Ở thôn Đam Pao (xã Đạ Đờn, Lâm Hà), dệt thổ cẩm không chỉ đơn thuần là một nghề truyền thống cần lưu giữ, mà còn được xây dựng để trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Điều này đã góp phần thu hút du khách đến tham quan, đồng thời mang lại lợi ích cho người dân địa phương thông qua dịch vụ du lịch.
Ở thôn Đam Pao (xã Đạ Đờn, Lâm Hà), dệt thổ cẩm không chỉ đơn thuần là một nghề truyền thống cần lưu giữ, mà còn được xây dựng để trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Điều này đã góp phần thu hút du khách đến tham quan, đồng thời mang lại lợi ích cho người dân địa phương thông qua dịch vụ du lịch.
|
Du lịch cộng đồng góp phần tạo động lực để người dân thôn Đam Pao giữ gìn nghề truyền thống. Ảnh: V.Quỳnh |
Những năm gần đây, người dân tại thôn Đam Pao đã không còn xa lạ gì với sự xuất hiện của những người lạ đi bộ, tham quan khắp các xóm nhỏ. Đó là những đoàn khách du lịch - chủ yếu là người nước ngoài - trong hành trình khám phá nét văn hóa truyền thống và con người của người dân nơi đây. Đoàn khách đầu tiên do anh Nguyễn Đình Tố - một người con của đất Đạ Đờn, đưa về.
Sinh ra và lớn lên tại Đam Pao, tuổi thơ gắn liền với những căn nhà với vườn cà phê bao quanh, với những con người Cil mộc mạc, anh Tố vô cùng trăn trở khi thấy nghề dệt truyền thống của người dân địa phương dần bị mai một. Sau bao nhiêu năm làm công việc hướng dẫn viên du lịch, bước chân đã đặt đến nhiều nơi, anh đặt ra câu hỏi: Đam Pao mình cũng đẹp cảnh sắc, cũng giàu truyền thống, tại sao lại không giúp nhiều người đến gần hơn, hiểu rõ hơn cuộc sống của bà con nơi đây. Vậy là những buổi tham quan làng nghề được lồng ghép vào các tour du lịch, mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, thú vị.
Ngoài cùng tham gia hái cà phê, cùng học dệt thổ cẩm, các đoàn khách còn được ăn những món ăn truyền thống của người dân bản địa, như món cháo lá bép, cá suối nướng,... Anh Patterson, du khách đến từ Mỹ, cùng bạn bè của mình đã không giấu nổi sự hào hứng khi được tận mắt nhìn thấy những vườn cà phê trĩu quả, được sờ tận tay những trái cà phê chín đỏ hay nếm thử món cà đắng da trâu nổi tiếng của người Cil.
Trong gian nhà nhỏ xinh, bà Bon Dâng K’Gát (60 tuổi) nhiệt tình giới thiệu cho khách từng dụng cụ, từng bước làm để dệt ra một tấm thổ cẩm. Bà vui vẻ bảo: “Vui lắm, trước đây, mình ngồi dệt một mình, dệt xong cũng không bán được nên lười làm. Bây giờ thì vừa dệt vừa nói chuyện với khách, dệt có người xem, có người mua nên vui hơn nhiều!”. Đến thôn Đam Pao bây giờ, hình ảnh những người phụ nữ cần mẫn bên khung dệt trước hiên nhà không còn là hiếm hoi. Du lịch đã tạo công ăn việc làm cho bà con trong những ngày rảnh rỗi, thậm chí, các em học sinh cũng có thể tận dụng những ngày nghỉ hè để vừa có thể kiếm thêm thu nhập cho gia đình, vừa giữ gìn nghề truyền thống bao đời của bà, của mẹ.
Những ngày cuối năm 2016, bà con thôn Đam Pao rộn ràng hẳn lên, bởi phòng trưng bày các sản phẩm làng nghề được khai trương trong niềm háo hức của mọi người. Ở đó có những tấm thảm, những bộ quần áo làm bằng thổ cẩm do bà con trong thôn dệt nên có những chum rượu cần, có những sản phẩm mây tre đan - là niềm tự hào của bà con nơi đây. Đây trở thành một điểm dừng chân mới, thu hút khách du lịch.
Anh Nguyễn Minh Thu - Trưởng thôn Đam Pao hào hứng chia sẻ: Đầu năm 2016, khi thôn được quy hoạch thành làng nghề truyền thống thì du lịch cộng đồng ở đây cũng được phát triển và tỏ rõ hiệu quả. Nếu như trước đây, người dân làm nghề manh mún, nhỏ lẻ do không có đầu ra với 125 hộ dệt thổ cẩm thì hiện nay, do đầu ra được giải quyết nên người dân tập trung sản xuất với thời gian và số lượng nhiều hơn với hơn 400 hộ. Du lịch đã góp phần mang đến lợi ích của bà con, vừa góp phần giữ gìn làng nghề.
Ông Hoàng Sỹ Lĩnh, Chủ tịch xã Đạ Đờn cho biết, để đảm bảo du lịch phát triển một cách bền vững, thôn Đam Pao đã được hỗ trợ phát triển hệ thống chiếu sáng đường quê, đường xóm được bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp; tất cả các xóm đều được lắp đặt camera để đảm bảo an ninh trật tự,... “Xã Đạ Đờn có 6 thôn đồng bào dân tộc thiểu số, bà con vẫn giữ nhiều tập tục sinh hoạt truyền thống. Hiện tại, mô hình du lịch tại thôn Đam Pao đang được thực hiện thí điểm để thời gian tới có thể nhân rộng tại các thôn khác, góp phần giúp bà con nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đồng thời có động lực để giữ gìn và phát triển những nét văn hóa truyền thống tại địa phương.” - ông Lĩnh chia sẻ.
Hiện tại, tour du lịch Đà Lạt - Đam Pao - Đạ Tông - Đắc Lắc đang trong kế hoạch triển khai, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều hơn các đoàn khách tham quan đến với thôn nhỏ này. Hình ảnh của thôn Đam Pao cũng sẽ được quảng bá nhiều hơn nhằm phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng.
VIỆT QUỲNH