Hoa Anh đào có từ khi nào trên miền đất mát lành Đà Lạt? Chỉ biết rằng đi cùng sự phát triển của thành phố qua các thời kỳ - mà người dân Đà Lạt quen gọi là Mai anh đào - đã trở thành loài hoa mang tính biểu trưng của "xứ sở ngàn hoa".
Hoa Anh đào có từ khi nào trên miền đất mát lành Đà Lạt? Chỉ biết rằng đi cùng sự phát triển của thành phố qua các thời kỳ - mà người dân Đà Lạt quen gọi là Mai anh đào - đã trở thành loài hoa mang tính biểu trưng của “xứ sở ngàn hoa”. Những cánh hoa đào từ tháng năm xa xưa di cư đến phố núi cao nguyên Lâm Viên và gắn bó với nơi này sẽ bước vào “Ngày hội hoa Anh đào” của riêng mình trong dịp cuối năm nay.
|
Đào hoa nở bên hiên nhà. Ảnh: Thụy Trang |
Có rất nhiều thơ văn, nét nhạc ngợi ca vẻ đẹp của hoa Anh đào trên thành phố Đà Lạt mộng mơ. Đào hoa thắm đỏ, hồng phai nở rực báo hiệu mùa Xuân đất trời đã về với ý niệm sự khởi đầu một năm mới, mang lại nhiều may mắn, an lành cho đời sống dân cư suốt bốn mùa đi về trên quê hương.
Khúc ca 60 năm trước
Một người nghệ sỹ chỉ
“dừng chân phiêu lãng” tại Đà Lạt trong khoảng thời gian ngắn đôi năm với bản phác thảo ca khúc đầu tay nhưng chính ca khúc đó sau khi được hoàn thiện lại “se duyên” cuộc đời ông gắn với âm nhạc từ đó, đưa ông bước vào nghiệp sáng tác và trở thành cây viết có chỗ đứng trong nền tân nhạc Việt Nam.
“Chiều nào dừng chân phiêu lãng / Khách đến đây thấy hoa đào vương lối đi” đó là ca từ của ca khúc “Bài thơ hoa đào” mà nhạc sỹ Hoàng Nguyên đã viết cách đây tròn 60 năm. Theo cố nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 kể lại trong một bài viết đăng trên Tuổi trẻ Chủ nhật năm 1995 rằng, nơi Hoàng Nguyên sống và sáng tác ca khúc trên tại một không gian mà ông cư ngụ ở phố núi Đà Lạt khi ấy “chỉ là một căn phòng đơn sơ, trong khuôn viên Trường Bồ Đề Đà Lạt, nơi anh đang dạy Anh văn cho các lớp trung học. Một bàn viết bằng gỗ thông và một cây đàn guitar treo trên vách…”. Đó là khoảng thời gian năm 1956. Không chỉ để lại nhạc phẩm “Bài thơ hoa đào”, nhạc sỹ Hoàng Nguyên còn gửi lại cho thành phố thân thương Đà Lạt bài hát nổi tiếng khác “Ai lên xứ hoa đào” rất được nhiều người biết đến với lời nhắn nhủ tha thiết
“đừng quên đem về một nhành hoa” - mà mãi cho đến hôm nay hai nhạc phẩm này vẫn nằm trong các ca khúc hay viết về thành phố Đà Lạt ngàn hoa được công chúng yêu mến.
Gợi mở cảm hứng
Nội dung, chương trình chính “Ngày hội hoa Anh đào”
Theo Ban tổ chức, Ngày hội hoa Anh đào Tuyền Lâm - Đà Lạt lần thứ nhất, năm 2016, diễn ra trong vòng 3 ngày và dự kiến sẽ có các nội dung, chương trình chính bao gồm 7 sự kiện liên quan:
- Lễ khai mạc và trồng lưu niệm hoa Anh đào cho đến hết hội.
- Chương trình tham quan các không gian hoa Anh đào
- Chương trình du lịch khám phá Tuyền Lâm.
- Giải Golf hoa Anh đào
- Hội hóa trang tại Khu Du lịch Sao Đà Lạt.
- Triển lãm ảnh nghệ thuật hoa Anh đào.
- Lễ bế mạc gắn với sự kiện được các doanh nghiệp trong Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm tổ chức.
Được biết, tổng kinh phí tổ chức “Ngày hội hoa Anh đào” nêu trên khoảng 6,7 tỷ đồng; trong đó, các doanh nghiệp trong Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm đăng ký tự tổ chức các chương trình, hoạt động 6 tỷ đồng và kinh phí ngân sách cấp 700 triệu đồng.
Khải Nhiên (tổng hợp)
|
Và đúng 60 năm sau kể tình khúc ngợi ca hoa đào của nhạc sỹ Hoàng Nguyên, vào dịp cuối tháng 12 hay đầu tháng 1 sắp tới đây du khách đến tham quan Đà Lạt - thành phố ngàn hoa có thể
“dừng chân phiêu lãng” bên rừng, ven hồ để nhìn ngắm
“hoa đào vương lối đi” trong những ngày đất trời vào xuân tại không gian “Ngày hội hoa Anh đào” do Ban quản lý Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm phối hợp với Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng tổ chức lần đầu tiên trên thành phố Đà Lạt.
