Những ngày mùa đông cuối năm trời đêm rất lạnh nhưng "Phố Tây" Đà Lạt lại luôn nhộn nhịp.
Những ngày mùa đông cuối năm trời đêm rất lạnh nhưng “Phố Tây” Đà Lạt lại luôn nhộn nhịp.
|
Du khách Tây thăm một vườn cà phê tại xã Xuân Trường - Đà Lạt |
Nhộn nhịp ngày cuối năm
Hơn 8 giờ tối một ngày cuối tuần khi chúng tôi có mặt, trời vẫn còn mưa rả rích nhưng “Phố Tây” Đà Lạt đã bắt đầu nhộn nhịp. Ngày mùa đông đêm đến rất nhanh, mưa kéo dài cả ngày làm tăng thêm cái lạnh cho phố núi khiến nhiều du khách người Việt co ro trong những chiếc áo dày, khăn quàng cổ ấm. Nhưng với du khách Tây cái lạnh này có vẻ chẳng hề hấn gì, họ đa số chỉ mặc những chiếc áo mỏng, quần ngắn, thản nhiên đi lại trong mưa nhìn ngắm phố phường hoặc ngồi trò chuyện vui vẻ trong các quán dọc con phố.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết, lượng khách nước ngoài đến Đà Lạt - Lâm Đồng trong năm 2016 tăng nhanh, đặc biệt trong những tháng cuối năm.
Ước tính cả năm 2016, có khoảng 5,4 triệu lượt khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng, trong đó có trên 270 nghìn du khách nước ngoài, tăng 67% so với năm 2015.
Khách nước ngoài đến Lâm Đồng - Đà Lạt nhiều nhất trong năm 2016 là người Đức, kế đến là Trung Quốc, Thái Lan, Nga và Hàn Quốc...
|
Con phố được mệnh danh là “Phố Tây” này của Đà Lạt nằm kề khu trung tâm Hòa Bình, trên đường Trương Công Định - một cung đường vừa cong vừa dốc, dài chưa đầy một cây số nhưng từ lâu đã trở thành điểm hẹn về đêm cho hầu hết du khách nước ngoài. “Họ đến đây quanh năm nhưng cứ vào dịp cuối năm như thế này thường lại đông nhất” - anh Hùng - người phục vụ trong nhà hàng Art gần cuối con đường này cho biết.
Cũng như rất nhiều nhà hàng trên con phố này, nhà hàng Art tương đối nhỏ, xinh xắn và rất ấm cúng, bên trong chủ yếu khách Tây đến ăn bữa tối, họ vừa ăn vừa nói chuyện. Phần lớn họ còn trẻ, trong độ tuổi từ 20 - 30, đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới, từ Đức, Na Uy, Phần Lan, Canada, Mỹ, Ireland…, nhưng cũng có những người trung niên hoặc lớn tuổi, hầu hết đi du lịch theo kiểu “Tây ba lô”, nghĩa là cõng ba lô to đùng trên lưng, đến Việt Nam bắt xe khách đi khắp nơi như người trong nước. Họ đi thành từng nhóm nhỏ 5-7 người hoặc từng cặp đôi, có người đến Việt Nam vài tuần nhưng cũng có người đến vài tháng và Đà Lạt là một điểm dừng chân trong hành trình của họ.
“Nước tôi mùa này lạnh lắm, thành phố tôi ở phía bắc Canada nên tuyết phủ hầu như quanh năm. Hai năm nay chúng tôi thu xếp mãi mới có được chuyến đi này đến các nước nhiều mặt trời ở Đông Nam Á như Việt Nam” - anh Henrik Kerb, 28 tuổi, người Canada cho biết. Anh đi cùng bạn gái trong chuyến du lịch 2 tháng, gần 1 tháng trong đó ở Việt Nam, sau đó sang Campuchia rồi qua Thái Lan. Cả hai đã ở Đà Lạt hơn tuần rồi vì “mắc kẹt” ở đây. “Tôi định đi Nha Trang rồi ra Hội An nhưng những ngày gần đây mưa nhiều khiến nước ngập khắp nơi, chắc ở thêm Đà Lạt vài ngày để qua Buôn Mê Thuột rồi quay lại Đà Lạt để ra thẳng Hà Nội bằng máy bay rồi đi Sa Pa và Hạ Long” - anh cho biết.
Trong những ngày ở Đà Lạt, dù trời mưa nhưng cặp đôi này cùng nhóm bạn người Đức ở chung nhà trọ thuê xe máy chịu khó đi khắp nơi. Henrik đưa máy hình khoe với chúng tôi các tấm ảnh anh chụp các điểm quanh Đà Lạt, ở Thác Voi Lâm Hà; ảnh anh cùng bạn đứng với các cô thiếu nữ người Lạch trong một nhà kính trồng hoa hồng ở Lạc Dương. “Đà Lạt thật đẹp, chúng tôi sẽ quay lại khi có dịp và hy vọng lúc đó trời đừng có mưa nhiều như lần này” - anh đùa vui.
Tại một nhà hàng khác, nhà hàng Bistro cũng trên đường này, chúng tôi khá ngạc nhiên khi gặp được một nhóm du khách Nga. Họ không phải đi du lịch theo đoàn như thường thấy tại Đà Lạt mà lại đi theo kiểu du lịch bụi. “Chúng tôi lúc đầu cũng đi theo đoàn sang Việt Nam, ở Phan Thiết. Trong chuyến đi có một ngày lên Đà Lạt nhưng thấy thành phố này rất đẹp nên sau đó quyết định tách đoàn và ở lại Việt Nam thêm một thời gian nữa, tôi rất thích Việt Nam, thích Phan Thiết và thích Đà Lạt” - chị Irina Pavrikova, thành viên trong đoàn Nga cho biết.
