Cách Đà Lạt hơn 13 km, xã Lát, huyện Lạc Dương đã được nhiều du khách biết đến bởi những điểm du lịch nổi tiếng nằm trên bản đồ du lịch của Đà Lạt và các vùng phụ cận như Làng Cù Lần, Ma Rừng Lữ Quán... Đó là một trong những điều kiện thuận lợi, tạo đà cho huyện Lạc Dương nói chung và xã Lát nói riêng thực hiện nhiều bước đi nhằm đánh thức tiềm năng du lịch còn "ngủ yên" ở khu vực này.
Cách Đà Lạt hơn 13 km, xã Lát, huyện Lạc Dương đã được nhiều du khách biết đến bởi những điểm du lịch nổi tiếng nằm trên bản đồ du lịch của Đà Lạt và các vùng phụ cận như Làng Cù Lần, Ma Rừng Lữ Quán... Đó là một trong những điều kiện thuận lợi, tạo đà cho huyện Lạc Dương nói chung và xã Lát nói riêng thực hiện nhiều bước đi nhằm đánh thức tiềm năng du lịch còn “ngủ yên” ở khu vực này.
|
Cung đường xanh mát dẫn vào xã Lát. Ảnh: N. Ngà |
Tiềm năng còn “ngủ yên”
Từ Đà Lạt chạy xe máy vào tới trung tâm xã Lát khoảng chừng 20 phút. Đường giao thông thuận lợi, hai bên rừng thông xanh mát. Xã Lát có tổng diện tích đất tự nhiên trên 21 ngàn ha, trong đó có 19 ngàn ha là đất lâm nghiệp với độ che phủ rừng lên đến trên 80%. Bao bọc bốn bề là rừng núi bởi vậy du khách vẫn thường ví: “xã Lát chẳng khác nào nàng công chúa ngủ trong rừng”.
Nhận thấy tiềm năng nơi này, đã có một vài doanh nghiệp chọn xã Lát làm điểm xây dựng các khu du lịch. Đường dẫn đến trung tâm xã cũng là con đường dẫn đến những điểm du lịch đã xây dựng được thương hiệu và gắn với du lịch Đà Lạt như: Thung lũng Vàng, cây cô đơn, thảo nguyên ngựa, Làng Cù Lần, Ma Rừng Lữ Quán... Bởi thế, một lượng khách không nhỏ đến với Đà Lạt đã tiếp tục lựa chọn khám phá những điểm đến đặc sắc ở các khu vực lân cận. Và xã Lát là cái tên được lựa chọn hàng đầu. Sẽ dễ dàng bắt gặp du khách trong và ngoài nước tự mình tìm đến với những điểm du lịch ở khu vực này.
Bên cạnh đó, với nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, cùng với chính sách của địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập cho người dân và tăng cường thu hút các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp vào đầu tư trên địa bàn đã góp phần đưa xã Lát ngày càng phát triển về nông nghiệp công nghệ cao. Đó cũng là lý do để Lạc Dương định hướng phát triển du lịch ở xã Lát theo hướng du lịch canh nông.
Ngay từ Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy xã đã đưa nội dung phát triển du lịch vào nghị quyết. Đặc biệt từ năm 2016, trong nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội của xã đã xác định rõ định hướng phát triển du lịch theo hướng này.
