Cơ hội để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

12:07, 24/07/2017

(LĐ online) - Quán triệt chủ trương và định hướng về phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XII, ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là văn kiện có ý nghĩa cực kì quan trọng, một dấu ấn rất đặc biệt trong lịch sử phát triển của Du lịch Việt Nam.

(LĐ online) - Quán triệt chủ trương và định hướng về phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XII, ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là văn kiện có ý nghĩa cực kì quan trọng, một dấu ấn rất đặc biệt trong lịch sử phát triển của Du lịch Việt Nam.
 
ĐỂ DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN
 
Từ Đại hội lần thứ VII của Đảng năm 1991 đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển du lịch; đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đó là: Luật Du lịch, Chiến lược và quy hoạch, cùng một loạt Nghị định, Nghị quyết và Quyết định của Chính phủ chuyên đề về phát triển du lịch. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng năm 2016 tiếp tục khẳng định chủ trương “Có chính sách phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao; Tạo mọi thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, đi lại và bảo đảm an toàn, an ninh; Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam; Khai thác hiệu quả, bền vững các di sản văn hóa, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và gìn giữ vệ sinh môi trường; Phát triển các khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn, chất lượng cao”. Có thể thấy, Đảng và Chính phủ luôn không ngừng quan tâm đến phát triển du lịch Việt Nam, đã và đang có những chỉ đạo, chính sách đột phá để tạo động lực cho ngành du lịch phát triển.
 
Qua một số tài liệu cho thấy, trên quy mô toàn cầu, Du lịch là một trong những ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất, đóng góp 9% GDP, chiếm 8% lao động và khoảng 30% xuất khẩu toàn thế giới (bao gồm cả vận chuyển hành khách). Cứ mỗi một việc làm trong ngành Du lịch ước tính tạo ra 2 việc làm cho các ngành khác. Ngành Du lịch cũng sử dụng lao động nhiều vượt trội, gấp 6 lần ngành sản xuất ô tô, gấp 4 lần ngành khai khoáng và gấp 3 lần ngành tài chính.
 
Ở Việt Nam thời gian qua, ngành Du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng. Giai đoạn 2001-2016, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm; riêng 5 năm qua, ngành du lịch đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 9,5%/năm (gấp khoảng 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung cả nước); Tổng thu nhập tới 15,4 tỷ USD, đóng góp trực tiếp 6,6% và đóng góp chung 13% trong tỷ lệ GDP của đất nước. Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan toả đạt 14% GDP. Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Với những thành tựu đáng kể về tốc độ tăng trưởng cao cả về lượng khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật trong những năm gần đây, Du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể phấn đấu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thập kỷ tới. 
 
Đồng thời, nhận thức về du lịch thời gian qua đã có bước chuyển biến quan trọng. Du lịch từ chỗ chỉ được coi là hoạt động phục vụ nghỉ ngơi đơn thuần, đến nay được xác định là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thông qua sự phát triển du lịch, hình ảnh quốc gia và các điểm đến được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, tạo sự nhìn nhận tích cực về hình ảnh và nâng cao uy tín của đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế.  
 
Tuy nhiên, ngành Du lịch còn một số hạn chế, yếu kém khiến sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hoá sâu sắc; thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường.
 
Trước thực trạng đó, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Nghị quyết lần này kỳ vọng trở thành điểm tựa và công cụ hành động tập hợp các nguồn lực để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế đất nước trong thời gian tới.
 
Nghị quyết 08-NQ/TW xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa phát triển du lịch đã trở thành định hướng chiến lược quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cùng với các ngành có tiềm năng, thế mạnh khác như nông nghiệp và công nghệ cao. Đồng thời, yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội tham gia, tạo điều kiện cho phát triển du lịch. Hơn nữa, Nghị quyết lần này vừa khái quát được những chủ trương lớn, vừa tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể, góp phần giải quyết các “điểm nghẽn” về chính sách đối với lĩnh vực du lịch...
 
