Về xứ hoa vàng xem thắng cảnh...

09:09, 21/09/2017

Phú Yên nổi lên như một hiện tượng du lịch mới sau khi bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" được công chiếu vào cuối năm 2015. Nắm bắt rất nhanh cơ hội, chính quyền và ngành du lịch Phú Yên liên tiếp tổ chức các hoạt động kích cầu thu hút du lịch.

Phú Yên nổi lên như một hiện tượng du lịch mới sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được công chiếu vào cuối năm 2015. Nắm bắt rất nhanh cơ hội, chính quyền và ngành du lịch Phú Yên liên tiếp tổ chức các hoạt động kích cầu thu hút du lịch. Cách đây 5 năm, khách lưu trú tại Phú Yên chỉ có hơn 700 ngàn lượt với khoảng 100 ngàn khách du lịch. Nhưng đầu năm 2017, Phú Yên đã đón vị khách thứ 1,1 triệu. Phú Yên đang là điểm đến hấp dẫn với những danh thắng tạo nên dấu ấn khác biệt so với các vùng miền khác.
 
Tuy Hòa - Trung tâm Hành chính của tỉnh Phú Yên luôn được hỏi là “thành phố giữa đồng lúa - hay đồng lúa trong thành phố” vì là thành phố duy nhất ở Việt Nam còn có những cánh đồng lúa nằm gọn trong lòng thành phố, với ngọn núi “Chóp Chài” phía xa xa.
 
Núi Chóp Chài nhìn về thành phố Tuy Hòa
Núi Chóp Chài nhìn về thành phố Tuy Hòa

Tháp Nhạn (hay Bảo Tháp) nằm trên núi Nhạn trong thành phố Tuy Hòa, có tuổi đời hơn 800 năm, đang thờ bà chúa khai sáng người Chăm và đang lưu giữ những điều huyền bí về kiến trúc và vật liệu xây dựng nên ngọn tháp. Đứng ở Tháp Nhạn có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Tuy Hòa.
 
Tháp Nhạn mang đậm nét văn hóa Chăm
Tháp Nhạn mang đậm nét văn hóa Chăm

Phú Yên là vùng đất được thành lập hơn 400 năm trước. Năm 1597, Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh có công trạng được chúa Nguyễn Hoàng ban quyền đưa dân đến khai canh lập làng mạc ở vùng đất giữa đèo Cù Mông và đèo Cả. Người dân ghi nhớ công ơn, lập đền thờ Lương Văn Chánh và tôn vinh là Thành Hoàng đất Phú Yên. 
 
Mũi Điện được xem là “Điểm cực đông - Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”. Mũi Điện như một tấm lưng rùa khổng lồ ẩn hiện vịnh biển Vũng Rô xanh ngắt. Vịnh Vũng Rô trong chiến tranh là nơi tiếp nhận những chiếc tàu “không số” chở vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
 
Ngọn hải đăng Mũi Điện cổ nhất Đông Nam Á
Ngọn hải đăng Mũi Điện cổ nhất Đông Nam Á

Trên “lưng rùa” Mũi Điện có ngọn Hải đăng (Hải đăng Đại Lãnh) cổ nhất Đông Nam Á - một trong 45 đèn biển cấp một quốc gia, được người Pháp xây năm 1890, gồm khối nhà cao 5 m với diện tích 320 m 2, dưới nền nhà có bể ngầm chứa nước mưa, trần nhà đặt hệ thống pin mặt trời cung cấp năng lượng để chiếu sáng hải đăng và điện sinh hoạt. Tháp đèn hải đăng cao 26,5 m so với nền tòa nhà và cao 110 m so mặt nước biển, và có thể phát tín hiệu ánh sáng đi xa 27 hải lý.
 
Biển chính là lợi thế của Phú Yên để phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản, mà nay cũng được khai thác du lịch. Hấp dẫn nhất là những chuyến câu mực trên vịnh Xuân Đài hay vịnh Vũng Rô, tắm biển ở những bãi tắm được vây kín bởi núi đá cao, bãi cát trắng trải rộng, còn giữ nguyên nét đẹp hoang sơ. Đặc biệt, Bãi Môn là bãi tắm dài rộng nhất, nằm kẹp giữa hai ngọn núi tạo thành hình cánh cung, độ dốc thoai thoải. Bãi Môn có khe suối nước ngọt chảy từ khu rừng nguyên sinh Đèo Cả ngang qua bãi tắm trước khi đổ ra biển, cùng với những viên đá khổng lồ khiến phong cảnh Bãi Môn vô cùng quyến rũ.
 
Bãi Môn quyến rũ du khách
Bãi Môn quyến rũ du khách

Phú Yên đang sở hữu một hiện tượng kiến tạo địa chất mà chỉ có ở 4 nơi trên cả hành tinh - đó là Ghềnh Đá Đĩa (3 ghềnh đá khác là Giant’s Causeway - Ireland, Los Órganos - Tây Ban Nha và Fingal - Scotland). Do kết cấu địa chất đặc biệt, Ghềnh Đá Địa có muôn vàn các hòn đá tròn, ngũ giác, đa giác... xếp chồng lên nhau như những chồng đĩa lớn. Đây là hiện tượng dung nham nóng chảy phun trào từ miệng núi lửa và chảy dần qua lục địa, khi chạm đến nước biển, dung nham lập tức bị làm lạnh đông cứng lại, kết hợp với hiện tượng di ứng lực, khiến các khối nham thạch bị đông cứng rạn nứt đa chiều một cách tự nhiên nhưng lại vô cùng hoàn hảo. Ghềnh đá tại Phú Yên thuộc loại đá bazan có màu đen huyền và vàng sáng trải rộng ra biển, nhìn xa như một tổ ong thiên tạo khổng lồ.
 
Phú Yên còn có một ngôi nhà thờ Công giáo được xếp vào hàng lâu đời nhất ở Việt Nam là Nhà thờ Mằng Lăng, được xây dựng năm 1892. Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 5.000 m2, theo kiến trúc Gothic với nhiều hoa văn trang trí. Hai bên nhà thờ có hai lầu chuông, chính giữa là thập tự giá. Tất cả sơn màu xanh xám giản dị, hòa đồng với khung cảnh ruộng vườn cây lá. Trước sân còn có một khu hầm nhỏ được xây dựng kỳ công trong lòng một quả đồi giả. Bên trong hầm có nhiều điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về thánh Anre và là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của linh mục Alexandre de Rhodes - người khai sinh ra chữ quốc ngữ Việt Nam.
 
TIỂU VÂN