Tuyến đường Ðà Lạt - Tà Nung - Nam Ban dài khoảng 30 cây số, là cung đường phượt thủ và Tây balô đi nhiều hơn khách du lịch đoàn, bởi đường tỉnh lộ 725 đa phần là đèo dốc, hoặc ngoằn ngoèo... Cũng trên cung đường ấy có những địa điểm mang tính khám phá mang đậm chất đặc trưng của con người và hoạt động sản xuất của vùng đất.
Tuyến đường Ðà Lạt - Tà Nung - Nam Ban dài khoảng 30 cây số, là cung đường phượt thủ và Tây balô đi nhiều hơn khách du lịch đoàn, bởi đường tỉnh lộ 725 đa phần là đèo dốc, hoặc ngoằn ngoèo... Cũng trên cung đường ấy có những địa điểm mang tính khám phá mang đậm chất đặc trưng của con người và hoạt động sản xuất của vùng đất.
|
Cường Hoàn với nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống Việt Nam thu hút du khách quốc tế. Ảnh: N.Q |
Tà Nung với thắng cảnh dân dã và người bản địa
Tà Nung là một xã vùng ven ở hướng tây của Đà Lạt. Cung đường từ Đà Lạt đến Tà Nung đi qua làng hoa Vạn Thành, với rất nhiều vườn hoa hồng, đồng tiền ngay sát bên đường. Con đèo Tà Nung vừa cao, vừa hẹp, vừa uốn lượn sẽ cho những vị khách đi lần đầu nhiều cảm xúc mạnh. Đây cũng là tuyến đường đi qua nhiều thắng cảnh gắn với đời sống dân dã của người nông dân Đà Lạt, nhưng - bắt người đi đường phải ngẩn ngơ. Đó là những vườn cà phê xanh mướt mùa này đang đỏ trái; là những vườn hoa hướng dương, hoa cải vàng, hoa tam giác mạch trắng; là những ngôi chùa, nhà thờ nhỏ và tĩnh lặng; là những ngọn núi phủ toàn thông hoặc cà phê bao bọc một vùng dân cư; là những con hồ thủy lợi vừa là cảnh quan vừa là nguồn nước tưới không bao giờ cạn cho vùng đất này quanh năm xanh tốt…
Tháng 11, Đà Lạt đang trở lạnh. Cung đường đèo Tà Nung sẽ khiến du khách phải xốn xang, ồ lên trầm trồ, háo hức - không phải là cái lạnh se sắt lúc ban sáng hay về chiều do đi qua quãng đường chỉ toàn rừng núi, vườn cây...; mà là bắt gặp một loài hoa dại rất đặc trưng của Đà Lạt ngay bên đường - hoa dã quỳ, cùng những trảng quỳ vàng phía núi xa như đang thả thêm sự tiếc nuối vào lòng người vì không thể đến được vùng hoa ấy.
|
Hoa dã quỳ nhìn từ điểm đến Thúy Thuận. Ảnh: N.Q |
Và nằm gọn trong vùng đất của hoa quỳ vàng và cà phê đỏ là nhà máy chế biến cà phê của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thúy Thuận - Đà Lạt, tại Thôn 1, xã Tà Nung. Công ty được thành lập từ năm 2013, nhưng vừa hoàn thiện cảnh quan và những hạng mục phục vụ du lịch, gồm khu vườn tùng bonsai với thác nước và suối nhân tạo chảy quanh vườn hoa có lầu vọng cảnh. Là nhà máy chế biến cà phê tươi, nhưng kỹ thuật xử lý nước thải hiện đại không lưu lại mùi hôi giữa cảnh sản xuất các dòng sản phẩm từ cà phê Arabica và Robusta. Đặc biệt, hệ thống taluy như trường thành tạo khuôn viên cho nhà máy và ngăn cách hồ xử lý nước thải, khu vực rác thải và vùng sản xuất - cũng là nơi phóng tầm mắt để nhìn toàn cảnh một vùng núi non đang rực rỡ sắc quỳ xen vào những vườn cà phê, dưới thung lũng là vườn rau, ruộng lúa…
