Nông sản muốn trở thành quà lưu niệm phải có giá trị sử dụng cao và gắn liền với du lịch canh nông.
Đóng hộp cà chua cocktail để bán cho du khách mang đi xa. Ảnh: G.T |
Định Farm (Phường 8, Đà Lạt) là một vườn nông sản không lớn do nông dân Nguyễn Định lập ra. Không am hiểu nhiều về quảng bá nông sản nhưng ông Định hy vọng nông sản của mình sẽ được nhiều người biết đến thông qua kênh du lịch. Và ông quyết định trồng giống dưa Nam Mỹ Pepino và giống Bullhorn (ớt sừng bò) có nguồn gốc từ Hà Lan khi còn rất ít người biết đến các giống nông sản này. “Nó tốt như bao nhiêu loại nông sản khác và nó lạ hơn bao nhiêu loài nông sản đang trồng ở Việt Nam. Tôi nghĩ, du khách sẽ tò mò”, ông Định phân tích. Ngay khi vườn nông sản của ông bắt đầu bói trái, ông Định đã dựng bảng hiệu mời du khách tham quan. Hơn cả điều ông mong đợi, dưa và ớt do ông trồng bán rất nhanh. Du khách mua chờ chín chứ không phải đợi chín mới mua. Ông Định tính toán kỹ: “Mình không có công nghệ sau thu hoạch tốt nên mình chọn loại nông sản không những đặc biệt mà còn có thể bảo quản lâu, dễ dàng”. Khu vườn của ông Định giờ như một cửa hàng nông sản nhỏ, du khách tới đó mua dưa, ớt và chụp hình lưu niệm. Ông đã làm nhãn rau để sau khi du khách mua xong thì chụp đưa lên trang cá nhân của mình khoe. Du khách Trần Hoàng Ly (TP Hồ Chí Minh) bảo: “Tôi không mua đồ lưu niệm nào trên đường du lịch cả, tôi dành tiền mua nông sản. Tôi chỉ chụp hình lưu niệm đăng facebook, còn nông sản đem về cho gia đình”.
Du khách mặc đồ bảo hộ cẩn thận trước khi tham quan khu vực sản xuất hồng sấy gió kiểu Nhật, đặc sản mới chỉ có ở Đà Lạt. Ảnh: G.T |
PGS.TS Lê Văn Kết, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, phụ trách các mảng đào tạo nông nghiệp và sinh học cho rằng, du lịch canh nông cần phân biệt hai câu chuyện. Thứ nhất, nông sản thành hàng lưu niệm; thứ hai, hàng lưu niệm bán theo những tour du lịch. Ở câu chuyện thứ nhất cần giải quyết câu chuyện công nghệ sau thu hoạch. Ở đây, hàng lưu niệm nông sản sẽ phát triển tỉ lệ thuận với độ phát triển của công nghệ sau thu hoạch với nhiều khâu: đóng gói, lưu trữ, công nghệ bảo quản... Nếu phát triển tốt công nghệ sau thu hoạch thì hàng nông sản với những chủng loại đặc biệt sẽ ra khỏi địa phận địa phương để bán ở những nơi du khách thăm Việt Nam nhiều như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. “Thử nghĩ xem, du khách có thú vị không khi được mua một hộp dâu đặc biệt made in Vietnam”. Tiếc là ở Đà Lạt và Việt Nam nói chung, công nghệ sau thu hoạch đang ở mức phát triển rất thấp cho nên quanh quẩn cũng chỉ có những loại nông sản bán được ở cấp độ quà lưu niệm như dâu tây và các chế phẩm từ atiso. Ở câu chuyện thứ hai, đòi hỏi phải có người xây dựng tour, tuyến giỏi để cho du khách có những trải nghiệm sản xuất, kèm theo là bán nông sản. Hai yếu tố này có mối quan hệ tương hỗ với nhau trong phát triển du lịch địa phương và ngành hàng nông sản đặc sản có tính chất quà lưu niệm.