Tổ quốc nơi tận cùng đất nước…

08:09, 07/09/2017

Trong những ngày đầu thu cuối tháng 8 này tôi có dịp may mắn được đến tận đất mũi Cà Mau. Nhà văn Nguyễn Tuân - một thợ luyện kim ngôn ngữ tài hoa đã từng ví: Mũi Cà Mau như "Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm".

Trong những ngày đầu thu cuối tháng 8 này tôi có dịp may mắn được đến tận đất mũi Cà Mau. Nhà văn Nguyễn Tuân - một thợ luyện kim ngôn ngữ tài hoa đã từng ví: Mũi Cà Mau như “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”. Không biết ông nhà văn nổi tiếng đã đến đất mũi chưa mà có những liên tưởng so sánh độc đáo. Nhưng chắc chắn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người viết rất hay bút ký “đất mũi” đã đến nơi này viết tường tận khi nhà văn lên một chiếc ca nô để từ biển cuối đất mũi nhìn vào bờ: “Trên mặt biển hừng sáng, tôi nhìn thấy cánh mũi đất rừng chuồi trên mặt nước, nhọn và sắc như một chiếc mỏ chim… Mũi Cà Mau nhìn giống như một cánh chim hải âu đang lao ra giữa biển Đông, nhìn nghiêng thì nó nhọn như vậy. Khi nhìn chính diện từ ngoài khơi ngó thẳng vào Bãi Bùn thì mũi Cà Mau lại tròn vành vạnh y như một cái vành đai, vòng tay ôm lấy đất liền…”. Và tôi khi đặt những bước chân của mình bấm vào bùn đất mũi thì cảm giác gặp Tổ quốc ở đây thật thiêng liêng, gần gũi máu thịt vô cùng. Đất mũi vừa bao la phóng khoáng, hồn hậu của gió biển mặn mòi, vừa níu chặt siết thân của muôn chùm rễ đước ôm lấy đất này ngày một lấn ra biển giữ đất phù sa. Ở đây người ta ví cây biết đi và đất biết bước. Tính ra mỗi năm mũi Cà Mau vươn ra biển hơn 100 m. Bước từng bước vững chãi trưởng thành. Sóng kê cao Tổ quốc, đất rộng dài Tổ quốc. Và kỳ lạ thay ở Cà Mau có hai tên người anh hùng được đặt tên cho hai huyện là huyện Ngọc Hiển - tên người anh hùng Phạm Ngọc Hiển, chỉ huy cuộc khởi nghĩa thắng lợi năm 1940 ở  Hòn Khoai. Và huyện Trần Văn Thời - tên người Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau năm 1940-1941. Những tên người đã thành tên đất thân thương như dấu ấn lịch sử…
 
Cột mốc ở đất mũi Cà Mau
Cột mốc ở đất mũi Cà Mau

Tôi cũng đã từng lên mỏm tột cùng cực Bắc để ngắm lá cờ Tổ quốc rộng 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em ở đài cao nhất cột cờ Lũng Cú. Ở đất mũi Cà Mau này tôi lại gặp sắc đỏ quốc kỳ Tổ quốc bay trong gió lộng của cột mốc mũi Cà Mau  8037’ 30 giây ở vĩ độ Bắc và 104043 giây kinh độ Đông mang hình cánh buồm trên con thuyền lướt sóng cách cột mốc cây số không ở Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) đúng 2.354 km. Tôi xúc động quỳ xuống sờ vào dòng chữ đỏ như chạm vào da thịt người thân của mình. Huyết quản trong người tôi mạch máu như đập mau hơn. Tổ quốc tôi là đây! Một hình hài vừa mang tính biểu tượng thăng hoa mềm mại uyển chuyển như hoa văn trên họa tiết trống đồng, vừa cương nghị thần thái vững chãi khẳng định mốc chủ quyền đất nước. Vừa là quá khứ lại mang bao khát vọng tương lai. Hướng ra biển lớn cánh buồm no gió thời đại, vừa căng gió nỗi niềm ân tình dân tộc. Hình ảnh lá cờ reo vui phần phật mang cả hình non nước hội tụ về đây với năm cánh sao vàng giữa mênh mông bạt ngàn xanh. Xanh thẫm, xanh đậm của đước, của tràm, của cây mắm, xanh thẳm ngăn ngắt của đại dương nhấp nhô. Ngoài kia đảo Hòn Khoai đọc tên lên nghe nôm na dân dã ngọt bùi trong sóng gió đậm tình hồn làng, hồn nước quê Việt. Rồi những cái tên Rạch Tàu, Ông Trang… nghe vừa chứa chan man mác thân phận lại có gì thật rạch ròi quyết liệt khi sống với đất này trụ lại với đất này để làm nên đắp bồi thêm một phần Tổ quốc…
 
