Ðến Oslo - Na Uy, thành phố hòa bình

09:11, 23/11/2017

Oslo là thành phố cổ nhất của vùng bán đảo Scandinavia, được thành lập từ đầu thế kỷ XI, đến thế kỷ XIII trở thành thủ đô của Vương quốc Na Uy. Oslo ngày nay rộng khoảng 454 km2, nhưng chiếm hầu hết lại là đất rừng và vùng biển đảo (thuộc Bắc Ðại Tây Dương) bao quanh, với hàng chục đảo lớn nhỏ và nhiều vịnh (fjord) hẹp, vì vậy đã mang lại cho đô thị Oslo một cảnh quan xanh, hòa lẫn giữa thiên nhiên núi đồi và biển cả. Chúng tôi đến Oslo vào tháng 9, trời mùa Thu xanh trong và nắng ấm, nhưng nhiệt độ vẫn còn se lạnh, rất giống Ðà Lạt.

Oslo là thành phố cổ nhất của vùng bán đảo Scandinavia, được thành lập từ đầu thế kỷ XI, đến thế kỷ XIII trở thành thủ đô của Vương quốc Na Uy. Oslo ngày nay rộng khoảng 454 km2, nhưng chiếm hầu hết lại là đất rừng và vùng biển đảo (thuộc Bắc Ðại Tây Dương) bao quanh, với hàng chục đảo lớn nhỏ và nhiều vịnh (fjord) hẹp, vì vậy đã mang lại cho đô thị Oslo một cảnh quan xanh, hòa lẫn giữa thiên nhiên núi đồi và biển cả. Chúng tôi đến Oslo vào tháng 9, trời mùa Thu xanh trong và nắng ấm, nhưng nhiệt độ vẫn còn se lạnh, rất giống Ðà Lạt.


Tòa Thị chính độc đáo và khu bến cảng yên bình
 
Tham quan khu trung tâm chính của Oslo, nổi bật có Tòa Thị chính Radhuset, với màu nâu gạch ấn tượng. Công trình có khối đế vuông và 2 khối tháp chữ nhật, nhìn xa giống như 2 tòa tháp canh. Phía trên cao của một tòa tháp, mặt ngoài gắn một đồng hồ lớn, được vận hành cùng với tiếng chuông gióng lên mỗi khi kim ngắn chỉ đúng giờ. Mặt trước sảnh công trình, có chuỗi hồ nước chảy tràn từ cao xuống thấp, theo độ dốc của 2 đường đi bộ 2 bên dẫn vào đại sảnh… Ngôi nhà này trở nên nổi tiếng vì tại đây sẽ trao Giải Nobel Hòa Bình vào ngày 10 tháng 12 hàng năm (nên Oslo còn được mệnh danh là “Thành phố Hòa Bình”). Toàn bộ khu vực này cùng với khu bến cảng Aker Brygge phía trước, đã được cải tạo hoàn toàn từ những năm 1920, tạo thành khu trung tâm đô thị lịch sử, văn hóa và dịch vụ thương mại cao cấp nổi tiếng của vùng thành phố Oslo.
 

Khu đô thị bến cảng Aker Brygge nguyên là một khu nhà máy đóng tàu lớn nhất của Na Uy, hoạt động trong hơn 100 năm, đến năm 1982 thì ngưng hoạt động, được Chính quyền cho quy hoạch xây dựng lại thành một khu đô thị phức hợp, liên kết khu dân cư và phố thương mại sầm uất, sôi động suốt ngày đêm. Tại đây, hơn 60 cửa hàng được sắp xếp lại trong các nhà xưởng đóng tàu cũ, đã được cải tạo lại; cùng với các nhà hàng, quán bar, căn hộ chung cư cao cấp và những điểm tham quan du lịch. Các kiến trúc cũ, mới đan xen giữa các chất liệu gạch, đá, kính và kết cấu khung kim loại, hợp thành một bên là khu phố thị cao tầng, liền kề, tấp nập người qua lại; còn một bên là cảnh quan vịnh biển thơ mộng của bến cảng Oslo, với nhiều du thuyền, nhà hàng nổi sang trọng cập bến, tạo nét độc đáo riêng. 
 
Tôi rất tiếc là không được dừng lại để tham quan tòa nhà “Trung tâm Hòa Bình Nobel” trước khi bước vào khu vực bến cảng. Như nhiều du khách có ít thời gian, chúng tôi phải ưu tiên cho việc tham quan khu đô thị bến cảng, trước sức hút hấp dẫn của cuộc sống đô thị náo nhiệt đang diễn ra trước mặt. Sau này tôi mới hiểu, vì sao chỉ với một khu trung tâm này thôi, người ta ước tính có khoảng 12 triệu khách du lịch đến tham quan, ăn uống và mua sắm hàng năm - mặc dù Na Uy được xem là thành phố “đắt đỏ nhất hành tinh”. Thành công đó không thể thiếu vai trò của các nhà chiến lược và quy hoạch đô thị đã có tầm nhìn tốt, khi quyết định chuyển đổi công năng, hình hài và cả giá trị địa ốc… từ một khu đất công trình công nghiệp đóng tàu thành một khu đô thị hiện đại, nhưng không đánh mất nét đặc trưng của một bến thủy “trên bến dưới thuyền”. 
 

