Trong đợt kiểm tra rừng cùng lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài cho biết trên địa bàn huyện có một chủ rừng làm rất tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QL, BV&PTR). Thông tin thu hút tôi, nhất là trong tình trạng nhiều chủ rừng không hoàn thành những nhiệm vụ như yêu cầu của giấy phép dự án đầu tư.
Trong đợt kiểm tra rừng cùng lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài cho biết trên địa bàn huyện có một chủ rừng làm rất tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QL, BV&PTR). Thông tin thu hút tôi, nhất là trong tình trạng nhiều chủ rừng không hoàn thành những nhiệm vụ như yêu cầu của giấy phép dự án đầu tư.
|
Sơn thủy hữu tình góp phần làm nên giá trị đặc biệt của sản phẩm du lịch. Ảnh: M.Đạo |
Du lịch và nông nghiệp làm nền tảng
Ngay bên Quốc lộ 27C, cách trung tâm thành phố Đà Lạt gần 15 km là nơi đứng chân của Công ty TNHH Hiệp Phú. Kể từ ngày 24/12/2007, thời điểm Quyết định số 3427/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy phép đầu tư, đến nay cơ ngơi nơi này đã hoàn toàn khác biệt. Tổng diện tích rừng và đất của Công ty là 72 ha (gồm diện tích Nhà nước giao và diện tích doanh nghiệp bỏ kinh phí mua lại của các hộ dân lân cận). Trong số này, có 40 ha rừng, chủ yếu là Thông ba lá và hơn một ha rừng do đơn vị đã trồng mới. Đến nay, thông mới đã cao 2 mét đang được chủ rừng thường xuyên chăm sóc chu đáo...
Bên triền đồi, những cây thông xanh ngắt lừng lững cùng vô số các loài cây được chủ đầu tư trồng và chăm sóc kỹ lưỡng đã tươi tốt: dâu, hồng, cam, các loài hoa, rau, cà phê... Dưới hồ, hàng chục con cá tầm đại trên 20 kg/mỗi con tung tăng, vừa là thực phẩm phục vụ thực khách tại chỗ, vừa là một trong những điểm để du khách thưởng lãm. Để giảm chi phí “nuôi quân” giữ và phát triển rừng như anh Lê Văn Hòa - Phó Giám đốc Công ty ví von, doanh nghiệp tổ chức tăng gia sản xuất và chăn nuôi rất có hiệu quả. Thời điểm này, đơn vị đang có trên 40 con gà đồi, hơn 20 con heo rừng và nhiều diện tích rau màu... Một cơ ngơi ngày càng khang trang, từ hệ thống mạng lưới điện riêng, hệ thống bảo vệ môi trường đến hạ tầng giao thông, nhà hàng, hệ thống nhà nghỉ, sân hoạt động ngoài trời, cầu cống... Mặc dù, chủ dự án không tiết lộ, nhưng trong 10 năm qua, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào rất nhiều chục tỷ đồng.
Để công tác QLBV&PTR đạt hiệu quả như hôm nay, thực ra cũng không đơn giản chút nào. Anh Lê Văn Hòa cho biết đơn vị chia rừng thành 3 khu vực trọng điểm và cử “3 tướng” phụ trách, trong đó đích thân Phó Giám đốc Hòa đảm nhận một “cứ điểm”, còn lại anh Bùi Văn Nam và Nguyễn Thanh Cúc. Mỗi khu vực có thêm 4-5 người, vừa bảo vệ khu vực của mình, vừa phối hợp hỗ trợ khu vực bên cạnh. Khó khăn QLBVR nhất là vào mùa khô và ban đêm, vì vậy, các khu vực phải cắt cử người trực thường xuyên tại chỗ. Doanh nghiệp còn hợp đồng công ty bảo vệ chuyên nghiệp trực gác chốt hỗ trợ lực lượng chủ rừng khi cần thiết. Bởi đã từng có nhân viên của chủ rừng bị lâm tặc xâm hại đến thân thể trong lúc làm nhiệm vụ QLBVR. Những thời điểm công việc QLBVR nhẹ nhàng, họ tăng gia sản xuất và chăn nuôi để góp phần tự cung tự cấp. Mặt khác, những hoạt động và sản phẩm nông nghiệp là nơi cho du khách tham quan và trải nghiệm. Mô hình vườn - ao - chuồng - du lịch - BVPTR của Hiệp Phú trở thành chuỗi hoạt động kết dính rất hữu ích và hiệu quả. Kế hoạch của doanh nghiệp phấn đấu đến cuối năm 2017 doanh thu từ mô hình nông nghiệp và du lịch sẽ đủ tài chính trang trải cơ bản cuộc sống cho lực lượng QLBVPTR.