Ở đất mũi Cà Mau tôi gặp má Ba Sương năm nay trên 80 tuổi. Cái khách sạn duy nhất ở mũi đất này cũng mang tên má “Khách sạn Ba Sương”. Má kể: Má cho dựng ngôi nhà có dãy buồng trọ này là để cho khách ở ngoài đó vào thăm đất mũi lỡ chuyến ca nô khi tối về Năm Căn có nơi mà nghỉ lại. Điều quan trọng hơn là má thèm được nghe kể chuyện ngoài đó với giọng Bắc, giọng Trung ấm áp như giọng của người quê hương Bác Hồ. Ôi chao, lần đầu tiên tôi được nghe những lời gan ruột thật giản dị và sâu sắc ấn tượng xúc động như thế. Má nói tụi bây có biết không, ngày Quốc khánh Độc lập 2/9/1945 lúc đó má mới hơn 10 tuổi, ngồi trong lòng ba ôm lấy cái đài để nghe giọng Bác Hồ đọc tuyên ngôn. Có thể ở tuổi đó má chưa hiểu hết ý nghĩa của những từ tự do, bình đẳng nhưng khi má nghe Bác Hồ giữa chừng đọc tuyên ngôn dừng lại hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?” thì má hiểu rằng đó là lời Cha nói với con khi sum họp vui vầy trong một mái nhà đại gia đình ấm áp. Và rồi mẹ của má - một người rất giỏi nấu ngon với các món ẩm thực ở đất mũi ao ước có người ra Bắc để gửi cho “ông cụ” một hũ mắm “Ba khía” - Loại cua biển đặc sản vùng đất này và một gói bong bóng cá Đường quý hiếm phơi khô lâu nay dành dụm. Tình cảm của người dân đất mũi với vị lãnh tụ thật bình dị, thân thiết mộc mạc biết chừng nào. Một ước muốn thật đơn sơ mà chứa chan biết bao hương vị tình người, tình đất ở chóp mũi tận cùng đất nước. Trong những năm kháng chiến ác liệt: Một ngôi đền thờ Bác Hồ được lập ra thật trang trọng thiêng liêng trong rừng đước mà má Ba Sương - Cô du kích áo bà ba, khăn rằn quấn ngang vai với chiếc xuồng ba lá đã chăm lo nến đèn hương khói. Tấm ảnh Bác Hồ và sắc đỏ lá cờ Tổ quốc luôn là một biểu tượng niềm tin bất diệt với người dân đất mũi…
 