Tuy nhiên, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là cả một quá trình và không thể đạt hiệu quả, bền vững nếu làm theo kiểu phong trào và khoán trắng; vì vậy, phía trước vẫn còn nhiều thách thức và nhiều việc phải làm, rất cần các giải pháp đồng bộ từ trung ương đến cơ sở. Cụ thể như: (1) Phải phấn đấu tăng trưởng liên tục trong vòng 5 năm tới (khoảng 20%), đóng góp cho nền kinh tế quốc dân khoảng 10-12% GDP; (2) Là ngành kinh tế tổng hợp, tính xã hội hóa cao, do đó cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các chủ thể kinh tế-xã hội và có sự liên kết quốc tế...; (3) Có cơ chế chính sách ưu đãi phát triển du lịch, bảo đảm hài hòa các lợi ích; chú trọng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu du khách và các tiêu chuẩn của du lịch quốc tế; giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển và phát huy vai trò các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, các điểm đến và khu du lịch; coi trọng xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhận diện du lịch quốc gia có chiều sâu và mang tính đặc trưng nhằm quảng bá, xúc tiến du lịch ra khu vực, thế giới…(4) Nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của các Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch; tập trung kiện toàn bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy du lịch các địa phương phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tái cơ cấu kinh tế…; (5) Có chính sách, cơ chế huy động các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các hoạt động du lịch; (6) Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của xã hội nhất là các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững…là một trong những nhân tố góp phần thu hút du khách, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
 
Đạp vịt trên hồ Xuân Hương
Đạp vịt trên hồ Xuân Hương. Ảnh: Hồng Hải
NÂNG CAO VỊ THẾ DU LỊCH LÂM ĐỒNG
 
Tỉnh Lâm Đồng có những tiềm năng đặc biệt để phát triển du lịch cả về thiên nhiên và nhân văn. Được sự ưu đãi của thiên nhiên, tỉnh Lâm Đồng, nhất là Đà Lạt có khí hậu mát mẻ quanh năm, là điểm đến yêu thích của khách du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt vào những tháng mùa hè, dịp lễ, tết. Với những khu, điểm đẹp nổi tiếng như Cam Ly, Than Thở, Mộng Mơ, Thung lũng Vàng, hồ Tuyền Lâm, Thác Đambri, Khu sinh quyển thế giới Lang biang,…là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng hấp dẫn để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cùng hệ thống resort, khách sạn cao cấp, hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế và nội địa. Ngoài ra, Lâm Đồng còn có tiềm năng về du lịch nhân văn với sự đa dạng, phong phú về sự đa dạng văn hóa tộc người, hệ thống di tích lịch sử – cách mạng (Di chỉ khảo cổ Cát Tiên, Khu VI, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt…) sẽ là những điểm đến hấp dẫn. 
 
Trong những năm qua, du lịch Lâm Đồng đã có những bước phát triển khá tốt; kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, sản phẩm và loại hình du lịch khá phong phú, đa dạng; nguồn nhân lực du lịch phát triển cả về chất lượng và số lượng; lượng khách du lịch tăng trưởng bình quân 9,65%/năm, có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh. Tuy nhiên, với vai trò là ngành kinh tế động lực của tỉnh, du lịch Lâm Đồng vẫn còn những bất cập, hạn chế về tầm vóc, vị thế so với các đia phương có thế mạnh về du lịch; tính hấp dẫn, khả năng thu hút, cạnh tranh của các sản phẩm du lịch chưa mạnh; các khu điểm du lịch trên địa bàn thiếu sự liên kết, phối hợp để tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị đặc trưng nhằm thu hút du khách; chưa thu hút được nhiều đối tượng khách du lịch nước ngoài, khách du lịch trong nước có khả năng chi trả cao; nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu…Du lịch chưa thực sự trở thành ngành kinh tế động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển như kỳ vọng đặt ra.
 
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết 07 –NQ/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng (khóa X) về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, qua đó góp phần nâng cao vị thế du lịch Lâm Đồng trên bản đồ du lịch Việt Nam, đồng thời vươn ra khu vực và thế giới; thời gian tới đòi hỏi phải triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong các nghị quyết, trong đó cần quan tâm chú trọng một số vấn đề sau đây: 
 
Trước hết, phải nhận thức đúng đắn, sâu sắc Du lịch là một ngành ngày càng mang đậm tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội hóa, quốc tế hóa cao; tài nguyên du lịch rất đa dạng, phong phú bao gồm các nguồn tài nguyên dưới dạng vật thể, phi vật thể và không ngừng biến đổi, phát triển theo sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đời sống xã hội, nhu cầu con người... Từ đó, cần có chiến lược, chính sách, cách thức xây dựng, phát triển ngành Du lịch cho phù hợp; khắc phục tình trạng làm du lịch theo kiểu phong trào, chỉ dựa vào cái mình có, không đầu tư làm mới sản phẩm, không quan tâm đến đối tượng, tiêu chuẩn du lịch đặt ra…
 
