Tháng Bảy, mùa hè có oi nồng gay gắt thế nào, thì khi sen trắng, sen hồng nở khắp các ao hồ xứ Huế cũng khiến lòng người trở nên mát dịu.
Tháng Bảy, mùa hè có oi nồng gay gắt thế nào, thì khi sen trắng, sen hồng nở khắp các ao hồ xứ Huế cũng khiến lòng người trở nên mát dịu.
|
Sen nở trên hồ. Ảnh: Việt Quỳnh |
Mùa này đi ngang hồ Tịnh Tâm, lòng tự dưng hụt hẫng vô cùng, vì sen chỉ còn mọc lưa thưa vài cụm. Mặc dù ven hồ, hạt sen tươi vẫn được bày bán la liệt như một đặc sản, nhưng nhìn mấy bông sen ít ỏi trên hồ, chẳng mấy ai tin được mình đang mua đúng sen Tịnh Tâm. Vậy mà vẫn mua, như là níu vớt chút hương vị vang danh một thời. Bởi nói đến sen Huế, người ta không thể không nhắc đến sen Tịnh Tâm - một trong những loại sen nổi tiếng khắp cả nước.
Một thời, Tịnh Tâm tĩnh lặng, không khí trong lành, hương sen thơm ngát đã gây nên nỗi nhớ thương cho bao nhiêu con người. Thế nên xưa kia khi nhà Nguyễn còn thịnh trị, hồ Tịnh Tâm là nơi dành riêng cho vua cùng các vương gia ngắm cảnh. Cũng một thời, người Huế nổi tiếng với cách uống trà ướp sen được hãm bởi những giọt sương mai đọng trên lá sen trên hồ. Đêm đêm, người ta chèo thuyền bỏ trà vào giữa hoa sen, bó nhẹ hoa lại, mỗi bông hoa “ôm” trà đủ cho một ấm. Mỗi buổi sáng ban mai, trà vướng vít hương thơm đất trời được pha với sương mai tinh khiết. Chén trà sen lắm cầu kỳ vậy, nên giờ chẳng còn mấy ai giữ được phong cách uống trà này.
Qua hồ Tịnh Tâm bây giờ, bèo tây và dày đặc rau muống đã “giành” hết chỗ của sen, và còn bởi những dòng nước thải khiến bùn hồ Tịnh không còn sạch để sen mọc. Rằm tháng Tư năm ngoái, đi ngang hồ vẫn thấy bán hoa sen trắng. Giờ thì thiếu hẳn hình ảnh đó. Thấy thương thương làm sao...
Sen hồ Tịnh Tâm giờ chỉ là hoài niệm đẹp. Vậy nhưng, sen Huế thì vẫn còn đó, cao sang và thanh tịnh, trang nhã mà vẫn rực rỡ. Và trong hồ dọc lối vào Đại Nội hay trong các đền đài, lăng tẩm, sen vẫn nở trắng hồ, vẫn ngát hương. Cái cổ kính của “xứ sở rêu phong kiêu sa” - dường như hòa quyện với cái bình dị của hoa sen, tạo cho kinh thành Huế một vẻ đẹp riêng, xưa mà không cũ. Và nữa, bây giờ về các vùng quê ở Huế, đi đâu cũng thấy hồ sen, ao sen... bởi sen đã trở thành một cây trồng làm kinh tế. Trồng làm kinh tế, nhưng vẫn đẹp, vẫn thơm. Nên khách du lịch và cả người Huế, nhờ đó mà phần nào bớt hẫng hụt về một mùa sen của đất thần kinh.
Ở những vùng quê trũng Hương Trà, Quảng Điền, diện tích sen ngày càng được mở rộng. Xen giữa những cánh đồng chỉ còn trơ ra gốc rạ, không khó để bắt gặp những hồ sen nhỏ. Từng củ sen già đã đâm sâu xuống bùn, tìm kiếm dưỡng chất để cho hoa thơm, hạt bùi, lá xanh, để tạo một tấm thảm xanh trên mặt hồ và gió bạt ngàn đưa hương đi xa...
Mùa này về Huế đi chùa, dễ gặp nhất vẫn là hoa sen được cắm trong chánh điện, bởi người Huế vẫn nhắc đến sen với một sự tôn quý vẻ tinh khiết, thanh cao. Mà không chỉ riêng đối với người Huế, từ thời xa xưa, người Việt Nam dường như đã coi hoa sen gắn với Phật giáo. Hoa sen biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và sự thánh thiện. Thế nên, như một sự trùng hợp diệu kỳ, thời điểm đẹp nhất mùa hoa sen ở Huế, lại rơi vào giữa tháng Tư âm lịch - là mùa Phật Đản.
Ngoài hoa để ngắm, sen còn là một thực phẩm thông dụng. Sen được trồng khắp trong Nam ngoài Bắc, nhưng chế biến cầu kỳ và đa dạng thì có lẽ vẫn là ở Huế. Ngoài món chè hạt sen thông thường, Huế có món chè hạt sen bọc nhãn lồng nổi tiếng, rồi gỏi ngó sen, mứt hạt sen, mứt củ sen rồi củ sen hầm xương, canh sen, củ sen độn thịt và nếp hấp, cơm gói lá sen,... Món nào cũng tỉ mỉ, cũng kỳ công như chứng minh cái khéo léo của người phụ nữ xứ Huế.
Tháng Bảy về nhà, mẹ đi chợ vẫn nhớ mua hạt sen về nấu chè, dẫu rằng con gái quên không dặn. Mùi thơm của nồi chè hạt sen dậy nhà, cái thứ mùi hương chứa cả phần tinh khiết của đất trời và tình yêu của con người gói ghém trong từng hạt trắng vàng, bụ bẫm.
Huế tháng Bảy, sen Huế vẫn nở khắp mặt hồ.
VIỆT QUỲNH