Chính từ ca khúc ấy đã gợi cảm hứng cho một sự chuẩn bị âm thầm về một ngày hội riêng cho hoa Anh đào - sau Festival Hoa Đà Lạt cách đây ngót 8 năm. Giám đốc Ban quản lý Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm - Nguyễn Xuân Thành nhớ lại: Trong một lần đi kiểm tra tiến độ thực hiện Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm, người tài xế tình cờ bật đĩa nhạc và bài hát “Ai lên xứ hoa đào” vang lên đã khiến anh bị ám ảnh bởi giai điệu, các ca từ
“Ôi! màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nào / Ôi, màu hoa đào như môi hồng người mình yêu, Ôi! màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa/ Mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du”… trong không gian rừng xanh, hồ nước Tuyền Lâm mênh mang gợi lên ý tưởng xây dựng một “Không gian hoa Anh đào”. Bởi Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm có điều kiện đất đai hơn trung tâm thành phố Đà Lạt tại sao không trồng những đường hoa, đồi hoa Anh đào làm đẹp cảnh quan cho khu du lịch. Và khi đi học lớp chuyên viên cao cấp anh đã thực hiện đề tài tốt nghiệp “Xây dựng không gian hoa Anh đào” từ đấy trở thành dự án được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2009. Ngay sau đó, Ban quản lý Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm đã bắt tay vào triển khai cùng lời hẹn ước “Khi nào hoa nở nhiều sẽ tổ chức hội hoa Anh đào tại đây”. Lẽ ra “Ngày hội hoa Anh đào” được tổ chức vào đúng dịp Festival Hoa Đà Lạt kế tiếp, nhưng nhìn lại năm 2016 thành phố không có sự kiện lễ hội nào đáng kể, trong khi những cây đào được trồng từ 5 - 7 năm nay đã cho “những mùa hoa thương nhớ” nên được tỉnh giao tiến hành tổ chức thí điểm, coi như lần đầu tập dợt cho dịp Festival Hoa Đà Lạt diễn ra vào cuối năm 2017.
|
Đường hoa Anh đào trên phố Đà Lạt. Ảnh: Thụy Trang |
Chờ ngày hội hoa Anh đào
Cũng cần nhắc lại rằng, năm 2013 tại buổi làm việc với Ban quản lý Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm và các sở, ngành, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Đức Hòa yêu cầu phải thực hiện thật tốt “Dự án không gian hoa Anh đào” mà UBND tỉnh đã phê duyệt. Cùng đó lưu ý phải thống nhất tên gọi phù hợp với tên khoa học của loài hoa này và xây dựng thương hiệu cho hoa Anh đào Đà Lạt để góp phần phát triển du lịch.
Hoa Anh đào được người dân Đà Lạt quen gọi là Mai anh đào vì có thể người dân phố núi thấy Anh đào có cánh hoa giống cánh hoa Mai chăng. Theo Thạc sỹ sinh học, Trường Đại học Đà Lạt Nguyễn Duy Chính cho rằng: Bản thân thiên nhiên Đà Lạt không có loài hoa Anh đào mà được du nhập về trồng từ thời Pháp thuộc, thời chiến tranh chống Mỹ. Hoa mai có họ khác và trong các tài liệu thì Mai anh đào đều được gọi là hoa Anh đào - kể cả ở Mỹ, Nhật là các nước có tổ chức lễ hội hoa Anh đào từ trước đến nay. Do đó, theo Thạc sỹ Nguyễn Duy Chính nên sử dụng tên hoa Anh đào là phù hợp và có cơ sở khoa học nhất. Vì trong sách “Cây cỏ Việt Nam” của tác giả Phạm Hoàng Hộ (Quyển 1, Nhà Xuất bản Trẻ) có mô tả: Anh đào có tên khoa học là Prunus Cerasoides (được đánh số 3.229), thuộc họ Rosaceae (họ hoa hồng), chi Prunus (chi mận) và Anh đào có hai loại cánh đơn, cánh đôi đều được trồng ở Đà Lạt. Tùy theo mỗi năm hoa Anh đào nở sớm, muộn do điều kiện thời tiết, khí hậu nhưng thường nở vào cuối tháng 12 hoặc tháng 1 hàng năm. Chính vì vậy mà “Ngày hội hoa Anh đào Tuyền Lâm - Đà Lạt” lần thứ nhất sẽ diễn ra vào dịp hoa đào nở. Theo đó không gian ngày hội hoa đào sẽ diễn ra tại Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm và một số tuyến đường có hoa Anh đào trong trung tâm thành phố Đà Lạt. Đi cùng chương trình tham quan không gian hoa Anh đào là các hoạt động du lịch khám phá Tuyền Lâm, giải Golf hoa Anh đào, hội hóa trang... và triển lãm ảnh nghệ thuật hoa Anh đào sẽ là những điểm nhấn cho chuyến du lịch tại thành phố ngàn hoa mà du khách không thể bỏ qua.
XUÂN TRUNG