Thứ hai, cần tạo sự đồng thuận xã hội và sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ trương, chính sách với hoạt động của các cơ quan, các ngành và các chủ thể kinh tế-xã hội, các cấp quản lý, lãnh đạo từ tỉnh tới cơ sở, đặc biệt là người dân; khắc phục tình trạng chủ trương, chính sách đề ra đúng đắn, phù hợp nhưng không được các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ sở du lịch và người dân thực hiện nghiêm minh, đầy đủ. Đây chính là điểm nghẹn kìm hãm sự phát triển du lịch tỉnh nhà.
 
Thứ ba, hướng phát triển của du lịch Lâm Đồng, nhất là thành phố Đà Lạt là trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, là điểm đến “An toàn – Thân thiện”. Theo đó, cần tập trung phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao; xây dựng các tour, tuyến, chuỗi liên kết và dịch vụ trong phạm vi tỉnh, vùng, trong nước và quốc tế đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của du lịch; làm tốt công tác bảo tồn, phát triển và khai thác có hiệu quả các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, các điểm đến hấp dẫn; các cơ sở du lịch phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch sâu rộng trong nước và mở rộng ra nước ngoài, nhằm giới thiệu các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử-văn hóa, các điểm đến và khu du lịch…; coi trọng xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhận diện du lịch tỉnh Lâm Đồng, nhất là thành phố Đà Lạt có chiều sâu và tầm cao không chỉ phạm vi trong nước mà phải vươn ra khu vực, thế giới.
 
Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa, đi đôi với nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của dịch vụ du lịch, ngăn chặn tình trạng chặt chém, ép khách, tạo chuyển biến về ứng xử văn minh, văn hóa nhằm củng cố hình ảnh “an toàn, hiền hòa, thân thiện và mến khách”; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu thực tế theo quy chuẩn và hệ thống tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ thống nhất, hiện đại; làm rõ vai trò người dân làm du lịch; không ngừng cải thiện chất lượng của điểm đến cả về số khách thu hút, lượng thời gian lưu trú và mức chi tiêu trong thời gian du lịch trên đất Lâm Đồng.
 
Thứ năm, tập trung kiện toàn bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của Hiệp hội du lịch tỉnh, Hiệp hội du lịch vùng và các doanh nghiệp du lịch để cùng phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về du lịch, cũng như việc tổ chức thực hiện, kiểm soát trực tiếp hoạt động phát triển du lịch. Huy động các nguồn lực, nhất là thông qua xã hội hóa để tập trung phát triển nhân lực du lịch cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các hoạt động du lịch; đồng thời, có chính sách, cơ chế ưu đãi thu hút nhân tài trong lĩnh vực du lịch.
 
Thứ sáu, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển, suy cho cùng vấn đề mấu chốt là phải phấn đấu tăng tỉ trọng ngành Du lịch-Dịch vụ trong GRDP toàn tỉnh đến năm 2020 đạt khoảng 35%; số lượng khách du lịch tăng từ 9-10%/năm, khách quốc tế chiếm từ 11-12%; phát triển hệ thống cơ sở du lịch cao cấp gắn với các sản phẩm du lịch, dịch vụ tương ứng; nâng ngày lưu trú đạt trên 2,5 ngày…như mục tiêu Nghị quyết 07 –NQ/TU của Tỉnh ủy, khóa X đã đề ra.
 
Với tiềm năng, lợi thế có tính đặc trưng, ngay từ rất sớm tỉnh Lâm Đồng đã xác định Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn (ngành động lưc) của tỉnh và liên tiếp các nhiệm kỳ gần đây, BCH Đảng bộ tỉnh đều có nghị quyết chuyên đề về phát triển Du lịch-Dịch vụ. Vấn đề còn lại là các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị phải đồng lòng, tập trung mọi nguồn lực nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII và Nghị quyết 07 –NQ/TU của Tỉnh ủy, khóa X, để nâng vị thế du lịch Lâm Đồng trên bản đồ du lịch Việt Nam, vươn ra khu vực và thế giới, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển.
 
 KHÁNH LINH