Vừa qua, tại Đà Lạt, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Lâm Đồng tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Đây là lần thứ 3, Quốc hội tổ chức lấy ý kiến tại Lâm Đồng. Và tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi).
Vừa qua, tại Đà Lạt, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Lâm Đồng tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Đây là lần thứ 3, Quốc hội tổ chức lấy ý kiến tại Lâm Đồng. Và tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Luật Du lịch lập ra là để bảo vệ quyền lợi của khách du lịch và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch. Nhưng qua nhiều lần góp ý ở khắp cả nước, dường như đến nay, vẫn được đánh giá là còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn.
Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi (DTLDL) gồm 9 chương, 83 điều. Tại các kỳ tham vấn và góp ý trước, ngành Du lịch và UBND tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt đã có những ý kiến, đề xuất đóng góp, bổ sung, sửa đổi 30 điểm trong Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết cho phù hợp với thực tiễn phát triển của du lịch Việt Nam, du lịch Lâm Đồng và hội nhập quốc tế... Trong báo cáo giải trình tiếp thu và chỉnh lý DTLDL, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp 21 điểm để chỉnh lý DTLDL. Tuy nhiên, ý kiến của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, Hiệp hội Du lịch… cho thấy DTLDL cần phải chỉnh sửa nhiều hơn nữa.
|
Sáng bình yên ở Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm Đà Lạt. Ảnh: L.H |
Thuật ngữ - vừa thừa lại vừa thiếu
Hầu như ai cũng nhận ra DTLDL chưa hoàn thiện về mặt thuật ngữ. Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: Luật cũ rất rõ về từ ngữ, nhưng Luật mới thiếu rất nhiều trong phần giải thích từ ngữ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống khác, có nhiều loại hình du lịch mới ra đời, nhiều loại hình khu điểm du lịch mới, như du lịch mạo hiểm, du lịch nông nghiệp..., mà trong DTLDL chỉ đề cập đến một loại hình du lịch cộng đồng. Hiệp hội du lịch chưa được quy định trong Luật trong khi đây là tổ chức Hiệp hội nghề nghiệp về du lịch.
Cũng đồng quan điểm, ông Triệu Thế Hùng - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Lâm Đồng, Thường trực Ủy ban Văn hóa - Thanh thiếu niên & nhi đồng của QH (UBVH-TTN&NĐ), cho rằng thuật ngữ có rất nhiều cách hiểu, làm sao để thuật ngữ diễn giải được các vấn đề liên quan và sau này là cơ sở để giải quyết các tranh chấp. Riêng DTLDL có hẳn một chương về hướng dẫn viên, trong khi đó, nhân lực hoạt động trong ngành du lịch có rất nhiều vị trí như nhân viên lễ tân, nhân viên buồng/phòng, nhân viên nhà hàng, bảo vệ... lại không đề cập đến. Ngoài ra, cộng đồng dân cư là nhân tố quan trọng trong phát triển du lịch hiện nay cũng không có điều khoản đưa vào DTLDL...
Nhấn mạnh việc cần thiết phải có sự liên kết để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và quản lý nhà nước, ông Hùng lấy ví dụ về chuyện những người lái đò ở Khu Du lịch (KDL) Tràng An (Ninh Bình) không khác gì một hướng dẫn viên. Họ vừa chèo đò vừa kể chuyện, giới thiệu cho khách, vớt rác trên đường đi. Thực chất, họ chính là chủ ruộng những ruộng lúa ở Tràng An, khi chuyển đổi làm du lịch, đã được đào tạo để trở thành chủ thể của hoạt động du lịch, được bảo đảm lợi ích. Trong khi đó, ở các tỉnh phía miền núi phía Bắc, do nhà đầu tư từ nơi khác đến, lấy đất, hưởng lợi từ cộng đồng, nhưng không đem lại lợi ích cho cộng đồng, tạo nên hiện tượng trẻ con đi ăn xin, đeo bám khách du lịch rất phổ biến...
|
Du lịch nông nghiệp đang thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: L.H |
Nội dung còn chồng chéo và thiếu
Ông Trần Đình Sơn - Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Đà Lạt, đưa ra vấn đề: Quy định chất lượng của phương tiện vận tải trong Luật Du lịch (sửa đổi) là không cần thiết vì đã có Luật Giao thông Đường bộ, nhưng quy định về tiêu chuẩn người điều khiển phương tiện giao thông vận tải phục vụ du lịch là cần thiết. Để người điều khiển phương tiện phục vụ khách hiểu được những nội dung cần phục vụ và ứng xử với khách du lịch... Như ở Lâm Đồng đã mở lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho tài xế taxi, xe thồ.
