"Gói thiên nhiên phố núi" trong Khu Du lịch Lá Phong Đà Lạt

08:05, 11/05/2017

Khu Du lịch (KDL) Lá Phong Đà Lạt (Dalat Maple) của Công ty TNHH Vĩnh Xuân, ở 45 Đặng Thái Thân - Phường 3 - TP Đà Lạt, rộng 4,84 ha, với những hạng mục kiến trúc lạ và độc đáo ngay từ tên gọi gắn với các truyền thuyết đặc trưng vùng Tây Nguyên và ẩn chứa những thông điệp nhân văn về giữ gìn môi trường...

Khu Du lịch (KDL) Lá Phong Đà Lạt (Dalat Maple) của Công ty TNHH Vĩnh Xuân, ở 45 Đặng Thái Thân - Phường 3 - TP Đà Lạt, rộng 4,84 ha, với những hạng mục kiến trúc lạ và độc đáo ngay từ tên gọi gắn với các truyền thuyết đặc trưng vùng Tây Nguyên và ẩn chứa những thông điệp nhân văn về giữ gìn môi trường, xây dựng không gian sống trong lành, mối giao tiếp chân thành và hồn văn hóa ở mỗi công trình… trong không gian mang đậm chất “Vườn Địa đàng” với các loại cây cối đặc trưng của thiên nhiên Đà Lạt. KDL sẽ khai trương chính thức vào ngày 26/5/2017.
 
Sắc hoa hướng dương bên cạnh rừng cây anh đào. Ảnh: N.Quân
Sắc hoa hướng dương bên cạnh rừng cây anh đào. Ảnh: N.Quân
Các hạng mục kiến trúc lạ, độc và kỳ thú… 
 
Gây ấn tượng đầu tiên là công trình cổng “cây hóa rồng” với mô hình gồm 5 con rồng đang sum vầy và những cây tùng bonsai được khéo léo trồng ghép trên mình rồng. Công trình có tên “Cổng Quần long hội tụ”. Phía trước cổng có 3 “Nhà Nấm” dùng làm nơi nghỉ chân cho du khách khi vừa bước vào KDL (Nhà Reception). Mỗi nhà nấm được xây trên một trụ, có view nhìn ra rừng cây anh đào, rừng thông xanh mát. Quanh nhà nấm là những chậu bonsai dâu tằm và những trảng cây thảo dược… 
 
Đi vào cổng KDL, qua một khu vườn hoa cỏ, du khách gặp “Nhà Trống”. Nhà Trống lấy ý tưởng từ “Truyện cổ tích Tây Nguyên” - “Nạn đại hồng thủy khiến khắp nơi đều là nước, chỉ có một cặp nam nữ trôi dạt cùng 1 cặp chó, 1 cặp gà, 1 cặp trâu, 1 cặp heo… nhờ chui vào những chiếc trống được giằng buộc vào nhau mà sống sót”. Nhà Trống gồm có 20 mặt “trống” là kính chịu lực, nhưng mô phỏng những bức tranh mặt nước sẽ tạo ra nhiều hình ảnh và màu sắc khác nhau khi cường độ ánh sáng bên ngoài khác nhau - đặc biệt là lúc bình minh hay hoàng hôn… 
 
Nhà Trống nằm bên cạnh Nhà Mái, là công trình nhà 132 mái. Các mái nhà liên kết với nhau tạo thành những lá phong, biểu trưng cho KDL. Đặc biệt, 132 mái nhà lại tạo hình như một kim tự tháp. Cũng giống như sự bí ẩn của Kim tự tháp, bước vào Nhà Mái, du khách không ngừng được trải nghiệm, khám phá... cộng với các dịch vụ shoping, ăn uống. Vào thời điểm khai trương, chung quanh Nhà Mái triển lãm 80 bức tranh mang chủ đề “Cõi hồng hoang” về các loài hoa dại của nhiếp ảnh gia MPK. 
 
Phía trước Nhà Trống là công trình “Suối địa đàng”, với hình tượng Adam và Eva cải biên thành một cặp tình nhân đang tắm, chàng trai tưới nước cho cô gái tắm bên dòng suối, nhưng không phải là suối nước, suối đá mà là suối hoa dập dìu ong bướm… Cạnh Suối Hoa còn có Suối Mơ lấy cảm hứng từ bài hát “Suối Mơ” của nhạc sĩ Văn Cao “bên rừng thu vắng, dòng nước trôi lững lờ”, chảy qua thác cao khoảng 6-7 mét, với 20 cây tùng bonsai tạo thành bức tranh thủy mặc sống động. Trên thác trồng một rừng trắc và quần tụ nhiều loại cây lá kim đặc hữu tạo nên sự hùng mạnh cho ngọn thác như dáng dấp của người quân tử, ngụ ý từ những vần thơ của thi hào Nguyễn Trãi. Suối Hoa và Suối Mơ vì thế tạo nên “Suối Địa đàng”…
 
Hầm Nhà Trống là điểm đấu nối với công trình dưới lòng đất ra tận cổng gọi là “Địa đàng trong lòng đất”, là quầy bar với sân khấu nhỏ; hành lang dẫn vào khu hostel có diện tích khoảng 630 m2, đủ lưu trú khoảng 60 khách, dài khoảng 70 m; trên tường trang trí các bức tranh - ảnh về Đà Lạt. Hostel có kiến trúc dạng phố cổ với các mái hiên, cửa sổ, đường đi lắt léo, đèn đường, trưng bày hiện vật, tranh ảnh... Đây cũng là nơi du khách có thể mua hàng lưu niệm, hàng đặc sản của riêng KDL, như lá phong sấy khô, móc chìa khóa, tranh bút lửa lá phong… 
 
