Ngày 16/1/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị, đã ký ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ngày 16/1/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị, đã ký ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW (NQ08) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
|
Việt Nam những năm gần đây trở thành điểm đến yêu thích của du khách quốc tế. Ảnh: L.Hoa |
Nhìn lại bức tranh du lịch Việt Nam từ khi bước sang thế kỷ 21, cho thấy, ngành Du lịch đã có bước phát triển rõ rệt, có tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Riêng năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan tỏa đạt 14% GDP.
Quan điểm của NQ08
- Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
- Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch.
- Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa một cách bền vững, tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.
|
Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch ngày càng phát triển. Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế. Bước đầu hình thành một số địa bàn và khu du lịch trọng điểm. Sự phát triển của ngành Du lịch góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, trải qua 15 năm phát triển mạnh mẽ, ngành Du lịch cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém về sản phẩm du lịch, về chất lượng dịch vụ du lịch, về hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, về môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông, công tác xúc tiến quảng bá du lịch, nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp... Với nguyên nhân được NQ08 xác định là do các cấp, các ngành, các địa phương chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc; thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường… nên, thể chế, chính sách phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, vẫn còn nặng tư tưởng bao cấp. Sự phối hợp liên ngành, liên vùng hiệu quả còn thấp; đầu tư còn dàn trải, chưa huy động được nhiều nguồn lực của xã hội cho phát triển du lịch; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa được quan tâm đúng mức…
Để thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD, tạo ra 4 triệu việc làm - trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp và đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, Bộ Chính trị xác định các nhiệm vụ và giải pháp chính trong NQ08, là đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; hoàn thiện thể chế, chính sách; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch...
Đồng thời yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn và đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết; Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết trong ngành Du lịch; Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch chỉ đạo việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết.
NHẬT QUÂN