Tổ quốc ở nơi tận cùng đất nước dâng lên trong tôi những bồi hồi vang vọng. Sóng biển cứ vỗ vào đất liền ngàn đời, nhưng ngọn sóng ở đây có gì hơi khác. Những ngọn sóng giấu lửa lân tinh ban ngày để chớp sáng trắng về đêm cứ cuồn cuộn nao nức, cứ giằng dịch vỗ về phù sa, vỗ về tôm cá.  Sóng chạm đến đất này lại có gì rưng rưng trong từng huyết quản, Tổ quốc mặn mòi là thế, hiền hòa là thế nhưng cũng phải trải qua bao bão tố, phải quặn mình, gồng mình lên sóng cuộn vào nhau, kiên gan bền bỉ như những chùm rễ đước mọc ken dày ở đất này. Để giữ nước, giữ cho hình hài Tổ quốc không thể biến dạng lở bồi mà luôn đầy đặn thiết thân. Đôi lúc tôi cứ hình dung chùm rễ sần sùi gốc đước như cái nơm đan bằng tre chụp xuống đồng quê thôn Việt những mùa nước trắng mênh mông để bắt cá đồng. Đước ở đây còn hiện thân như bộ rễ tre  miền Bắc. Đước chính là cây tre của vùng đất mũi. Cùng giữ làng, giữ nước cũng là thứ vũ khí thô sơ vót nhọn thành chông, thành mũi lao, mũi mác. Đước cũng chính là rường cột để dựng nhà, lập ấp. Những thân đước to cổ thụ được xẻ ra thành những bộ phản in bóng thời gian, vân nổi vân chìm láng mát trưa hè cho khúc ca mênh mang được cất lên tự hào với đất Viên An - đất tận cùng đất nước như trong câu thơ của thi sĩ Nguyễn Bá: “Lời thề khắc ở trong cây/ Máu nào ứa mặn đất này Viên An/ Ta còn giữ lửa trong than/ Giữ người trong đất đất mang tên người, đất này là đất bốn mươi (1940)/ Phan Ngọc Hiển/ Đất sáng ngời tên anh”. Đến đất mũi Cà Mau lần đầu tiên tôi bắt gặp hòn than - hòn Đước kỳ lạ. Than thì có gì lạ đâu, rất thân quen với mỗi người với bếp lửa thôn quê đất Việt. Đã từng có than Quảng Ninh - nơi địa đầu Tổ quốc ở vùng Đông bắc. Hòn than “Kíp lê - Kim Cương” vàng đen này được khai thác ở các tầng mỏ nằm sâu trong lòng Đất Nước đốt lên thắp lên dòng điện năng lượng của cả nước - năng lượng nhiệt năng! Thì ở đây năng lượng của hòn than đước là năng lượng của tình người của nhân năng! Vâng, hòn than cháy thật đượm, lâu bền bỉ và can trường, than truyền cho mỗi người vững chãi một niềm tin không chỉ xua đi cái lạnh giá của nơi tột cùng cực Nam, không chỉ nuôi người bằng món ẩm thực nướng hoang dã mang dấu ấn của người đi khẩn hoang ban đầu. Mà than đước như hội tụ lại, kết đọng lại và tỏa ra sức nóng âm ỉ để chợt bùng lên cháy đượm mặc gió, mặc mưa, mặc bão. Than đước cháy từ mạch nguồn kênh rạch ở đất này, than Đước như chứng nhân chứng thực khẳng định sức sống của Tổ quốc thân yêu ở chính mũi đất. Than là lửa và truyền lửa. Ngọn lửa Cách mạng được bắt đầu từ tiếng trống ba mươi Xô viết, từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đến cách mạng Tháng Tám thành công. Và ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đứng ở đất mũi Cà Mau những ngày này tôi như được nghe vọng lại âm vang bản tuyên ngôn thứ nhất của vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời…” và vọng vang bản tuyên ngôn thứ hai của Nguyễn Trãi trong “Bình ngô Đại Cáo”: “Như nước Đại Việt ta vốn xưng nền văn hiến đã lâu…” . Đặc biệt là bản tuyên ngôn thứ ba của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một áng văn tuyệt hay vừa hùng hồn vừa sâu lắng, vừa minh triết khởi nguồn vừa cô đọng đúc kết. Đó là sự khẳng định núi sông bờ cõi của một “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập…”.
 
72 năm trôi qua nhưng giờ đây khi đứng trước mũi đất mênh mông sóng vỗ và bạt ngàn rừng đước Cà Mau tôi vẫn ngỡ còn nghe âm vang giọng đọc tuyên ngôn trầm ấm của Bác Hồ kính yêu. Thưa Bác, ở nơi tận cùng đất mũi, Tổ quốc thật thiêng liêng. Thiêng liêng từ đất đai sông nước. Thiêng liêng từ tình người Cà Mau gắn bó suốt đời đi theo cách mạng. Thiêng liêng như biểu tượng: “Tổ quốc tôi như một con tàu/ mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau” (Xuân Diệu). Mũi Thuyền con tàu của Đất nước giương cao lá buồm lộng gió hướng ra biển khơi mang theo cả sức mạnh tiềm năng truyền thống lịch sử của dải đất hình chữ S thân yêu. Tổ quốc ở nơi đây đã hóa thành máu thịt …
 
Tùy bút: NGUYỄN NGỌC PHÚ