Thường ở đây sau bữa tối, những vị khách Tây này vẫn còn ngồi lại bên nhau để thưởng thức rượu mạnh hay những ly cooktai sau một ngày dài rong ruổi thăm thú đâu đó ở thành phố hoa. Trong câu chuyện họ thường trao đổi với nhau về ấn tượng của mình về Việt Nam, chia sẻ các trải nghiệm, những vui buồn trong chuyến đi của họ. Tiếng cười nói, tiếng bật nắp bia, tiếng cụng ly âm thanh phát ra vừa đủ để không ngắt quãng cuộc chuyện trò của những vị khách du lịch đa quốc tịch. “Thường họ chơi rất khuya, nhiều bữa quán đến tận 1 - 2 giờ sáng mới đóng cửa” - một nhân viên phục vụ tại nhà hàng Art cho biết.
“Tây hóa” con phố
Là một con phố như mọi con phố bình thường của Đà Lạt nhưng những năm gần đây khách Tây khi đến Đà Lạt dồn về nơi đây ngày càng đông nên con phố Trương Công Định dần được “Tây hóa”. Nơi đây tập trung rất nhiều nhà hàng, café, bar… tất cả đều được bài trí theo phong cách rất “Tây”. Mỗi quán mỗi kiểu trang trí đặc trưng riêng khác nhau nhưng tựu trung đều mang dáng dấp của phong cách châu Âu.
Với các nhà hàng Tây, do thực khách là người ngoại quốc, mang nhiều quốc tịch khác nhau nên thực đơn cũng rất phong phú và đa dạng với các món ăn Âu, Á, hầu hết được các đầu bếp Việt đảm trách. Điều đặc biệt trong thực đơn của nhiều nhà hàng nơi đây chúng tôi thấy có sự hiện diện các món rau xanh Đà Lạt cùng một số món ăn Việt vốn khách Tây rất thích như cơm chiên, chả ram, chả cuốn…
Tuy gọi phố Tây nhưng giá cả nơi đây lại khá bình dân, chỉ chừng 80 - 100 nghìn đồng du khách đã có thể có một bữa ăn ngon, còn nếu muốn thêm đồ uống hoặc thêm món ăn thì phải trả nhiều hơn. Theo ông chủ nhà hàng Chocolate - một nhà hàng mở cửa khá lâu ở đây, thường thì khách Tây khi đến đây chọn các món ăn Việt nấu theo kiểu Tây với nhiều rau xanh, nhưng cũng có người chọn món Việt “truyền thống” như cá kho tộ hoặc các món lẩu, món nướng để thử và thường họ rất thích.
Bên cạnh nhà hàng, những năm gần đây ở “phố Tây” còn xuất hiện thêm nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm cho khách Tây và các quán rượu “pub” mở cửa về đêm, thu hút rất nhiều du khách ngoại quốc lẫn người Việt. Trong một quán rượu có tên Beerpub trên con đường này, chúng tôi có dịp giao lưu với một nhóm du khách Pháp đang lắc lư theo điệu nhảy, trên tay mỗi người đều cầm một chai bia đã bật nắp. “Tôi thích không khí tại khu phố này, giá đồ uống ở đây rất rẻ nên ngày ngày đi đâu thì tối tôi cũng đến đây để thư giãn và gặp gỡ bạn bè” - anh Vincent Lacrouxte, 31 tuổi - người Pháp cho biết.
Một đặc điểm ở phố Tây nơi đây mà rất nhiều du khách cho biết họ rất thích chính là việc không nói thách. Rất nhiều cửa hàng, cửa hiệu, khách sạn, nhà hàng nơi đây mang phong cách của người Đà Lạt luôn bán đúng giá niêm yết. Du khách có thể nghỉ chân tại bất cứ khách sạn nào trên con đường này mà không phải lo bị “chặt chém”, chỉ khoảng 8 - 10 USD/ngày đêm, như các Hostel Yolo, Guest 24h…
Để phục vụ cho du khách Tây thích chinh phục mạo hiểm, phố Tây ngày càng nhiều các công ty, văn phòng hướng dẫn du lịch mang những cái tên cũng rất Tây như “Du lịch Cảm giác mạnh”, “Kỳ nghỉ trên cao nguyên” (Highland Holiday)… Khách Tây đến đây có thể dạo một vòng qua các văn phòng này để tìm hiểu thông tin về các điểm du lịch ở Đà Lạt - Lâm Đồng cũng như cả Tây Nguyên lẫn các “tour” du lịch đến các địa phương khác trong nước, xuống Nha Trang, ra Hội An lẫn đến cả Sa Pa ở phía bắc. Du khách có thể mua trọn gói các chuyến đi này trong ngày do các công ty, văn phòng cung cấp để thăm các thắng cảnh tại Đà Lạt - Lâm Đồng; thám hiểm xuyên rừng, vượt thác; đi thăm các cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Nguyên lẫn các chuyến đi xuyên tỉnh. Hoặc họ có thể chọn thuê các bác tài xe ôm “Easy Raiders” chuyên chở khách Tây kiêm hướng dẫn viên có “Văn phòng đại diện” mở cửa hoạt động hằng ngày tại đây.
Trong câu chuyện của mình tối hôm đó, rất nhiều du khách tỏ ra hài lòng về những ngày lưu lại Đà Lạt này. “Đó là một trải nghiệm thú vị ở một thành phố thanh bình rất khó quên, khi về nước tôi sẽ giới thiệu với bạn bè tôi trên mạnh xã hội để họ biết” - Henrick Kerb, chàng trai Canada nói.
Phóng sự: VIẾT TRỌNG - PHƯƠNG THẢO