Giữa đèo Tà Nung là Mê Linh Coffee Garden ở Thôn 4, xã Tà Nung có view rộng và những sảnh ngắm cảnh mở nằm bên trên vườn cà phê và có thể ngắm cảnh ở góc 360 độ, với phía trước là những vườn hoa hướng dương, hoa cải; phía sau là hồ đập Cam Ly rộng mênh mông; hai bên là vườn cà phê. Mê Linh Coffee Garden được cấp phép nuôi chồn để sản xuất cà phê chồn - một loại cà phê khác biệt rất kích thích người thưởng thức, nhưng không phải ai cũng có thể uống. Du khách đến đây thưởng thức cà phê, ngắm cảnh, vừa có thể đi dạo trong vườn, tham quan khu vực nuôi chồn, mua sắm hàng lưu niệm và tìm hiểu kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm…
|
Tìm hiểu về cà phê ở Mê Linh Coffee Garden. Ảnh: N.Q |
Về Nam Ban chạm vào văn hóa Hà thành
Đi hết đèo Tà Nung, du khách sẽ đến vùng đất được ví là Hà Nội thu nhỏ trên cao nguyên, với các khu dân cư mang theo tên gọi từ Thủ đô - cũng là quê hương yêu dấu của họ, như Ba Đình, Thăng Long, Đống Đa, Trưng Vương, Bạch Đằng, Từ Liêm, Đông Anh, Chi Lăng… Người dân Hà Nội vào vùng đất mới mang theo nghề truyền thống để làm ăn sinh sống.
Trong đó, có nghề ươm tơ, dệt lụa. Nổi bật ở Nam Ban là doanh nghiệp sản xuất Tơ - Lụa & dịch vụ du lịch Cường Hoàn (khu phố Trưng Vương, thị trấn Nam Ban). Được thành lập từ năm 1990, từ một cơ sở sở nhỏ chuyên thu mua kén của bà con nông dân và chế biến tơ, đến năm 2012, Cường Hoàn đã phát triển thành một doanh nghiệp sản xuất tơ lụa theo một quy trình khép kín từ ươm tơ, dệt lụa, tẩy nhuộm màu, may, thêu tranh lụa và các sản phẩm lưu niệm. Mỗi năm, Cường Hoàn đón khoảng 40 ngàn lượt khách - chủ yếu là khách quốc tế đến tìm hiểu một ngành nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam. Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở Lâm Đồng đang phát triển. Riêng Nam Ban, ngoài Cường Hoàn còn có nhiều cơ sở ươm tơ, dệt lụa khác, nhưng đang dừng ở mức độ một cơ sở sản xuất chứ chưa đủ cơ sở vật chất và hành lang an toàn theo quy định để đón du khách tham quan…
Một điểm đến rất mới khác ở Nam Ban là HTX Su Su Công Thành - cơ sở liên kết sản xuất - kinh doanh và dịch vụ du lịch với sản phẩm đặc trưng là các loại rau - củ - quả baby. Công Thành là HTX có 7 hộ thành viên và 16 hộ liên kết sản xuất trên 80 ha đất ở vùng Nam Ban, Nam Hà, Tân Hà, Đà Lạt... đang xây dựng lộ trình để đến năm 2018 sẽ đưa các hạng mục dịch vụ du lịch vào hoạt động và chính thức đón tiếp du khách. Điểm thú vị ở HTX Su Su Công Thành là không chỉ có su su, mà rất nhiều loại nông sản có kích thước nhỏ bé khác đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, như su su, bí, cà chua, củ cải đỏ, dưa leo, rau thủy canh… Câu chuyện về cái tên của HTX cũng như những dịch vụ du lịch gắn liền với loại hàng nông sản vừa phát triển đến non ngọt, đậm đà đã được thu hái; sâu chưa kịp làm tổ, vi khuẩn chưa kịp sinh sôi đã đến tay người tiêu dùng; cùng với những công thức chế biến rau ngon, sạch, bổ dưỡng sẽ sớm là điểm thu hút du khách…
Các điểm đến trên cung đường Tà Nung - Nam Ban đang là tuyến du lịch ngoại thành được lựa chọn nhiều nhất. Cùng với các điểm đến khác ở Tà Nung, Nam Ban, như cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Trà Atiso & Rượu Vang Vĩnh Tiến, trại nuôi dế cao sản, thác Voi, Chùa Linh Ẩn..., tuyến du lịch canh nông Tà Nung - Nam Ban đang góp phần làm phong phú thêm cho thương hiệu độc đáo “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
NHẬT QUÂN