Mai Khôi Farm - du lịch sẽ giúp cơ sở hoàn thiện hơn

08:09, 07/09/2017

Là một trong 3 cơ sở sẽ thí điểm đón khách du lịch trong tuyến du lịch canh nông, Cơ sở Ðà Lạt Mai Khôi Farm ở xã Lát ý thức rõ trách nhiệm của mình và đang cố gắng hoàn thiện, tự quảng bá để góp phần làm tăng tính hấp dẫn của loại hình DLCN tại Lâm Ðồng.

Là một trong 3 cơ sở sẽ thí điểm đón khách du lịch trong tuyến du lịch canh nông (DLCN), Cơ sở Ðà Lạt Mai Khôi Farm ở xã Lát ý thức rõ trách nhiệm của mình và đang cố gắng hoàn thiện, tự quảng bá để góp phần làm tăng tính hấp dẫn của loại hình DLCN tại Lâm Ðồng.
 
Ông chủ Cơ sở Mai Khôi Farm trong vườn cúc bắt đầu nở rộ. Ảnh: N.Q
Ông chủ Cơ sở Mai Khôi Farm trong vườn cúc bắt đầu nở rộ. Ảnh: N.Q

Ông Nguyễn Văn Minh Tú - chủ Cơ sở Đà Lạt Mai Khôi Farm, ở thôn Păng Tiêng - xã Lát từ năm 2014. Hai vợ chồng quê ở Long An nhưng lập nghiệp ở Sài Gòn, lên Lâm Đồng mua 3 ha đất san ủi và tháng 4 năm 2015 xuống giống trồng hoa đầu tiên, trong đó có 1 ha nhà kính. Đến nay, qua 2 năm, cơ sở Mai Khôi đã có 6 ha đất, với tổng vốn đầu tư khoảng 60 tỷ đồng. Trang trại trồng thành công được 4 loại hoa là cúc, cát tường, cẩm chướng và ly ly, tiêu thụ khắp cả nước, nhưng mùa hè tiêu thụ chủ yếu ở miền Bắc. Hiện mỗi ngày, Mai Khôi xuất đi 15 thùng hoa, trị giá khoảng 30 triệu đồng, sử dụng 40 nhân công thường xuyên và 3 nhóm lao động thời vụ.
 
Từ thời sinh viên, ông Tú đã mong được sống ở Đà Lạt, bởi thích phong cách của con người và khí hậu nơi đây. Nhưng ngành xây dựng không cho ông cơ hội thực hiện được mong muốn ấy. Nhưng, dù làm nghề ở Sài Gòn, hai vợ chồng vẫn thường xuyên lên Đà Lạt mỗi khi mệt mỏi. Cuối cùng, ông đã quyết định bỏ nghề được đào tạo để chọn nghề nông dù rất bận rộn, nhưng lại được sống thư thả hơn và trên hết là được sống ở thành phố mà ông yêu thích. Bắt tay vào nghề nông – một nghề hoàn toàn khác với chuyên môn nghề nghiệp được đào tạo, nên khó khăn không ít. Tất cả những kiến thức từ đặc tính đất trồng, đặc tính giống, khí hậu, đến cơ sở hạ tầng đều rất mới mẻ… nhưng khó khăn lớn nhất là thiếu kinh nghiệm sản xuất, nên lỗ mất vài vụ đầu.
 
Ông Tú chọn trồng hoa chứ không phải cây trồng khác, vì ông thích hoa hơn các loại rau - củ - quả; còn xã Lát chính là nơi phù hợp để có một diện tích lớn trồng hoa tập trung; chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận tiện, hướng dẫn thủ tục pháp lý để cơ sở kinh doanh đúng pháp luật... Đó chính là lý do từ 1 trang trại, ông Tú đã có 3 trang trại trồng hoa trên địa bàn xã Lát với 5 màu cát tường, cúc đại đóa và kim cương…
 
Tham gia chương trình DLCN, cơ sở Mai Khôi dự định chỉnh trang lại khu vệ sinh và khu dừng chân cho khách; đào tạo nhân công có chức năng như hướng dẫn viên, nhưng có am hiểu về kỹ thuật trồng cây để giới thiệu về đặc tính của từng loại cây hoa, cũng như kỹ thuật chăm sóc cây theo mùa khác nhau. Trong mỗi nhà kính sẽ xây dựng lối đi bê tông sạch sẽ, ghi tên các giống hoa trên mỗi luống hoa… Tới trang trại, ngoài việc ngắm và chụp hình, du khách còn có thể tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc, phân loại, bảo quản từng loại hoa, tìm hiểu về xuất xứ của giống hoa… Để tạo nét riêng thu hút khách, trang trại sẽ đầu tư chế biến một số loại nước uống. Cơ sở sẽ thu phí một cách tượng trưng để duy trì hoạt động của mảng du lịch. Dù không thể trang trải hết chi phí, nhưng cái được lớn nhất là mình quảng bá được thương hiệu của riêng mình, ngoài ra, còn quảng bá được cho nông nghiệp và du lịch canh nông của xã…
 
