗ ngủ khác là những góc khuất rất nhỏ ở sát tường… Ngay trong thôn có phân hiệu của trường tiểu học. Nhưng người lớn ở thôn Lao Chải này đều không biết nói tiếng Kinh. Mấy chục nóc nhà trình tường hầu như không có cửa, khách có xin phép vào - chủ nhà cũng không phản ứng gì. Mọi giao tiếp đều nhờ trẻ con dịch hộ, nhưng câu chữ rất cầm chừng. 
 
Nhà có điện, nhưng món đồ hiện đại nhiều nhất có lẽ là xô, chậu, rổ, kệ bằng nhựa. Hiếm hoi lắm mới thấy có nhà vẳng ra tiếng tivi. Nước nguồn từ núi chảy về tràn trề, mát rượi. Gà vịt luẩn quẩn trong sân… Bé gái xúm lại chơi chuyền bằng những viên đá. Bé trai thì leo trèo… Có những bà cụ đi hái rau rừng cho bữa sáng đang về… Người dân bắt đầu đi làm và cơn mưa sớm cũng ngăn bước chân du khách… Cảm giác lướt qua là cuộc sống ở những ngôi làng của đồng bào người Hà Nhì, Dao Đỏ, Mông… ở nơi xa xôi, heo hút này như chưa hề đổi thay cả ngàn đời…
 
Gùi lúa
Gùi lúa
Con đường đến Y Tý mà chúng tôi đi qua không đơn thuần là khám phá một vùng đất mới tại đích đến trong thời điểm đẹp nhất, mà còn là những trải nghiệm thú vị trên đường đi suốt hành trình, ngắm nhìn những bản làng ẩn hiện dưới thung lũng hay lưng chừng núi, bao bọc bởi những thửa ruộng bậc thang đang vào vụ thu hoạch... Trên đường về, chúng tôi còn đi thêm hơn chục cây số nữa để đến cột mốc Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, ngắm sự giao hòa của hai dòng nước đục - trong là con sông Hồng đỏ thắm từ phía Bắc chảy xuống và con suối Lũng Pô xanh ngắt, với những nỗi niềm cảm xúc yêu thương dâng trào…
 
TIỂU VÂN