Tập trung phát triển du lịch canh nông
Trước năm 2014, khu vực này chỉ là hai thôn thuộc xã Lát cũ. Bởi vậy xã vẫn chưa có nhiều chính sách, nguồn vốn để tập trung phát triển khu vực này. Đặc biệt, hơn 72% dân số ở đây là người đồng bào dân tộc thiểu số nên bà con chủ yếu trồng cà phê, đời sống còn nhiều khó khăn. Từ năm 2014, sau khi huyện Lạc Dương có sự điều chỉnh địa giới hành chính, xã Lát mới được thành lập có 4 thôn với hơn 400 hộ dân. Chính quyền xã đã tập trung nguồn lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho bà con. Chuyển dần diện tích cà phê kém hiệu quả sang sản xuất rau thương phẩm. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của người dân nơi đây đạt 26 triệu đồng/người/năm. Đến cuối năm 2016 con số này đã tăng lên 30 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, xã Lát hiện đang là địa phương phát triển mạnh về nông nghiệp công nghệ cao trên toàn huyện. |
Ông Trần Đình Thể - Phó Chủ tịch UBND xã Lát cho biết: “Trên địa bàn xã Lát hiện nay có nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đứng chân như: Công ty TNHH Rừng hoa Bạch Cúc với trên 2 ha mô hình rau thủy canh và 18 loại rau các loại đạt chuẩn VietGAP. Công ty TNHH Đà Lạt GAP với trên 7 ha nhà kính hiện đại sản xuất rau theo hướng Oganic. Trang trại rau hoa Dương Tiến Sỹ với sản phẩm rau hoa đa dạng đã được cấp chứng nhận…”.
Ông Sử Thanh Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương nói thêm: “Huyện đã có phương án xây dựng tuyến du lịch ở khu vực xã Lát. Trong đó chú trọng đến xu hướng phát triển du lịch canh nông. Dự kiến sẽ công bố sản phẩm tour tuyến vào dịp Festival hoa Đà Lạt dựa theo kế hoạch quảng bá Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành. Tháng 7/2017, UBND huyện Lạc Dương đã xây dựng kế hoạch liên kết tuyến du lịch canh nông trên địa bàn xã Lát. Mục đích phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp du lịch của huyện nói chung và của xã Lát nói riêng, nhằm đảm bảo phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch theo cách tiếp cận đa ngành. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân trực tiếp tham gia làm du lịch và nâng cao thu nhập từ du lịch”.
Huyện Lạc Dương dự kiến xây dựng từ 1 đến 2 tour du lịch. Các tour tuyến là sự kết nối giữa các điểm du lịch và các đơn vị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Những cái tên như Rừng hoa Bạch Cúc, Ma Rừng Lữ Quán, Khu Du lịch La An, Trang trại rau hoa Dương Tiến Sỹ, Đà Lạt Gap, Công ty Cổ phần cá nước lạnh Đa Phú đều nằm trong danh sách xây dựng tour tuyến.
Các cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông vào các điểm du lịch đang được chính quyền địa phương cùng với các doanh nghiệp góp sức hoàn thiện. Việc kết nối với các công ty du lịch cũng được tiến hành để đẩy nhanh việc xây dựng tour tuyến du lịch tại khu vực xã Lát.
Phó Chủ tịch UBND xã Trần Đình Thể cho biết thêm: “Huyện và xã đã tổ chức các buổi làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn và nhận được sự đồng thuận. Hiện đã có 5 đơn vị cử người đi tham gia các lớp tập huấn để làm du lịch”.
Tiềm năng du lịch tại xã Lát đã dần được đánh thức, nhất là du lịch canh nông. Tuy nhiên, chỉ mới dừng lại ở các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn. Còn sự tham gia của người dân chưa có. Bởi vậy, để du lịch thực sự phát triển bền vững tại xã Lát và người nông dân - những người chủ thực sự của mảnh đất này có thể được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp chính quyền và chính bản thân người dân.
Để làm du lịch canh nông đòi hỏi người nông dân phải vừa có kỹ năng của người làm du lịch vừa có kỹ thuật nhà nông. Bởi bản chất của du lịch canh nông là mối giao hòa về mặt văn hóa, con người giữa các vùng, miền thông qua việc tham quan và trải nghiệm, nhằm hưởng thụ các sản vật địa phương... Do đó, người nông dân làm DLCN cần có kỹ năng cứng về canh tác nông nghiệp và những kỹ năng mềm như giao tiếp, ngoại ngữ…, đồng thời có ý thức và trách nhiệm của người tham gia hoạt động du lịch. “Đó là khó khăn lớn nhất mà địa phương đang tập trung nhiều giải pháp thực hiện nhằm tạo ra đội ngũ những người làm du lịch canh nông đúng nghĩa” - Phó Chủ tịch UBND xã Trần Đình Thể khẳng định.
NGỌC NGÀ