Chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch

08:12, 14/12/2017

Từ năm 2016 đến nay, du lịch đang là một điểm sáng với sức bật mạnh mẽ trong bức tranh kinh tế - xã hội của nước ta. Trong tháng 11/2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 1,172.600 triệu lượt, tăng 14,4% so với tháng trước và tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 11 tháng năm 2017 ước đạt 11,645.800 triệu lượt khách, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Từ năm 2016 đến nay, du lịch đang là một điểm sáng với sức bật mạnh mẽ trong bức tranh kinh tế - xã hội của nước ta. Trong tháng 11/2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 1,172.600 triệu lượt, tăng 14,4% so với tháng trước và tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 11 tháng năm 2017 ước đạt 11,645.800 triệu lượt khách, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Năm 2016, theo Bộ VH, TT và DL: Ngành Du lịch Việt Nam đóng góp trực tiếp 6,6% GDP. Về giá trị tuyệt đối, đóng góp của ngành xếp hạng 40 trên thế giới; tạo ra 750.000 việc làm trực tiếp trong tổng số 2,25 triệu việc làm liên quan. Với sự bứt phá, phát triển trong những năm gần đây, hiện cả nước có 1.555 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng gần 1,7 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trung bình đạt 11%/năm. Tuy đã khởi sắc nhưng có nhiều lý do khiến ngành du lịch chưa thể tăng tốc, chưa trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Một trong những nguyên nhân chính là do thực trạng nguồn nhân lực còn đang ở tình trạng vừa thiếu về số lượng và vừa yếu về chất lượng. Đến tháng 8/2016 trong cả nước có 99.631 lao động làm việc trong các cơ sở lưu trú du lịch; trong đó, số lao động thường xuyên chiếm tỷ lệ 88,81%. Lao động có trình độ trên đại học chỉ chiếm 1,35%; lao động có trình độ đại học và cao đẳng mới chiếm 17,89%; còn lại chủ yếu là lao động có trình độ trung cấp, sơ cấp và lao động phổ thông. Lao động được đào tạo chính quy chuyên ngành du lịch làm việc trực tiếp trong các cơ sở lưu trú du lịch còn thấp, chỉ chiếm 21,82%. Theo dự báo của ngành du lịch, đến năm 2020 cả nước thiếu khoảng gần 600.000 nhân lực được đào tạo chất lượng tốt. Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng và có thế mạnh của địa phương, thời gian qua, Lâm Đồng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nên ngành Du lịch của tỉnh có bước phát triển khá toàn diện. Lượng khách du lịch tăng đều qua các năm với tốc độ tăng trưởng bình quân 9,65%/năm. Ngành du lịch đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Năm 2017, ước toàn tỉnh thu hút 5,9 triệu lượt khách du lịch, bằng 100,85% KH, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó, khách đăng ký qua lưu trú 4 triệu lượt, bằng 102,6% KH, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, du lịch Lâm Đồng vẫn còn một số hạn chế như: chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, chưa khẳng định được vị trí quan trọng, nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam; lượng khách tăng trưởng qua các năm nhưng tỷ lệ khách quốc tế còn thấp… Cũng như tình trạng chung của ngành Du lịch Việt Nam, chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Lâm Đồng đang còn nhiều bất cập, yếu kém cần sớm khắc phục. 
 
Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 16/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2010, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đã xác định mục tiêu chung. Trong đó, đáng chú ý là: Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh; xây dựng Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, là điểm đến “An toàn - Thân thiện”… Để đạt mục tiêu này, ngành Du lịch Lâm Đồng không thể không quan tâm công tác đào tạo, sử dụng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 
 
Theo đó, ngành phải tiếp tục bám sát và triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 07-NQ/TU đã đề ra: Xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng, số lượng. Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ lao động ngành dịch vụ du lịch; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu du lịch và hội nhập quốc tế. Vận động, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp tục đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ trên tất cả các lĩnh vực của ngành du lịch. Ngoài ra, phải chủ động hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục, đào tạo có uy tín, thương hiệu trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế trong việc thực hiện chiến lược xây dựng Lâm Đồng trở thành một trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước, trong đó có nguồn nhân lực ngành dịch vụ du lịch. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho lao động lĩnh vực: du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm, lao động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tiềm năng phát triển du lịch. 
 
Trên cơ sở đó, ngành Du lịch Lâm Đồng phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu đến năm 2020 thu hút khoảng 13.000 lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch dịch vụ; trong đó, có 80% lao động trực tiếp qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ. Có tích cực chuyển động trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành du lịch mới thực hiện tốt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng tỷ trọng lên 35% trong GRDP của tỉnh.
 
LAN HỒ