Huyền thoại Làng Gà…

09:03, 02/03/2017

Hình tượng chú gà 9 cựa với những truyền thuyết cùng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, làng K'Long đang là một điểm đến thú vị trong hành trình du lịch Lâm Đồng của nhiều du khách.

Hình tượng chú gà 9 cựa với những truyền thuyết cùng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, làng K’Long đang là một điểm đến thú vị trong hành trình du lịch Lâm Đồng của nhiều du khách.
 
“Công trình” Làng Gà giờ là nơi vui chơi của trẻ con và điểm đến du lịch. Ảnh: T.Vân
“Công trình” Làng Gà giờ là nơi vui chơi của trẻ con và điểm đến du lịch. Ảnh: T.Vân

Những câu chuyện ở Làng Gà
 
Làng K’Long còn gọi là Làng Gà, thuộc thôn Đarahoa, xã Hiệp An, Đức Trọng, cách thành phố Đà Lạt khoảng 15 km, từ lâu nổi tiếng với bức tượng chú gà trống 9 cựa, cao hơn 10 mét, nặng 8 tấn. Làng Đarahoa ban đầu là làng tái định cư của 30 hộ người Cill du canh du cư từ trên núi xuống, nay đã tăng lên 228 hộ với hơn 2.000 khẩu. Diện tích canh tác chỉ có 28 ha là đất màu, còn lại là đất nông lâm do bà con tự khai hoang trên núi (khoảng 380 ha) trồng bắp và cà phê. 
 
Nhưng diện tích sản xuất ngày càng bị thu hẹp do quy hoạch rừng, thêm nữa là mỗi hộ ngày một đông hơn, rồi tách hộ - phải chia đất cho con… nên thật ra, dân làng Đarahoa này đang thiếu đất canh tác. Trước, cũng có dự án cấp đất ven Quốc lộ 20, nhưng là đất rừng thông nên không thực hiện nữa, mà chuyển sang quy hoạch ở Ninh Loan - rồi do khoảng cách xa quá, bà con không đi. Thành ra, mỗi năm, các hộ dân ở Đarahoa chỉ có thu nhập chính từ một vụ cà phê, còn lại đi làm thuê.
 
Vì vậy, Đarahoa là một thôn nghèo của xã Hiệp An. Có nhiều nhà quanh năm đi mua chịu, đến mùa thu cà phê bán đem trả nợ, rồi nợ tiếp. Cái nghèo đeo đẳng làng Đarahoa có lẽ còn do đông con. Lứa trẻ sinh ra sau ngày tái định cư tăng lên rất nhanh, lại theo tục mẫu hệ, nên kiểu gì cũng phải đẻ cho được con gái. Nhiều nhà sinh 7 đứa con trai vẫn phải cố sinh, thậm chí có gia đình đến 11 đứa con, bố mẹ trên 50 tuổi vẫn còn sinh em bé.
 
Công trình chú gà trống 9 cựa thực ra là công trình tích nước phục vụ sinh hoạt cho bà con, do chính quyền xây dựng từ năm 1978. Công trình là hồ chứa nước có hình dạng giống hai quả bầu, là biểu tượng văn hóa thể hiện sự sung túc của người đồng bào. Nước được dẫn từ trên núi về, có hệ thống phun tưới cho công trình hồ chứa thêm đẹp… Những vòm đá xây trong lòng hồ dùng để trang trí hay làm cầu đi lại, hay có mục đích khác thì chưa ai khám phá ra. Chú gà trống ngự trên bệ đá cao, bụng rỗng, nhưng do thiết kế bị lỗi, nên dưới bụng chú gà trống còn có thêm một cái trụ chống.
 
Sau này, bà con được đầu tư đường ống dẫn nước về nhà, nên công trình hồ thủy lợi chỉ dùng để lấy nước tưới. Rồi hồ nước bị hư, không tích nước được, chỉ còn dấu tích là những vòm xây bằng đá chẻ, bể chứa và chú gà 9 cựa khổng lồ. Cũng có người kể, Làng Gà trước đó có một con gà nhỏ hơn do một cha xứ người Tây xây, vì khu vực làng Đarahoa định cư là đồn điền của người Pháp trước kia. Năm 1978, các hộ dân di cư về đây là đã có con gà mới này. 
 
Cô thuyết minh tự nguyện
 
Câu chuyện Gà Chín Cựa ở Làng Gà dưới chân dãy núi Voi gắn với ý tưởng từ truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh của ông Chế Đặng (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng), do ông Lữ Trúc Phương thiết kế, nối với mương nước thủy lợi dẫn từ núi về. Ý tưởng gắn với truyền thuyết ở Làng Gà còn kéo dài đến công trình Ngựa Chín Hồng Mao dự định đặt ở địa bàn xã Đa Nhim, do không có kinh phí nên đã dừng lại ở “ý tưởng”. 
 