Nằm sau công trình “Địa đàng Trong lòng đất” là công trình “Đường Hào Hoa”, với ý tưởng tạo nên một đường hào nhiều hoa, tạo điểm nhấn theo phong cách “hào hoa phong nhã”, cũng là nơi thực hiện các dự án trưng bày, triển lãm theo chuyên đề…
 
Khu rừng mang đặc trưng thiên nhiên Đà Lạt
 
Những con đường trong KDL Lá Phong Đà Lạt luôn hiện diện hình ảnh những cây bonsai Tùng Bút. Tùng bút là loài cây thuần Việt, mà Đà Lạt là nơi tốt nhất để cây tùng bút phát triển nhanh. Cây tùng bút sống bền vững, chịu hạn, không sâu bệnh, dáng đẹp, dù mới được nghiên cứu làm cây bonsai khoảng 15 năm, nhưng là bonsai lá kim đẹp, giá trị vào hàng nhất Việt Nam… Dịch chiết từ lõi thân của cây chứa nhiều dược chất có giá trị trong y học... KDL hiện có trên 20 ngàn cây tùng bút và trên 1.000 cây phôi bonsai 17 năm tuổi, đã lần thứ 4 tạo dáng… 
 
Đặc biệt không kém Tùng bút bonsai, trong DKL có một hồ cá Koi với cấu trúc rất đẹp nhờ vào cách xếp đá, trồng xen tùng bonsai trên bờ đá. Hồ có độ rộng 200 khối nước, với hơn 230 con cá koi. Cá koi đi cùng với bonsai chính là phong cách chơi bonsai “đỉnh” - cá koi tô điểm cho bonsai, bonsai tăng vẻ sang trọng của hồ cá. Cây tùng bonsai và hồ cá koi ở KDL Lá Phong Đà Lạt còn rất độc đáo, bởi không cây nào giống cây nào, có thể coi là lạ mắt và có một không hai…
 
Đặc trưng tạo nên tên của KDL chính là “Rừng Lá Phong” với trên 2.000 cây phong thuần chủng Đà Lạt được trồng từ những năm 2006 - 2007. Cây lá phong sẽ khiến du khách liên tưởng đến mùa thu với sắc vàng, đỏ, tím đến nao lòng, hứa hẹn một mùa thu rất lạ trong khu du lịch. Công ty TNHH Vĩnh Xuân cũng vừa nhận kỷ lục “Khu du lịch có rừng lá phong tự trồng lớn nhất Việt Nam”. 
 
Không chỉ có rừng lá phong, trong KDL còn có rừng cây lá kim đặc biệt quý hiếm tự trồng, gồm thông 2 lá dẹt - là loài thông cổ, lá có cấu trúc 2 lá dẹt hình lưỡi liềm, trên thế giới chỉ có độc nhất ở Việt Nam và có phân bố hẹp ở Lâm Đồng, nằm trong Sách đỏ Việt Nam ở dạng “sẽ nguy cấp” và “nguy cấp” (có thể bị đe dọa tuyệt chủng). Ngoài thông 2 lá dẹt, còn có khá đầy đủ các loại cây lá kim đặc hữu của Đà Lạt, như thông 5 lá Đà Lạt, pơ mu, bạch tùng, gõ đỏ, thông đỏ, du sam, bách xanh, sao, hoàng đàn giả, tùng,… Các loại cây trên phần lớn đã được trồng trước năm 2000.
 
Nói về những mảng “rừng” đặc trưng trong KDL Lá Phong Đà Lạt, không thể không kể đến rừng hoa anh đào Đà Lạt. Trong khuôn viên KDL đang giữ khoảng 4-5 trăm cây, trong đó có hàng chục cây lớn. Rừng hoa anh đào đã cho những mùa hoa tuyệt đẹp với một không gian hồng rực vào mùa hoa nở, nhấn nhá sâu sắc cho những điểm độc đáo của KDL ngay trong lòng thành phố. Dưới rừng hoa anh đào cũng là khu vực cắm trại, được tô điểm bởi những rừng hoa theo mùa, như rừng hoa hướng dương, rừng hoa mãn đình hồng, rừng hoa cẩm tú cầu…
 
Những công trình và những mảng màu khác tô điểm nên sự phong phú ấn tượng cho KDL, tạo thành điểm chụp hình lưu niệm có khung cảnh đẹp khác như mô hình nhà Thủy Tạ đặt trong hồ nước, không gian hoa mimosa tạo nên điểm nhấn “hoa vàng trong rừng thông”, hoa phượng tím với “một trời thương nhớ”…
 
Ông Nguyễn Xuân Thành - chủ nhân KDL tâm sự: Gia đình đã trải qua nhiều sóng gió và thăng trầm trong việc giữ gìn diện tích đất và hình thành KDL. Ông thích đặt tên KDL mang đặc trưng Đà Lạt, nên đã tìm hiểu rất nhiều từ Đà Lạt ra Huế, từ Trịnh Công Sơn đến Hàn Mạc Tử, Hoàng Nguyên… Ông chọn ý tưởng “Vườn Địa đàng” xuyên suốt KDL để nhấn mạnh về rừng, về thiên nhiên Đà Lạt, để lột tả hết cái đẹp của vùng khí hậu quanh năm mát mẻ Đà Lạt và mong muốn chuyển tải thông điệp, mỗi người đến Đà Lạt sẽ góp sức nhỏ như trồng cây, giữ gìn môi trường để làm cho Đà Lạt thực sự trở thành “Vườn Địa đàng”...
 
NHẬT QUÂN