Quy định nghiêm ngặt của khu vực sản xuất nhằm hạn chế thấp nhất sâu bệnh ảnh hưởng tới cây trồng, nên không phải ai cũng vào được các trang trại hoa của Dalat Hasfarm. Vì vậy, có dịp được tham quan trang trại hoa Dalat Hasfarm không khác gì một chuyến du lịch đến với sắc màu các loài hoa ở nông trại hoa lớn nhất Việt Nam.
Quy định nghiêm ngặt của khu vực sản xuất nhằm hạn chế thấp nhất sâu bệnh ảnh hưởng tới cây trồng, nên không phải ai cũng vào được các trang trại hoa của Dalat Hasfarm. Vì vậy, có dịp được tham quan trang trại hoa Dalat Hasfarm không khác gì một chuyến du lịch đến với sắc màu các loài hoa ở nông trại hoa lớn nhất Việt Nam. Nhưng, được mê mải xem hoa, ngắm hoa, chứng kiến công nhân làm việc, tìm hiểu quy trình sản xuất hoa… mới thấy Dalat Hasfarm đã nỗ lực rất nhiều để giữ vững thương hiệu hoa chưa có đối thủ ở Việt Nam.
|
Thu hoạch hoa cúc Calimero. Ảnh: N.Quân |
Du lịch ở trang trại hoa lớn nhất Việt Nam
Lần đầu bước vào trang trại hoa Hasfarm, chắc chắn ai cũng choáng ngợp, bởi tất cả các loại hoa đều được trồng trong những nhà kính hiện đại rộng mênh mông, nào thu hải đường, sống đời, lan hồ điệp, hoa chuông, dạ anh thảo, hồng môn, râm bụt, tulip, trạng nguyên, nguyệt quế… (hoa chậu); rồi, hoa hồng, lily, cẩm chướng, cúc, cát tường, thủy tiên… (hoa cắt cành) và lá trang trí. Mỗi một loại hoa lại không đếm xuể có bao nhiêu màu, như riêng loại cúc calimero - loại hoa cúc cắt cành có bông chỉ nhỉnh hơn đầu ngón tay cái đã có 10 màu, từ vàng, trắng, đỏ, tím, đến cam, hồng, chanh...
Lao động ở Công ty Dalat Hasfarm có tới 2.200 người, nhưng vào các vườn hoa chỉ thấy thấp thoáng bóng nón và vào giờ nghỉ giữa ca mới nhìn rõ khuôn mặt họ. Theo chân chị Nguyễn Lý Tố Anh - Quản đốc Bộ phận hoa chậu, chúng tôi được biết: Thị trường chính của hệ thống hoa chậu Dalat Hasfarm có 90% tiêu thụ nội địa, chỉ có 10% xuất khẩu sang Singapore, Campuchia, Hồng Kông... Giống hoa Hasfarm thường được nhập từ Đan Mạch và Hà Lan - là củ, hạt hay mầm. Sau khi nhập về sẽ được xử lý tại nhà mô để ươm thành cây con. Quá trình trồng cây con tùy thuộc vào từng giống và nhóm cây, trung bình đến khi thu hoạch được là từ 3-7 tháng. Trong quá trình cây sinh trưởng, xử lý sâu bệnh bằng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM). So với nông dân, quy trình trồng và chăm sóc hoa ở Công ty Dalat Hafarm hiện đại hơn với các thiết bị hệ thống nhà kính, màng mái, hệ thống tưới phun mưa (sprinkler) hoặc phun sương tự động (clarinet).
Dalat Hasfarm có thị phần xuất khẩu ở hơn 10 nước, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Úc; và đang phát triển ở thị trường Newzealand, Indonesia, Thái Lan. Năm 2015, Hasfarm đã vào được thị trường Nga với những dự báo khá tốt. Sản lượng hoa cắt cành lên tới 135 triệu cành/năm, chiếm hơn 60% sản lượng hoa xuất khẩu của Lâm Đồng. Hoa cắt cành ở Hasfarm được sản xuất theo quy trình khép kín. Các loại hoa như cát tường, cúc, ly, cẩm chướng… thu hoạch xong một đợt hoa là phải thay cây khác.
Riêng hoa hồng có tuổi khai thác lâu hơn. Ban đầu, cây hoa hồng được nhân giống cây con từ trong nhà mô, 2 tháng sau mang ra trồng ở nhà kính. Sau 2 tháng trồng trong nhà kính sẽ có lứa hoa đầu tiên và cho bông sung sức nhất từ khoảng 8 tháng đến 30 tháng tuổi, rồi có thể tiếp tục giữ được khoảng 3-7 năm tùy giống hoa và tuổi thọ của cây. Hoa hồng Hasfarm được trồng trong máng bằng giá thể xơ dừa, có hệ thống tưới phun sương làm mát (rip), mái lợp che sáng tự động (shading), hệ thống sưởi ban đêm, hệ thống hút ẩm và những hệ thống phụ khác. Chị Nguyễn Thị Hồng Lan - Quản đốc Bộ phận Hoa hồng cho biết: Trồng hoa hồng theo mật độ và cách thức của Hasfarm, mỗi năm thu khoảng 145-155 cành/m
2 bông lớn, 180-200 cành/m
2 bông trung và 230-250 cành/m
2 bông nhỏ.