Nhưng, câu chuyện lôi cuốn du khách đến Làng Gà lại là câu chuyện gắn với tập tục bắt chồng, chế độ mẫu hệ của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, mà Ka Dong - một phụ nữ ở thôn Đarahoa thu thập và thường xuyên kể cho khách nghe bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài do cô tự học. Chuyện được kể rằng: Một cô gái đã bỏ làng đi vào núi và không trở về nữa vì không có đủ lễ vật để cưới người mình yêu. Gia đình nhà trai chỉ yêu cầu một con gà 9 cựa, vì yêu - cô một mình vào rừng tìm. Tìm không thấy, rồi buồn chán vì không lấy được người mình yêu thương - cô bỏ đi. Một thời gian sau, dân làng tìm thấy cô gái đã chết ở trên núi và thương cảm tâm tư của người con gái không được thỏa nguyện hôn nhân, nên đã đắp chú gà chín cựa để tưởng nhớ cô…
 
Ka Dong và nhiều phụ nữ ở Làng Gà vẫn giữ được nghề dệt truyền thống và giới thiệu những sản phẩm thổ cẩm đến du khách. Ảnh: T.Vân
Ka Dong và nhiều phụ nữ ở Làng Gà vẫn giữ được nghề dệt truyền thống
và giới thiệu những sản phẩm thổ cẩm đến du khách. Ảnh: T.Vân

Ka Dong gần 40 tuổi, lấy chồng năm 22 tuổi, là một phụ nữ rất xinh đẹp, đậm chất Tây Nguyên, nhưng nhà có tới 8-9 người con gái, nên cứ phải “đợi” các chị mình đi lấy chồng. Và do lấy một người Kinh, nên phần của hồi môn của Ka Dong không phải là gánh nặng, chứ lấy người đồng bào chắc “trả không nổi”. Ông Phong - chồng Ka Dong là người Kinh, là dân lâm nghiệp - đi làm, rồi quen và bị bắt rể ở gia đình Ka Dong từ ngày ấy. 
 
Ka Dong cho biết, mùa mưa khách ít, nhưng mùa khô khách đến Làng Gà khá nhiều. Khách đến đây mà không có hướng dẫn viên, hoặc hướng dẫn viên không rành thì Ka Dong giúp họ tìm hiểu về phong tục tập quán và kể câu chuyện Làng Gà. Ka Dong cũng đang có một cửa hàng thổ cẩm và còn giữ nghề dệt. Nên, cô cho biết, không thể làm công việc hướng dẫn thường xuyên được. Ka Dong cũng như nhiều phụ nữ khác trong làng biết dệt từ năm 15-16 tuổi. Nhưng, làng Đarahoa hiện chỉ còn khoảng 5-6 nhà giữ nghề.
 
Câu chuyện dệt nên Làng Gà với chế độ mẫu hệ đến nay vẫn còn mang tính thời sự. Nếu con gái không chủ động cưới người mình thương thì cha mẹ sẽ sắp đặt một chàng rể theo ý họ và cô con gái phải nghe lời. Sính lễ do nhà trai đặt ra, nhà gái phải đáp ứng đủ. Sính lễ thường là tô chén cổ, quần áo, vòng dây, trâu bò… Nếu không đủ sính lễ thì không được cưới, nếu thiếu thì hay bị nhà trai trả treo, hàng xóm gièm pha… 
 
Nên dù phải vay mượn, nhà gái cũng cố để có đủ lễ vật cho nhà trai. Trâu bò và những thứ khác có thể thay bằng tiền được, nhưng vòng dây và tô chén cổ phải trao bằng hiện vật. Cho nên, phong tục đi hỏi chồng ở Làng Gà có khi phải đi tới mấy lần chứ không phải một lần… 
 
Tục bắt chồng có thể gây hệ lụy trong thời đại hiện nay ở nhiều gia đình, làng bản…, nhưng nó vẫn dệt nên những câu chuyện tình yêu lãng mạn, cuốn hút và huyền bí như câu chuyện ở Làng Gà. Nếu được tổ chức tốt, huyền thoại Làng Gà cùng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống và thêm du lịch nông nghiệp nữa sẽ là cơ hội để người dân Làng Gà thoát nghèo bền vững và vươn lên.
 
TIỂU VÂN