Tạo ấn tượng sản phẩm vô hình
Phó Giám đốc Lê Văn Hòa vốn tu nghiệp ở Singapore nên trong cuộc trò chuyện với tôi anh say sưa ý tưởng xuyên suốt cách làm du lịch vô hình. Ý tưởng này cũng được lãnh đạo Tổng Công ty ở thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ. Dù vị trí đắc địa: sát Quốc lộ 27C nối Nha Trang - Đà Lạt, cạnh đường nhựa mới nối thẳng tới chân núi Lang Biang và gần Khu Du lịch sinh quyển thế giới Lang Biang, nhưng cơ sở tham quan du lịch - nghỉ dưỡng Hiệp Phú có cách tiếp thị không ồn ã và rầm rộ. Không “ăn xổi ở thì”, doanh nghiệp tâm huyết đầu tư hạ tầng rất cặn kẽ, từng mảng miếng được tính toán kỹ lưỡng và hạn chế tối đa bê tông hóa. “Hữu xạ tự nhiên hương”, đó là chiến lược phát triển kinh tế du lịch của doanh nghiệp này. Anh Hòa chia sẻ: Phát triển du lịch không chỉ là nuôi quân mà để truyền lửa cho du khách về rừng, yêu rừng, quý thiên nhiên, cảm nhận được những thanh âm của rừng, nhận biết được về lá phổi rừng, hơi thở của rừng, thụ hưởng được cái hồn của rừng thì khi đó họ mới ý thức mạnh mẽ cần lắm phải giữ lấy rừng.
Với sức đầu tư mạnh, ở đây có những mô hình nhà nghỉ Bugalo container dưới tán thông và những cây xanh doanh nghiệp trồng. Tổng công suất sức chứa khoảng 44 khách, thực sự ấn tượng là nơi nghỉ của du lịch sinh thái và phong cách cộng đồng. Để đáp ứng nhu cầu này, Hiệp Phú thiết kế một diện tích mặt bằng dựa vào triền đồi thông cho du khách tổ chức loại hình du lịch teambuilding; du khách nghỉ lại được trải nghiệm câu cá tại hồ, tham gia các công việc sản xuất nông nghiệp...
Vẫn giọng say sưa, anh Hòa nói: Ở đây, du khách được cảm nhận cái không khí trong lành của thiên nhiên, nghe tiếng suối chảy, tiếng gió rì rào...; rồi đêm về, lâu lâu còn nghe được tiếng tác của Mãng vọng đến, hay mùi ngai ngái của nhựa từ lách tách củi thông khô đốt giữa sân... Không gian sinh tồn đầy âm sắc, làm nên cái vô âm khôn cùng trong tâm cảm người trải nghiệm. Du khách đến là được ăn ở với rừng, nạp năng lượng thực sự sau những ngày lao động căng thẳng. Khi về thành phố, họ gửi được trái tim của họ lại. Sản phẩm du lịch bao gồm hai thành phần chính, hữu hình và vô hình, trong đó, vô hình là dịch vụ sẽ quyết định và quan trọng hơn bởi nó đẩy giá trị của sản phẩm hữu hình. Sản phẩm vô hình không chỉ là đầu tư đơn giản bằng tiền mà chính là quá trình đầu tư dài hạn kỹ lưỡng, ứng xử chu toàn và giá trị cổ phiếu từ đó mà lên... Vì vậy, bản thân người phục vụ phải cảm nhận được giá trị của không gian sống này thì mới truyền lửa được đến với người tới.
“Chúng tôi bán những cái du khách cần chứ không bán cái mình có. Bán cái nghỉ ngơi và cho cái không gian rừng, cho con tim của rừng, nhịp sống của rừng, tâm hồn của rừng. Bán cái người ta cần và cho người ta cái mình có...”, anh Lê Văn Hòa chia sẻ. Có như vậy thì du khách đến đây sẽ trút bỏ được âu lo để thụ hưởng với cảm nhận an lạc yên bình từ chính mình. Và họ sẽ cân bằng lại để tiếp tục cuộc sống mới. Cho người đến trái tim chứ không phải con mắt thì mới giữ lại được trái tim của họ, đó là chiến lược quảng bá du lịch của riêng Hiệp Phú. Điều đó đúng ngay khi tôi và anh Hòa đang trò chuyện thì hai bạn trẻ từ quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đến chào. Sau một tuần lưu lại, hai bạn chào tạm biệt anh Hòa. Họ chia sẻ cảm nhận với tôi: “Thật tuyệt vời chú ạ. Có được đến những nơi như thế này thì chúng cháu mới biết được những giá trị đặc biệt của bình yên và thư thái...”. Đó cũng là thông điệp mà Phú Hiệp xây dựng và mong muốn.
MINH ĐẠO