Hoa tam giác mạch dưới chân núi Lang Biang

10:08, 03/08/2017

Mùa hè năm nay, khi đến với Lạc Dương, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vườn hoa tam giác mạch rực rỡ khoe sắc dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ. Đó là tình yêu đối với mảnh đất nơi mình sinh ra, là tình cảm dành cho buôn làng nơi mình lớn lên của cô gái dân tộc K'Ho Cơ Liêng Ro Lan.

Mùa hè năm nay, khi đến với Lạc Dương, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vườn hoa tam giác mạch rực rỡ khoe sắc dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ. Đó là tình yêu đối với mảnh đất nơi mình sinh ra, là tình cảm dành cho buôn làng nơi mình lớn lên của cô gái dân tộc K’Ho Cơ Liêng Ro Lan.
 
Ro Lan đưa khách ăn thử hạt tam giác mạch. Ảnh: T.Hương
Ro Lan đưa khách ăn thử hạt tam giác mạch. Ảnh: T.Hương
Dẫn đoàn du khách xuống tham quan vườn hoa tam giác mạch dưới triền núi, cô chủ Ro Lan vừa nhắc mọi người bước cẩn thận theo những bậc thang ẩm ướt do đợt mưa bão vừa qua, vừa kể về sự “bén duyên” của loài hoa nổi tiếng phía Bắc nơi vùng đất mới. Vốn là người luôn muốn “làm điều gì đó cho buôn làng” - theo lời Ro Lan, cô gái người Cil đã nỗ lực xây dựng thương hiệu “K’Ho coffee” - đại diện cho hương vị cà phê của cao nguyên Lang Biang và là mô hình tiêu biểu về sản phẩm cà phê sạch của người dân tộc K’Ho ở Tây Nguyên. Không dừng lại ở đó, Ro Lan muốn tạo ra nét riêng của buôn làng B’Nơr C nên đã suy nghĩ, tìm tòi rồi mạnh dạn đưa giống hoa tam giác mạch về trồng thử. Ro Lan tin rằng, loài hoa mới này sẽ góp phần tăng thêm nguồn thu thập cho bà con trong buôn. 
 
Qua tìm hiểu, Ro Lan nhận thấy khí hậu trong vùng có khả năng phù hợp với hoa tam giác mạch. Cô liền nhờ một người bạn tìm mua giống hoa này từ tỉnh Hà Giang. Trên một sào đất, Ro Lan gieo hết 20 kg hạt giống với chi phí hết gần 4 triệu đồng. Khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ nên hoa tam giác mạch sinh trưởng tốt trong môi trường tự nhiên mà không cần thêm bất kỳ loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật nào. “Cũng không cần nhiều công chăm sóc, chỉ làm cỏ vài lần khi cây còn nhỏ nên rất hợp với tập quán canh tác của bà con địa phương, nhất là những gia đình ít vốn vì giống như trồng lúa nhưng đỡ cực hơn, 3 tháng có thể thu một lần và có thể trồng quanh năm”, Ro Lan cho biết.
 
Sau 1 tháng gieo trồng, vườn tam giác mạch của Ro Lan bắt đầu trổ bông. Sắc trắng, hồng, tím… lung linh rực rỡ giữa những vườn cà phê xanh ngút ngàn thu hút ánh mắt của du khách. Chị Milan - một du khách đến từ Đức reo lên thích thú: “Thật tuyệt, một vườn hoa đang khoe sắc giữa núi rừng”. Còn đối với Hồng Nga đến từ thành phố Hồ Chí Minh, cô tranh thủ “tạo dáng” khắp vườn hoa: “Không ngờ ở đây lại có loài hoa đặc trưng của vùng núi Hà Giang. Vườn hoa thật rực rỡ. Mình như lạc vào rừng hoa muôn màu”. 
 
Từ khi vườn tam giác mạch trổ bông, mỗi ngày Ro Lan đón khoảng 5 - 6 đoàn khách tham quan. Hoa tam giác mạch bắt đầu kết hạt sau 2,5 tháng và 3 tháng có thể thu hoạch. Lúc này, sắc hoa chuyển sang màu đỏ sẫm xen lẫn những hạt đen óng ánh. Hạt tam giác mạch là một loại ngũ cốc giàu chất dinh dưỡng, có thể sử dụng làm lương thực thay gạo, làm bia, thuốc đông y, làm trà uống hoặc xay bột làm bánh, mì…. Thời điểm này, gia đình Ro Lan bắt đầu thu hoạch. “Việc này giống như gặt lúa, mình cắt thành từng bó, phơi khô để hạt rơi ra tự nhiên. Sau đó xay bỏ vỏ, có thể dùng nấu thay gạo hoặc xay thành bột”, anh Joshua - chồng Ro Lan vừa ôm từng bó tam giác mạch vừa giải thích.
 
Sau khi trồng thử nghiệm thành công, Ro Lan cho biết, đầu mùa trồng cà phê tới, cô sẽ hướng dẫn bà con trồng xen trong vườn cà phê, vừa khỏi mất công làm cỏ, vừa giúp tăng thu nhập từ việc dẫn khách đi tham quan và cuối mùa có thể thu hoạch hạt. Để tạo đầu ra cho hạt tam giác mạch, Ro Lan đã liên hệ một số nhà hàng thu mua hạt dùng làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn. Mong muốn của Ro Lan là liên kết với bà con trong buôn làm du lịch cộng đồng, từ đưa khách vào vườn ngắm tam giác mạch, tìm hiểu quy trình trồng cà phê và thưởng thức ly cà phê dậy hương được xay ngay tại vườn, rồi dạo quanh buôn làng xem bà con dệt thổ cẩm... Trăn trở, không chỉ làm kinh tế cho gia đình, Ro Lan còn muốn cải thiện đời sống cho bà con trong buôn, cô gái K’Ho này chia sẻ rất nhiều dự định, trên hết là để buôn làng đổi thay với một cuộc sống mới, ấm no và ngày càng có nhiều du khách đặt chân tới, người dân sẽ biết làm du lịch từ những điều giản dị của cuộc sống hàng ngày…
 
TUẤN HƯƠNG