Có ý kiến nêu, việc hướng dẫn viên đi làm là đã như một người lao động, đã có bảo hiểm cho người lao động được quy định trong Luật Lao động rồi, nên không nhất thiết phải mua bảo hiểm riêng. Tuy nhiên, do đặc thù của nghề hướng dẫn viên, nên có chính sách bảo hiểm riêng cho hướng dẫn viên trước khi ký hợp đồng chính thức sau 13 tháng làm việc... Luật còn thiếu đề cập đến vấn đề đào tạo. Trong đó, phát triển du lịch là phát triển về hồn cốt văn hóa chứ không phải hình ảnh, nên cái quan trọng nhất của người tham gia hoạt động du lịch là được đào tạo về văn hóa. Nhưng, các môn văn hóa trong đào tạo du lịch rất thiếu, chỉ là các chuyên đề.
Đô thị du lịch, hay Khu du lịch quốc gia ở Việt Nam chưa có thực tiễn, mà chỉ là biểu tượng, là danh hiệu, như đô thị du lịch Cửa Lò (Nghệ An), KDL quốc gia hồ Tuyền Lâm Đà Lạt (Lâm Đồng)... Nhưng là cơ hội để chính KDL và địa phương tạo thương hiệu thu hút đầu tư và đưa ra dự án để hưởng ưu đãi hơn các KDL khác. Việc đăng ký xếp hạng tiêu chuẩn phục vụ là cả một vấn đề, rất khó cho quản lý nhà nước về du lịch. Xếp hạng sao không thể bắt buộc mà là quyền tự nguyện của cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL). Các cơ sở du lịch không được tự nguyện nhận sao mà phải đạt được những quy chuẩn theo hạng sao và do cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội thẩm định… Tuy nhiên, nên có chính sách ưu đãi đối với những cơ sở tham gia đăng ký xếp sao, xếp hạng.
***
Luật cần hàm chứa hết nội hàm hoạt động của các loại hình du lịch, trong đó, tính cả độ trễ của việc ban hành Luật để tránh gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước tại địa phương. Nếu ban hành Luật sửa đổi rồi thì phải nhiều năm sau mới tiếp tục được sửa đổi, chính vì vậy, sự thận trọng và công tâm của những người làm du lịch, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện Dự thảo Luật Du lịch để Quốc hội phê chuẩn và ban hành là cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL
Lâm Đồng có hơn 1.100 CSLTDL, với đủ các hạng sao và nhiều loại hình CSLTDL. Nếu có sự phân cấp trong công tác quản lý và công nhận CSLTDL, thì công tác quản lý nhà nước sẽ bớt khó khăn hơn. Du lịch thể thao mạo hiểm là loại hình du lịch đặc thù, thu hút rất mạnh mẽ ở nước ngoài, nhưng bắt đầu có ở Việt Nam, trong đó phát triển mạnh ở Lâm Đồng. Hay loại hình lưu trú du lịch đang rất phát triển và đóng góp mạnh mẽ cho các vùng sâu - xa, vùng đồng bào dân tộc là homestay… Nên có quy định riêng, cụ thể cho các loại hình này…
Ông Triệu Thế Hùng - ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng, Thường trực UBVH-TTN&NĐ
Thuật ngữ có rất nhiều cách hiểu, làm sao để thuật ngữ diễn giải được các vấn đề liên quan và sau này là giải quyết các tranh chấp. DTLDL cần tạo nên động lực mở ra cánh cửa, khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, với 3 yếu tố quan trọng là nhân tài vật lực, tính liên ngành - liên vùng, quỹ phát triển du lịch. Quỹ từ ngân sách hay từ xã hội hóa và sử dụng như thế nào phải ghi rõ trong luật để thuận tiện trong việc quản lý, điều hành và sử dụng quỹ.
Bà Trương Thị Lan Hương - Phó Trưởng Khoa Quản trị Du lịch (Đại học Đà Lạt)
Nếu quy định một dạng lữ hành thì sẽ khó quản lý, vì có lữ hành điểm đến, lữ hành gửi khách... HDV, không nên thi sát hạch mà khi có đủ tiêu chuẩn thì cấp thẻ hướng dẫn viên là đủ. Xúc tiến du lịch có 2 phương án, doanh nghiệp và nhà nước. Ở giai đoạn này, du lịch của chúng ta còn mới nên là nhà nước tham gia xúc tiến, để hình ảnh điểm đến và vai trò của nhà nước rõ nét. Sau này, khi du lịch phát triển hơn, Luật sẽ còn sửa đổi. Lúc đó có quy định cho doanh nghiệp tham gia xúc tiến du lịch...
NHẬT QUÂN (ghi)
|
LÊ HOA