Tượng đài

09:11, 09/11/2017

Trong chuyến đi chớp nhoáng từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng cho kịp giờ bay, tôi vẫn quyết định nhờ bác tài cho dừng chân, viếng thăm tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Tam Kỳ - thành phố tỉnh lỵ của Quảng Nam. Đó là lần đầu tiên đến, dù đã nghe khá nhiều thông tin đa chiều về quần thể tượng đài này, không thiếu những cụm từ nhiều cung bậc cảm xúc...

Trong chuyến đi chớp nhoáng từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng cho kịp giờ bay, tôi vẫn quyết định nhờ bác tài cho dừng chân, viếng thăm tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Tam Kỳ - thành phố tỉnh lỵ của Quảng Nam. Đó là lần đầu tiên đến, dù đã nghe khá nhiều thông tin đa chiều về quần thể tượng đài này, không thiếu những cụm từ nhiều cung bậc cảm xúc...
 
Công trình tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở Tam Kỳ, Quảng Ngãi
Công trình tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở Tam Kỳ, Quảng Nam
Tôi đã may mắn được đến một số bảo tàng lớn trên thế giới, ở châu Âu, châu Á và châu Phi; nhưng chưa lần nào cảm xúc đặc biệt trào dâng như khi đến thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, ngắm nghía, nghĩ suy, hồi tưởng về những hiện vật, gian trưng bày, xem những thước phim tư liệu mộc mạc, giản dị, chân chất mà vô giá...
 
Và thấy, tượng đài các mẹ, dẫu luôn khắc ghi, sâu đậm trong trái tim những thế hệ người Việt, nhưng vẫn cần thiết hiện diện một cách sừng sững, ý nghĩa... để nhiều người tận thấy, mặc cho các mẹ luôn âm thầm, nhẫn nại chịu đựng những mất mát, hy sinh không thể nào bù đắp!
 
Và nghĩ khác!
 
Tôi viết vội vã như vậy, và đăng kèm những tấm ảnh toàn cảnh tượng đài, hiện vật về cụm di tích lên Facebook. Những tấm ảnh về chiếc gậy, cái nồi, mâm nhôm, vòng đeo cổ, khăn quàng, áo... của các Mẹ Việt Nam anh hùng. Những bức ảnh về hũ gạo nuôi quân. Những bức ảnh chân dung các mẹ...
 
Trong số các ý kiến bình luận, có ý kiến của một đồng nghiệp tiền bối, đáng chia sẻ. Ý kiến rằng: “Rất xúc động! Tuy nhiên phải nói câu này: “Nếu một quốc gia còn nghèo, kinh tế chưa phát triển mà chi quá nhiều tiền vào làm tượng đài và bảo tàng thì đó chẳng khác nào một người say sưa với quá khứ mà ít quan tâm đến hiện tại và tương lai”. Tượng đài vĩ đại bền vững và ý nghĩa nhất là tượng dựng trong lòng người dân”. Và tôi trả lời: “Cảm ơn bác. Có nhiều cách tiếp cận, có những tượng đài, bảo tàng là thực sự cần thiết... Và có cả những cách kiếm tiền từ các công trình thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề ạ. Bản thân em khi chưa đến thăm, cũng có những suy nghĩ khác nhất định ạ...”. Anh đồng nghiệp tiếp mạch: “Anh có cảm giác rằng, chúng ta vội xây dựng những tượng đài vì sợ rằng con cháu chúng ta sẽ không nhớ và không xây nữa. Càng xây, chúng ta càng làm con cháu chóng quên và tượng đài trong lòng chúng càng chóng mai một”. Tôi trả lời dè dặt, trước những trăn trở, nghĩ suy của anh, vì muốn đất nước phát triển tốt đẹp, bền vững hơn. Rằng: “Có những tượng đài như vậy ạ. Có những suy nghĩ và thực tế như vậy ạ. Theo em nghĩ vậy. Nhưng với tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng thì không ạ...”. Và rồi anh kết luận: “Nhất trí với chú. Anh nghĩ, tượng đài về những người mẹ thì trong mỗi đứa con đã có sẵn rồi và Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thì dân tộc nào cũng cần phải dựng”...
 
Những sự sẻ chia, đồng cảm ấy tôi để chế độ mở. Như một cách hiểu hơn về cách tiếp cận về một vấn đề nào đó, như một sự góp tiếng nói bé nhỏ. Để bản thân mình luôn phải thấy và thấu hiểu rằng, quá khứ, để tận thấy và trân trọng, dù chỉ là qua những thước phim, hiện vật sống động đầy tiếng nói, những câu chuyện kể... Chứ nhất quyết không phải là những sự nghe thiếu kiểm chứng, thậm chí chỉ vội vã hóng hớt, thoạt đọc đã bình luận, phê phán, lên án. 
 
Bởi, có những tượng đài, ngay cả khi đã được tạc trong lòng nhiều người (không phải tất cả), nhiều thế hệ tiếp nối nhau; nhưng vẫn cần những tượng đài có thể nhìn thấy thật sự được dựng lên. Để không chỉ là ghi dấu công ơn, nhắc nhớ lịch sử, giáo dục truyền thống... mà còn là điểm đến lịch sử đầy ý nghĩa, góp phần giúp tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
 
NGUYỄN TRI THỨC