Quan điểm về hoa đối với Công ty Hasfarm cũng giống như thời trang, sẽ thay đổi liên tục tùy thuộc vào thị hiếu của người tiêu dùng. Công ty có những nghiên cứu để xác định các loại hoa sẽ được ưa chuộng trong 5-10 năm tới, với công nghệ như thế nào. Chính vì vậy, trong bảng xếp loại các loài hoa được ưa chuộng nhất 2016 của thế giới, gần như có sự trùng lặp với 10 giống hoa đẹp nhất của Hasfarm. “Top 3 giống hoa đứng đầu được khách hàng trong nước lựa chọn cũng trùng với top 3 giống hoa được khách hàng nước ngoài lựa chọn”. Điều đó, chứng tỏ thị hiếu “chơi hoa” của người Việt Nam tiệm cận rất nhanh với thị hiếu của thị trường nước ngoài, và Hasfarm đã đánh giá chuẩn xác thị hiếu tiêu dùng hoa của người Việt...
|
Hoa hồng Hasfarm nổi trội về màu sắc và độ bền. Ảnh: N.Quân |
Chia sẻ lợi ích với cộng đồng và nông dân Lâm Ðồng
Dalat Hasfarm là tên giao dịch của Công ty TNHH Agrivina - công ty 100% vốn nước ngoài, có trụ sở ở 450 Nguyên Tử Lực, phường 8, Đà Lạt và 2 cơ sở sản xuất tại xã Xuân Thọ (Đà Lạt) và xã Đạ Ròn (Đơn Dương), với tổng diện tích khoảng 290 ha, chuyên trồng, sản xuất và kinh doanh các loại hoa cắt cành, hoa chậu, cây giống hoa, hạt giống hoa, các loại lá trang trí và các sản phẩm thuộc nghề làm vườn; kinh doanh các loại phụ liệu trang trí và bảo quản hoa, các sản phẩm phục vụ cho người trồng, bán hoa và nghề làm vườn.
Với hệ thống 4 trung tâm phân phối tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ; 8 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, Đà Lạt, Biên Hòa và TP HCM... Dalat Hasfarm là doanh nghiệp có năng suất và chủng loại các sản phẩm hoa thương phẩm hàng đầu Việt Nam, với quy trình sản xuất theo công nghệ hiện đại và các chế phẩm sinh học an toàn với môi trường... Nhưng, cùng với mục tiêu tăng trưởng trung bình khoảng 14-15%/năm, là mục tiêu đóng góp vào sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Ngoài khoản nộp ngân sách hàng năm khoảng 42 tỷ đồng, Hasfarm thu hút khoảng 2.200 lao động có thu nhập bình quân đầu người khoảng 6 triệu đồng/tháng và tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội và chia sẻ với cộng đồng.
Đặc biệt là sự hợp tác với nông dân của Dalat Hasfarm. Với mong muốn chính nông dân là người hưởng lợi trực tiếp ở những địa phương có sự hiện diện của Dalat Hasfarm, Công ty đã kết nối và hợp tác với hơn 150 hộ nông dân - có kết quả rất tốt tại địa bàn Đà Lạt và đang xúc tiến mô hình hợp tác với nông dân Đơn Dương. Chia sẻ mục đích này, ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng Giám đốc Dalat Hasfarm cho biết: Chúng tôi muốn, chúng tôi trở thành đầu tàu kéo ngành công nghiệp trồng hoa trên địa bàn Đơn Dương đi lên. Khi hợp tác với nông dân, chúng tôi cử kỹ sư thường xuyên xuống đồng ruộng với bà con từ khâu làm đất, gieo trồng đến chăm sóc và thu hoạch. Chúng tôi sẽ luôn sát cánh, khuyến nghị kịp thời bà con nên trồng như thế nào, tưới như thế nào và dần dần từng bước chuyển giao công nghệ của chúng tôi cho các hộ nông dân.
Hiệu quả hợp tác với nông dân cũng cho thấy, bà con đã tiếp nhận rất nhanh công nghệ trồng hoa và thu được nhiều lợi ích về kinh tế và kỹ thuật, nên ngày càng nhiều nông dân muốn hợp tác với Hasfarm. Bà con nào đạt thành quả tốt trong hợp tác còn được hưởng chương trình hỗ trợ đặc biệt từ Quỹ hỗ trợ phát triển của Dalat Hasfarm, được vay không lãi 50% chi phí đầu tư nhà kính, hoặc tài trợ nghiên cứu. Công ty cũng đang hướng tới công nghệ sinh học. Bên cạnh việc cập nhật các công nghệ về nhà kính, về canh tác, về bảo quản sau thu hoạch và bảo quản trong quá trình vận chuyển, Hasfarm sẽ nhân rộng trong thời gian tới mô hình sử dụng các loại thiên địch và các loại nấm có ích.
Điều kiện tự nhiên của Đà Lạt và môi trường đầu tư là điều kiện thuận lợi nhất để Dalat Hasfarm sản xuất hoa và luôn tăng trưởng trong suốt hơn 20 năm qua. Nhưng trên hết, là sự cố gắng không ngừng nghỉ của tập thể ban lãnh đạo và những người lao động ở Công ty Dalat Hasfarm. Đặc biệt là những dự án đầu tư cho tương lai, như thành lập Quỹ khuyến học Thomas Hooft - dành cho các đối tượng là học sinh - sinh viên, bà con nông dân có nghiên cứu khoa học để cải thiện môi trường sản xuất của mình, nâng cao hiệu quả kinh doanh; là khoản tài trợ các đề tài cho sinh viên và chương trình hợp tác về nghiên cứu và giảng dạy với Trường Đại học Đà Lạt, gắn với kỹ năng làm việc thực tế, để sinh viên khi tốt nghiệp có thể làm việc ngay mà không phải đào tạo lại... Với năng lực kiến tạo và sản xuất vượt trội, Dalat Hasfarm vẫn luôn vững vàng là doanh nghiệp tiên phong và duy trì phong độ đầu tàu của ngành công nghiệp hoa Việt Nam.
NHẬT QUÂN