Dù chưa định hình rõ quy mô tuyến DLCN xã Lát, nhưng ông Tú tin tưởng tuyến du lịch này sẽ rất hấp dẫn, do đầu tư bài bản, có sự tham gia của chính quyền, là tiền đề để thu hút du khách, tạo nên sản phẩm mới. Mai Khôi dự định sẽ trồng dâu và một số loại trái cây khác. Ngoài hoa, Mai Khôi ý thức rằng, dù chưa có nhiều kiến thức về du lịch, nhưng việc tham gia vào tuyến DLCN xã Lát giúp cơ sở hoàn thiện mình hơn. Đó là phải sản xuất theo mô hình trang trại bài bản hơn, sạch sẽ hơn, trồng thêm hoa trên đường đi…; nhưng, khó là phải làm sao tạo nên sự hào hứng, níu kéo du khách quay trở lại.
 
Mai Khôi trong hành trình khám phá xã Lát bằng tuyến DLCN sẽ bắt đầu vào dịp Festival hoa cuối năm nay. Cơ sở muốn tạo được ấn tượng với du khách về các loài hoa của mình, đồng thời về phong cách của con người và vùng đất của xứ sở hoa. Cái khó khi tham gia tuyến DLCN là phải luôn có vài lô hoa trồng xen kẽ để khách tham quan lúc nào cũng có hoa chụp ảnh. Trong khi hoa thường tập trung vào ngày rằm và đầu tháng, còn ngày thường rất ít. Khó hơn nữa là làm sao khách đi tham quan vừa cảm thấy hứng thú khi đi du lịch, nhưng cũng phải bảo đảm tránh lây nhiễm bệnh từ lô hoa này sang lô hoa khác vì đặc tính của hoa là loài rất dễ lây nhiễm bệnh, nên việc đưa du khách vào trải nghiệm như một người công nhân của trang trại không thể làm đại trà được, mà chỉ quy hoạch một góc nhỏ trong trang trại. Ngoài ra, đón khách du lịch, Mai Khôi phải tính đến các vấn đề khác, như bãi đậu xe, xử lý rác và đa dạng chủng loại hoa…
 
Ngay từ ngày đầu tiên lên Đà Lạt, Cơ sở Mai Khôi đã chọn giải pháp liên kết với Công ty Hasfarm để nắm được quy trình cơ bản về đầu tư cơ sở hạ tầng, chăm sóc và tiêu thụ hoa, nhưng chỉ liên kết trồng hoa cẩm chướng, trung bình từ 1-10 ngàn cành/ngày. Việc liên kết giúp cho cơ sở có kiến thức sơ bộ về kỹ thuật trồng hoa, nhưng hạn chế là đất trồng hoa chỉ cho sản lượng cao ở lứa đầu, các lứa sau sẽ không được như vậy, nên phải chọn trồng các loại hoa khác để mở rộng thị trường. Quy chuẩn của Hasfarm khá cao, đòi hỏi cành hoa phải to, chắc, không bị dấu vết của côn trùng hay sâu nấm, được cung cấp giống. Mô hình liên kết này có lợi cho cả đôi bên, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và mới, chưa có thị trường ổn định. 
 
Dù biết thị trường nước ngoài khắt khe hơn thị trường trong nước, nhưng cơ sở sản xuất hoa Mai Khôi đang tiến hành thành lập công ty và đầu tư để trong thời gian sớm nhất sẽ có sản phẩm đủ chất lượng tham gia thị trường xuất khẩu. Hiện cơ sở đã có nhà lạnh, đủ trữ hoa trong vòng 3 ngày, nhưng hoa rất ít khi phải bỏ vào kho lạnh mà thường đi hoa tươi luôn, mỗi ngày 3 thùng hoa từ 80-100 bó (mỗi bó 10 cành). Khách du lịch sẽ đi tham quan trang trại trong vòng 30 phút với khoảng 50 khách. Cùng với đón khách tham quan, làm lan tỏa tình yêu với đất và hoa Đà Lạt, Mai Khôi hy vọng sản lượng hoa tết sẽ tốt, được giá, do đà phát triển từ năm trước, cộng với thời tiết diễn biến thất thường và dịch hại sẽ khiến sản lượng hoa trên thị trường có phần sụt giảm.
 
NHẬT QUÂN