Sở VH-TT-DL Lâm Đồng vừa triển khai áp dụng Bộ "Quy tắc ứng xử văn minh du lịch" do Bộ VH-TT-DL vừa ban hành nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh của các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch.
Sở VH-TT-DL Lâm Đồng vừa triển khai áp dụng Bộ “Quy tắc ứng xử văn minh du lịch” do Bộ VH-TT-DL vừa ban hành nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh của các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch.
Văn hóa, văn minh du lịch là một trong những yếu tố hàng đầu làm nên thương hiệu du lịch nhằm xây dựng và duy trì môi trường du lịch an toàn, thân thiện và bền vững. Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch không chỉ dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch như doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển khách du lịch, điểm mua sắm phục vụ du khách, điểm tham quan du lịch; mà còn áp dụng cho du khách và cộng đồng dân cư. 2 chương với 12 điều, Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch đã quy định những hành vi cụ thể đối với từng đối tượng tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch.
Theo đó, với du khách, thông điệp ứng xử được đưa ra là “văn minh, tự trọng và trách nhiệm”, thể hiện qua 20 hành vi như: phải xếp hàng trật tự, trang phục phù hợp, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, không vứt rác, khạc nhổ bừa bãi, không lấy đồ không thuộc về mình, ứng xử văn minh thân thiện, vui chơi lành mạnh, lấy thức ăn đồ uống vừa đủ dùng, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ủng hộ mua các sản phẩm được sản xuất tại địa phương, không chen lấn xô đẩy gây ồn ào mất trật tự, không phá hoại môi trường cảnh quan khi đi du lịch, không mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Với tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, gồm 15 điều trong quy tắc ứng xử với các yêu cầu đặt ra: phải tuân thủ pháp luật kinh doanh du lịch và luật liên quan; niêm yết công khai giá dịch vụ; cung cấp dịch vụ, hàng hóa đảm bảo số lượng, chất lượng; cạnh tranh lành mạnh, giữ uy tín; thân thiện, trách nhiệm, tôn trọng khách du lịch; có trách nhiệm với môi trường và xã hội; cung cấp đầy đủ thông tin điểm đến; sẵn sàng hỗ trợ du khách; không cung cấp hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không chèo kéo, đeo bám du khách; không phân biệt đối xử với khách du lịch; không sử dụng giả mạo thương hiệu.
Với doanh nghiệp lữ hành, phải “chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng” theo 16 quy tắc cụ thể: tuân thủ pháp luật về kinh doanh lữ hành; tư vấn trung thực, đầy đủ về chương trình du lịch và các dịch vụ; tích cực hỗ trợ du khách trong tình huống xảy ra rủi ro; hướng dẫn khuyến cáo về những quy định, phong tục tập quán nơi đến trước và trong quá trình đi du lịch; sử dụng hướng dẫn viên được cấp thẻ và có kinh nghiệm; xây dựng thương hiệu lữ hàng; không để người nước ngoài lợi dụng “núp bóng” kinh doanh, không được “bỏ rơi”, thiếu trách nhiệm với du khách.
Với hướng dẫn viên du lịch phải “chuyên nghiệp, thân thiện, yêu nghề” và thực hiện 13 quy tắc ứng xử: đề cao đạo đức nghề nghiệp hướng dẫn viên, phục vụ khách đúng chương trình du lịch, thân thiện, trách nhiệm, nhiệt tình, tích cực hỗ trợ khách trong mọi trường hợp xảy ra rủi ro, khuyến cáo khách du lịch tuân thủ pháp luật và tôn trọng văn hóa, tập quán tại điểm đến.
Với cơ sở lưu trú du lịch, thông điệp “sạch sẽ, thân thiện, đồng bộ và chuyên nghiệp” thể hiện qua 12 quy tắc: sử dụng sản phẩm, dịch vụ đảm bảo vệ sinh, an toàn phục vụ khách; trang phục lịch sự, gọn gàng, sạch sẽ, có bản sắc; sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường; không sử dụng thương hiệu, loại, hạng sao không đúng để quảng cáo...
Với đơn vị vận chuyển khách du lịch, thông điệp “an toàn, chuyên nghiệp, thân thiện” thực hiện 12 quy tắc: hướng dẫn khách sử dụng phương tiện, công cụ cứu nạn, kỹ năng thoát hiểm trên phương tiện; kiểm tra phương tiện trước khi khởi hành; không sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; không tranh giành khách, không chen lấn giành đường khi tham gia giao thông; không chở quá số người quy định...
Bên cạnh đó, 10 khẩu hiệu tuyên truyền về ứng xử văn minh du lịch được đề ra như: Nâng cao hình ảnh du khách Việt; Du lịch có hiểu biết và có trách nhiệm; Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh; Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch; Xếp hàng là văn minh; Nói lời hay, cử chỉ đẹp; Nói không với dịch vụ kém chất lượng; Du lịch hướng tới sự chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; Ứng xử văn minh là tôn trọng bản thân và tôn trọng mọi người; Ứng xử đúng mực, thái độ thân thiện, tinh thần tận tụy.
Việc nhanh chóng triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, sẽ nhằm nâng cao hình ảnh du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trong mắt du khách và bạn bè quốc tế; thực hiện có hiệu quả định hướng phát triển du lịch chất lượng cao của tỉnh Lâm Đồng.
QUỲNH UYỂN