Về Trù Sơn xem nghề làm gốm

08:03, 09/03/2017

Làng Trù Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An bao năm nay vẫn luôn ấm cúng bởi ánh lửa rực hồng của các lò nung làm nồi đất. Nơi đây là vùng duy nhất làm ra các loại nồi bằng đất ở xứ Nghệ và cũng là nơi hiếm hoi trong cả nước đến nay còn duy trì nghề làm nồi đất. 

Làng Trù Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An bao năm nay vẫn luôn ấm cúng bởi ánh lửa rực hồng của các lò nung làm nồi đất. Nơi đây là vùng duy nhất làm ra các loại nồi bằng đất ở xứ Nghệ và cũng là nơi hiếm hoi trong cả nước đến nay còn duy trì nghề làm nồi đất. 
 
Những người phụ nữ Trù Sơn bao đời nay vẫn cần mẫn gắn bó với nghề gốm
Những người phụ nữ Trù Sơn bao đời nay vẫn cần mẫn gắn bó với nghề gốm
Làng nghề đã có từ rất lâu, lâu tới mức ngay chính các vị cao niên trong làng cũng không thể chắc chắn làng nghề có tự bao giờ, chỉ biết tổ tiên truyền lại rằng nó xuất hiện từ thời nhà Trần, do một công chúa truyền dạy cho người dân trong thuở khai hoang lập đất.
 
Nằm cách thị trấn Đô Lương (Nghệ An) 20 km về phía đông nam, Trù Sơn là điểm ghé chân khó bỏ qua của bất kỳ ai yêu thích sản phẩm bằng gốm mỗi hành trình về với miền Tây xứ Nghệ. Nếu gốm sứ Bát Tràng hay gốm sứ Hội An được dùng làm vật trang trí trong cung vua phủ chúa bởi vẻ cầu kỳ, tinh xảo đến từng chi tiết thì gốm Trù Sơn lại được dùng phổ biến trong dân gian. Trong mỗi gia đình ở các làng quê miền Trung đều không thể thiếu một vài chiếc nồi đất. Nồi đất để kho cá, kho thịt, để luộc khoai, nấu cơm thì ngon không gì sánh nổi. Món ăn nấu bằng nồi đất vừa mang lại hương vị đậm đà lại dùng được dài ngày. Sản phẩm gốm Trù Sơn chủ yếu là nồi nhưng khá đa dạng. Có khoảng 30 loại nồi, từ nồi to nấu nước, nồi thường nấu cơm, nồi nhỏ kho thịt cá, đến nồi đình gánh nước, ủ giá đỗ, hông xôi, nấu rượu, rồi các loại chảo rang, siêu sắc thuốc… 
 
Khác với Phù Lãng, Chu Đậu hay Bát Tràng, người thợ gốm Trù Sơn không để cả khối đất lên bàn xoay, mà dùng đất đã nhào nhuyễn vắt theo hình con chạch, được gọi là rói để ghép nối từng phần. Tất cả các công cụ làm nồi cũng chỉ gồm một cái bàn xoay, vài miếng giẻ nhỏ và những khoanh nứa mỏng (gọi là khót) để tạo dáng và làm nhẵn. Vật liệu dùng để nung nồi chỉ là lá cây, có khi là rơm rạ. Đất làm nồi phải là đất sét, dẻo, không lẫn sạn, đá, thường phải đào sâu 2-3m so với mặt đất mới có. Nguyên liệu chủ yếu được người dân lấy từ xã Nghi Văn (Nghi Lộc) và Sơn Thành (Yên Thành), đây là nguồn đất sét đỏ, có độ dẻo cao. 
 
Để làm được một chiếc nồi đất phải qua rất nhiều công đoạn. Người nghệ nhân phải cắt xắn, đâm nhỏ rồi nhào trộn đất thật nhuyễn, nhặt bỏ tạp chất. Đất đã nhồi kỹ sẽ được cho lên bàn xoay để tạo ra những hình dáng thô sơ ban đầu của những chiếc nồi, chiếc siêu. Khi đã làm xong phần thô, những chiếc nồi sẽ được bàn tay khéo léo của người thợ gọt lại cho thật nhẵn và đem đi phơi nắng, sau đó sẽ được đưa vào lò nung. Là một công việc mang tính “nghệ thuật”, đòi hỏi người thợ phải tỉ mẩn, cẩn thận, khéo léo, kiên trì và chịu khó. Để nung nồi, người ta thường đắp những lò nung ngoài trời hình tam giác, xây bằng đá o­ng và không hề có mái che. Nung nồi là khâu quan trọng nhất quyết định đến thành công và chất lượng của sản phẩm. Một mẻ nung như vậy được khoảng 250-300 chiếc. Gốm được nung bằng lá bổi, lá thông, bên ngoài phủ một lớp rơm để giữ nhiệt. Nung liên tục suốt bốn đến năm tiếng đồng hồ, mẻ gốm sẽ hoàn thành. 
 
Sản xuất nồi đất chỉ mang tính thời vụ. Mùa chính là từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch hàng năm. Những ngày thường, cứ sau khoảng 10 ngày, mỗi gia đình sẽ cho ra lò một mẻ nồi. Còn vào dịp gần tết thì cứ 3-4 ngày lại nung một mẻ. Sản phẩm hoàn thành sẽ được những người đàn ông trong gia đình đẩy bộ đi bán khắp các vùng miền, từ Nam ra Bắc. Vất vả, tỉ mỉ là thế nhưng giá một chiếc nồi đất chưa bao giờ vượt quá 30 ngàn đồng. Mỗi chuyến đi kéo dài có khi cả tháng trời của họ cũng chỉ mang về chừng 3 triệu đồng cả vốn lẫn lãi. Mỗi chuyến hàng không chỉ có nồi đất mà nó còn mang nặng cả niềm mong mỏi, hy vọng, đợi chờ của cả gia đình. Nhiều khi hàng không bán được, phải gánh về trong nỗi cơ cực. Nhất là hiện nay, các sản phẩm nồi bằng nhôm, inox xuất hiện ngày càng đa dạng trên thị trường thì sản phẩm nồi bằng đất nung càng khó có thể cạnh tranh.
 
Gốm Trù Sơn như một cô gái quê chưa hề được trang điểm, không biết làm dáng nhưng lại có những nét duyên ngầm. Qua hàng trăm năm nay, gốm vẫn còn giữ được những nét cơ bản nhất của gốm cổ: được làm thủ công, không men tráng và hoàn toàn không có dấu hiệu của nghệ thuật trang trí. Nâng niu chiếc nồi vừa ra lò trên tay, tôi cảm nhận rõ hơn từng hơi thở, từng giọt mồ hôi, từng hy vọng và cả niềm tin giữ nghề mà người nghệ nhân gửi gắm trong mỗi sản phẩm. Góp sức vào không khí sản xuất nhộn nhịp những ngày cuối năm không chỉ có các bậc cao niên, những người mẹ với hàng chục năm trong nghề mà còn có cả những em bé chỉ chừng 10, 12 tuổi. Những đôi tay thoăn thoắt, những đôi mắt chăm chú càng gieo thêm niềm tin tưởng nghề nồi đất Trù Sơn mà cha ông để lại mãi trường tồn và sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai nếu được quan tâm đúng mức.
 
N. NGÀ - T. BÌNH