Để phát huy tiềm năng, thế mạnh so sánh của ngành du lịch, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X xác định: Tiếp tục khai thác, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan, môi trường nhằm phát triển dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, ngành du lịch chiếm tỷ trọng trên 10% cơ cấu GRDP toàn tỉnh; xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước, khu vực và thế giới.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh so sánh của ngành du lịch, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X xác định: Tiếp tục khai thác, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan, môi trường nhằm phát triển dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, ngành du lịch chiếm tỷ trọng trên 10% cơ cấu GRDP toàn tỉnh; xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước, khu vực và thế giới.
Trong thời gian gần đây, ngành du lịch Lâm Đồng đã có một số chuyển động bước đầu, có các giải pháp nâng cao chất lượng du lịch - nghỉ dưỡng, đa dạng hóa sản phẩm, phát huy yếu tố văn hóa truyền thống… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước. Trong tháng 4/2017, lượng khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng đạt 288,5 ngàn lượt (tăng 7,6% so với cùng kỳ). Trong đó, khách quốc tế 36,5 ngàn lượt (tăng 47,1%), khách lưu trú 286,5 ngàn lượt (tăng 7,45%). Nếu tính 4 tháng đầu năm, tổng lượng khách đạt 1.126,1 ngàn lượt (tăng 9,4% so với cùng kỳ); trong đó: khách quốc tế 148 ngàn lượt (tăng 42,3%) và khách lưu trú ước 1.119,5 ngàn lượt (tăng 9,9%)…
Để đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng nền kinh tế, nhất là ngành du lịch, dịch vụ, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có Chương trình hành động cơ cấu lại và phát triển nhanh, duy trì tốc độ tăng trưởng cao của các ngành dịch vụ.
Theo đó, về lĩnh vực du lịch tập trung thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 16/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Trọng tâm là đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, hướng dẫn viên du lịch; đầu tư đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, tính mới lạ, hấp dẫn của sản phẩm du lịch; phát triển các tour, tuyến du lịch trên địa bàn gắn với tour, tuyến du lịch trong nước và quốc tế. Tiếp tục phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan, môi trường để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch hội thảo, hội nghị, du lịch nông nghiệp, xây dựng các sản phẩm, thương hiệu du lịch đặc sắc. Phối hợp với nhà đầu tư sớm hoàn thành hồ sơ, thủ tục khởi công đầu tư xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng Đan Kia - Suối Vàng trong năm 2017; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án tại Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm, Khu Du lịch hồ Đại Ninh. Chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án, các khu du lịch trong toàn tỉnh. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, hội nghị, hội thảo tầm khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng hình ảnh du lịch của thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng văn minh, lịch sự, thân thiện, an toàn cho du khách. Xây dựng các tiêu chí về hoạt động du lịch của tỉnh nhằm bảo vệ các nét đẹp của du lịch Lâm Đồng. Kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các quy định của tỉnh đối với các hoạt động phục vụ, bảo đảm an toàn, sự hài lòng của du khách. Một vấn đề cần quan tâm nữa là phải đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với hợp tác xây dựng các tuyến du lịch và kết nối với các trung tâm du lịch lớn trong nước, quốc tế. Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan, giữ gìn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; chú trọng khai thác các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch bền vững.
Đối với lĩnh vực thương mại và dịch vụ, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trung tâm; triển khai chương trình phát triển chợ nông thôn. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, trong đó ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và sức cạnh tranh cao. Khuyến khích đầu tư và tạo môi trường thuận lợi phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vận tải, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vận tải, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, mở rộng liên kết, hợp tác… Hiện đại hóa mạng lưới bưu chính, viễn thông để cung cấp tất cả các dịch vụ đến các điểm phục vụ, chú trọng phát triển các dịch vụ mới.
LAN HỒ