Tôi dạo quanh một vòng bến cảng, hòa nhập cùng người dân và du khách đang tản bộ, ngồi đọc sách, nghe nhạc, tắm nắng bên bờ vịnh biển. Trên cao, những con chim Hải âu bay lượn giữa bầu trời xanh với nhiều mây trắng nhẹ trôi. Thỉnh thoảng, một vài con đáp nhanh xuống mặt nước để bắt mồi, có con tự tin sà cánh đậu nhẹ bên cạnh con người đang ngồi thư giản, như đã là bạn với nhau từ lâu lắm. Nhìn quang cảnh và nếp sống ở đây thật là yên bình - trong một đất nước hòa bình…   

 

Công viên tượng khỏa thân
 
Một trong những điểm tham quan du lịch không thể thiếu khi đến Oslo, là Công viên điêu khắc Vingeland (Vingeland Sculpture Park) - nhưng nhiều du khách vẫn thích gọi với tên “Công viên tượng khỏa thân”. Sở dĩ có tên gọi như vậy, vì đây là công viên điêu khắc lớn nhất và duy nhất trên thế giới, trưng bày bộ sưu tập độc đáo với 212 bức tượng đá-lớn-nhỏ ngoài trời, được khắc họa các dáng điệu của con người không mảnh vải che thân, từ lúc em bé đến khi về già. Nhiều hình tượng diễn đạt những cử chỉ mạnh mẽ, đầy sức sống; những trạng thái vui buồn của các giai đoạn một đời người… 
 
Công viên điêu khắc Vingeland
Công viên điêu khắc Vingeland

Đây là công viên do một Nhà điêu khắc hàng đầu của Na Uy là Gustav Vigeland sáng tạo và hiến tặng toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông cho Nhà nước. (Ông cũng là người thiết kế tấm Huy chương Nobel Hòa Bình được trao giải hàng năm). Công trình do chính quyền đầu tư bằng ngân sách, cùng một số nhà tài trợ, được xây dựng từ năm 1939, nhưng ông được giao trách nhiệm chính trong việc thiết kế và bố trí tượng, còn công việc tạc tượng từ các khối đá tảng do đội ngũ thợ thủ công lành nghề của Na Uy đảm nhận. Ông qua đời năm 74 tuổi (1869 - 1943), trước khi công viên được hoàn thành sau đó 3 năm, đến năm 1949 chính thức mở cửa đón khách (vào cửa tự do, không bán vé).
 
Công viên điêu khắc Vingeland rộng 32 ha, là một phần của Công viên Frogner - Oslo, được quy hoạch thiết kế giữa một cánh rừng tự nhiên, với địa hình đồi dốc thoải, bên cạnh một dòng sông. Công viên có chiều dài khoảng 853,44 mét (2.800 feet), bố cục ở giữa là một trục cảnh quan và 2 bên là lối đi rộng, được xử lý bằng các kè đá, lan can và bậc thang. Kết nối 2 tuyến giao thông này là các đường ngang, được điểm xuyết bằng các ô cỏ xanh mịn màng và những dải hoa đủ sắc màu. Nổi bật ở giữa là khu Đài phun nước (Fountain) và khu Tháp trụ (Monolith). Nếu đứng nhìn từ cổng vào, hoặc từ trên khu đồi tháp, sẽ thấy rõ ý đồ quy hoạch, tạo các tầng bậc theo chiều của địa hình, đan xen với những mảng cây xanh thấp tầng và một bao cảnh rừng xanh, làm nổi bật tông màu trắng đá của toàn công trình, với 2 công trình điểm nhấn là Đài phun nước và Tháp trụ vút thẳng trên nền trời xanh.
 
Đài phun nước là một bồn nước tròn, được đặt trên vai của một nhóm tượng với các tư thế khác nhau. Toàn bộ Đài phun là một khối đồng lớn, được đặt giữa một hồ nước vuông bên dưới, có khoảng 20 tượng đá đứng bao quanh trên cạnh hồ. Nước từ bồn tràn ra và rơi xuống hồ tạo thành tiếng thác nước reo duy nhất giữa không gian xanh ngút ngàn.
 

Ở 2 đầu công viên là quảng trường rộng lớn, nhìn thấy điểm nhấn ở giữa là một tượng đài chính trên đỉnh đồi, có tên là “Tháp người”. Điểm đặc biệt của tượng đài này là một khối đá tự nhiên, được tạc thành khối trụ tròn, cao 14 mét, với 121 hình thân người được xếp quyện vào nhau từ chân lên đỉnh trụ, thể hiện toàn bộ cơ thể con người (từ trẻ em, người già, phụ nữ và đàn ông) trong các trạng thái giao hòa tự nhiên nhất từ các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống của một đời người. Các tượng trong công viên không đề tên từng tác phẩm, tác giả như muốn mọi người tự suy nghĩ và liên tưởng theo cách riêng.       

Đà Lạt, 11/2017
TRẦN ÐỨC LỘC